QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 01:09 (GMT+7)
Giáo dục quốc phòng toàn dân ở tỉnh Hòa Bình - kết quả và những kinh nghiệm bước đầu

Giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân là một trong những công tác quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) ở địa phương, cơ sở. Mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của GDQP là nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm cho toàn dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng- an ninh (QP-AN), bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Trong điều kiện hiện nay, các thế lực thù địch đang tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá nước ta với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt, đặt ra cho công tác GDQP toàn dân những yêu cầu mới, vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa mang tính cấp bách.

Nhận thức rõ vị trí của một tỉnh miền núi trong thế trận phòng thủ quan trọng của Quân khu 3, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), Tỉnh đã không ngừng tăng cường, củng cố QP-AN, trong đó rất chú trọng đến công tác GDQP toàn dân.   
Ngay sau khi có Chỉ thị số 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định số 15/2001/ NĐ-CP của Chính phủ về công tác GDQP toàn dân, Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể; Uỷ ban nhân dân Tỉnh kịp thời ra chỉ thị, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác này, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh (BDKTQP-AN) cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Các cơ quan chức năng tập trung rà soát, phân loại, đánh giá chất lượng cán bộ, lập kế hoạch bồi dưỡng theo phân cấp. Để hoàn thành chương trình, nội dung GDQP cho các đối tượng, trong phạm vi chức năng của mình, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền, Hội đồng GDQP tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt các văn bản của cấp trên và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương để phổ biến đến các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội trong hệ thống chính trị, các trường học,... nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ GDQP trong tình hình mới.
Công tác BDKTQP-AN cho cán bộ các cấp, các ngành được Tỉnh tổ chức chặt chẽ. Với đối tượng 1, Tỉnh thực hiện theo chỉ tiêu của trên, đào tạo tại Học viện Quốc phòng. Đối tượng 2, do điều kiện cách xa Quân khu nên Tỉnh đã đề nghị tổ chức lớp học ngay tại trường Quân sự Tỉnh; chương trình và giáo viên do trường Quân sự Quân khu đảm nhiệm. Đối tượng 3, Tỉnh chỉ đạo tổ chức BDKTQP-AN tại các huyện, thành phố, do trường Quân sự Tỉnh đảm nhiệm. Đối tượng 4 và 5 do Ban chỉ huy Quân sự phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tổ chức học theo cụm xã, do giáo viên cơ quan Quân sự và Trung tâm chính trị trực tiếp giảng dạy. Với cách làm đó, kết quả BDKTQP-AN cho đội ngũ cán bộ ở Hoà Bình đã có chuyển biến tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều địa phương trong Tỉnh (tiêu biểu như các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình) đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ này. Riêng huyện Lương Sơn, kết thúc mỗi khóa học, các học viên được đi thăm quan hoạt động của các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, qua đó nhằm tăng tính thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn; thành phố Hòa Bình đã có sáng kiến đưa nội dung BDKTQP-AN của đối tượng 5 vào ngay các lớp bồi dưỡng đảng viên mới. Đến nay, đối tượng 1 tham gia BDKTQP-AN đạt 90%; đối tượng 2 đạt 90,3%; đối tượng 3 đạt 96,47%; đối tượng 4 đạt 96,95%; đối tượng 5 đạt 55,04%. Cũng chính từ kết quả đó, tới đây Hoà Bình được Quân khu chọn làm “điểm” về BDKTQP-AN cho đội ngũ giáo viên trung học cơ sở và tiểu học (tại huyện Đà Bắc) để tham khảo, rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng trong Tỉnh và địa bàn Quân khu.
Công tác GDQP cho học sinh, sinh viên, cũng được Tỉnh thường xuyên quan tâm. Hằng năm, 39 trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn Tỉnh đều thực hiện công tác GDQP cho học sinh, sinh viên có nền nếp, bảo đảm chất lượng. Do điều kiện còn thiếu giáo viên môn GDQP nên các trường trung học phổ thông chủ yếu vận dụng hình thức học tập trung vào đầu năm học và đầu học kỳ 2. Thông qua GDQP trong nhà trường, đã bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của quê hương Hoà Bình, của các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân; những kiến thức cơ bản về QPTD, kỹ năng quân sự cần thiết. Điều đáng ghi nhận là, thông qua công tác GDQP đã tạo cho các em ý thức cộng đồng, tác phong quân sự, giúp các em nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, liên tục 12 năm qua, Hoà Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, tuyển sinh quân sự, bảo đảm đủ chỉ tiêu, đúng luật định, chất lượng cao, không có chống khám, chống lệnh và đào, bỏ ngũ. Học sinh đăng ký nhập ngũ và tuyển sinh vào các trường quân đội năm sau cao hơn năm trước.
Đối với công tác GDQP toàn dân, Hòa Bình có đặc điểm khác với các địa phương khác ở đồng bằng: gần một nửa số xã vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn  (được đầu tư Chương trình 135); dân trí thấp, giao thông chưa phát triển, địa hình chủ yếu là núi đá xen kẽ hang động nên diện phủ sóng phát thanh, truyền hình hạn chế. Chính vì vậy, tổ chức tốt công tác GDQP cho toàn dân là việc làm không đơn giản và không phải lúc nào cũng đạt được kết quả như mong muốn. BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng GDQP phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể như: Công an, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... tổ chức trên 200 lớp bồi dưỡng cho hơn 500 báo cáo viên, thông tin viên, tuyên truyền viên về đường lối, quan điểm quốc phòng, quân sự của Đảng, nhiệm vụ xây dựng nền QPTD và xây dựng LLVT nhân dân trong thời kỳ mới... Báo, Đài phát thanh- truyền hình Tỉnh, Đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố có chuyên mục QPTD với chất lượng và dung lượng ngày càng tăng. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng hàng chục nghìn tin, bài, ảnh, tuyên truyền, phản ánh kết quả hoạt động QP-AN của địa phương và phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng. Cùng với đó, Tỉnh tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để tuyên truyền về QP-AN. Trong đó, nổi bật là việc BCHQS Tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh nói chuyện truyền thống và thời sự cho cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, học sinh, sinh viên được 880 buổi cho gần 125.000 lượt người; tổ chức thi tìm hiểu truyền thống quân đội “Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ” có gần 200.000 người viết bài; phối hợp cùng các cấp, các ngành giúp đỡ đồng bào Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu thực hiện 4 mục tiêu “không có người nghiện và vận chuyển, buôn bán thuốc phiện; không di dân tự do; không có truyền đạo trái pháp luật; xoá được đói, giảm được nghèo”.
Thành công của cuộc diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh năm 2006 đã phần nào cho thấy kết quả của công tác GDQP toàn dân ở Hòa Bình. Tỉnh đã huy động LLVT kết hợp với nhân dân tham gia đào đắp hàng chục ngàn mét khối đất đá; làm mới, sửa chữa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông liên xã, liên thôn và kênh mương nội đồng phục vụ cho cả nhiệm vụ phát triển KT-XH và tăng cường QP-AN ở địa phương. Qua diễn tập, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ các sở, ban, ngành đã có kiến thức toàn diện hơn về công tác quân sự, QP-AN, tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quân sự, Công an làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực QP-AN.
Có thể khẳng định rằng, công tác GDQP trên địa bàn Hoà Bình những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đó là, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về QP-AN được nâng cao; ý thức trách nhiệm trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân được thể hiện ngày càng rõ; tiềm lực chính trị, tinh thần, “thế trận lòng dân” được không ngừng tăng cường và củng cố;  khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, khu căn cứ An toàn khu (ATK) ngày càng vững chắc về chiều sâu, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường QP-AN, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thông qua BDKTQP-AN, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở, đã nâng cao một bước trình độ nhận thức những vấn đề cơ bản về học thuyết Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tư duy đổi mới của Đảng ta về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; truyền thống quê hương đất nước; nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta; nghệ thuật quân sự Việt Nam; chiến lược quốc phòng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; những nội dung cơ bản của công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Từ đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao năng lực cụ thể hoá các quan điểm, đường lối của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng ở cương vị, chức trách được giao. Ghi nhận những thành tích trong công tác GDQP toàn dân ở Hòa Bình, năm 2005  LLVT Tỉnh được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về công tác GDQP. Năm 2006, BCHQS Tỉnh được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng Cờ thi đua xuất sắc 2 năm liền (2005-2006) về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, chúng tôi thấy rằng, những kết quả đạt được trong công tác GDQP của Tỉnh cũng mới chỉ là bước đầu, bên cạnh đó còn không ít những khó khăn và hạn chế. Nổi lên là, vẫn còn có cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành, nhận thức chưa đầy đủ về công tác GDQP, do đó triển khai thực hiện chưa toàn diện, trách nhiệm chưa cao; Hội đồng GDQP các cấp chưa thực sự làm tốt chức năng tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP nên hiệu quả còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ công tác GDQP; đội ngũ giáo viên GDQP trong các nhà trường chưa được bồi dưỡng thường xuyên, chất lượng giảng dạy còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác bảo đảm trang bị, vật chất, kinh phí còn nhiều bất cập. Từ thành công và cả những hạn chế trong công tác GDQP những năm qua ở địa phương, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm bước đầu  sau.
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác GDQP; tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác GDQP trong tình hình mới, từ đó thống nhất quan điểm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quản lý, điều hành chặt chẽ ở mọi cấp, mọi ngành.
Hai là, chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP các cấp, phát huy vai trò làm tham mưu của Hội đồng GDQP và các ban, ngành chức năng giúp cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP. Trên cơ sở đó,  phát huy tinh thần trách nhiệm của từng thành viên; thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác GDQP; đồng thời, có giải pháp kiên quyết khắc phục những khâu yếu, mặt yếu.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trong thực hiện công tác GDQP. Chú trọng giáo dục về truyền thống, lịch sử; về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và nhiệm vụ QP-AN của địa phương...Để tăng tính hấp dẫn, sinh động của công tác GDQP, cần có nhiều tư liệu, băng hình bổ trợ.
Bốn là, triển khai công tác GDQP tới mọi đối tượng, có phương pháp tổ chức phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Thường xuyên làm tốt công tác thống kê, phân loại đối tượng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt và cán bộ mới được bổ nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và thời gian mở lớp BDKTQP-AN cho phù hợp với từng đối tượng.
Đại tá Lê Hùng Mạnh
Chính ủy Bộ CHQS Tỉnh
 
Ý kiến bạn đọc (0)