Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:26 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nông thôn nước ta có diện tích rộng, dân số đông, số người trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn, nhưng hiện nay còn thiếu việc làm, hoặc có việc làm nhưng chưa sử dụng hết thời gian lao động. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) của đất nước. Vì vậy, giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn hiện nay là vấn đề mang tính chiến lược, là đòi hỏi vừa lâu dài, vừa cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của nước ta.
Khu vực nông thôn hiện có khoảng 24 triệu lao động. Nhưng trên thực tế, người lao động chỉ sử dụng khoảng 80% thời gian làm việc; 20% thời gian còn lại (tương đương với 4,8 triệu lao động) nhàn rỗi. Theo dự báo, trong 5 năm tới, số lao động ở khu vực nông thôn tăng thêm 5 triệu người, cùng với khoảng 2,5 triệu người mất việc do đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích trong quá trình đô thị hóa và CNH, HĐH; cộng với số lao động quy đổi do chưa sử dụng hết thời gian lao động, cả nước có tới 12,3 triệu người cần việc làm1. Như vậy, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn vốn là vấn đề xã hội bức xúc, trong 5 năm tới lại trở nên bức xúc hơn. Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt sẽ cản trở đến sự phát triển KT-XH của đất nước, tác động trực tiếp đến việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bởi lẽ hiện nay, lao động nông thôn không chỉ chiếm tỷ trọng cao, cơ cấu mất cân đối, mà còn hạn chế về tay nghề (có tới 72,5% chưa qua đào tạo)2. Do kinh tế nông thôn về cơ bản là thuần nông, lao động theo thời vụ, ngành nghề phát triển chậm, nên sau khi thu hoạch mùa màng, nhiều người không có việc làm, phần lớn phải đi tìm việc ở các đô thị và khu vực tập trung công nghiệp (có địa phương chỉ còn 20 - 30%, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em)3. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn (nhất là trong thanh niên nông thôn) là một trong những nguyên nhân nảy sinh các tệ nạn xã hội, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội mà các thế lực xấu có thể lợi dụng chống phá. Do số lượng thanh niên ở nông thôn ra các đô thị và khu vực tập trung công nghiệp tìm việc làm tăng lên sẽ dẫn đến tình trạng dân số cơ học tăng nhanh và tăng cao, tạo nên sự quá tải, gây nên những bức xúc về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, làm nảy sinh nhiều tiêu cực ở các khu vực này. Mặt khác, do lực lượng lao động đi nơi khác tìm việc làm đã dẫn đến tình trạng các địa phương nông thôn gặp khó khăn trong quản lý và thực hiện các kế hoạch đối với lực lượng dự bị động viên, dân quân, dân phòng, kể cả thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự... Tình hình đó không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của các địa phương, làm cho việc huy động nguồn nhân lực theo yêu cầu của sự nghiệp củng cố quốc phòng không kịp thời, mà còn có tác động xấu đến việc giữ gìn an ninh nông thôn ở mỗi địa phương và cả nước,v.v.
