QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:49 (GMT+7)
Giải pháp xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở Đoàn M.47

Thành lập ngày 5-7-1978, nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn M.47 (thuộc Quân chủng Hải quân) là huấn luyện, sẵn sàng cơ động chiến đấu, là lực lượng nòng cốt trong đổ bộ chi viện và giải phóng các đảo của Tổ quốc và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Trải qua 30 năm xây dựng, Đoàn đã khắc phục khó khăn, gian khổ,  đạt thành tích cao và toàn diện trên tất cả các mặt công tác trong nhiều năm liên tục.

Có được thành tích đó là kết quả tổng hợp của nhiều biện pháp, trong đó Đoàn luôn đặt trọng tâm vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng làm cơ sở để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Xuất phát từ đặc thù của nhiệm vụ được giao, đối với Đoàn Hải quân đánh bộ (HQĐB) M.47, thời bình hay thời chiến chỉ mang tính chất tương đối. Hiện nay đất nước đang trong trạng thái thời bình, nhưng có thời điểm, với Đoàn là thời chiến, nên Đoàn phải luôn sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao. Do đóng quân phân tán, phạm vi nhiệm vụ phải đảm nhiệm rộng, nhiều thành phần binh chủng, nhiều đối tượng huấn luyện, công tác bảo đảm huấn luyện đa dạng, phức tạp nên ngay trong điều kiện huấn luyện thường xuyên, Đoàn cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Trong những hoàn cảnh như thế, nếu không thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng; cán bộ, chiến sĩ nhận thức không đầy đủ, thiếu tự giác thì Đoàn không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, đã qua 11 lần tổ chức đại hội đại biểu Đảng bộ Đoàn, song kỳ đại hội nào, Đảng ủy và chỉ huy Đoàn cũng dành sự tập trung cao nhất cho việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ của toàn Đoàn, của mọi tổ chức, trước hết là của cấp ủy và chỉ huy các cấp. Để công tác này đạt hiệu quả cao, phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng sao cho thiết thực, sát với đặc điểm, tính chất hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ của Đoàn.

Với quan điểm đó và trên cơ sở thống nhất về phương pháp tiến hành, Đoàn luôn chú trọng quán triệt sâu sắc đến từng phân đội, đơn vị và từng chiến sĩ về đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; tính chất, đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng, của Đoàn. Trong quá trình này, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn luôn chú ý làm rõ môi trường tác chiến của HQĐB là môi trường cực kỳ ác liệt; ở đó, người chiến sĩ phải tác chiến trong điều kiện không có vật che đỡ, che khuất, không phải chỉ đối mặt với địch mà còn phải đối mặt với sóng gió. Trường hợp tác chiến ở đảo xa đất liền, xa sự chi viện của lực lượng cấp trên và nhân dân, chiến sĩ, phân đội HQĐB còn gặp vô vàn khó khăn về nước ngọt, lương thực, thực phẩm. Trên cơ sở đó, giúp cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ được nhiệm vụ, vinh dự lớn lao và trách nhiệm nặng nề, để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đoàn luôn xác định mục đích của việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ để, một mặt, làm cho bộ đội nhận thức rõ về nhiệm vụ; mặt khác, từng bước xây dựng ý thức độc lập tác chiến, khả năng, tự xử lý tình huống, đặc biệt là xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm chỉ có tiến, không có lùi, bám trụ và tiến công liên tục của người chiến sĩ HQĐB.

Những bài học thành công và truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, của bộ đội HQĐB luôn được Đoàn khai thác tối đa để khơi dậy niềm tự hào về các thế hệ cha anh; đồng thời, cũng là để mỗi cán bộ, chiến sĩ xác định tốt hơn trách nhiệm đối với nhiệm vụ của mình trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, những mặt còn hạn chế, các trường hợp mất an toàn trong huấn luyện, trong tham gia giao thông đều được các cấp phân tích, tìm rõ nguyên nhân, chỉ rõ sự chủ quan, bất cẩn của cá nhân, của cán bộ quản lý trực tiếp, từ đó xác định các biện pháp khắc phục. Do phải đóng quân phân tán, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn đã khuyến khích cán bộ chủ trì các phân đội phát huy tính độc lập, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chỉ huy, quản lý đơn vị, kể cả trong tác chiến. Bằng cách đó, không chỉ hạn chế được những khó khăn mang tính khách quan do đóng quân phân tán, mà còn duy trì chặt chẽ được các chế độ trong ngày, trong tuần ở từng phân đội, đơn vị, bảo đảm cho Đoàn luôn xứng đáng là đơn vị điểm về xây dựng chính quy của Quân chủng.

Xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng không đơn thuần chỉ là công tác giáo dục chính trị. Trên thực tế, nó bao trùm và đan xen với mọi mặt hoạt động, công tác của đơn vị. Bởi vậy, cùng với việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, Đoàn yêu cầu các cấp phải chủ động bám nắm tư tưởng, chia sẻ khó khăn và tìm mọi cách để chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu; trước những tình huống khó khăn, phức tạp, cán bộ, đảng viên phải nhận trước, đi trước. Đó là những việc làm có sức thuyết phục, có tác động tích cực đến kết quả xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Nhờ vậy, từ năm 1988 đến nay, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa và Vùng 4 Hải quân với ý thức chấp hành mệnh lệnh triệt để, nghiêm túc, tinh thần quyết tâm cao. Đó là biểu hiện sinh động và khẳng định sự trưởng thành về chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị; là cơ sở để Đoàn tiếp tục xây đắp, phát huy truyền thống “Trung thành dũng cảm- Chủ động sáng tạo- Đoàn kết hiệp đồng- Ra quân quyết thắng”.

