Thứ Tư, 27/11/2024, 10:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng mà trực tiếp là các chỉ thị, quyết định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những năm vừa qua, Tổng cục Dạy nghề đã triển khai và thực hiện công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) với tinh thần tích cực, chủ động và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức về quốc phòng, quân sự cho học sinh trong các trường dạy nghề trên cả nước.
Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về GDQP, đồng thời ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, nhằm thống nhất nhiệm vụ, tổ chức, triển khai thực hiện công tác GDQP trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quản lý. Ví dụ: Quyết định số 635/ 2000/ QĐ-BLĐTBXH ngày 3-7-2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc ban hành Chương trình môn học GDQP trong các trường, lớp dạy nghề dài hạn; Quyết định số 1515/ 2002/ QĐ-BLĐTBXH ngày 02-12-2002 về việc ban hành Giáo trình môn học GDQP trong các trường, lớp dạy nghề dài hạn....
Hiện nay, GDQP là môn học chính khóa và được triển khai ở 100% các trường dạy nghề với hơn 200.000 lượt học sinh tham gia học tập mỗi năm, đạt trung bình 99,5%. Chương trình 120 tiết được áp dụng cho học sinh học nghề khóa học 3 năm; chương trình 75 tiết cho khóa học từ 2 năm đến dưới 3 năm và chương trình 45 tiết cho khóa học từ 1 năm đến dưới 2 năm. Nội dung GDQP tập trung trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; kiến thức về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, về lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; hiểu biết về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch... Cùng với đó là những kỹ năng quân sự cần thiết như kỹ thuật sử dụng một số loại vũ khí, trang bị, chiến thuật cá nhân,... Ngoài nội dung, chương trình chính khóa, các trường còn gắn GDQP với các hoạt động khác như chào cờ đầu tuần, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao trong các ngày lễ lớn... Thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu CNXH và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, trang bị cho các em những kỹ năng quân sự cần thiết, làm cơ sở để sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Để nâng cao hiệu quả GDQP, các trường đã có nhiều hình thức tổ chức phù hợp với đặc điểm ngành, nghề trên cơ sở qui định, được Bộ cho phép. Hiện nay, các trường dạy nghề đang tổ chức GDQP theo hai hình thức cơ bản là bố trí học tập trung ngay từ đầu khóa hoặc theo từng đợt (chiếm 75%) và bố trí học rải đều trong năm (chiếm 25 %). Việc tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả được thực hiện theo “Qui chế thi, kiểm tra, xét lên lớp, xét tốt nghiệp trong các trường, lớp dạy nghề hệ dài hạn tập trung" do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành. Năm 2004, kiểm tra 202.000 học sinh, kết quả đạt trung bình trở lên là 98,5%, có 2,5% xuất sắc, 22,5% giỏi , 38% khá, 35,5% trung bình và 1,5% không đạt. Năm 2005, kiểm tra 228.000 học sinh, tỷ lệ tương ứng là 99%, 2,5%, 17,5%, 37,3%, 41,7% và 1%. Một số trường dạy nghề của địa phương tổ chức giáo dục chặt chẽ, đạt thành tích cao là An Giang, Kiên Giang với tỷ lệ đạt khá, giỏi trên 80%.
Những kết quả đạt được vừa qua là hết sức quan trọng, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các trường. Tuy nhiên, quá trình tổ chức GDQP cũng cho thấy còn những khó khăn, bất cập cần tập trung tháo gỡ. Một số cán bộ trong các trường nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác GDQP; chưa tích cực, chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên. Năm 2005, có 466 giáo viên giảng dạy môn GDQP trong các trường dạy nghề, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu; trong đó giáo viên chuyên trách là 11%, giáo viên kiêm nhiệm là 29%, còn lại là sĩ quan quân đội hợp đồng do các trường chủ động phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh, Ban chỉ huy Quân sự huyện, thị xã. Thực tế còn cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dụng phục vụ GDQP còn thiếu và lạc hậu, chất lượng chưa bảo đảm. Các trang thiết bị như súng AK, CKC, lựu đạn, mô hình học cụ, dụng cụ luyện tập mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Việc thực hiện nội dung giáo dục ở một số trường chưa đi vào chiều sâu, còn chạy theo thành tích.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới sẽ là cơ hội để chúng ta hòa nhập với thế giới sâu sắc và toàn diện hơn. Trong xu thế chung đó, công tác dạy nghề sẽ ngày càng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế. Bối cảnh đó chứa đựng cả thời cơ và thách thức, đối tác và đối tượng đan xen. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta với những thủ đoạn mới trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, quốc phòng-an ninh... Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác GDQP trong các trường dạy nghề, trước hết các cấp, các trường cần nhận thức rõ tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, có nội dung phù hợp với từng đối tượng và đưa vào chương trình chính khóa trong các nhà trường theo cấp học, bậc học...”. Chú trọng sửa đổi, bổ sung, nâng cao tính pháp lý của hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ GDQP trong các trường dạy nghề, nhất là những văn bản hướng dẫn thống nhất về nhiệm vụ, chương trình, giáo trình môn học, tổ chức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên môn học GDQP trong các trường dạy nghề; hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên GDQP.
Mặt khác, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung giáo trình GDQP bảo đảm tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu mục tiêu của ngành nghề đào tạo và yêu cầu phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự. Đồng thời, đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy môn GDQP theo hướng thiết thực, làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn, phát huy tính tự chủ của người học, nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị bảo đảm cho giảng dạy, học tập; đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, chuẩn bị tốt giáo cụ trực quan, mô hình, bản vẽ chuẩn phục vụ công tác giảng dạy, học tập.
Để đáp ứng nhu cầu về giáo viên GDQP cho các trường dạy nghề, cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên GDQP đủ về số lượng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin chỉ tiêu, tăng số giáo viên được đào tạo chính qui, kết hợp với tích cực tổ chức bồi dưỡng giáo viên từ nguồn tại chỗ để kiêm nhiệm giảng dạy môn GDQP, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu, cả về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2010 các trường dạy nghề có đủ giáo viên chuyên trách, tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành và phát triển đội ngũ. Trước mắt cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm GDQP, cơ quan quân sự các cấp ở địa phương nơi nhà trường đứng chân để tổ chức GDQP hoặc mời giáo viên theo chế độ thỉnh giảng.
Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra GDQP, kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế, từ đó có biện pháp chỉ đạo, nhằm khắc phục khó khăn, khuyết điểm, tồn tại, trên cơ sở đó thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết về GDQP.
Có thể nói công tác GDQP cho học sinh các trường dạy nghề đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng và Nhà nước. Môn học không chỉ trang bị cho học sinh ý thức, tri thức quốc phòng, kỹ năng quân sự cần thiết mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng phong cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập. Phát huy những kết quả đã đạt được, với sự nỗ lực của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề và các trường dạy nghề, chúng tôi tin tưởng rằng, công tác GDQP trong các trường dạy nghề sẽ đạt kết quả cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
ThS. Phan Minh Hiền
Tổng cục Dạy nghề
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011