QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 00:27 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại quốc phòng của Hải quân trong tình hình mới

Công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) của Hải quân là một bộ phận quan trọng của công tác ĐNQP của Đảng và Nhà nước; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong điều kiện hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Hải quân nhân dân Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ĐNQP.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết về công tác ĐNQP của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tích cực triển khai công tác ĐNQP trên nhiều hướng, với nhiều nội dung, hình thức, đạt được những kết quả quan trọng, thiết thực. Nổi bật là, từ năm 2005 đến năm 2009, Quân chủng đã đón tiếp và làm việc với 338 đoàn khách quốc tế, trong đó có hàng trăm đoàn cán bộ quân sự cấp cao đến từ nhiều nước; tổ chức 389 đoàn, trong đó có 69 đoàn cán bộ cấp cao của Quân chủng đi tham quan và làm việc (hội thảo, hội nghị, đàm phán, huấn luyện, hợp tác, đào tạo... ) tại nhiều nước ở trong và ngoài khu vực. Đối với các nước bạn bè truyền thống, như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ..., Quân chủng Hải quân thường xuyên duy trì tốt quan hệ hợp tác hữu nghị, với những hoạt động thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển của Quân chủng; đồng thời, góp phần đưa các mối quan hệ này phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu. Cùng với đó, Quân chủng cũng tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ ĐNQP với nhiều đối tác mới, nhất là với hải quân các nước ASEAN và hải quân của một số nước có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực, như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a..; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế... Thông qua các hoạt động ĐNQP, Quân chủng đã thiết lập được cơ chế đối thoại, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; phối hợp giải quyết những vấn đề tồn tại về phân định vùng chồng lấn trên biển; ngăn chặn, đối phó với những vấn đề an ninh "phi truyền thống" (thiên tai, thảm họa môi trường, các loại dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động khủng bố); phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển. Quân chủng cũng thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng các chủ trương, chính sách ĐNQP của Hải quân (nhất là trong năm 2010 - năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và chuẩn bị tổ chức Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN vào năm 2011), các đối sách xử lý những vấn đề nẩy sinh trên biển..., góp phần giữ vững và tăng cường các quan hệ hợp tác, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo thế và lực mới để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; nâng cao uy tín, vị thế của Hải quân, của quân đội, của đất nước trên trường quốc tế; đồng thời, tạo dựng môi trường có lợi cho đất nước đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Những kết quả đạt được trong công tác ĐNQP của Hải quân, cùng với những thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân thời gian qua đã tạo cơ sở hết sức quan trọng để Quân chủng Hải quân tiếp tục đẩy mạnh công tác ĐNQP trong thời gian tới. Tuy nhiên, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đặt ra rất nặng nề. Mặt khác, do vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, nên Biển Đông là nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng rất quyết liệt; tình trạng tranh chấp chủ quyền, nguồn tài nguyên..., vẫn rất phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ có thể gây xung đột, đe dọa đến an ninh, ổn định ở khu vực này. Tình hình đó đặt ra cho Hải quân - lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc - những yêu cầu mới cao hơn; đòi hỏi cùng với xây dựng lực lượng Hải quân theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, phải thực hiện thật tốt công tác ĐNQP. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐNQP trong thời kỳ mới, Quân chủng Hải quân cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác ĐNQP của Hải quân trong tình hình mới. Cấp ủy, chỉ huy Hải quân các cấp cần quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng là: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế...; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đồng thời, phải nắm vững những quan điểm có tính nguyên tắc trong chính sách ĐNQP của nước ta. Đó là Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng tự vệ, vì hòa bình; hợp tác với các nước trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi; không thực hiện liên minh quân sự với nước khác, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình, không liên kết với nước này chống nước khác; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng kiên quyết ngăn chặn và sẵn sàng đánh bại mọi mưu đồ, hành động xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam... ĐNQP của Hải quân phải quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, chính sách ĐNQP của Đảng vào trong các hoạt động đối ngoại của mình. Trong thời gian tới, Hải quân phải tiến hành các hoạt động ĐNQP một cách tích cực, chủ động, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ; củng cố, nâng tầm các quan hệ quốc phòng đã có, đồng thời tăng cường mở rộng, phát triển các quan hệ quốc phòng mới; tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng chính quy, hiện đại hóa của Quân chủng; tăng cường củng cố niềm tin, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định có lợi cho phát triển kinh tế biển và quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển và thềm lục địa; xây dựng hình ảnh "là bạn, là đối tác tin cậy" của hải quân các nước vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế.

