QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:45 (GMT+7)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh

Thủ đô Hà Nội vinh dự và tự hào "là trái tim của cả nước, đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế"1. Trên địa bàn Hà Nội, hiện có 1017 cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài; trong đó đặc biệt quan trọng như: 56 sứ quán, 19 văn phòng của các tổ chức quốc tế lớn, 18 cơ quan đại diện kinh tế cấp khu vực. Ngay năm 2006 này, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; đang tích cực chuẩn bị phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị Thượng đỉnh APEC, tháng 11.

Do vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã xác định quan điểm chỉ đạo: " Phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân".
Theo đó, ngay trong 5 năm đầu của thế kỷ - thiên kỷ mới 2001-2005, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; được các Bộ, Ngành tích cực phối hợp, giúp đỡ; các tỉnh, thành phố bạn liên kết, ủng hộ; sự nghiệp phát triển Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện. GDP tăng bình quân 11,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo xu thế hiện đại hoá. Công nghiệp và Dịch vụ tăng trưởng nhanh. Chất lượng, trình độ các ngành kinh tế được nâng lên. Hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện. Nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng chăn nuôi, các ngành hàng có chất lượng và giá trị cao. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2005 tăng gấp gần 1,5 lần năm 2000 (52,6 triệu đồng/ 36,4 triệu đồng).
           
1- Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị (khóaVIII).
Xây dựng và quản lý đô thị có bước phát triển mới. Song song với cải tạo dần các khu phố cũ, nhà cũ, Thành phố đã và đang xây dựng 40 khu đô thị mới. Tổng diện tích nhà ở mới xây trong 5 năm đạt hơn 6 triệu m2; đạt mức nhà ở bình quân 7,5m2 / người. Triển khai xây dựng nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng. Phục hồi vận tải xe buýt, được nhân dân đồng tình chấp nhận. Lượng hành khách năm 2005 (hơn 300 triệu người) so với năm 2000 (12 triệu người) tăng gấp 25 lần.  Hệ thống thông tin liên lạc phát triển mạnh theo hướng hiện đại. Năm 2005 đạt bình quân 41 máy điện thoại/ 100 dân; 16% dân số tiếp cận sử dụng Internet. 
Văn hoá - xã hội có tiến bộ. Xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Triển khai tích cực cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Giáo dục - đào tạo có những bước phát triển mới. Sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân, y tế cơ sở và y tế chuyên sâu đều phát triển. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao được đẩy mạnh. Hà Nội đã đóng góp xuất sắc vào thành tích quốc gia trong SEA GAMES 22 và ASEAN PARAGAMES 2 lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, năm 2003.
Đi đôi với các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, mặt trận an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, tăng cường. Các cuộc diễn tập, luyện tập phương án tác chiến, giải quyết các tình huống an ninh, quốc phòng được tổ chức chu đáo, nghiêm túc, đạt kết quả tốt. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực. Lực lượng vũ trang Thủ đô ngày càng trưởng thành, vững vàng về chính trị, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, gắn bó với nhân dân, đoàn kết thống nhất. Lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, bảo vệ dân phố, dân phòng được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chuyển sang giai đoạn mới (2006-2010), thực hiện phương hướng hành động của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển",  Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV đã nêu cao tinh thần: "Đổi mới - Trí tuệ - Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết! ", với phương hướng hành động: "Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và thành tựu đổi mới, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".
Theo phương hướng đó, về phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương tập trung nâng cao tốc độ tăng trưởng, chất lượng phát triển bền vững. Tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 11- 12 %; phấn đấu quyết liệt đạt trên 12%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp một cách vững chắc. Ưu tiên tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao của cả nước; trước hết là các ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, ... Về công nghiệp, phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, an toàn môi trường, giá trị gia tăng cao. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn; đồng thời có giải pháp thoả đáng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính năng động cao, thu hút nhiều lao động. Về nông nghiệp, quy hoạch ổn định các vùng sản xuất, thực hiện kết hợp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hình thành vành đai xanh hài hoà với phát triển đô thị. Xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới lồng ghép nông nghiệp sinh thái - làng nghề - du lịch - văn hoá bản địa.
Về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, ưu tiên hoàn chỉnh đồng bộ quy hoạch phát triển Hà Nội, gắn với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Coi trọng phát triển thành phố hai bên sông. Tiếp tục xây dựng các khu đô thị mới, đồng bộ, hiện đại. Đầu tư, xây dựng đồng bộ các loại hình giao thông, trọng tâm là hệ thống đường bộ. Tập trung xây dựng các trục giao thông chính. Hoàn thành cơ bản đường vành đai 1, vành đai 2,5 (vùng giữa vành đai 2 và 3), thông tuyến vành đai 2 và 3 nối sang phía Bắc sông Hồng, một số tuyến hướng tâm, các nút giao thông chính (Ngã Tư Sở, Kim Liên, Cầu Giấy, Bưởi,...). Phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Sắp xếp hợp lý các tuyến phố kinh doanh. Cải tạo hệ thống chợ, thuận tiện cho giao thương giữa các tỉnh với Hà Nội, thuận tiện cho mua bán của nhân dân nội đô.
Đi đôi với đầu tư xây dựng vật chất, hết sức coi trọng thoả mãn các nhu cầu phát triển văn hoá, tinh thần. Ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân từ tuyến cơ sở đến các tuyến y tế chuyên sâu, chất lượng cao. Tổ chức tập luyện thể dục, thể thao quần chúng rộng khắp, đồng thời đầu tư thích đáng thể thao thành tích cao, tạo mối liên thông hợp lý, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những phẩm chất cơ bản: yêu nước; trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; thanh lịch, văn minh, trung thực; tự trọng, nghĩa tình, có trí thức, năng động, sáng tạo; thích ứng với yêu cầu của cơ chế thị trường, tiêu biểu cho phong cách lao động mới; có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ đô Hà Nội rất coi trọng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vứng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân. Nâng cao tiềm lực công tác quốc phòng Thủ đô. Phổ biến, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng trong tình hình mới. Thực hiện tốt đề án Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Thủ đô. Xây dựng Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc. Quan tâm xây dựng, quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng, công trình phòng thủ dân sự. Thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Xây dựng bộ đội thường trực Hà Nội cách mạng, trí tuệ, sáng tạo, văn hoá, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đảm bảo lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên đủ về số lượng, chất lượng, được trang bị và bồi dưỡng huấn luyện tốt, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ về quốc phòng và hậu phương quân đội. Động viên toàn dân, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội chung sức chăm lo sự nghiệp quốc phòng.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp thật sự công tâm, giỏi nghiệp vụ. Xây dựng lực lượng công an nhân dân Thủ đô cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước; gắn bó mật thiết với nhân dân; phối hợp chặt chẽ với quân đội. Đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Phối hợp với các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố bạn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giai đoạn mới, nhiều cơ hội mới, thách thức mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; được sự phối hợp, giúp đỡ thường xuyên của các Bộ, Ngành;  các tỉnh, thành phố bạn nhiệt tình hợp tác, ủng hộ; toàn Đảng bộ, toàn dân, các lực lượng vũ trang Hà Nội đoàn kết thống nhất, hăng hái thực thi nhiệm vụ; tin tưởng Thủ đô Hà Nội nhất định thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với  tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ cuộc sống an bình của nhân dân, góp phần xứng đáng giữ gìn an ninh Tổ quốc.
 
Nguyễn Quốc Triệu
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
 

Ý kiến bạn đọc (0)