QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:42 (GMT+7)
Giữ vững giá trị phẩm chất, đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” trong bối cảnh lịch sử hiện nay

Danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện sự thân thương, quý trọng của nhân dân đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nó mang ý nghĩa truyền thống và hiện đại sâu sắc. Bởi vì, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vừa phản ánh phẩm chất, đạo đức của dân tộc, lại là hình mẫu của con người Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Khi nói đến “Bộ đội Cụ Hồ”, người ta nghĩ ngay đến dân tộc Việt Nam kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược và các thế lực phản động trong nước; nghĩ đến những người con trung với nước, hiếu với dân, tỏ rõ “đức lớn hiếu sinh” với kẻ thù, tiêu biểu cho sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, tinh thần chiến đấu “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước...” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.

Phẩm chất, đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” là một yếu tố quan trọng gắn quân đội cách mạng với nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Một cách khái quát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1.

Tính bền vững về phẩm chất, đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” bắt nguồn ở bản sắc, tinh hoa truyền thống Việt Nam, thể hiện ở văn hóa vật thể và phi vật thể, ở những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, ở những thành tựu to lớn trong lao động sản xuất. Văn hóa truyền thống dân tộc là nền tảng xây dựng văn hóa quân sự; văn hóa quân sự lại góp phần làm phong phú văn hóa dân tộc. Cho nên chăm lo, gìn giữ phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” là xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam và cũng là giáo dục truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam cho các chiến sĩ ngày nay - thời kỳ chịu tác động của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa kinh tế.

Phương pháp luận Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại trong lịch sử soi sáng cho nhận thức và hành động của chúng ta khi giải quyết vấn đề gìn giữ và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ cơ bản của người chiến sĩ quân đội ta  từ ngày thành lập (22-12-1944) đến nay không thay đổi; song việc giáo dục, bồi dưỡng, cũng như chế độ, chính sách đối với quân nhân phải phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng thời kỳ. Từ thời chiến chuyển sang thời bình, từ chế độ tình nguyện sang thi hành luật nghĩa vụ quân sự cũng gây nên những chuyển biến nhất định trong nhận thức, trong hoạch định và thực hiện chính sách.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, việc chuyển sang thực hiện phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, cũng như toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh... Vì vậy, việc giữ vững bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong giáo dục thế hệ chiến sĩ ngày nay có những thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp.

Một yêu cầu có tính nguyên tắc của việc giữ vững và phát huy giá trị phẩm chất, đạo đức, đó là phải hiểu rõ những giá trị truyền thống của dân tộc ta. Nó được hun đúc trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước mà lực lượng vũ trang bao giờ cũng có vai trò quan trọng. Trong đó, lòng yêu nước là cốt lõi của truyền thống dân tộc, trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam – một thành phần chủ yếu trong văn hóa dân tộc. Nó không chỉ để tôn vinh, ca tụng mà là cái “cẩm nang thần kỳ” khơi dậy sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong mọi thời kỳ, là kho tàng giáo dục quý giá đối với mọi người, trong đó có các chiến sĩ quân đội. Nét đặc trưng nổi bật về phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” mà chúng ta phải bảo vệ, gìn giữ là đạo đức, hành vi văn hóa dân tộc được thể hiện một cách toàn vẹn ở người chiến sĩ, phù hợp với điều kiện mới của lịch sử.

Vậy nội dung cơ bản của giá trị phẩm chất trong văn hóa truyền thống dân tộc được gìn giữ và phát huy ở “Bộ đội Cụ Hồ"  bao gồm những điểm gì?

Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân. Trong bài nói chuyện tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, tháng 5 -1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cho quân đội ta 12 điều răn cũng là để làm sao cho bộ đội được: “Dân tin, dân phục, dân yêu”, xứng đáng với 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”2.

Trung – Hiếu là một nét văn hóa tốt đẹp nhất của người Việt Nam, được đúc kết trong thực tiễn đời sống hàng nghìn năm của dân tộc ta. Nội hàm các khái niệm “Trung”, “Hiếu” cũng thay đổi qua các thời kỳ, song nét chung, mang tính “bất biến’ là không thể đầu hàng, qụy lụy, phản nước, hại dân, mà phải gìn giữ tinh thần, ý chí chiến đấu, hy sinh cho sự phát triển của dân tộc, Tổ quốc. Tính bất biến này, được “ứng vạn biến” trong những điều kiện cụ thể. Ví như ở thời phong kiến: trung với “nước” cũng là trung với vua, vì vua là đại diện cho nước; song lòng trung với nước, với vua phải tạo nên sức mạnh làm cho bất cứ kẻ xâm lăng nào cũng “nhất định sẽ bị đánh bại”. Trong cuộc kháng chiến chống quân đội nhà Minh xâm lược, Nguyễn Trãi lại khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, vì dân thực sự là người “đẩy thuyền” và “lật thuyền”.

Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống trung – hiếu của Tổ tiên, song lại đưa một nội dung mới cho thích hợp mà không làm thay đổi bản chất của nó. Khi nói “trung với nước”, Người nhấn mạnh phải “trung với Đảng”; bởi vì Đảng đại diện cho quyền lợi của dân tộc, đấu tranh cho sự giải phóng và phồn vinh, tiến bộ của mọi tầng lớp nhân dân. Cho nên, “trung với Đảng”, theo sự giải thích của Người, là “chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. “Hiếu với dân”, theo Người, là tuyệt đối trung thành với quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, trước hết và chủ yếu là nhân dân lao động, mà nòng cốt là công nhân và nông dân. Việc đáp ứng mọi quyền lợi cơ bản của nhân dân đã tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đã đề ra trong sự thống nhất giữa quyền lợi dân tộc và giai cấp. Những quan điểm này bác bỏ và làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động hiện nay ở trong và ngoài nước về việc đối lập giữa “Đảng với dân tộc, Tổ quốc”, giữa “độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”.

