Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:24 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là công tác tuyển quân) có tác động trực tiếp đối với sự nghiệp xây dựng quân đội. Quán triệt Quyết định số 1713/QĐ-TTg ngày 25/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/12/2008, Bộ Quốc phòng đã có Hướng dẫn số 6400/HD-BQP về công tác tuyển quân; theo đó, quy trình tuyển quân "3 gặp, 4 biết"1. được chuyển giao cho địa phương thực hiện. Đây là bước điều chỉnh quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân trong tình hình mới.
Sau khi thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm ở một số địa phương, đơn vị trong năm 2009, công tác tuyển quân theo quy trình mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ đợt 1 (năm 2010) và đã thu được nhiều kết quả bước đầu, quan trọng. Nổi bật là, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị đã tổ chức quán triệt nắm vững mục tiêu, yêu cầu trong các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu về công tác tuyển quân; trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch công tác tuyển quân, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc sát với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương trong quá trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ theo quy trình mới, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng được giao; đồng thời, có các phương án sẵn sàng bù, đổi, không để bị động, thiếu hụt chỉ tiêu tuyển quân. Đối với các đơn vị nhận quân, quy trình mới này đã giúp đơn vị giảm đáng kể thời gian, công sức và chi phí trong công tác tuyển quân; qua đó, tạo điều kiện để đơn vị tập trung mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và làm công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ đón, nhận và huấn luyện chiến sĩ mới.
Tuy nhiên, do cách làm mới, nên trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, một số địa phương còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh; vì thế, chất lượng tuyển quân chưa cao, tỷ lệ quân số phải bù, đổi lớn hơn so với những năm trước. Có thể thấy tình hình trên do nhiều nguyên nhân gây ra. Đối với địa phương, việc quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn về công tác tuyển quân của cấp ủy, chính quyền chưa sâu; nhận thức về Luật NVQS của nhân dân còn hạn chế; công tác phối hợp giữa địa phương với các đơn vị nhận quân chưa chặt chẽ, nhất là việc nắm bắt về đặc điểm, nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu tuyển quân của đơn vị; thực hiện quy trình "3 gặp, 4 biết" chưa đầy đủ, còn đơn giản, thiếu chặt chẽ, tính "dân chủ, công khai, công bằng" trong tuyển quân ở cơ sở chưa được phát huy cao. Đối với đơn vị nhận quân, có đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung công tác tuyển quân theo quy trình mới; còn có tư tưởng ỷ lại, "khoán trắng cho địa phương", nên việc phối hợp với địa phương chưa được coi trọng đúng mức, thiếu chặt chẽ; việc nắm chất lượng ban đầu đối với công dân nhập ngũ còn hạn chế... Điều đó không chỉ tác động đến công tác tuyển quân mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý, huấn luyện, bố trí và sử dụng lực lượng của đơn vị.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới, theo chúng tôi, các địa phương và đơn vị cần tập trung vào một số giải pháp sau.
1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật NVQS cho nhân dân, nhất là đối với các công dân trong độ tuổi thực hiện Luật NVQS ở địa phương. Đây là nội dung có vai trò hết sức quan trọng, bởi, công tác tuyển quân ở các địa phương chỉ đạt được chất lượng như mong muốn, khi toàn dân đã nhận thức đầy đủ và tự giác chấp hành Luật NVQS. Trước hết, các địa phương cần chú trọng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm chắc các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, về chiến tranh nhân dân BVTQ trong tình hình mới; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho các công dân trong độ tuổi NVQS nhận thức đầy đủ việc thực hiện Luật NVQS là vinh dự, tự hào của tuổi trẻ; đồng thời, cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục Luật NVQS, các địa phương cần kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào trước và trong mỗi giai đoạn tuyển quân, nhân dịp các ngày lễ, hội, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương... Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cần vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể ở mỗi địa bàn; trong đó, coi trọng tuyên tuyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình); lồng ghép nội dung Luật NVQS vào trong chương trình giáo dục quốc phòng-an ninh chính khóa, các hoạt động ngoại khóa ở các nhà trường, nhất là từ cấp trung học phổ thông trở lên, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với sự nghiệp BVTQ. Thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, thi tìm hiểu truyền thống của địa phương nhân ngày Hội Quốc phòng toàn dân để tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ về Luật NVQS cũng là cách làm có tác dụng tốt. Cùng với đó, các địa phương cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc..., tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật NVQS cho nhân dân; đồng thời, hết sức chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm "dân chủ, công khai, công bằng" trong công tác tuyển quân.
Thực tế cho thấy, địa phương, đơn vị nào thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật NVQS và phát huy được tính "dân chủ, công khai, công bằng" ở cơ sở, thì công tác tuyển quân ở địa phương, đơn vị đó được thực hiện tốt và đạt chất lượng cao. Ví như: trong công tác tuyển quân đợt 1 (năm 2010) của Quân khu 1, có trên 4.000 thanh niên nhập ngũ, trong đó có 60% thanh niên viết đơn tình nguyện, 70% có sức khỏe loại 1, trình độ trung học phổ thông chiếm 70%. Trong số quân nhân nhập ngũ của Quân khu 7, có 332 đảng viên; Quân khu 9 có 378 đảng viên. Tỉnh Thừa Thiên- Huế có hơn 500 thanh niên nhập ngũ; trong đó: 100% viết đơn tình nguyện; sức khỏe loại 1 và loại 2 chiếm 92%; hơn 80% có trình độ văn hóa trung học phổ thông.
