QPTD -Chủ Nhật, 20/11/2011, 23:04 (GMT+7)
Giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế khi nước ta đã là thành viên của WTO
Định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giữ vững định hướng XHCN là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của sự nghiệp đổi mới ngày nay, nhất là khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: "Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng XHCN, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Khi nước ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO, vấn đề giữ vững định hướng XHCN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và kinh tế nói riêng vừa trở nên có tính cấp thiết hơn, vừa có những yêu cầu mới và những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta phải phát huy tối đa bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong trận chiến đấu mới trường kỳ, cam go và cực kỳ phức tạp này.
Gia nhập WTO, chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ, nhưng nguy cơ của sự chệch hướng XHCN cũng lớn lên rất nhiều. Một mặt, nguy cơ đó tiềm ẩn và có thể hiện hữu ngay trong hoạt động chủ quan của chính chúng ta, nếu không kiên định, vững vàng, có chiến lược, sách lược hành động đúng và để tự diễn biến trong quá trình hội nhập. Mặt khác, nguy cơ đó tăng lên, do có những điều kiện thuận lợi mới cho các thế lực thù địch lợi dụng trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khi chúng ta thực hiện các cam kết, mở cửa thị trường, mở rộng các quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục, thông tin, công nghệ, v.v; nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta khi gia nhập WTO với thực trạng yếu kém của các doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh, nhiều loại thị trường đang ở giai đoạn sơ khai, hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh, năng lực quản lý kinh tế cả vĩ mô và vi mô còn nhiều yếu kém, bất cập.
Kinh tế là lĩnh vực cơ bản nhất, có vai trò quyết định với toàn bộ đời sống xã hội. Bởi vậy, định hướng XHCN trên lĩnh vực kinh tế là một bộ phận quan trọng, giữ vai trò nền tảng, quyết định thắng lợi của con đường XHCN. Sự tác động của việc gia nhập WTO đến định hướng XHCN nền kinh tế không chỉ trong khuôn khổ ảnh hưởng của các cam kết cụ thể mà nước ta ký kết khi gia nhập tổ chức này mà phạm vi của nó rộng hơn rất nhiều. Sự tác động đó hầu như đến tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế; nghĩa là nó ảnh hưởng đến định hướng XHCN toàn bộ nền kinh tế. Do đó, giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế khi nước ta đã là thành viên của WTO phải bao quát trên các mặt: định hướng quá trình CNH, HĐH; định hướng phát triển nền kinh tế thị trường trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH.
Chúng ta tiến hành CNH, HĐH là để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội (CNXH) bao gồm cả việc đổi mới kỹ thuật - công nghệ và xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại. Do đó CNH, HĐH của ta có sự khác biệt căn bản với CNH, HĐH tư bản chủ nghĩa ở tính mục đích, tính hiệu quả và tính bền vững; nói gọn lại, vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là những giá trị XHCN cần được định hướng và hiện thực hóa trong quá trình CNH, HĐH.
Xác định CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên CNXH, các văn kiện Đại hội IX và X của Đảng đều đặt mục tiêu phấn đấu để đến 2020 cơ bản đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những vấn đề cơ bản về định hướng XHCN, CNH, HĐH đã được trình bày trong các văn kiện Đại hội và Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, mà gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X). Cần xác định giữ vững định hướng XHCN trong CNH, HĐH là một cuộc đấu tranh rất lâu dài, gian khổ, khó khăn, phức tạp. Quá trình tiến hành CNH, HĐH khi đất nước gia nhập WTO cần thấy những nguy cơ và biểu hiện của sự chệch hướng có thể diễn ra, một khi:
- Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ quốc gia chứa đựng những sai lầm về phương hướng hoặc mục tiêu, do chủ quan hoặc phụ thuộc lớn vào sự tác động từ bên ngoài.
- Nguồn lực khoa học - công nghệ nội sinh bị nước ngoài chi phối hoặc sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ ngoại sinh; việc không ngăn chặn được quá trình nhập công nghệ lạc hậu thải loại của nước ngoài dẫn đến mất khả năng cạnh tranh và phát triển.
- Phát triển khoa học-công nghệ chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt, dẫn tới hủy hoại môi trường thiên nhiên, sinh thái và nhân văn.
- Sự chảy máu chất xám khoa học, công nghệ ngay trên lãnh thổ nước ta và ở nước ngoài.
- Sự quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ bị buông lỏng, các chủ thể sản xuất, kinh doanh không thực thi nghiêm chỉnh chiến lược khoa học, công nghệ và luật pháp.
