Thứ Sáu, 22/11/2024, 12:43 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Giáo dục chính trị đầu khóa (GDCTĐK) trong các nhà trường quân đội được tiến hành cho đối tượng học viên mới vào trường. Hoạt động này diễn ra trong những tháng đầu tiên của khóa học, nhằm trang bị cho người học những tri thức cần thiết, làm cơ sở xây dựng niềm tự hào nghề nghiệp, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường.
Chất lượng giáo dục-đào tạo ở các nhà trường quân đội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó công tác giáo dục chính trị-tư tưởng luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng; vì vậy, nó được tiến hành thường xuyên, liên tục trong cả khóa học. Tuy nhiên, đối với những học viên đang còn bỡ ngỡ trước một môi trường hoàn toàn mới thì những nhận thức ban đầu, tình cảm tươi mới mà công tác GDCTĐK mang lại bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc và có thể theo suốt cuộc đời của họ. Trong "Đạo đức kinh", Lão Tử nói rằng: "Đường xa vạn dặm cũng phải bắt đầu từ những bước đầu tiên. Cây cổ thụ cũng bắt đầu từ những lá mầm". Với nghĩa đó, GDCTĐK tuy chỉ là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị-tư tưởng và diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong toàn bộ quá trình đào tạo của nhà trường.
Từ những kết quả bước đầu đạt được trong công tác GDCTĐK ở Học viện Hậu cần thời gian qua, xin nêu lên mấy vấn đề để cùng trao đổi, ngõ hầu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo ở các nhà trường quân đội hiện nay.
1. Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của GDCTĐK là một nhân tố quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị-tư tưởng nói riêng, công tác đào tạo nói chung.
Ý nghĩa của GDCTĐK là ở cái ban đầu, dễ để lại ấn tượng sâu sắc cho học viên. Vì vậy, khi lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác này sẽ là một thuận lợi lớn cho quá trình tổ chức thực hiện. Bởi từ nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy, sẽ trở thành nghị quyết của tổ chức Đảng, thành mệnh lệnh của người chỉ huy, quy định trách nhiệm và tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới.
Những năm gần đây, công tác GDCTĐK luôn có một vị trí nhất định trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học của Đảng ủy Học viện Hậu cần. Từ đây nó được cụ thể hóa vào kế hoạch hoạt động đầu khóa của Học viện, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị hằng năm và nghị quyết của cấp ủy các đơn vị quản lý học viên. Mặc dù đối tượng đào tạo ở Học viện khá đa dạng, từ trung học kỹ thuật đến tiến sĩ và đối tượng nào cũng cần phải được giáo dục tốt ngay từ đầu, nhưng Học viện xác định cần tập trung làm tốt công tác GDCTĐK cho đối tượng là học viên đào tạo cử nhân cấp phân đội và trung học kỹ thuật (hai đối tượng tuổi đời còn trẻ và có thời gian đào tạo dài nhất ở Nhà trường).
Thông thường, công tác GDCTĐK được thực hiện trong vòng 3 tháng đầu tiên của khóa học. Qua nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, đến nay nội dung GDCTĐK đã được định hình. Nội dung quan trọng nhất là giáo dục về mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường để học viên nắm được những tiêu chí về phẩm chất, năng lực mà bản thân cần đạt được trong khóa học, từ đó có kế hoạch và quyết tâm phấn đấu thực hiện ngay từ đầu. Hệ thống các chế độ, quy định của Nhà trường, như: Quy chế thi, kiểm tra; Quy chế quản lý học viên; quyền lợi và trách nhiệm của học viên cũng được xác định là nội dung của công tác GDCTĐK.
2. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), chỉ huy các cấp có ý nghĩa quyết định đến việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác GDCTĐK.
GDCTĐK là một hoạt động có mục đích, do cơ quan, đơn vị tiến hành; vì vậy, nó là nhiệm vụ của cấp ủy và người chỉ huy đơn vị. ở góc độ khác, nó là một nội dung của công tác đảng, công tác chính trị nên gắn liền với vai trò của chính ủy và chính trị viên đơn vị cơ sở. Thực tế cho thấy, nhận thức tốt nhưng không có chủ trương, biện pháp cụ thể và chương trình kế hoạch chặt chẽ thì công tác GDCTĐK vẫn chỉ là ý tưởng, là khẩu hiệu suông. Phát huy vai trò của cấp ủy ở đây được hiểu là tổ chức đảng phải vào cuộc, coi công tác GDCTĐK là một nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo để đưa vào nghị quyết của cấp mình với mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp cụ thể. Thông thường ở các nhà trường, công việc đầu năm học rất bận rộn, mọi hoạt động của học viên đều tuân thủ theo lịch huấn luyện; nếu cấp ủy, người chỉ huy không quan tâm thì công tác GDCTĐK dễ bị công việc cuốn đi, không có thời gian để tiến hành, hoặc chỉ làm tranh thủ, qua loa đại khái, kém hiệu quả. Việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác này phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và trách nhiệm của chính ủy và chính trị viên các đơn vị. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, các cơ quan chức năng trong nhà trường phải cụ thể hóa Nghị quyết khóa học vào kế hoạch hoạt động đầu khóa, xác định nội dung, thời gian, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đến từng bộ phận, từng người. Trong quá trình tổ chức thực hiện, chỉ huy đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, biểu dương tập thể làm tốt, nhắc nhở đơn vị, cá nhân làm chưa tốt. Kết thúc thời gian GDCTĐK phải tiến hành sơ kết đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm cho các khóa sau.
3. Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, trong đó nòng cốt là cơ quan Chính trị và cán bộ chính trị các cấp trong thực hiện công tác GDCTĐK.
