QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:01 (GMT+7)
Giáo dục phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, đảng viên - một vấn đề cơ bản trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay
Cùng với các tệ nạn xã hội khác, tham nhũng, lãng phí (TN, LP) đang là một vấn đề bức xúc nhất của xã hội ta hiện nay. Thực trạng này hoàn toàn trái ngược với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước, xa lạ với luân thường đạo lý, những chuẩn mực đạo đức của dân tộc Việt Nam. Tham nhũng là một thách thức lớn đe doạ đến sự phát triển của đất nước, tồn vong của chế độ. Tham nhũng diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, qui mô ngày càng lớn; nó làm hư hỏng không ít cán bộ, đảng viên làm thất thoát một khối lượng lớn tài sản, tiền bạc của xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với công cuộc đổi mới, làm vẩn đục các mối quan hệ xã hội, băng hoại tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… Không những thế, nếu TN, LP không được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất định các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vấn đề này để phục vụ cho chiến lược chống phá đất nước ta.

           

Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng ở nhiều góc độ khác nhau, có nguyên nhân do nhận thức không rõ sự nguy hại, nên còn bao che, đồng loã, không kiên quyết vạch mặt chỉ tên bọn tham nhũng; có nguyên nhân do quá trình chuyển đổi từ cơ chế kinh tế  tập trung, bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, những chính sách và tổ chức quản lý kinh tế-xã hội còn thiếu đồng bộ, lỏng lẻo, nhiều kẽ hở cho những kẻ cơ hội, thực dụng dễ bề tham nhũng; có nguyên nhân do công tác tuyển chọn, bố trí cán bộ còn nhiều thiếu sót, có nơi bố trí nhân sự không đúng tiêu chuẩn, không đủ tin cậy ở các cương vị  quyền lực dễ phát sinh tham nhũng… Ngoài các nguyên nhân đó, có một nguyên nhân cơ bản, trực tiếp nhất dẫn đến hành vi tham nhũng là sự sa sút phẩm chất, đạo đức cách mạng,  sự thoái hoá biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, sự suy giảm về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên dẫn đến nạn TN, LP là con đường rất ngắn; chúng luôn đồng hành với nhau, là hệ quả của nhau, cùng nhau làm biến chất cán bộ, suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Tại Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng"1. Do vậy, giáo dục phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, đảng viên là một vấn đề cơ bản trong phòng, chống tham  nhũng hiện nay.
Để khắc phục tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức cần phải hiểu được những biểu hiện cũng như tác hại của nó đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Kẻ tham nhũng là những người phẩm chất, đạo đức không còn tương xứng với quyền lực mà họ được trao. Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ đẩy người cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng thoái hoá, biến chất, lợi dụng chức, quyền mưu cầu lợi ích riêng, vun vén quyền lợi cho cá nhân, gia đình, vợ con, họ tộc hơn là chăm lo việc tập thể, việc cơ quan, việc dân, việc nước. Chủ nghĩa cá nhân dẫn người ta đến chủ nghĩa thực dụng, chỉ coi trọng lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng, vô cảm, vô trách nhiệm trước vận mệnh của quốc gia và trước số phận của tầng lớp nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn; hướng mọi mối quan hệ xã hội, đạo đức theo lợi ích cá nhân, chà đạp lên mọi quan hệ đạo đức đích thực tối thiểu của con người. Tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp” v.v, đang diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương là những vấn đề đáng báo động. Một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người có chức, có quyền nhưng đã bị tha hóa biến chất, tác phong làm việc quan liêu, sống xa dân; không sát cơ sở, nắm không chắc tình hình cơ quan, đơn vị mình để cho “cánh hẩu” lộng hành. Nhiều nơi, cán bộ chỉ quan tâm tậu xe sang, xây công sở lớn mà ít chú tâm đến cuộc sống thường nhật của người dân... Tình trạng đó không chỉ gây nhức nhối trong xã hội mà còn gây tác động xấu tới lý tưởng, niềm tin, lối sống của lớp trẻ - đại diện cho tương lai của đất nước hiện nay.
           
