QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:36 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng toàn dân ở thành phố Hồ Chí Minh

Giáo dục quốc phòng (GDQP) là nội dung cơ bản, thường xuyên của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đồng thời cũng là một nội dung góp phần xây dựng con người mới XHCN. Mục tiêu của GDQP nhằm giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, ý thức quốc phòng cho toàn dân, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đối với  hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ mới.

Nhận thức sâu sắc điều đó và ý thức được vị trí quan trọng về nhiều mặt của Thành phố, đặc biệt là quốc phòng, an ninh (QP-AN) trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nên nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác GDQP. Đặc biệt, từ năm 2001 có Chỉ thị số 62/CT-TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về công tác GDQP và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng, lãnh đạo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực triển khai, thực hiện công tác GDQP. Từ thực tiễn và qua kết quả đạt được có thể khẳng định rằng, công tác GDQP toàn dân ở Thành phố có hướng phát triển mới cả về nhận thức, tổ chức và chất lượng. Công tác GDQP đã được triển khai đến mọi đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành và lực lượng học sinh, sinh viên. Thông qua GDQP, góp phần nâng cao lòng yêu nước, yêu CNXH và tạo niềm tin cho nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bất ngờ trước mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường QP-AN.
Hằng năm, Thành ủy ra Nghị quyết lãnh đạo, Uỷ ban nhân dân ban hành chỉ thị chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng địa phương, trong đó GDQP luôn được xác định là nội dung trọng tâm. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Hội đồng GDQP Trung ương, ngay từ cuối năm 2003, cơ quan Quân sự Thành phố đã tham mưu cho UBND thành lập Hội đồng GDQP Thành phố và tiếp đó là Hội đồng GDQP các quận, huyện. Hội đồng GDQP các cấp thường xuyên được kiện toàn về tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng và kế hoạch công tác GDQP từng năm và 5 năm. Hoạt động của Hội đồng GDQP các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Nổi bật là, Hội đồng đã chủ động, tích cực tham gia giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành địa phương triển khai GDQP cho tất cả các đối tượng theo kế hoạch; nội dung, phương pháp giáo dục có sự đổi mới, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó Thành phố hết sức coi trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Bởi họ là những người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác QP-AN ở các ngành, địa phương, cơ sở và cho đó là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác quan trọng này. Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ được thực hiện theo phân cấp. Đối với cán bộ thuộc diện đối tượng 1 bồi dưỡng tại Học viện Quốc phòng, với đối tượng 2 bồi dưỡng tại Quân khu; Thành phố luôn đảm bảo cử đúng thành phần, đủ số lượng theo chỉ tiêu trên giao, đồng thời thông báo đến tận cán bộ để họ chủ động bố trí, sắp xếp công việc và tạo mọi điều kiện để cán bộ học tập đạt chất lượng. Cán bộ thuộc đối tượng 3 do Thành phố trực tiếp tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường Quân sự Thành phố; với cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4 và 5 do các quận, huyện tổ chức bồi dưỡng tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các quận, huyện. Do số lượng cán bộ thuộc diện đối tượng 3 lớn nên mỗi năm Thành phố mở từ 3 đến 5 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường Quân sự cho những cán bộ chủ chốt các ban, ngành cấp quận, huyện, các bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch phường, xã, thị trấn, bí thư Đảng uỷ và giám đốc doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ... Mặc dù vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, Trường Quân sự Thành phố còn phối hợp với Hội đồng GDQP các quận, huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ngoài ra, Thành phố còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN riêng cho một số ngành như điện lực, công an… Cho đến nay, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đã được triển khai nền nếp, chất lượng. Các khóa bồi dưỡng cho các đối tượng trên đều được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chương trình nội dung, thời gian, thành phần theo đúng qui định của Bộ, đồng thời có sự vận dụng các nội dung học vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương để nội dung bài học thêm phong phú, sát với thực tiễn. Chỉ tính 5 năm gần đây, Thành phố đã cử 14 đồng chí thuộc đối tượng 1 và 367 đồng chí thuộc đối tượng 2 tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở Bộ và Quân khu; tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 1713 lượt cán bộ đối tượng 3, 10.784 đồng chí đối tượng 4 và 620 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 5.
Hiện nay, Thành phố đang phải “đối mặt” với sự mất cân đối giữa khả năng với nhu cầu bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt, nhất là với cán bộ thuộc đối tượng 3. Sự mất cân đối này đang có xu hướng tăng. Với 317 phường, xã, thị trấn thì số cán bộ cần được bồi dưỡng hằng năm đã gần 2.000 người. Nếu tính cả cán bộ chủ chốt ban, ngành, đoàn thể các quận, huyện thì số lượng sẽ còn cao hơn. Trong khi đó, Trường Quân sự, năm tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cũng chỉ được gần 400 cán bộ... Để khắc phục tình trạng trên, Thành phố đang nghiên cứu, chỉ đạo làm điểm ở một số quận, huyện, cụm quận, huyện mở lớp bồi dưỡng tại chỗ cho đối tượng 3. Đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm từ công tác chuẩn bị tổ chức lớp học, nội dung, thời gian, chương trình bài giảng đến kế hoạch mời giáo viên thỉnh giảng để từng bước nhân rộng mô hình này. Kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN được gắn với kế hoạch tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các cấp. Trong thời gian học tập, học viên tham quan diễn tập, qua đó hiểu sâu sắc hơn và có cơ sở thực tiễn đối với lý luận cơ bản (lý thuyết) về QP-AN đã được trang bị.
