QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:39 (GMT+7)
Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì ổn định và phát triển trên Biển Đông

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3 độ lên đến vĩ độ 26 độ Bắc và từ kinh độ 100 độ đến 121 độ Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Thái Lan và Cam-pu-chia. Biển Đông không chỉ là tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng, huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á, mà còn có nguồn tài nguyên phong phú. Đặc biệt, đây được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. 

Việt Nam nằm ở bờ trung tâm của Biển Đông, với trên 3.260 km bờ biển trải theo chiều dài đất nước và hàng nghìn hòn đảo; trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông. Nhìn lại lịch sử, từ hàng nghìn năm trước, ông cha ta đã không chỉ biết đến biển mà còn biết khai thác, sử dụng biển để dựng nước và giữ nước. Thần khí linh thiêng của Biển đã được hiển hiện ngay trong những câu ca dao, tục ngữ từ ngàn xưa. Lịch sử cận đại cho thấy các  triều đại phong kiến Việt Nam kế tiếp đã không ngừng củng cố, bảo vệ và mở mang bờ cõi, biên cương nước nhà trên hướng biển.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đặt nhiệm vụ xây dựng, khai thác và bảo vệ Biển lên tầm chiến lược. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đã đề ra mục tiêu: xây dựng nước ta mạnh về biển, giầu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Quán triệt tinh thần đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang chung sức, đồng lòng xây dựng Biển không chỉ là cửa ngõ bang giao kinh tế, tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước, mà còn tích cực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, như: du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thuỷ..., gắn kết chặt chẽ giữa khai thác với bảo vệ vùng Biển, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Đồng thời, quán triệt đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước", chúng ta cũng đã có nhiều nỗ lực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế, các nước liên quan và có nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng trong phân định vùng biển chồng lấn để xây dựng Biển nước ta nói riêng, Biển Đông nói chung thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển, được bạn bè trong khu vực và thế giới đánh giá cao. Nổi bật là:

  Với Cam-pu-chia, sau nhiều năm đàm phán, ngày 7-7-1982, hai nước đã ký "Hiệp định về vùng nước lịch sử "; trong đó: xác định rõ chủ quyền đảo của mỗi bên theo một đường mà Toàn quyền Đông Dương Zuy-lê Brê-vi-ê đề xuất năm 1939; thiết lập một vùng nước lịch sử chung hai bên cùng nhau kiểm soát và quản lý; duy trì các hoạt động đánh bắt hải sản trên tinh thần tôn trọng các tập quán truyền thống; thống nhất các quy định về hoạt động liên quan đến thăm dò dầu khí trong vùng nước lịch sử. Năm 1983, hai bên đã ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia; trong đó nêu rõ hai bên sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại trên biển theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để hai nước tiếp tục đàm phán xác định ranh giới biển trong vùng nước lịch sử, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Với Ma-lai-xi-a, giữa hai nước còn tồn tại một vùng chồng lấn biển và thềm lục địa rộng khoảng 2.800 km2. Tháng 5-1992, hai nước đã tiến hành ký Thoả thuận hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn; theo đó, giao cho các công ty dầu khí của hai nước ký các dàn xếp thương mại và tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tiềm năng dầu khí ở khu vực này; từng bước tiến tới phân định vùng chồng lấn. Hiện nay, việc hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực được gọi là PM3-CAA đang tiến triển tốt, mang lại nguồn lợi lớn cho hai nước. Bên cạnh đó, ta và bạn tiếp tục đàm phán để giải quyết tồn đọng về phân chia vùng biển và thềm lục địa chồng lấn ở Đông Nam Biển Đông.

Với Thái Lan, giữa hai nước tồn tại vùng chồng lấn khoảng 6.074 km2 tại Vịnh Thái Lan. Ngày 9-8-1997, hai nước đã ký Hiệp định về biên giới biển Việt Nam - Thái Lan, mở ra một trang mới không chỉ trong lịch sử quan hệ Việt - Thái mà cả trong lịch sử phân định Vịnh Thái Lan. Hiệp định đã khẳng định xu thế có thể thoả thuận về một đường biên giới biển duy nhất phân định đồng thời thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong các vùng biển không rộng quá 400 hải lý giữa các bờ biển đối diện nhau. Cùng với việc ký kết Hiệp định trên, Chính phủ hai nước cũng đã đạt được thoả thuận về hợp tác bảo đảm an ninh trên biển và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật trong Vịnh, thông qua việc tổ chức tuần tra chung giữa Hải quân Thái Lan và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngư dân hai bên tôn trọng quy định về đánh cá và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật. Ba nước Việt Nam - Thái Lan – Ma-lai-xi-a đã thỏa thuận thông qua đàm phán, thương lượng để giải quyết  vùng chồng lấn rộng khoảng 7.250 km2, trước mắt đã thoả thuận được một số nội dung chủ yếu liên quan tới mô hình hợp tác và các vấn đề kỹ thuật.