Cùng với đặt trọng tâm vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, Đoàn còn chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn chiến đấu trong trong thực hiện công tác huấn luyện, coi đó là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Để thực hiện tốt yêu cầu này, Đoàn đã tập trung trước hết vào việc bồi dưỡng cán bộ. Thay vì  “tập huấn cán bộ” theo giai đoạn huấn luyện, Đoàn coi trọng “huấn luyện cán bộ” một cách thường xuyên. Mỗi đối tượng cán bộ đều có chương trình, nội dung huấn luyện riêng và được tổ chức chặt chẽ. Với số cán bộ mới được bổ sung về, Đoàn vận dụng nhiều phương thức bồi dưỡng, như: trên bồi dưỡng dưới, cán bộ cũ bồi dưỡng cán bộ mới, thậm chí chiến sĩ cũ bồi dưỡng cho cán bộ mới, kết hợp bản thân từng cán bộ tự học tập, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; sau cùng là thông qua kiểm tra, hội thao để đánh giá kết quả của quá trình bồi dưỡng. Đối với số cán bộ cũ, nội dung bồi dưỡng là những vấn đề mới trong chỉ huy, hiệp đồng và trong xử trí các tình huống. Vì vậy, mặc dù không được đào tạo chuyên nghiệp về tác chiến đổ bộ đường biển, đường không, song nhờ tích cực, chủ động trong việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng nên hầu hết cán bộ, sĩ quan của Đoàn đều có khả năng làm chủ vũ khí, trang bị và tinh thông nghiệp vụ.

Chủ động, dám nghĩ, dám làm là cơ sở của sự sáng tạo. Nhờ có tinh thần chủ động, các phân đội của Đoàn đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhiều mô hình, học cụ phục vụ cho huấn luyện, được Quân chủng đánh giá cao; điển hình là sáng kiến “Phao vượt sông súng máy phòng không 12,7 mm”, “Mễ kê xe hạ nhanh”, “Vam tháo ly hợp động cơ khởi động CT-721”... Đặc biệt, bằng tinh thần chủ động, sáng tạo, bằng sự say mê nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã biến kinh nghiệm của mình, của tập thể thành tri thức. Đó là chọn vị trí bố trí, thời cơ phát huy hoả lực B41, ĐKZ, Cối…, trong quá trình cơ động trên biển, là thời cơ bắn, thời cơ đẩy pháo, kéo pháo, chiếm lĩnh trận địa, được đúc kết từ thực tiễn huấn luyện trên biển. Thông qua tổng kết thực tiễn huấn luyện, phân đội súng cối tìm ra được thời cơ bắn tốt nhất khi cơ động, đó là khoảnh khắc tàu chuẩn bị nằm trên đỉnh sóng; hoặc có tài liệu nói pháo tăng không bắn được trong điều kiện cơ động trên biển, song qua thực nghiệm, pháo tăng bắn được trong điều kiện cơ động ở sóng cấp 2, cấp 3.

Tính chủ động của Đoàn còn thể hiện rõ ở việc bám sát thực tiễn huấn luyện cơ động đổ bộ. Khi đổ bộ từ biển lên bờ, HQĐB thường phải vượt qua ba loại địa hình chính, đó là bãi cát, bãi sình lầy và bãi đá, san hô; trong đó, bãi cát là môi trường đổ bộ thuận lợi nhất. Bãi sình lầy và bãi đá, san hô là các loại bãi phức tạp, khó tiếp cận, khó đổ bộ, dễ xảy ra mất an toàn, nhưng lại là phương án được Đoàn lựa chọn để huấn luyện nhiều hơn; bởi lẽ, trong thực tế chiến đấu, những bãi đổ bộ khó càng bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, giành thắng lợi nhanh, ít thương vong nhất. Tuy nhiên, chọn bãi phức tạp để huấn luyện đòi hỏi công tác bảo đảm cũng phức tạp. Nó cần sự thống nhất, quyết tâm của cả tập thể mới thực hiện được.

Nhận thức rõ huấn luyện không chỉ là để trang bị kiến thức, trình độ kỹ thuật, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ, phân đội, mà còn là môi trường lý tưởng nhất để rèn luyện bộ đội về mọi mặt. Vì vậy, Đoàn luôn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện, nhất là rèn luyện tác phong chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo của cá nhân, phân đội; đồng thời, chú trọng huấn luyện bơi cá nhân trong điều kiện đêm tối, mưa rét, sóng lớn..., để rèn luyện và nâng cao khả năng chịu đựng về tinh thần và thể chất của bộ đội.

Đạt được một số thành tích và rút ra được một số kinh nghiệm trên đây, đối với Đoàn là cả một quá trình. Tuy vậy, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, những gì Đoàn đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu. “Phải  giáo dục bộ đội tác chiến trong điều kiện địch đông hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện hiện đại hơn ta nhiều lần; phải huấn luyện bộ đội trong điều kiện khó khăn nhất, gian khổ nhất, độc lập nhất; phải tiếp tục xây dựng Đoàn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức” là mục tiêu của Đoàn trong những năm tới. Đạt được như vậy, Đoàn mới có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước,  quân đội và Quân chủng giao cho.

Đại tá Trịnh Hồng Khanh

Đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)