Để giải quyết cơ bản vấn đề đó, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nông thôn và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn hiện nay; trên cơ sở đó có các giải pháp cơ bản, phù hợp với từng vùng cụ thể. Cần phải thống nhất nhận thức rằng, giải quyết việc làm cho nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, không những liên quan đến vấn đề KT-XH, mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với QP- AN đất nước. Vấn đề đó không đơn thuần để bảo đảm đời sống cho cư dân nông thôn, mà còn liên quan đến chiến lược của cách mạng, đường lối, chính sách CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của Đảng; không chỉ là vấn đề của hiện tại mà còn là của tương lai. Trước đây, chúng ta đã dựa vào rừng núi, nông thôn, phát huy sức mạnh to lớn của nông dân, xây dựng nông thôn, miền núi thành căn cứ địa và chỗ dựa vững chắc cho các cuộc kháng chiến. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, nông thôn vẫn là một địa bàn trọng yếu, cần phải tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra, trong đó có việc làm để xây dựng nông thôn phát triển. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước theo định hướng XHCN; đồng thời, thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta về thực hiện công bằng xã hội, xây dựng và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010", Đảng ta đã khẳng định: “Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân”4.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đang là một đòi hỏi bức xúc, nhưng là một bài toán khó có lời giải trọn vẹn. Bài viết này xin đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động phù hợp. Lao động nông thôn thiếu việc làm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là trình độ văn hóa thấp, lại không được đào tạo nghề nên lao động phổ thông là phổ biến. Đã có những doanh nghiệp sau khi thu hồi đất của nông dân, nhận lao động trẻ ở nông thôn vào làm việc, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại phải cắt hợp đồng, do lao động này không đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Bởi vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nghề và đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống và phải có sự tham gia của các cấp, các ngành, các lực lượng trong toàn xã hội. Trước hết, chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân các địa phương, nhất là lực lượng lao động trẻ có nhận thức đúng về học nghề, thay đổi quan niệm cũ là phải vào các trường đại học mới có việc làm, thu nhập đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Trên cơ sở có nhận thức đúng về học nghề, cần phân luồng giúp họ chọn đúng ngành, nghề phù hợp với bản thân và yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước và của mỗi địa phương. Đây không phải là vấn đề có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”, vì làm thay đổi nhận thức và thói quen của mỗi người và cả một thế hệ cần phải có thời gian và sự kiên trì. Trong đào tạo nghề, cần phân loại để có hình thức và nội dung đào tạo phù hợp. Đối với những lao động lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên), không có điều kiện đi học tập trung, cần tạo điều kiện tổ chức các lớp dạy nghề tại chỗ, với những nghề truyền thống của địa phương. Sau khi học xong, cần có sự hỗ trợ về vốn để người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình. Với đối tượng này có thể áp dụng hình thức dạy nghề lưu động, lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, tạo cơ hội cho lao động nông thôn có nghề. Đối với lao động còn trẻ, là lực lượng lao động lâu dài của xã hội, cần khuyến khích họ vào học tại các trường và trung tâm dạy nghề, đảm bảo có tay nghề vững, chuyên môn chắc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các trường dạy nghề có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút và đào tạo nghề cho học viên. Bởi vậy, các trường, một mặt, phải nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; mặt khác, chủ động đào tạo nghề thông qua liên doanh, liên kết giữa các trường với cơ sở dạy nghề với nhau; giữa trường dạy nghề với các trường đại học, cao đẳng; giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và với các trung tâm giáo dục quốc phòng, vừa đào tạo nghề, vừa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, để sau khi tốt nghiệp, hoặc nhận được chứng chỉ nghề, học viên có thể tìm kiếm được việc làm đáp ứng nguyện vọng của bản thân, vừa sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự khi có yêu cầu. Với đối tượng nghèo, không có điều kiện để học nghề, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí học nghề dưới hình thức phù hợp, như cấp thẻ học nghề một lần cho người thực học. Các trường dạy nghề của quân đội, bên cạnh đào tạo nghề cho quân nhân, tiếp tục nhận thanh niên bên ngoài vào đào tạo. Quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới công tác quản lý và chú trọng gắn đào tạo nghề với rèn luyện trong môi trường quân sự, bởi đó là những phẩm chất không chỉ cần