2- Chủ động phối hợp, hiệp đồng giữa địa phương với đơn vị nhận quân trong quá trình thực hiện công tác tuyển quân. Phương thức tuyển quân mới đòi hỏi địa phương phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực trong suốt quá trình tuyển quân; trong đó, giữa địa phương và đơn vị nhận quân cần phải có sự thống nhất cao và phối hợp chặt chẽ mới đạt hiệu quả.
Để tuyển chọn được những công dân có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, các địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác rà soát, đăng ký, phân loại thanh niên (nguồn) trong độ tuổi thực hiện NVQS ở địa phương mình. Trước mỗi giai đoạn tuyển quân, các địa phương cần chủ động phối hợp, trao đổi với các đơn vị nhận quân để nắm chắc những yêu cầu, nội dung tuyển quân cần thiết, nhất là đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị; yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như số lượng quân nhân mà đơn vị cần tuyển chọn. Mặt khác, để Hội đồng NVQS và các thành viên thực hiện tốt công tác tuyển quân, các địa phương cần phối hợp và đề nghị các đơn vị nhận quân cử cán bộ có kinh nghiệm trong công tác tuyển quân về bồi dưỡng, giúp đỡ cho địa phương, nhất là về thứ tự các bước tiến hành tuyển quân theo quy trình "3 gặp, 4 biết", Luật NVQS và những nội dung có liên quan. Để hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong công tác tuyển quân, các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xã hội và nhân dân để thực hiện tốt các quy định, đảm bảo "dân chủ, công khai, công bằng" trong tuyển quân. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nhận quân nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ và cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trước khi chốt danh sách và phát lệnh gọi nhập ngũ; phối hợp với các đơn vị nhận quân tổ chức lễ giao quân chặt chẽ, nhanh gọn và thực hiện tốt công tác bù, đổi những thanh niên chưa đủ tiêu chuẩn sau khi các đơn vị phúc tra sức khỏe. Đồng thời, phối hợp để đón số quân nhân đã hoàn thành NVQS trở về địa phương chu đáo, trọng thể; phối hợp để tổ chức tốt hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác tuyển quân. Trong thời gian quân nhân tại ngũ, các địa phương, gia đình quân nhân và đơn vị thường xuyên phối hợp để nắm tình hình, kịp thời có các hình thức biểu dương đối với số quân nhân có kết quả huấn luyện, rèn luyện tốt và nhắc nhở, chấn chỉnh những quân nhân chưa chấp hành tốt kỷ luật quân đội. Đối với các đơn vị nhận quân, cần tránh tình trạng "khoán trắng" cho địa phương, mà phải tích cực, chủ động phối hợp để giúp đỡ các địa phương thực hiện tốt công tác tuyển quân theo quy trình "3 gặp, 4 biết". Riêng các đơn vị đặc thù có yêu cầu, tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, như: Đặc công, Hải quân, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh..., Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã có những quy định cụ thể, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong tuyển quân.
3- Cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với quân nhân và gia đình quân nhân. Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản về chế độ, chính sách, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển quân phù hợp với tình hình mới, như: giảm thời gian phục vụ tại ngũ đối với quân nhân từ 3 năm xuống còn 2 năm và hiện nay là 1,5 năm (đơn vị chuyên môn kỹ thuật là 2 năm); đồng thời, cải cách chính sách hậu phương quân đội với nhiều tiêu chuẩn, chế độ ưu tiên, ưu đãi; hỗ trợ quân nhân học nghề trước khi hoàn thành NVQS trở về địa phương...
Tuy nhiên, có một thực tế khá phổ biến hiện nay là, dù đã được đơn vị, chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, song không ít quân nhân sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương vẫn không xin được việc làm ổn định và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tư tưởng né tránh trách nhiệm thực hiện Luật NVQS của một số công dân. Để giải quyết vấn đề này, phải có giải pháp đồng bộ. Trước hết, cùng với tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với các quân nhân và gia đình quân nhân, cần nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ quân nhân sau khi xuất ngũ, đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Nếu Nhà nước có các chính sách đảm bảo quyền lợi (vấn đề nghiên cứu, sắp xếp, bố trí việc làm, chính sách hỗ trợ hay tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế) đối với các quân nhân sau khi đã hoàn thành NVQS phù hợp với chiều hướng phát triển của xã hội, thì điều đó sẽ trực tiếp động viên, khích lệ mọi công dân trong xã hội tự nguyện thực hiện tốt Luật NVQS. Theo đó, quán triệt Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg, ngày 09-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn liên Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về chính sách cấp thẻ học nghề-hỗ trợ bộ đội xuất ngũ, từng địa phương trên cơ sở điều kiện, khả năng của mình, cần có chính sách cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để quân nhân và gia đình họ tự nguyện chấp hành tốt Luật NVQS; trong đó, cần chú trọng kết hợp hài hòa giữa lợi ích của quân nhân, gia đình gắn với nghĩa vụ cống hiến cho xã hội và cho Tổ quốc. Bên cạnh đó, Nhà nước và Bộ Quốc phòng cũng cần có chính sách phù hợp để tận dụng nguồn lực, ngành nghề của số quân nhân thuộc các đơn vị kỹ thuật, nhất là: Đặc công, Hải quân, Vận tải..., tham gia đăng ký quân dự bị động viên và tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng-an ninh, BVTQ trong tình hình mới.
Đại tá QUÁCH XUÂN ĐÀ
và Trung tá VƯƠNG VĂN YÊN
__________
1- 3 gặp: gặp chính quyền, gặp gia đình, gặp công dân; 4 biết: biết tình trạng sức khỏe, biết trình độ văn hóa, biết phẩm chất đạo đức, biết hoàn cảnh gia đình công dân nằm trong diện thực hiện Luật NVQS.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011