QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:51 (GMT+7)
Góp phần nhận thức vấn đề dân chủ ngày nay ở nước ta

Việc đánh giá thực trạng dân chủ ở nước ta hiện nay và việc đề xuất nguyên nhân, giải pháp khắc phục những hạn chế, tiếp tục hoàn thiện chế độ dân chủ, đang có ý kiến khác nhau trong xã hội. Điều nầy có ảnh hưởng đến việc phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, có lợi cho kẻ thù chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Do vậy, việc nhận thức thống nhất, đúng đắn vấn đề dân chủ ngày nay của nước ta, là một vấn đề cần thiết.

Dân chủ không đồng nhất với các quyền tự do hiểu theo nghĩa thuần tuý. Chính xác thì các quyền tự do là biểu hiện của mỗi nền dân chủ, cùng với những quyền đó còn có các nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; hơn nữa, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm đó lại do bản chất chính trị-xã hội (quan hệ giai cấp và đặc điểm dân tộc) của mỗi nền dân chủ quyết định. Ngoài ra, thực thi các quyền và nghĩa vụ ở mỗi quốc gia còn phụ thuộc vào trình độ dân trí.                         
Với khái niệm như  vậy, chế độ dân chủ là chế độ xã hội, đối lập với chế độ chuyên chế, ra đời từ Cổ Hy lạp. Trong tiến trình phát triển của nhân loại: chế độ dân chủ tư sản phủ định chế độ chuyên chế phong kiến cũng xác định chế độ dân chủ là “chế độ chính trị trong đó nhân dân thực hiện chủ quyền của mình không thông qua cơ quan trung gian (gọi là dân chủ trực tiếp), hoặc bằng dân chủ đại diện”. “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ và “Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền” của Pháp khẳng định nội dung của chế độ dân chủ, phản ánh bước phát triển cách mạng của văn minh nhân loại về phương diện xã hội. Chế độ dân chủ XHCN, mà V.I. Lê-nin dự báo “dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản”là sự kế tục giá trị đó từ nền dân chủ tư sản, phát triển lên trên cơ sở chính trị-xã hội mới.
Hiện thân tổ chức của chế độ dân chủ là Nhà nước pháp quyền. Pháp luật là công cụ chủ yếu kết hợp với đạo lý của mỗi quốc gia - dân tộc để Nhà nước quản lý và nhân dân tự điều chỉnh trong thực thi quyền và nghĩa vụ công dân, trong khuôn khổ chính trị-xã hội nhất định.  
           
Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước đây cũng như Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đương nhiên vẫn tuân thủ các quyền cơ bản của con người: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và các nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như bất cứ quốc gia dân chủ nào khác. Các quyền và nghĩa vụ như thế được ghi trong Hiến pháp từ Hiến pháp đầu tiên (1946) đến Hiến pháp hiện hành (1992) và đã được cụ thể hoá bằng nhiều đạo luật và pháp lệnh. Do cơ sở chính trị-xã hội của nền dân chủ nước ta khác về bản chất với nền dân chủ tư sản nên không mang tính biệt phái giai cấp của giai cấp thống trị. Đó là nền dân chủ của cả cộng đồng nhân dân, của toàn dân tộc, bởi ở nước ta “dân làm chủ”, “mọi quyền hành, mọi lực lượng đều ở nơi dân”1, mang dấu ấn đạo lý truyền thống dân tộc và cách mạng Việt Nam.  Việc xác nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với dân tộc, với toàn xã hội trong Điều 4 Hiến pháp là xác nhận Đảng, với hệ tư tưởng cách mạng và khoa học - chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh  (hệ tư tưởng vạch ra mục tiêu và phương pháp cơ bản, kim chỉ nam cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, đã soi sáng cho nhân dân ta từng bước thực hiện khát vọng đó) - là xác nhận Đảng là bộ tham mưu, đội tiên phong của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của mình, chứ không phải ưu tiên lợi ích bộ phận cho Đảng trên xã hội hoặc cho riêng giai cấp công nhân. Đảng không có lợi ích riêng nào khác ngoài lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói. Hoạt động của Đảng và đảng viên đều phải tuân thủ pháp luật.
60 năm sống, lao động, chiến đấu dưới chính quyền do mình giành được và xây dựng nên, đại đa số nhân dân ta đều cảm nhận được tính ưu việt của chế độ dân chủ mới. Với cách nhìn biện chứng thì tinh thần tự nguyện, tự giác làm nghĩa vụ công dân trong kháng chiến cũng như trong hoà bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không tách rời với kết quả thực thi các quyền tự do, dân chủ, bởi quyền và nghĩa vụ của công dân gắn với nhau như hai mặt của tấm huy chương. Khi thực hiện nghĩa vụ của mình với tinh thần tự nguyện, tự giác là người dân đã tự cổ vũ từ động lực tinh thần về quyền làm chủ xã hội của mình.
Ngày nay, nhân dân ta không ấu trĩ lấy bề mặt tự do, dân chủ ở các nước phương Tây để đánh giá thấp nền dân chủ của nước nhà. Ai cũng hiểu được rằng ở các nước tư bản, dù giai cấp tư sản có điều chỉnh chính sách trước các cuộc đấu tranh cho dân sinh, dân chủ thì cũng không có bình đẳng, công bằng thật sự đối với các giai cấp, tầng lớp lao động.
 Nhân dân ta đại đa số cũng không ảo tưởng kỳ vọng ở hoàn thiện chế độ dân chủ của nước ta bằng một chế độ “đa nguyên”nào đó, bởi “nhất nguyên” vẫn tập hợp được toàn dân với đầy đủ các thành phần dân tộc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các tôn giáo thống nhất lợi ích cơ bản trong thực hiện mục tiêu cách mạng vì độc lập, thống nhất dân tộc, vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, giữ vững truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ổn định chính trị của đất nước. Việc đề xướng và  lãnh đạo quá trình đổi mới đất nước từ đổi mới tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là nhằm mục đích đó. Thành tựu 20 năm đổi mới là những minh chứng lịch sử, không những chỉ nhân dân ta tự nhận thấy mà nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nhiều người nước ngoài cũng thừa nhận. Trong lúc đó, kinh nghiệm quốc tế đã cho nhân dân ta thấy sự vội vàng trong cải cách, cải tổ, gây ảo tưởng cho nhân dân về khẩu hiệu “để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn”đã dẫn đến sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Còn chế độ đa nguyên, đa đảng đưa ra thử nghiệm để “dân chủ hoá” ở một số nước, đang bộc lộ nhãn tiền sự rối loạn xã hội, tạo ra ly khai, chia rẽ dân tộc, xung đột, nội chiến, mà phần lớn không tránh khỏi sự tác động của các thế lực xâm lược, phản động bên ngoài. Một số nhà lãnh đạo các quốc gia trong bối cảnh đó đã rút ra kết luận tối quan trọng là: rốt cuộc, đối với đại đa số dân chúng, đổi màu không đổi được số phận, để đấu tranh tránh nguy cơ cho đất nước mình2.
           