Để giữ vững định hướng XHCN trong CNH, HĐH, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh chiến lược, chính sách và lộ trình phát triển khoa học-công nghệ. Trong chỉ đạo và tổ chức thực tiễn cần gắn kết hữu cơ sự phát triển của khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh và với quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho CNH, HĐH. Tận dụng tốt nhất những điều kiện thuận lợi do hội nhập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế mang lại để đẩy nhanh CNH, HĐH và giữ vững định hướng phát triển.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự tổng kết và phát triển lý luận rất quan trọng của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, chúng ta đã có bước chuyển căn bản trong nhận thức về kinh tế thị trường là cần phải từ bỏ kinh tế hiện vật và cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, khi đó kinh tế thị trường mới chỉ được quan niệm như là một công cụ, một cơ chế quản lý để phát triển kinh tế. Từ Đại hội X đến nay, khi quan niệm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH, nhận thức của Đảng ta đã chuyển lên một bước mới: coi kinh tế thị trường như một chỉnh thể, là cơ sở kinh tế của sự phát triển theo định hướng XHCN.
Trong thực tiễn, với kết quả của quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường nước ta đang được hình thành và phát triển. Trong đó, thị trường hàng hóa phát triển tương đối nhanh. Một số loại thị trường mới như: khoa học và công nghệ, bất động sản, thị trường tài chính đang hình thành và phát triển. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN bước đầu được xây dựng, thể hiện ở hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vận hành của nền kinh tế được xây dựng tương đối đồng bộ. Hoạt động của các loại hình doanh nghiệp và bộ máy quản lý nhà nước được đổi mới một bước quan trọng theo thể chế kinh tế mới.
Định hướng XHCN nền kinh tế thị trường là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, có ý nghĩa quyết định đến sự đúng hướng hay chệch hướng của nền kinh tế, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO. Thực chất của sự định hướng đó là Đảng và Nhà nước ta phải nhận thức và vận dụng các quy luật kinh tế khách quan, tôn trọng lợi ích kinh tế của các thành phần và chủ thể kinh tế tham gia kinh tế thị trường, hướng sự hoạt động của họ theo mục tiêu XHCN. Sự định hướng đó thông qua các quan điểm, chính sách, luật pháp, cơ chế, công cụ kinh tế. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh nhân tố quyết định sự thành công của định hướng là vai trò quản lý của Nhà nước XHCN.
Với việc gia nhập WTO và mở rộng hội nhập kinh tế, chủ thể tham gia vào nền kinh tế thị trường nước ta sẽ ngày càng tăng lên về số lượng và các giai tầng, trong đó có nhiều công ty và tổ chức nước ngoài. Lợi ích kinh tế của họ sẽ đa dạng và phức tạp hơn. Mặt khác, cùng với sự vận động chung của nền kinh tế, các loại thị trường mới, nhất là các loại thị trường khoa học, công nghệ, bất động sản, tài chính sẽ phát triển với tốc độ cao và mở rộng quy mô. Cần đặc biệt lưu ý khi có sự tham gia đầu tư của các công ty, tập đoàn tư bản lớn nước ngoài vào các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, v.v, sẽ dễ xảy ra những sự thao túng, đầu cơ, dẫn đến khủng hoảng, đổ vỡ hoặc những cú sốc lớn gây ra các hậu quả không thể lường trước đối với kinh tế và xã hội nước ta. Bài học của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997 ở một số nước châu á còn nóng hổi. Những điều này sẽ làm cho việc định hướng XHCN nền kinh tế thị trường trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với trước đây.
Định hướng XHCN nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay được thể hiện ở những nội dung lớn sau:
Khẳng định mục tiêu của kinh tế thị trường nước ta là thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất để nâng cao đời sống của nhân dân.
Phát triển các thành phần kinh tế theo định hướng XHCN và khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, là công cụ chủ yếu để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, định hướng cho sự phát triển vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với các lĩnh vực phát triển xã hội - văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò quản lý, điều tiết kinh tế của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cần khẳng định rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhân dân dù là người công nhân trong xí nghiệp tư bản vẫn là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Để có thể giữ vững định hướng XHCN nền kinh tế nước ta trong điều kiện đã trở thành thành viên chính thức của WTO, cần khẳng định những vẫn đề cơ bản sau đây:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự phát triển kinh tế, đảm bảo cho mọi hoạt động của nền kinh tế phải theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm về CNH, HĐH, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển các thành phần kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh, v.v.
2. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu này, Nhà nước cần làm tốt các chức năng quản lý vĩ mô của mình bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế và chính sách, tạo môi trường pháp lý, hỗ trợ phát triển, bảo đảm tính bền vững của sự phát triển. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức tác động đến thị trường theo yêu cầu mới.
3. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong xây dựng thể chế, cần tập trung chú ý vào những vấn đề bức thiết nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp theo đúng quan điểm của Đảng và phù hợp với yêu cầu của các cam kết quốc tế. Đặc biệt chú ý đến bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh những sơ hở. Tiến hành có hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và đổi mới bộ máy quản lý. Chú trọng chỉ đạo định hướng sự phát triển các loại thị trường mới mang tính nhạy cảm cao.
4. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cả về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu sự phát triển của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.
Giữ vững định hướng XHCN nền kinh tế trong điều kiện gia nhập WTO là một cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới hơn hai mươi năm qua. Thời gian tới, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong thực hiện định hướng nền kinh tế theo mục tiêu XHCN.
    Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Quang Lộc
 
 
Ý kiến bạn đọc (0)