Thứ Năm, 24/04/2025, 12:03 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Giữ vững hoà bình, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập là nhiệm vụ vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa mang tính thường xuyên, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những năm qua, cùng với cả nước, Tây Ninh đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo hướng CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững hoà bình, an ninh trên tuyến biên giới và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác, hội nhập, phát triển trên tuyến biên giới Tây Nam nói chung, biên giới do tỉnh Tây Ninh quản lý nói riêng, đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới đan xen. Thách thức lớn nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”. Chúng ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề biên giới và mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hoá kinh tế để thực hiện chiến tranh tâm lý, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang và nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, gắn chặt với xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, láng giềng, hợp tác phát triển toàn diện và lâu dài.
Để biến chủ trương thành hiện thực, Tây Ninh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị các huyện, xã biên giới vững mạnh toàn diện, hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN). Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các tỉnh biên giới. Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh có 240 km đường biên giới, chạy dài qua 20 xã của 5 huyện; tiếp giáp với 22 xã của 3 tỉnh: Svây- riêng, Pra- viêng và Công-pông-chàm thuộc Vương quốc Cam-pu-chia (trong đó có khoảng 45 km đường biên giới theo sông, suối). Ngoài 2 cửa khẩu quốc tế là: Mộc Bài và Xa Mát, trên tuyến biên giới của Tỉnh còn 4 cửa khẩu chính, 12 cặp cửa khẩu phụ và rất nhiều đường tiểu ngạch, lối mòn qua lại giữa hai nước. Biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được xác định có vị trí đặc biệt quan trọng về QP-AN; nhưng một phần lớn còn đang trong quá trình thương thảo, hoạch định, cắm mốc quốc giới, có nơi chưa có lực lượng tại chỗ để bảo vệ. Tình trạng xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai, các hoạt động do thám, gián điệp, vượt biên, buôn lậu... diễn biến phức tạp, dễ bị kẻ địch lợi dụng gây mất ổn định. Vì vậy, Tỉnh chỉ đạo tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các huyện, xã biên giới vững mạnh, nhằm tạo ra “cái gốc”, “cái nền” vững chắc và cùng với các cơ quan, lực lượng chức năng hợp thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng, bảo vệ, quản lý biên giới. Nội dung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các huyện, xã biên giới tập trung vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng bộ máy chính quyền thật sự vững mạnh; xây dựng lực lượng biên phòng, quân sự, công an, dân quân, tự vệ, các đoàn thể chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân có giác ngộ cao về chính trị, có đủ bản lĩnh, khả năng để làm chủ thế trận trên tuyến biên giới.
Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác trong nội bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các lực lượng vũ trang; thông qua hệ thống các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang quán triệt quan điểm: Biên giới là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; bảo vệ quyền bất khả xâm phạm biên giới quốc gia là nhiệm vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Lực lượng giữ vai trò quyết định bảo vệ biên giới là nhân dân, là lòng dân; đó là những người dân được giáo dục, được xây dựng, có đủ bản lĩnh để làm chủ, bảo vệ quê hương, bảo vệ biên giới.
Cùng với đó, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng biên phòng, quân sự, công an vững mạnh toàn diện; có tổ chức, biên chế hợp lý; từng bước được trang bị các phương tiện kỹ thuật và kiến thức nhằm bảo đảm cho các lực lượng này đủ điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Trong đó, đặc biệt quan tâm giáo dục sự giác ngộ về lý tưởng XHCN, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ và nhân dân; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Đồng thời, Tỉnh quan tâm chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao khả năng phối hợp, sẵn sàng chiến đấu, nhất là với các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên tuyến biên giới; chỉ đạo các cơ quan: quân sự, công an, biên phòng phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện Quyết định 107/ 2003/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn biên giới, thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm quy chế biên giới. Bên cạnh đó, Tỉnh còn chỉ đạo các địa phương trên tuyến biên giới thường xuyên luyện tập vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, biên phòng, công an trực tiếp làm tham mưu, lực lượng bộ đội Biên phòng làm nòng cốt và làm trung tâm phối hợp với các lực lượng chuyên trách khác” trong việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Một trong những chủ trương lớn, xuyên suốt của Tỉnh là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Tỉnh đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án, nhất là các dự án phát triển KT-XH ở khu vực trọng điểm, vùng biên giới. Thời gian qua, Tỉnh đã đầu tư trên 400 tỉ đồng để làm mới, nâng cấp các tuyến lộ giao thông từ trung tâm tỉnh đến trung tâm huyện và xã biên giới; làm đường liên xã, liên ấp nối thông với các đồn biên phòng, cụm dân cư, chốt dân quân, nối liền huyện, xã biên giới với huyện, xã phía sau, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống của nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, đầu tư xây dựng các tuyến kênh, các trạm bơm đưa nước thủy lợi về vùng biên giới phía Bắc, Tây Bắc và phía Tây, Tây Nam, cùng với mạng lưới kênh mương nội đồng hàng trăm cây số dọc, ngang trên tuyến biên giới, phục vụ sản xuất và hình thành hệ thống hào, lũy tự nhiên cho thế trận phòng thủ, thế trận biên phòng toàn dân. Đến nay, toàn Tỉnh có 39 tuyến tỉnh lộ, 220 tuyến đường liên huyện phục vụ cho phát triển KT-XH và nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời, bảo đảm yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện giữa tuyến trước với tuyến sau và nối liền các hướng. Các đề án kết hợp kinh tế với quốc phòng ở các khu vực: cầu Sài Gòn, Bàu Rã - Tân Châu, Chàng Riệc - Tân Biên, Rừng Nhum - Bến Cầu đang phát huy tốt hiệu quả cả về kinh tế và QP-AN. Hiện tại, Tỉnh đang chỉ đạo tập trung khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng mới trên khu vực biên giới nhằm bảo vệ vùng sinh thái và tăng độ che phủ trên cho các điểm tập kết kho tàng, trú quân và công trình chiến đấu.