Hơn nữa, nhân dân ta mong muốn hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, không để đất nước rơi vào thảm hoạ nên rất cảnh giác, không khỏi hoài nghi về động cơ, “tài năng” và “đức độ” của một số người chủ đề án “dân chủ hoá”, tự xưng là “những đệ nhất, đệ nhị anh hùng” đấu tranh cho tự do dân chủ, nhưng lại coi sự hy sinh chiến đấu cho dộc lập, tự do của cả dân tộc trong các cuộc kháng chiến là vô ích, bao che cho tội ác của kẻ thù của nhân dân, hằn học quy tội cho Đảng Cộng sản và đồng loã với các thế lực phản động quốc tế vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Đúng là xã hội ta đang tồn tại những tiêu cực chưa yên lòng dân như bệnh quan liêu, cửa quyền trong các tổ chức các cấp của hệ thỗng chính trị; nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện còn không ít khiếm khuyết; phong cách lãnh đạo, quản lý thiên về hành chính, nặng về áp đăt nhưng cũng lại thiếu quyết đoán, thậm chí trì trệ, khiến đây đó xuất hiện hiện tượng vô chính phủ, hành động trái pháp luật; chưa tạo được phong cách phổ biến trong các cấp lãnh đạo, quản lý sẵn sàng nghe những “nghịch nhĩ”, có khi ứng xử không đạt lý thấu tình, vội vàng quy kết cho là“thiếu thiện chí”...Nhưng những khuyết điểm như thế không phải bắt nguồn từ bản chất chế độ mà nhân dân ta đã chọn, cũng không phải vì sự độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nguyên nhân chủ yếu, theo chúng tôi là do hoàn cảnh lúc chính quyền còn non trẻ phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, tiếp theo là cuộc kháng chiến lâu dài 30 năm, quy luật chiến tranh chi phối và về sau còn do quan niệm một chiều dân chủ là kết quả tự nhiên và tất yếu của quá trình cải tạo và xây dựng xã hội, nên vấn đề dân chủ không được đặt thành một mục tiêu chiến lược tương đối độc lập trong tổng thể mục tiêu chiến lược cách mạng. Tuy, các quyền tự do dân chủ dưới chính thể mới được áp dụng rộng rãi cùng với đấu tranh chống tệ quan liêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo về những “ông quan cách mạng”, nhưng vì không sớm nêu thành mục tiêu riêng nên thiếu căn cứ để chỉ đạo tập trung, thống nhất về nội dung, tiến trình, giải pháp, trong khi thực trạng con người Việt Nam, do lịch sử để lại, với tâm lý xã hội của giai cấp tiểu nông bị phong kiến, thực dân thống trị, kể cả đảng viên, cán bộ tuy có giá trị "dân chủ nông dân", vẫn mang trong tư tưởng và nếp sống những nét tiêu cực cản trở đối với xây dựng nền dân chủ mới.  Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng  mới đưa dân chủ vào mục tiêu chung của cách mạng, tiếp theo đó khẩn trương đẩy mạnh công tác lập pháp, xây dựng hệ thống các đạo luật, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính và xúc tiến triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cùng với khắc phục những khúc mắc trong thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” ở các cấp, các ngành, phát huy tích cực chức năng giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Sự chậm trễ đó cùng với sự  lơi lỏng nguyên tắc tự phê bình, phê bình và thiếu nghiêm túc đối với nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị nói chung, đã là điều kiện thuận lợi nhân lên số người có chức có quyền thoái hoá biến chất, làm nặng nề lên tình trạng thiếu dân chủ cả trong Đảng và trong toàn xã hội.
           
