QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:20 (GMT+7)
Giáo dục quốc phòng trong các bộ, ngành – thực trạng và vấn đề đặt ra

LTS: Những năm vừa qua, công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) trong các bộ, ngành có sự đổi mới tương đối toàn diện, đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng cũng còn không ít khó khăn, bất cập. Để góp phần đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân đăng hai bài mang tính nghiên cứu, trao đổi. Bài đăng trong số sau là "Một số giải pháp cơ bản đẩy mạnh công tác GDQP trong các bộ, ngành". 

Các bộ, cơ quan ngang bộ, ban của Đảng, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty Nhà nước, các tổ chức thành viên thuộc các bộ (gọi tắt là bộ, ngành) có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị định, thông tư... để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, trong đó công tác GDQP được đặc biệt quan tâm. Quán triệt và thực hiện các văn bản chỉ đạo trên, nhiều bộ, ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP với tinh thần tích cực, chủ động và đã đạt kết quả tương đối tốt, nhất là trong công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ chủ chốt các cấp. Tính đến hết tháng 6 năm 2006, cả nước có 1.147 đồng chí thuộc đối tượng 1 được bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Học viện Quốc phòng, trong đó có 564 đồng chí thuộc các bộ, ngành Trung ương, gồm 89 đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương (33 đồng chí là ủy viên Trung ương Đảng); 50 đồng chí là chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty 90, 91; 290 đồng chí Vụ trưởng, Viện trưởng, Hiệu trưởng trường đại học trọng điểm và nhiều cán bộ chủ chốt khác thuộc các ban, ngành của Đảng và Nhà nước. Điển hình là Bộ Y tế đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 100% lãnh đạo cấp Bộ; 53% cán bộ cấp cục, vụ; 26,55% cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và 93,31% lãnh đạo các sở y tế các tỉnh, thành phố. Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 300 cán bộ. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai đào tạo ngắn hạn được 1.924 giáo viên GDQP và hiện nay có 5 trường đại học đang đào tạo dài hạn 600 giáo viên GDQP. Công tác GDQP cho học sinh, sinh viên cũng đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và kiến thức về quốc phòng, quân sự. Việc qui hoạch, xây dựng hệ thống trung tâm GDQP cho học sinh, sinh viên được triển khai tích cực. Đến nay đã có 16 trung tâm GDQP được phê duyệt thành lập và một số đi vào hoạt động; từng bước khẳng định đây là mô hình tiên tiến, đạt hiệu quả cao.
Nhiều ngành đã phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các đơn vị thành viên theo phân cấp tại các trường Quân sự quân khu, tỉnh hoặc trung tâm chính trị cấp huyện.  
Kết quả đó thể hiện nhận thức, quan điểm đúng đắn và sự cố gắng của các bộ, ngành đối với công tác GDQP. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN mới chỉ thực hiện tốt đối với cán bộ chủ chốt các bộ, ngành; số cán bộ, công chức còn lại (kể cả chuyên viên cao cấp của bộ, ngành) chưa được trang bị kiến thức QP-AN tương xứng với cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong khi họ là những người trực tiếp xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai thực hiện công tác của bộ, ngành, kể cả thực hiện nhiệm vụ QP-AN... Thực tế còn cho thấy, một số bộ, ngành chưa quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo công tác GDQP; chưa chăm lo củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, quản lý, điều hành công tác quốc phòng như Quyết định số 133/2005/QĐ-BQP ngày 12-9-2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "Về việc thành lập Ban chỉ huy Quân sự các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương" đã qui định. Ngay cả các bộ, ngành đã thành lập Ban chỉ huy Quân sự, có sĩ quan biệt phái nhưng chưa phát huy hết vai trò, chức năng tham mưu cho lãnh đạo các cấp triển khai thực hiện công tác GDQP. Mặt khác, hình thức tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cũng chưa thống nhất, việc phiên chức danh tương đương ở các tổ chức doanh nghiệp còn lúng túng.
Nghị định 119/2004/NĐ-CP ngày 11-5-2004 của Chính phủ “Về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương" đã qui định nhiệm vụ, mối quan hệ, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương là phải chỉ đạo tổ chức tuyên truyền GDQP toàn dân và thực hiện công tác GDQP cho cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành quản lý; phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng cán bộ, công chức theo qui định của pháp luật. Thông tư Liên tịch số 4086/2001/TTLT giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, ngày 24 tháng 12 năm 2001 "Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 1 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng" cũng qui định rõ: đối với cán bộ, công chức Nhà nước không thuộc đối tượng qui định tại khoản 3 (đối với cán bộ, công chức chủ chốt của Đảng và Nhà nước) phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN từng thời gian, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng nội dung GDQP phù hợp; phương pháp giáo dục thông qua các buổi học tập, sinh hoạt chính trị tại cơ quan hoặc cấp trên tổ chức, qua nghị quyết lãnh đạo tháng, quí để quán triệt nội dung QP-AN đến mọi cán bộ, viên chức. Tuy vậy, một số cấp ủy, cán bộ chủ trì cấp bộ, ngành nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP, mà cụ thể là chưa thực hiện tốt các Nghị định và Thông tư trên. Do vậy, việc thực hiện công tác GDQP chưa thành nền nếp, chưa có chiều sâu, hiệu quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