Hai là, hoạch định chiến lược, chương trình, kế hoạch ĐNQP đúng đắn; vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, kinh nghiệm ngoại giao của dân tộc vào các hoạt động đối ngoại của Hải quân. Đây là bài học thành công trong ĐNQP của Quân chủng thời gian qua. Chiến lược, các chương trình, kế hoạch ĐNQP phải phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, xác định đúng các ưu tiên (đối tác, nội dung), có lộ trình và bước đi thích hợp, và trong từng giai đoạn đều phải có tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết. Trong thời gian tới, hướng ưu tiên trong ĐNQP của Quân chủng là hợp tác với hải quân các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, các nước có trình độ khoa học công nghệ hải quân tiên tiến. Nội dung ĐNQP tập trung vào hợp tác phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, vũ khí, trang bị kỹ thuật có trình độ công nghệ cao, giáo dục-đào tạo, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện, công tác quản lý, chỉ huy tác chiến hiện đại, tổ chức tuần tra chung, thăm viếng của tầu hải quân, lập đường dây nóng, phối hợp đối phó các mối đe dọa "phi truyền thống", hoạt động cứu hộ, cứu nạn, kinh nghiệm hoạt động gìn giữ hòa bình... Mặt khác, cũng phải thấy, ĐNQP nói chung, ĐNQP của Hải quân nói riêng là lĩnh vực nhạy cảm; đối tác ĐNQP đa dạng, có mục tiêu và lợi ích riêng; do vậy, cùng với chiến lược, kế hoạch đúng, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, kinh nghiệm ngoại giao của dân tộc trong hoạt động ĐNQP là rất quan trọng. Trong điều kiện mới, Hải quân nhân dân Việt Nam cần quán triệt và vận dụng sáng tạo phương châm đối ngoại "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "thêm bạn, bớt thù" của Bác Hồ; giữ vững mục tiêu, nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong sách lược, coi trọng các biện pháp, các kênh đối thoại xây dựng lòng tin, tranh thủ những điểm tương đồng, những lợi ích chung để tăng cường, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác. Một vấn đề quan trọng cấp thiết đối với ĐNQP của Hải quân nhân dân Việt Nam trong tiến trình hội nhập là phải nắm chắc và thực hiện đúng theo các thông lệ quốc tế về biển mà chúng ta tham gia, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc; đồng thời, tích cực đổi mới tác phong, phương pháp công tác, cải cách thủ tục hành chính để xây dựng nền ngoại giao hải quân theo hướng hiện đại.

Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và của các bộ, ngành, địa phương liên quan, để tạo dựng thế kết hợp kinh tế-quốc phòng-an ninh-đối ngoại vững chắc trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trên vùng biển, đảo của nước ta, tùy vào chức năng, nhiệm vụ, có nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng dân sự và quân sự đều tham gia công tác ĐNQP, trong đó, Hải quân là lực lượng nòng cốt, nên việc phối hợp vừa là nguyên tắc vừa là đảm bảo để công tác ĐNQP của từng lực lượng đạt kết quả cao. Hiện nay, công tác phối hợp cần được tổ chức chặt chẽ, vừa giữ được đặc thù của từng ngành vừa nâng cao khả năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tăng cường được sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động ĐNQP; tập trung vào việc trao đổi thông tin, nắm tình hình, nghiên cứu cơ bản, nâng cao khả năng tham mưu và phối hợp xử lý những vấn đề nảy sinh trên biển.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực trình độ chuyên môn ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ công tác ĐNQP. Do đặc thù nhiệm vụ, các đơn vị Hải quân thường xuyên phải hoạt động độc lập, đội hình nhỏ, lẻ, tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài; do vậy, việc xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, trong đó có năng lực hoạt động đối ngoại là một yêu cầu được Quân chủng đặc biệt quan tâm. Trong giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường giáo dục cho bộ đội nắm vững quan điểm, đường lối ĐNQP của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết về ĐNQP của Bộ Quốc phòng, thông lệ, luật pháp quốc tế trên biển, phong tục tập quán của các nước, nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học. Tới đây, Học viện Hải quân sẽ thí điểm giảng dạy một số môn chính bằng tiếng Anh, sau đó sẽ nhân rộng trong hệ thống nhà trường của Quân chủng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Quân chủng Hải quân sẽ nâng cao hiệu quả công tác ĐNQP, góp phần cùng cả nước  thực hiện thắng lợi  các mục tiêu mà Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020 của Đảng đã đề ra.

Chuẩn Đô đốc PHẠM NGỌC MINH

Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)