Hiện nay trong tiếp tục đường lối đổi mới, việc khắc phục khuyết điểm, hoàn thiện chế độ dân chủ, cần thấu triệt trong toàn hệ thống chính trị, trước hết là trong Đảng, Di huấn  của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”3. Trước mắt nên có cuộc tổng kết thực hiện mục tiêu dân chủ trên quy mô toàn quốc, thu thập ý kiến rộng rãi của toàn dân về những ưu, khuyết điểm và những đề xuất giải pháp mới nâng cao chất lượng thực thi các quyền tự do dân chủ, ý thức tuân thủ pháp luật và hoàn thiện thêm một bước cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. 
Trong chỉnh đốn Đảng và kiện toàn bộ máy Nhà nước, cùng với giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống như đề ra trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và Trung ương 7 (khoá VIII), phải thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ với nội dung hoàn chỉnh, đúng tinh thần cách mạng và khoa học vốn có của nguyên tắc đó. Trong nguyên tắc tập trung dân chủ không có sự đối lập giữa thảo luận, phê bình rộng rãi với thống nhất, tập trung. Để đạt đến thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động, không phải bằng quyền lực áp đặt của tổ chức hay cá nhân mà phải trên cơ sở phát huy rộng rãi dân chủ  bằng tự do thảo  luận và phê bình. V.I. Lê-nin đã nói: “Giai cấp vô sản không chấp nhận sự thống nhất hành động nếu không tự do thảo luận và phê bình”4. Mọi ý kiến đều được tôn trọng, dù là ý kiến  cá nhân, không đồng thuận. Dĩ nhiên tự do thảo luận và phê bình  không phải triền miên, vô thời hạn và không có kết luận. Đến thời điểm nhất định phải ra được quyết định để hành động, bởi Đảng không phải là một tổ chức nói suông. Quyết định đó phải theo ý kiến của đa số, mà thiểu số phải phục tùng, nếu không sẽ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong hành động, không thực hiện được yêu cầu “tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh phải như một người”. Theo tinh thần đó, chúng ta nói tự do dân chủ đi đôi kỷ cương, kỷ luật. Trong kết luận các cuộc tranh luận, thảo luận phải kiên quyết loại bỏ thái độ áp đặt ý kiến của người có quyền uy hoặc theo cách điều hoà, thỏa hiệp để làm vừa lòng những người có ý kiến khác nhau, mà phải dựa trên cơ sở những ý kiến đồng thuận của đa số, có cơ sở lý luận, thực tiễn, bám sát những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đưa ra được những giải pháp xử lý vấn đề phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân, trước hết là quần chúng nhân dân lao động.
 Nguyên tắc tập trung dân chủ còn xác định thái độ đối với ý kiến thiểu số. Sẽ là sai lầm nếu cho là thiếu dân chủ khi ý kiến của mình không hoặc chưa được đa số chấp nhận. Cũng sẽ sai lầm khi không hiểu được tính chất dân chủ trong quyền bảo lưu ý kiến. Với quyền này, người có ý kiến thiểu số được giữ ý kiến của mình để kiểm nghiệm trong thực tiễn. Nếu trong quá trình thực hiện quyết nghị theo đa số, thấy ý kiến của mình không đúng thì tự rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại tư duy; ngược lại, thấy đúng thì đề đạt lại với cơ quan có thẩm quyền xem xét. Mặt khác, tổ chức Đảng đã ra nghị quyết, vẫn tôn trọng ý kiến cá nhân thiểu số, nếu phát hiện qua thực tiễn, tính hợp lý của ý kiến đó thì thảo luận, tiếp thu để bổ sung, điều chỉnh, thậm chí thay đổi chủ trương. Đối với những vấn đề đang mâu thuẫn về luận cứ khoa học, tổ chức cũng như cá nhân người đề xuất còn phải nghiên cứu thì cần phải trải qua đối thoại, có thể nhiều lần, có khi phải thẩm định bằng hội đồng khoa học, chứ không vội vàng kết luận. Thực hiện đúng quyền bảo lưu ý kiến như thế sẽ ngăn ngừa được trạng thái tâm lý chung định kiến với người có ý kiến đối lập, người bảo vệ tích cực ý kiến cá nhân tranh luận trong tổ chức và thái độ mặc cảm bị cô lập, dẫn đến co thủ, ấm ức với tổ chức hoặc phát ngôn vô nguyên tắc, tán phát ý kiến riêng ra công luận, của người có ý kiến thiểu số.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi phong cách lãnh đạo của tổ chức Đảng và Chính quyền các cấp, trước hết là những người chủ trì phải thông thoáng, quang minh chính đại để tiếp thu phê bình và ý kiến đóng góp, đáp lại tâm huyết của đảng viên và quần chúng, chẳng những tích hợp được trí tuệ chung mà còn tạo sự đồng thuận, phát triển bầu không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Những tồn tại thiếu dân chủ có phần do thực hiện lệch lạc tinh thần của nguyên tắc này cũng đã gây hậu quả làm giảm sức mạnh chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng.
           
Vậy nên, tính đảng cao của người cộng sản là kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ theo đúng tinh thần cách mạng và khoa học của nguyên tắc đó.
 
Đại tá, PGS. Hồ Kiếm Việt
 
1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H.2000, tr.698.
2- Xem Báo An ninh thế giới cuối tháng, tháng 12 năm 2005, số 53, tr.3.
3- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2000, tr.249.
4- V.I.Lê-nin - Toàn tập, tập 14, Nxb Tiến bộ, M.1978, tr.163.
 

Ý kiến bạn đọc (0)