QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:06 (GMT+7)
Hà Giang thực hiện có hiệu quả Nghị định 119/CP của Chính phủ về công tác quốc phòng địa phương

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đoàn kết,  vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; trong đó, Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Nghị định 119/CP của Chính phủ về công tác quốc phòng địa phương (QPĐP), thể hiện trên các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) được Tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, nhất là Nghị định 119/CP của Chính phủ và các văn bản về công tác GDQP-AN, Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ công tác GDQP-AN ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở. Hội đồng GDQP-AN Tỉnh, 11 huyện, thị và 195 Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự cấp xã kiêm nhiệm công tác GDQP-AN được củng cố, kiện toàn, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đúng thành phần. Các Hội đồng đều xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp thực hiện có hiệu quả công tác GDQP-AN.

Đối tượng GDQP-AN của Tỉnh có số lượng lớn, phân bố trên địa bàn rộng, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; vì vậy, Tỉnh chú trọng thực hiện tốt công tác GDQP-AN toàn dân. Các địa phương, cơ sở đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, biện pháp, như: thông qua các lễ hội truyền thống, sinh hoạt cộng đồng, phong tục, tập quán của các dân tộc; hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình Trung ương và địa phương),... để thực hiện tuyên truyền, GDQP-AN toàn dân. Đặc biệt, các địa phương, cơ sở đã phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ, các dân tộc để tuyên truyền, giáo dục, nhất là ở những cơ sở có nhiều khó khăn, có những vấn đề nổi cộm tác động tới tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. 

Trong công tác GDQP-AN, Tỉnh xác định, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm; đến nay, 83,33% đối tượng 1, 84,14% đối tượng 2 và trên 80% đối tượng 3,4,5 đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định. Tỉnh còn chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ việc học rải theo chư­ơng trình môn GDQP-AN tại 32 trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, trung cấp dạy nghề cho 16.975 học sinh, sinh viên. Để đảm bảo đủ giáo viên GDQP-AN, Hà Giang tổ chức đào tạo và gửi đi đào tạo 120 lượt giáo viên; hằng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này.

Hai là, đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đối ngoại với tăng cường củng cố QP-AN, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện (VMTD). Thực hiện chủ trương phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm, tăng cường củng cố QP-AN là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, những năm qua, Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày càng có hiệu quả sự kết hợp này. Năm 2008, tốc độ tăng trư­ởng kinh tế của Tỉnh đạt 12,05%, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ ngày càng tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28,5% (riêng thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên số hộ nghèo đã giảm xuống dưới 4%), đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện,... Hệ thống giao thông của Tỉnh được xây dựng, cải tạo, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm và nhiều trục đường ra tuyến biên giới; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 97,5%, truyền hình đạt 90%; thực hiện tốt chương trình quân-dân y kết hợp, xây dựng các cơ sở y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân,... vừa phục vụ cho phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, vừa đảm bảo cho nhiệm vụ QP-AN cả thời bình và khi có chiến tranh xảy ra.

Tỉnh coi trọng xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn VMTD, bằng các biện pháp phù hợp, như: tạo nguồn cán bộ thông qua tuyển quân, tuyển sinh quân sự; thực hiện việc luân chuyển cán bộ cơ quan huyện, Tỉnh, qua đó để cán bộ nắm vững tình hình thực tế và giúp đỡ cơ sở. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo cơ sở. Hà Giang thực hiện tốt việc đưa cán bộ Bộ đội Biên phòng xuống các xã biên giới đảm nhiệm chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ để tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các xã biên giới. Các tổ chức đảng thường xuyên coi trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là trong lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV); hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 26%. Nhờ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, đến nay 100% thôn, bản của Tỉnh đã thành lập chi bộ, nhiều chi bộ đã có chi uỷ; các tổ chức quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh...) được tổ chức chặt chẽ và hoạt động đạt hiệu quả thiết thực hơn.