thiết cho nền sản xuất mới, mà còn đáp ứng yêu cầu của quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với công tác đào tạo nghề, cần nghiên cứu mở sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm ở ngay các địa phương, chứ không chỉ ở các đô thị lớn, để doanh nghiệp và người lao động có cơ hội gặp gỡ, đáp ứng nhu cầu của nhau. Sau đào tạo nghề, các địa phương còn có thể tìm hiểu và tổ chức chặt chẽ việc đưa lao động nông thôn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Thứ hai, tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống đi đôi với xây dựng các làng nghề mới; phát triển tiểu - thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô vừa và nhỏ. Cả nước hiện có khoảng 2.000 làng nghề, hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn, với các ngành nghề phong phú, đa dạng 5. Các làng nghề truyền thống đã thu hút một số lượng lớn lao động nông thôn, song số lao động có nhu cầu việc làm vẫn còn rất lớn. Bởi vậy, cùng với công tác đào tạo nghề cho các đối tượng, phải tạo ra nhiều chỗ làm mới, thích ứng với nghề đã đào tạo. Thông qua công tác phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống thành xã nghề; nhân làng nghề mới và phát triển tiểu - thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô vừa và nhỏ, vừa tạo được nhiều việc làm, vừa phù hợp với trình độ lao động nông thôn. Đặc biệt, ở những nơi có khu công nghiệp, các địa phương cần căn cứ vào hoạt động của các doanh nghiệp để có hướng phát triển các làng nghề, hoặc phát triển ngành nghề mới để sản xuất bán sản phẩm, làm vệ tinh... cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Đồng thời, ngay từ khi quy hoạch, có thể tạo ra quỹ đất nhất định trong các khu công nghiệp để cho lao động nông thôn trong diện chính sách, hoặc những đối tượng lao động không có điều kiện và khả năng đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp. Đó chẳng những là một kênh tham gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn thể hiện chính sách của Nhà nước là quan tâm đến việc làm cho lao động nông thôn khi Nhà nước thu hồi đất, hoặc có đất sản xuất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích trong quá trình đô thị hoá và CNH, HĐH.
Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách nhằm động viên, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào những nơi còn nhiều khó khăn, địa bàn xung yếu. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, biên giới, những khu vực trọng yếu về QP- AN, giàu tiềm năng nhưng chưa được "đánh thức", do còn thiếu đầu tư và thiếu lao động. Những khu vực này đang đòi hỏi Nhà nước và các địa phương có chính sách khuyến khích, nhằm động viên được mọi nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, dịch vụ, khai thác tiềm năng, để vừa phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, vừa tạo ra nguồn nhân lực, hậu cần và kỹ thuật tại chỗ cho khu vực phòng thủ. Đây là những vùng còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có lực lượng lao động trẻ, khoẻ, nhiệt tình, trình độ, tâm huyết, gắn bó lâu dài với địa bàn. Bởi vậy, các địa phương cần có chính sách ưu đãi hợp lý về đất đai, vốn, thuế... nhằm động viên, khuyến khích các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, các khu kinh tế phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa bàn; có quy hoạch đồng bộ các yếu tố về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu như: đường giao thông, nhà ở, nước sinh hoạt, chợ, trạm y tế, trường học..., để những lao động đến đây có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản, yên tâm và gắn bó xây dựng địa bàn vững mạnh, giầu đẹp. Đồng thời, có chính sách thu hút lực lượng lao động ở các vùng, miền khác đến định cư, sinh sống, làm cho kinh tế địa phương phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Muốn vậy, không chỉ động viên thanh niên địa phương, mà còn phải tuyên truyền, vận động thanh niên ở miền xuôi lên lập nghiệp; sinh viên ra trường về công tác tại các vùng còn nhiều khó khăn. Cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình trí thức trẻ tình nguyện, làng thanh niên lập nghiệp để đáp ứng yêu cầu trên. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò của các khu kinh tế - quốc phòng trong tạo công ăn việc làm cho nhân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số,v.v.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải tiến hành lâu dài và kiên trì. Trong quá trình thực hiện phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, các lực lượng mới mang lại kết quả như mong muốn. Đây là vấn đề lớn, mà bài viết này mới gợi mở một vài suy nghĩ ban đầu.
Thượng tá Nguyễn Văn Bảy
___________
1- Tạp chí Cộng sản, số 786 (4-2008), tr. 73.
2- Báo Nhân Dân, ra ngày 9-3-2008, tr.4.
3- Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 2-2008, tr.70.
4- ĐCS Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr. 210.
5- Tạp chí Lao động và Xã hội số 320 từ 1-15 tháng 10 năm 2007, tr. 28.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011