Bởi vậy, muốn khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, thiết thực đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, bên cạnh quyết tâm  cao phải có hành động cụ thể, tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới. Đảng và Nhà nước ta coi cuộc đấu tranh này là một nhiệm vụ trọng tâm  của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trên cơ sở đó đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt, từ chủ trương, chính sách, pháp luật đến hành động cụ thể. Đại hội X của Đảng xác định phải “Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng"2; Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 3 (khoá X) ra Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí" thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng đối với tệ nạn này. Giáo dục phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, đảng viên phải được tiến hành đồng bộ, bằng nhiều nội dung, giải pháp, song trước hết, phải tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ,  đảng viên theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; nói đi đôi với làm, tư tưởng và hành động nhất trí, rạch ròi giữa cái đúng và cái sai, giữa cao thượng và thấp hèn; hoà mình với quần chúng, thông qua hành động của mình làm cho “dân tin, dân phục, dân yêu”; phải “cần, kiệm, liêm  chính, chí công vô tư”, phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân”,... Làm cho cán bộ, đảng viên nắm vững và tự giác rèn luyện theo tư tưởng đó, đồng thời tăng cường giáo dục mục tiêu lý tưởng, niềm tin vào Đảng, vào chế độ; lòng nhân ái đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn mà người dân đang phải gánh chịu; nêu cao ý thức trách nhiệm với chức trách, nhiệm vụ được giao, thật sự tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc; xử lý hài hoà các lợi ích, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, đức tính trung thực, giữ nghiêm kỷ luật, tính nguyên tắc trong công tác lãnh đạo, quản lý và trong sinh hoạt. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiên cứu, nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành những điều trong Qui định số 15-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Phát huy trách nhiệm đi đôi với giải quyết hài hoà, thống nhất quyền lợi giữa cá nhân với tập thể, quan tâm đến đời sống và lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức với biện pháp hành chính, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước những biểu hiện xuống cấp về phẩm chất, đạo đức, hành vi tham nhũng, lãng phí, bất kể người đó là ai. Công tác giáo dục đạo đức phải hướng dư luận vào cuộc đấu tranh chống TN, LP, xây dựng sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức trong xã hội.
Vấn đề quan trọng hiện nay là, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần2), khóa VIII và những nội dung về công tác xây dựng Đảng do Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đề ra, phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên. Cần có qui chế, qui định cụ thể cho cán bộ, đảng viên về những việc cần làm và những việc cần chống trong rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình thấu tình và đạt lý. Phải lấy thái độ và kết quả đấu tranh phòng, chống TN, LP làm tiêu chuẩn đánh giá năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức Đảng, bản lĩnh chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội, nhất là trong các lĩnh vực còn nhiều sơ hở, luật pháp, chính sách còn nhiều bất cập; phải nâng cao hiệu lực kiểm soát, giám sát của bộ máy quản lý hành chính và quản lý kinh tế, tạo môi trường kinh tế minh bạch, môi trường xã hội lành mạnh. Hoàn thiện công tác cán bộ, chính sách cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” theo tiêu chuẩn, yêu cầu, nhiệm vụ, chức trách được giao, bảo đảm công tác cán bộ phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Khắc phục mọi biểu hiện cảm tính, chủ quan, giản đơn, cơ hội, thực dụng trong đánh giá, xem xét, đề bạt cán bộ, đưa những người cùng “cánh hẩu” vào “ê kíp” lãnh đạo. Kiên quyết không bổ nhiệm những cán bộ không đủ phẩm  chất, năng lực, uy tín thấp vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị.
Một nội dung hết sức quan trọng trong giáo dục phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, đảng viên là phải tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết các vụ việc tham nhũng xảy ra ở các cơ quan, đơn vị đều do người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sự bao quát, kiểm tra, thậm chí còn bao che, đồng loã với biểu hiện tham nhũng. Nên khi xảy ra vụ việc không phát hiện được, cán bộ vi phạm vẫn là đảng viên phấn đấu tốt, vẫn được cất nhắc, đề bạt ở vị trí cao hơn. Đây là một vấn đề đặt ra đòi hỏi không ít cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, cần phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong việc phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, sai trái. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ qui chế dân chủ ở cơ sở, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của quần chúng ở nơi công tác, nơi cư trú của cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, phê phán những thói hư, tật xấu, định hướng chuẩn mực đạo đức mới, biểu dương những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống, những hành động dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
 
Đại tá, PGS, TS. Dương Văn Minh
 
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG, H. 2006, tr. 65.
2- ĐCSVN - Sđd, tr. 286.
 

Ý kiến bạn đọc (0)