Đặc điểm nổi bật của địa hình tuyến biên giới trên địa bàn Tây Ninh là bằng phẳng, liền đất, liền rừng; dân cư thưa thớt, lực lượng chuyên trách không thể rải đều, khép kín trên toàn tuyến. Vì vậy, Tỉnh đã chủ động đưa dân lên biên giới định cư, thực hiện kế hoạch bố trí lại dân cư các ấp, xã biên giới và xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm trên biên giới nhằm tăng mật độ dân cư ở các khu vực thưa dân hoặc không có dân theo kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ trên hướng trọng điểm của Quân khu 7 và của cả nước. Đến nay, trên tuyến biên giới của Tỉnh đã hình thành 28 cụm, với 2,5 vạn dân định cư ổn định; kết cấu hạ tầng của các cụm dân cư, như: điện, đường, trường, trạm,... đều được bảo đảm. Điện đã về đến 100% các xã biên giới, với 95% hộ dân sử dụng; 20/20 xã biên giới có trạm y tế (15/20 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế), có bác sĩ thường trực; 100% các xã biên giới có trường tiểu học (10/20 trường đạt chuẩn quốc gia, có 18/20 xã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học); 14/20 xã có trường trung học cơ sở. Kết cấu hạ tầng trên tuyến biên giới của Tỉnh đã và đang được xây dựng khép kín theo hướng phát triển KT-XH kết hợp với củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới. Tuy còn một số lĩnh vực phải tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, nhưng về cơ bản, biên giới đã có dân, có lực lượng tại chỗ thường xuyên giữ đất, có các chốt dân quân trong các cụm dân cư, có lực lượng biên phòng phối hợp làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ.
Tỉnh chủ trương lãnh đạo đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự, công an, biên phòng, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trên tuyến biên giới. Quán triệt quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Tỉnh uỷ Tây Ninh thường xuyên quan tâm chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là các huyện, xã biên giới, các ngành quân sự, công an, biên phòng, hải quan thực hiện tốt quan hệ đối ngoại với Cam-pu-chia. Xuất phát từ thực tế và yêu cầu của công tác đối ngoại và đối ngoại quân sự, Tỉnh và các huyện, xã biên giới đã chủ động tiến hành các hoạt động giao lưu, gặp gỡ với 3 cấp của Cam-pu-chia, thực hiện cả 4 nội dung và hình thức đối ngoại là: đối ngoại của Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại quân sự và đối ngoại nhân dân, nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau. Với sự tham mưu của cơ quan biên phòng, quân sự, công an địa phương, chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh đã duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, giao ban định kỳ hằng tháng, quý và hằng năm đối với chính quyền và lực lượng vũ trang Bạn ở các địa phương đối diện để thông tin cho nhau tình hình KT-XH của mỗi tỉnh, vấn đề hợp tác thương mại, du lịch và thăm hỏi, động viên nhân những ngày lễ, Tết trong tình đoàn kết, hữu nghị. Đặc biệt, các cuộc giao ban còn đề cập những vấn đề cùng quan tâm về biên giới, thực hiện quy chế biên giới; phối hợp phòng, chống tội phạm, bàn bạc thống nhất các biện pháp giải quyết những vụ việc nảy sinh trên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Thông qua chế độ giao ban, họp cụm biên giới, chủ động tuyên truyền chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tình hữu nghị láng giềng thân thiện giữa nhân dân hai nước; đồng thời, vạch trần âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch xuyên tạc Hiệp định, Hiệp ước về biên giới đã được ký kết giữa chính phủ hai nước, nhằm chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Không những thế, lực lượng vũ trang hai nước luôn phối hợp tuần tra, quản lý đường biên, bảo vệ mốc giới; phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, truy bắt tội phạm và chống các hoạt động tình báo, gián điệp. Có thể nói rằng, các hoạt động đối ngoại trên địa bàn Tỉnh đã phát huy tốt hiệu quả, luôn giữ đúng nguyên tắc, chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng về xuất, nhập cảnh, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp; ta và bạn càng hiểu nhau hơn, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lúc khó khăn, cùng mong muốn xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Ủy viên BCH TƯ Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011