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương vững mạnh; xây dựng KVPT Tỉnh, huyện vững chắc. Hà Giang thường xuyên coi trọng xây dựng LLVT địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao; trong đó, tập trung nâng cao năng lực làm tham mưu của cơ quan quân sự cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp trong thực hiện công tác QPĐP. Việc đăng ký, tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ của Tỉnh được thực hiện có nền nếp, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có số lượng phù hợp, chất lượng chính trị ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo Chỉ huy trưởng Quân sự xã (phường, thị trấn) đạt kết quả tốt, được gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, tuyển chọn đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ quân sự ở cơ sở. Đáng chú ý là, chương trình giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự cho LLVT địa phương được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thực hiện quy định của Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn động viên tổ chức, sắp xếp quân nhân dự bị các đơn vị DBĐV bảo đảm chất lượng, số lượng theo chỉ tiêu được giao; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; công tác động viên phương tiện kỹ thuật có chuyển biến tiến bộ.

Các lực lượng (Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng) đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp theo Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ giao ban ba lực lượng (cấp Tỉnh, giao ban hằng quý; cấp huyện, giao ban hằng tháng), do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp chủ trì. Sự phối hợp này đã thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và đề cao vai trò của từng lực lượng trong nắm tình hình, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng ở các địa phương.

Bộ đội Biên phòng đã phát huy vai trò tham mưu cho Tỉnh, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, trong đấu tranh bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới; hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc tuyến biên giới với Trung Quốc, quản lý có hiệu quả dự án của Tỉnh về phát triển KT-XH ở vùng biên giới; đồng thời, cũng là lực lượng thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở VMTD, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 2008, Hà Giang đã tổ chức diễn tập KVPT Tỉnh, được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hằng năm, Tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các huyện, thị xã, thị trấn, nhất là các địa bàn trọng điểm tổ chức diễn tập KVPT, diễn tập chiến đấu trị an, phòng chống bão, lụt, tìm kiếm, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng và luyện tập chỉ huy tham mưu của cơ quan quân sự các cấp đạt kết quả tốt. Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân của Tỉnh đã xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng tránh, sơ tán bảo toàn lực lượng khi có chiến tranh xảy ra; tổ chức hệ thống đài quan sát, nắm các hoạt động trên không để báo cáo, thông báo cho các lực lượng có liên quan xử lý kịp thời.

Bốn là, tăng cường xây dựng tiềm lực QPĐP, sẵn sàng động viên nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QPĐP trong mọi tình huống. Tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH; trong đó, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành gắn với QP-AN, nhất là thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, kết hợp với xây dựng lực lượng và thế trận của KVPT. Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị của Tỉnh xây dựng, phát triển ngành, địa phương gắn với củng cố QP-AN theo một kế hoạch thống nhất. Các khu kinh tế-quốc phòng của Tỉnh được triển khai xây dựng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường tiềm lực thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở các cấp. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới, Nghị định 152/2007/NĐ-CP của chính phủ về KVPT, Nghị định 116/2006 về động viên quốc phòng, Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung quyết tâm phòng thủ, xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh (kế hoạch B) của các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể theo Chỉ thị số 12/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, bảo đảm cho việc phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu củng cố QP-AN của địa phương cả trong thời bình và thời chiến.

Năm là, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, bảo đảm hậu cần tại chỗ và bảo đảm ngân sách cho công tác QPĐP. Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần tại chỗ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QPĐP, xây dựng KVPT của Tỉnh và các huyện, thị xã; đầu tư ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH, kết hợp với bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN; ưu tiên đảm bảo ngân sách cho huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của LLVT Tỉnh. Ban Hậu cần Nhân dân, Hậu cần Địa phương ở 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) thường xuyên được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Trên cơ sở nguồn ngân sách QPĐP được phân bổ, Tỉnh chú trọng bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng cơ quan quân sự địa phương và cho công tác huấn luyện, hoạt động của LLVT địa phương các cấp, bảo đảm theo quy định của Pháp lệnh DQTV, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV. Công tác đảm bảo chính sách hậu phương quân đội, chăm lo cải thiện đời sống cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, bố trí việc làm cho quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự... được Tỉnh coi trọng, thực hiện đúng chế độ, chính sách.

Là địa phương kinh tế chưa phát triển, còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả công tác QPĐP, được Bộ đánh giá đạt loại giỏi. Đây là cơ sở quan trọng để Tỉnh tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo vệ toàn vẹn vùng đất địa đầu biên cương của Tổ quốc.

Đại tá, TS. HOÀNG VĂN VƯƠNG

Phó Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)