Đối với cán bộ chủ chốt thuộc các ban, ngành trung ương đứng chân, hoạt động trên địa bàn, Thành phố cũng đang có hướng nghiên cứu, trước hết là phối hợp với các bộ, ngành chủ quản tiến hành khảo sát nắm số lượng, phân cấp cán bộ để xây dựng và từng bước thực hiện kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho phù hợp với trình độ, cương vị công tác.
Công tác GDQP cho học sinh, sinh viên được Thành phố thường xuyên quan tâm và đã đạt được kết quả đáng mừng. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn trực thuộc Trung ương, là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật… và cũng là một trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước. Trên địa bàn Thành phố hiện có hệ thống các trường gồm: 114 trường trung học phổ thông (THPT), 24 trường trung học chuyên nghiệp - dạy nghề (THCN-DN), 59 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) và 4 trường đoàn thể, với tổng số hơn 326.000 học sinh, sinh viên, học viên. Đây là nguồn lực dồi dào, là chủ nhân tương lai của đất nước, kế tục, thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc trang bị kiến thức quân sự cần thiết và rộng hơn là kiến thức, ý thức quốc phòng cho học sinh, sinh viên sẽ giúp họ tự bồi đắp lòng tự tôn dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu chế độ, qua đó phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, hăng hái tham gia xây dựng đất nước, có ý thức cảnh giác, sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, công tác GDQP cho học sinh, sinh viên không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên của các trường ĐH-CĐ, THCN-DN và THPT, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
 Để công tác GDQP cho học sinh, sinh viên đạt hiệu quả thiết thực, Hội đồng GDQP Thành phố đã chỉ đạo các trường, trên cơ sở phân định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ động xây dựng kế hoạch GDQP cho phù hợp với đặc thù trường mình. Căn cứ vào đó, Hội đồng GDQP góp ý, bổ sung kế hoạch để các trường triển khai có nền nếp và hiệu quả công tác GDQP cho học sinh THPT, THCN-DN, sinh viên các trường ĐH-CĐ, học viên các trường chính trị, trường đoàn thể. Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các trường trung học, nhất là THPT ngày càng phát triển về số lượng và qui mô. Nhiều địa phương thiếu nơi thực hành huấn luyện các môn GDQP cho học sinh, vì tiến trình đô thị hóa đang làm “co” lại không gian. Mặt khác, dù có nhiều cố gắng trong đào tạo ngắn hạn và chuyển loại, nhưng đội ngũ giáo viên môn GDQP vẫn bất cập cả về số lượng, chất lượng. Trước tình hình trên, Hội đồng GDQP đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự Thành phố triển khai kế hoạch cử sĩ quan biệt phái chuyên trách công tác GDQP sang Sở Giáo dục và Đào tạo, giúp lãnh đạo Sở chỉ đạo các trường THPT thực hiện GDQP một cách có nền nếp. Xuất phát từ thực tiễn về thao trường, bãi tập, giáo viên giảng môn GDQP, Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức làm điểm theo hình thức “học rải” ở 2 trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12) và Tạ Quang Bửu (Quận 8) cho 36 lớp, với số lượng tham gia 1.592 học sinh. Sau khi rút kinh nghiệm, mô hình này được triển khai rộng rãi cho nhiều trường THPT khác. Những trường còn lại có điều kiện về cơ sở vật chất, bãi tập sẽ tổ chức học tập trung để quản lý gọn chương trình GDQP và chất lượng học. Kết hợp hai cách làm trên, đến nay Thành phố tổ chức GDQP cho hơn 158.000 học sinh THPT trong 114 trường...
Trên địa bàn Thành phố có Trung tâm GDQP - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm GDQP - Trường Quân sự Quân khu 7 đảm nhiệm môn GDQP cho sinh viên một số trường ĐH-CĐ. Hai trung tâm này được qui hoạch, xây dựng chuyên phục vụ giảng dạy GDQP nên rất bài bản, khoa học từ thao trường, giảng đường đến mô hình, học cụ, đội mẫu thực hành và lực lượng giáo viên… do đó chất lượng GDQP thực sự đảm bảo. Tuy vậy, về năng lực của hai trung tâm hiện mới đáp ứng khoảng 1/3 yêu cầu. Vì thế, số sinh viên của các trường ĐH-CĐ còn lại được tổ chức GDQP tại ba cụm trường là cụm trường Đại học Sư phạm (với 10 trường ĐH khác), cụm trường Đại học Y-Dược (6 trường) và cụm trường Cao đẳng Vimhempic (5 trường). Với cố gắng lớn, giải pháp đồng bộ, Thành phố đã  thực hiện GDQP cho học sinh, sinh viên hằng năm đạt tỷ lệ trên 99%, chất lượng đảm bảo.
GDQP cho các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến, có sự đổi mới về tổ chức thực hiện, về nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục. Hình thức tuyên truyền giáo dục phổ biến nhất là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, phát thanh, truyền hình của Thành phố và Trung ương. Chuyên mục về QPTD được phát định kỳ vào tối thứ ba hằng tuần trên đài phát thanh, truyền hình địa phương ngày càng thu hút nhiều khán giả, thính giả theo dõi; hàng chục triệu số báo được phát hành đưa những thông tin về công tác QP-AN tới nhân dân. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở đã tham gia tích cực vào việc tuyên truyền GDQP. Bằng những hình thức phong phú, đa dạng, chất lượng tuyên truyền, GDQP cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Qua đó, các tầng lớp nhân dân nhận thức và ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ, tích cực tham gia xây dựng nền QPTD, cảnh giác, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi dục..., nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền.
 
Đại tá Phan Tấn Tài
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Chỉ huy trưởng BCHQS, Phó Chủ tịchThường trực HĐGDQP Thành phố
 

Ý kiến bạn đọc (0)