Với In-đô-nê-xi-a, ngày 26-6-2003, hai nước đã ký Hiệp định về phân định thềm lục địa giữa hai nước, đáp ứng được nguyện vọng tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và nhằm thiết lập đường ranh giới thềm lục địa giữa hai nước tại khu vực thềm lục địa chồng lấn. Hiện hai  bên đều rất nỗ lực đàm phán để sớm hoàn thành việc phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước.

 Với Trung Quốc, quán triệt phương châm 16 chữ  mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận, ngày 25-1-2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ; theo đó xác định rõ phạm vi và tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong vịnh Bắc Bộ; đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước. Vừa qua, hai nước đã nhất trí tiến hành hợp tác điều tra nguồn lợi thuỷ sản trong vùng đánh cá chung, tiến hành các hoạt động tuần tra chung của lực lượng hải quân hai nước; ký kết các thoả thuận về hợp tác dầu khí đối với các cấu tạo vắt ngang đường phân định; nghiên cứu xây dựng Đề án hợp tác phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Đối với khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, năm 2005, hai nước đã nhất trí thành lập Nhóm công tác liên hợp để tiến hành đàm phán phân định vùng biển khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn. Đến nay, hai bên đã đàm phán được bốn vòng cấp chuyên viên; đồng thời, đang tích cực chuẩn bị nghiên cứu các hình thức hợp tác phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.

Những kết quả trên đây là hết sức quan trọng, góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước; đồng thời tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn mà Đảng, Nhà nước  ta đã đề ra. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, do vị trí địa- chiến lược, địa - kinh tế quan trọng, những tồn tại từ lịch sử để lại và nhiều lý do khác, nên tình hình Biển Đông vẫn còn rất nhiều phức tạp, trong đó có cả vùng biển nước ta. Hiện Việt Nam có bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển cần giải quyết: 1- Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc. 2- Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Bru-nây. 3- Phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 4- Xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa.   

Chúng ta đều biết rằng, tranh chấp chủ quyền đảo và biên giới biển là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, lâu dài, dễ làm nảy sinh va chạm, xung đột giữa các nước liên quan, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định của mỗi nước và khu vực. Đối với các tranh chấp loại này, thường có 3 phương thức giải quyết: 1- Sử dụng vũ lực. 2- Giải quyết hòa bình theo: đàm phán, thương lượng; trung gian hòa giải; sử dụng cơ chế tài phán quốc tế (Tòa án Quốc tế). 3- Biện pháp tạm thời: hợp tác cùng phát triển; giữ nguyên trạng. Ngày nay, việc sử dụng vũ lực không được quốc tế chấp nhận. Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; trong đó biện pháp chủ yếu là thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế. Đối với các tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam chủ trương cùng các bên tôn trọng nguyên trạng, giải quyết thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, để tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài. Đồng thời, các bên đưa ra các đề xuất mới về “hợp tác cùng phát triển”, nhằm tăng cường sự hợp tác và giữ gìn hoà bình, ổn định trên Biển Đông, với các nguyên tắc cơ bản: tôn trọng vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước; tiến hành hợp tác ở những khu vực thực sự có tranh chấp; việc hợp tác phải tuân thủ pháp luật và thực tiễn quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được tất cả các bên liên quan đồng thuận.

Trên thực tế, Việt Nam đã tích cực triển khai các diễn đàn đàm phán, thương lượng song phương và đa phương về vấn đề giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông, như: đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; điều tra khảo sát khoa học biển chung JOMSRE Việt Nam – Phi-líp-pin và trao đổi Nhóm công tác liên hợp thường xuyên Việt Nam – Phi-lip-pin về các vấn đề biển; diễn đàn ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC; Hội thảo kiềm chế các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông; diễn đàn Sáng kiến Đại dương ASEM… Nhân kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN – Trung Quốc (năm 2006), các nước liên quan đã đồng ý trên cơ sở DOC, phát triển và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho khu vực Biển Đông (COC), cơ sở để giải quyết triệt để "điểm nóng" này, được dư luận đánh giá là đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Trong tình hình mới, mục tiêu bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của ta là bằng biện pháp luật pháp quốc tế duy trì hoà bình, ổn định và ngăn ngừa xung đột trên Biển Đông; bảo vệ vững chắc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; bảo vệ và giữ vững chủ quyền của ta đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tích cực triển khai đàm phán giải quyết tranh chấp với các nước liên quan trên cơ sở hòa bình nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được, thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC, phát triển một cách mạnh mẽ kinh tế biển. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải phối hợp và tiến hành đồng bộ các biện pháp pháp lý, chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về biển.

Huỳnh Minh Chính

Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia

Bộ Ngoại giao

 

Ý kiến bạn đọc (0)