Cũng như các hoạt động giáo dục khác, công tác GDCTĐK cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các cơ quan, đơn vị trong toàn trường. Đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc để phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo ra môi trường sư phạm, môi trường văn hóa lành mạnh trong giáo dục học viên. Công tác GDCTĐK thường diễn ra trong thời gian ngắn, cường độ cao, nhiều đối tượng, chịu sự chi phối của nhiều hoạt động khác, nhất là huấn luyện chính khóa, nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ phận. Tuy là cơ quan chịu trách nhiệm chính về xây dựng kế hoạch GDCTĐK, nhưng Phòng Đào tạo cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Chính trị trong xác định nội dung, hình thức, phân công trách nhiệm, thời gian, các yếu tố bảo đảm cho việc thực hiện công tác này. Phải hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của học viên để chuẩn bị nội dung; lồng ghép các nội dung, hình thức giáo dục cho hợp lý. Cơ quan Chính trị, ngoài việc xây dựng và trực tiếp giáo dục các chuyên đề hướng nghiệp còn phải hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, các tổ chức quần chúng xây dựng kế hoạch và tiến hành công tác GDCTĐK ở cấp mình, tổ chức mình. Cán bộ chính trị ở các đơn vị quản lý học viên là người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai GDCTĐK ở đơn vị. Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị sẽ tạo ra môi trường giáo dục tích cực đối với học viên, đặt họ vào vị trí trung tâm của nhà trường.
4. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức GDCTĐK.
Khác với giáo dục chính khóa và thường xuyên, phương thức chủ yếu của GDCTĐK là tác động vào tình cảm của học viên, xây dựng cho họ niềm tin, niềm tự hào nghề nghiệp, tình cảm yêu mến mái trường mà họ sẽ gắn bó suốt khóa học cũng như khát vọng vươn tới mục tiêu trở thành người cán bộ ưu tú của quân đội. Do vậy, việc lựa chọn nội dung, hình thức giáo dục phải hết sức chú ý vấn đề này. Lực lượng tham gia GDCTĐK cũng được xác định, phân công, phân cấp rõ ràng. Cơ quan Chính trị đảm nhiệm giới thiệu các chuyên đề hướng nghiệp và truyền thống. Phòng Đào tạo có trách nhiệm giới thiệu mục tiêu, yêu cầu đào tạo và các quy chế huấn luyện. Các cơ quan: Hậu cần, Tài chính, Văn phòng, Chính trị giới thiệu các chế độ bảo đảm về vật chất, tinh thần mà học viên được hưởng, các chế độ, quy định về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật trong nhà trường. Các đơn vị quản lý học viên, trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo và các quy định chung, có trách nhiệm giới thiệu về nhiệm vụ cụ thể của người học viên, truyền thống, nền nếp, chế độ của đơn vị. Tùy vào đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị mà giới thiệu thêm các nội dung: mối quan hệ với các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị bạn, học viên các khóa trước, học viên các bậc học, ngành học khác nhau, tình hình địa bàn đóng quân, mối quan hệ đoàn kết quân dân. Hằng năm, cần nghiên cứu chỉnh sửa nội dung theo hướng cập nhật những phát triển mới của tình hình đất nước, nhiệm vụ của quân đội, của nhà trường và ngành học...
Đối tượng của GDCTĐK là thanh niên với chất lượng đầu vào ngày càng cao, nên việc sử dụng hình thức giáo dục phải phong phú, sinh động và luôn luôn tươi mới, phù hợp với đặc điểm tâm lý của họ. Cần đa dạng hóa hình thức giáo dục bằng cách kết hợp nhiều hình thức với nhau. Ngoài lên lớp tập trung, nên tổ chức các buổi trao đổi, mạn đàm ở các tổ, tiểu đội, lớp học, chi đoàn, lồng ghép vào các hoạt động khác, như: khai giảng năm học, tham quan nhà truyền thống, giao lưu giữa học viên cũ với học viên mới. Sử dụng tổng hợp các hình thức này trong những tháng đầu khóa học, sẽ làm cho học viên mới luôn cảm thấy mình là trung tâm chú ý của nhà trường, từ đó có thêm niềm hứng khởi, quyết tâm học tốt, rèn nghiêm ngay từ đầu khóa học.
5. Tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị cần thiết cho công tác GDCTĐK.
Nội dung, hình thức và phương tiện để tiến hành công tác tư tưởng nói chung và công tác GDCTĐK nói riêng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Để nâng cao hiệu quả công tác GDCTĐK, việc đổi mới nội dung, hình thức phải đi đôi với tăng cường đầu tư kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất cần thiết cho các hoạt động của công tác này.
Trong điều kiện khả năng của các trường, cần đầu tư bổ sung, nâng cấp hệ thống trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, các phương tiện tuyên truyền trực quan, như: băng rôn, pa nô, áp phích, bảng tin, bảng ảnh, băng đĩa hình; các thiết chế văn hóa, như: nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần dành một khoản kinh phí nhất định cho việc biên soạn nội dung chương trình, cho việc bồi dưỡng báo cáo viên, cũng như cho các hoạt động văn hóa-văn nghệ để có thể thực hiện "sân khấu hóa" hình thức giáo dục.
GDCTĐK tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng giữ một vị trí quan trọng trong công tác giáo dục chính trị-tư tưởng cho học viên trong toàn khóa học. Thực hiện tốt công tác này là góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo ở các nhà trường quân đội trong thời kỳ mới.
Thượng tá, ThS. Lương Ngọc Vĩnh
Học viện Hậu cần
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011