Thứ hai, bồi dưỡng tinh thần quốc tế chân chính. Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thể hiện tinh thần quốc tế chân chính trong việc hoàn thành nghĩa vụ: giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình. Trong hoàn cảnh quốc tế ngày nay, việc bồi dưỡng tinh thần quốc tế chân chính kết hợp với lòng yêu nước XHCN cần được chú trọng theo hướng: “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” để bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh xâm lược; trong đoàn kết, giúp đỡ nhân dân các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chống các thế lực thù địch liên kết nhau thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”.

Thứ ba, giữ vững mối quan hệ thân thiết với quần chúng nhân dân.

Lực lượng vũ trang chuyên nghiệp trong các xã hội cũ là một công cụ trong bộ máy chuyên chính của  giai cấp thống trị, đối lập với nhân dân. Nhà nước trong thời kỳ phong kiến độc lập Việt Nam, khi xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh cũng không thể ngoài mục đích bảo vệ quyền lợi, địa vị của mình; song do điều kiện lịch sử của đất nước, lực lượng vũ trang của ta lúc bấy giờ cũng có những nét riêng.  Trong đó, chính sách “ngụ binh ư nông” là bài học quý giá mà ngày nay chúng ta đang vận dụng phù hợp với điều kiện mới. Nó làm cho nhân dân, nhất là thanh niên, hiểu rõ mối quan hệ dân-binh, đã là dân một nước độc lập thì ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ gia nhập quân đội, để bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương “đời Trần, nhân dân ai cũng là binh nên  mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh”3 là một kinh nghiệm cho việc thi hành “luật nghĩa vụ quân sự” của nước ta hiện nay. Nhận thức đúng và thực hiện tốt điều này sẽ  chữa được “ bệnh” lẩn tránh nghĩa vụ quân sự đối với đất nước của một bộ phận công dân.

Thực hiện chủ trương “ngụ binh ư nông” còn tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa quân và dân. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong việc xây dựng quân đội và các lực lượng vũ trang, mà còn quán triệt trong mọi chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể, trong nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, mà điều chủ yếu là củng cố mối quan hệ, sự đoàn kết quân - dân. Điều này đã có nhiều gương tốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước mà chúng ta cần khai thác, học tập, vận dụng.

Trong điều kiện lịch sử hiện nay, mối quan hệ quân - dân không chỉ ở việc quân đội sát cánh cùng nhân dân bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo đảm trật tự, an ninh - xã hội mà còn thể hiện ở sự giúp đỡ nhau trong xây dựng, phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai... Nhiều tấm gương của chiến sĩ quân đội nhân dân không quản gian khổ, hiểm nguy (thậm chí hy sinh tính mạng mình) giúp đồng bào trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần, góp phần vào việc cứu đói, giảm nghèo, vượt qua bão, lụt... đã thể hiện một nội dung quan trọng của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt những công việc này, chúng ta đã làm tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần gặp gỡ cuối cùng của Người với cán bộ cao cấp toàn quân, ngày 11-5-1969: “Bộ đội phải hết lòng giúp dân, tham gia củng cố hậu phương ta càng vững mạnh”4. Đây cũng chính là bài học của ông cha ta về “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” mà chúng ta cần kế thừa và phát huy, như Bác Hồ đã dạy “dân có no, quân mới mạnh”, nhân dân là “thành luỹ bảo vệ bộ đội”...

Thứ tư, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Một cơ sở quan trọng để giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện lịch sử hiện nay, cũng như mãi mãi sau này là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, đối với quân nhân cách mạng nói riêng, tựu trung là học tập đức tính: trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, hy sinh chiến đấu vì lợi ích của dân tộc; gắn bó chặt chẽ với nhân dân; luôn bình đẳng, dân chủ, thân ái với mọi người; phát huy truyền thống của Tổ tiên ta trong việc xây dựng “phụ tử chi binh”, “trên dưới đồng lòng”... Tóm lại là thực hiện “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” trong hàng ngũ các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, về đạo đức nói riêng là để tạo cơ sở lý luận, sự cảm thụ và rung động sâu sắc, làm kim chỉ nam cho hành động; cho nên việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác mới là điều quan trọng. Bởi hành động là thể hiện cụ thể trình độ nhận thức, giác ngộ lý tưởng của mỗi người. Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức  của Bác, mỗi chúng ta phải tự nguyện, tự giác nói đi đôi với làm, nghiêm khắc nhìn lại những thiếu sót để tự sửa mình.

Gìn giữ và phát huy phẩm chất, đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” là một nhiệm vụ trong việc bảo vệ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc  thời kỳ hội nhập, chịu sự tác động của kinh tế thị trường. Đó là cuộc đấu tranh để vừa tiếp nhận những mặt tích cực, vừa hạn chế những tác động tiêu cực. Cuộc đấu tranh này không hề đơn giản, vì chủ yếu là đấu tranh của bản thân mỗi người nên phải phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác.

GS, TS. Phan Ngọc Liên

Đại học Sư phạm Hà Nội

___________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2002,  tr. 350.

2- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sdd, Tập 5, tr .9.

3- Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, H.1992, Tập 4,  tr. 6.

4- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, Tập 12, tr. 456.

     

                                                                            

 

Ý kiến bạn đọc (0)