 Ngành được hiểu là hệ thống cơ quan chuyên môn của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đặc điểm, đồng thời cũng là những khó khăn khi triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong các ngành là bố trí và hoạt động trên phạm vi rộng, nhiều địa bàn trên cả nước; đối tượng cán bộ cần bồi dưỡng kiến thức QP-AN đa dạng, nhiều chức danh; không chỉ có các cơ quan hành chính sự nghiệp mà còn nhiều loại hình như tập đoàn, tổng công ty, nhà trường, viện nghiên cứu... Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đề ra đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu. Những năm vừa qua, các thành phần kinh tế có sự phát triển, biến đổi mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý là sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, tính chất ngành, nghề và qui mô của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Đây là chủ trương đúng, song vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp đó do các bộ, ngành chức năng quản lý, nhưng việc tổ chức GDQP cho cán bộ, công chức chưa triển khai đúng yêu cầu, còn nhiều bất cập, đang là những “khoảng trống” về GDQP. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, ngoài lý do các văn bản pháp qui, chế tài chưa đồng bộ, thống nhất và đủ mạnh, còn có nguyên nhân về phân cấp quản lý giữa địa phương và Trung ương, một số ngành còn lúng túng giữa GDQP theo ngành hay theo địa phương. Một số ít địa phương chủ động thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như Quân khu Thủ Đô, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Bình, thành phố Cần Thơ nhưng kết quả chưa được như mong muốn (Quân khu Thủ Đô gọi 70 chủ các doanh nghiệp nhưng chỉ có 32 doanh nghiệp có người tham gia; Cần Thơ gửi giấy mời 220 chủ doanh nghiệp nhưng chỉ có 58 doanh nghiệp có người tham dự). Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt có khả quan hơn. Tuy nhiên, hình thức tổ chức cũng chưa thống nhất. Trong những điển hình, cần ghi nhận sự nỗ lực, chủ động của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam. Cách làm của Tập đoàn là phối hợp chặt chẽ với địa phương và Quân khu 3, trực tiếp là Hội đồng GDQP, trường Quân sự Quân khu 3 và trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các công ty thuộc ngành mình. Một số ngành, tổng công ty khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Cao su, Tổng công ty Lương thực Miền Nam... đã chủ động liên hệ gửi cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do địa phương tổ chức.
Như vậy, công tác GDQP mới chỉ trang bị kiến thức cho số cán bộ chủ chốt của bộ, ngành. Ví dụ: ngành Công nghiệp với hàng trăm tổng công ty, công ty, như Tổng công ty Thép, Tổng công ty Dệt may, Tổng công ty Hóa chất,... ngành Giáo dục và Đào tạo với hàng chục vạn cán bộ, giáo viên từ cấp bộ đến cấp cơ sở. Trong khi đó chỉ có cán bộ chủ chốt trong hệ thống quản lý nhà nước (bộ trưởng, thứ trưởng, tổng giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học trọng điểm, giám đốc, phó giám đốc các sở, trưởng phòng cấp huyện) được trang bị kiến thức QP-AN; số còn lại, kể cả hiệu trưởng, hiệu phó các trường trung học phổ thông, các trường cao đẳng, dạy nghề,...- vừa là chủ thể tổ chức GDQP cho học sinh, sinh viên, vừa là đối tượng phải được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhưng hầu hết lại chưa được trang bị kiến thức QP-AN cần thiết. ở các bộ, ngành khác, như Giao thông-Vận tải, Xây dựng, Khoa học-Công nghệ, Tài nguyên-Môi trường... cũng trong tình trạng tương tự.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng nước ta, trong đó các cơ quan bộ, ngành luôn được coi là trọng điểm. Chúng lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động gây mất ổn định chính trị xã hội, thành lập đảng đối lập, tạo cớ can thiệp vũ trang khi có điều kiện. Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi chúng ta phải mở rộng hợp tác quốc tế, điều đó luôn chứa đựng cả thời cơ và thách thức, đối tác và đối tượng đan xen. Do đó, đẩy mạnh GDQP trong các bộ, ngành có ý nghĩa quan trọng và là một yêu cầu khách quan của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thực tiễn đó đặt ra cho công tác GDQP trong các bộ, ngành những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tốt những vấn đề đã đề cập trên, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác GDQP ở các bộ, ngành hiện nay.
 
Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)