Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:21 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng ta xác định: "Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) là quốc sách hàng đầu...". Theo đó, phát triển KH-CN quân sự là một nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam XHCN.
Những năm qua, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng (BQP) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện tốt công tác KH-CN quân sự và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, đội ngũ cán bộ KH-CN trong quân đội được quy hoạch, đào tạo tương đối cơ bản, nên có sự phát triển khá toàn diện. Số lượng cán bộ KH-CN trong quân đội có trình độ trên đại học tăng lên; nhiều cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học thuộc BQP được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư; nhiều công trình KH-CN do quân đội thực hiện được nhà nước khen thưởng; khẳng định sự đóng góp của đội ngũ cán bộ KH-CN quân đội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học của đất nước và bước phát triển trong xây dựng nguồn nhân lực KH-CN phục vụ quân sự và quốc phòng (QS,QP). Chính phủ và BQP đã từng bước ưu tiên ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm giải quyết các nhiệm vụ quan trọng của KH-CN quân sự trong tình hình mới. Đặc biệt, hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư, phát triển theo hướng tập trung với các trang bị hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm KH-CN có chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ các nhiệm vụ trọng điểm khác của BQP. Cùng với đó, cơ chế quản lý KH-CN trong quân đội từng bước được đổi mới; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính về quản lý nghiệp vụ KH-CN, quản lý tài chính được ban hành, nhằm cụ thể hóa các văn bản quy định của Nhà nước, tạo điều kiện pháp lý để đẩy mạnh hoạt động KH-CN trong lĩnh vực QS,QP.
Những kết quả trên là rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, BVTQ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác KH-CN còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, đội ngũ cán bộ KH-CN, nhất là cán bộ đầu ngành, tổng công trình sư, cán bộ thiết kế và thiết kế công nghệ còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của KH-CN trong thực hiện các nhiệm vụ QS,QP. Hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo cán bộ KH-CN quân sự còn thiếu đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng, mô hình, học cụ, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Một số đề tài nghiên cứu KH-CN do chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, nên chất lượng ứng dụng còn hạn chế. Lĩnh vực đầu tư nguồn tài, lực và việc đổi mới cơ chế, chính sách, nhằm khuyến khích, thu hút nhân tài KH-CN còn nhiều bất cập, nên chưa động viên và phát huy hết được khả năng sáng tạo, cống hiến của đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác KH-CN quân sự, đáp ứng yêu cầu BVTQ, trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau.
Một là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH-CN quân sự. Đây là giải pháp vừa cấp thiết trước mắt vừa có tính chiến lược quan trọng lâu dài. Để làm tốt, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới; chú trọng nâng cao nhận thức trong mọi cấp, mọi ngành về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự đối với sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trên cơ sở các chỉ thị, hướng dẫn của BQP, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển đội ngũ cán bộ KH-CN đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, cân đối cho các chuyên ngành, ngành, lĩnh vực; trong đó, lấy chất lượng chính trị, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ làm trọng tâm; chú trọng đi sâu đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ đầu ngành, kỹ sư thiết kế và thiết kế công nghệ, các công trình sư, chuyên gia giỏi, hình thành các tập thể KH-CN có trình độ khu vực và quốc tế, đủ sức giải quyết các nhiệm vụ quân sự quan trọng. Các học viện, nhà trường quân đội phải tích cực hoàn chỉnh quy trình đào tạo theo hướng thống nhất, cơ bản, đồng bộ, sát yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ KH-CN cho quân đội cả trước mắt và lâu dài. Để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, cần coi trọng các khâu: tuyển chọn đầu vào; xây dựng nội dung, chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng sát với đòi hỏi phát triển của thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng và ở từng lĩnh vực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng ngày càng cao; biên soạn và xây dựng đầy đủ tài liệu, giáo trình cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo. Đổi mới quy trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH-CN quân sự theo hướng vận dụng kết hợp, linh hoạt nhiều hình thức, phương pháp, như: đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; gửi cán bộ KH-CN quân sự sang học tập ở nước ngoài; thực hiện cơ chế liên kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học; giữa đào tạo và tự đào tạo; tận dụng các dự án đầu tư để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự đủ khả năng làm chủ công nghệ mới được chuyển giao; kết hợp các lớp tập huấn của bộ, ngành để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự. Một vấn đề hết sức quan trọng là phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhân lực KH-CN, nhằm giải phóng tiềm năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH-CN trong quân đội.
Hai là, coi trọng việc đầu tư nguồn tài, lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu và phát triển KH-CN quân sự. Để thực hiện tốt vấn đề này, BQP tiếp tục hoàn thiện chiến lược đầu tư phát triển toàn diện công tác KH-CN, theo phương châm tập trung vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình và bước đi phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh thực tế của quân đội, đất nước; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm, trạm quan trắc, xưởng chế tạo, trung tâm thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu KH-CN, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự làm việc. Cùng với đó, BQP cũng đầu tư đổi mới công nghệ bảo đảm tính hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ. Bên cạnh đó, một mặt, chúng ta cần tích cực đầu tư nâng cao nguồn lực nội sinh, coi đây là hướng chính trong chiến lược phát triển KH-CN quân sự; mặt khác, nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới và phương thức quản lý sản xuất tiên tiến, hiện đại của các ngành dân sự, của nước ngoài, nhằm tạo bước chuyển về chất đối với công tác nghiên cứu KH-CN, sản xuất quốc phòng. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần có chiến lược "đi tắt, đón đầu" các công nghệ then chốt, mũi nhọn, như: công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới..., để nghiên cứu, phát triển một số vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ huy-tham mưu tác chiến, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư cho KH-CN còn eo hẹp, càng cần phải quan tâm thực hành tiết kiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong khai thác nguồn ngân sách và sử dụng nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH-CN quân sự. Đối với khai thác nguồn ngân sách đầu tư cho hoạt động KH-CN quân sự, cần đẩy mạnh và mở rộng việc khai thác, quản lý các nguồn vốn (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp KH-CN, vốn sự nghiệp môi trường, vốn các chương trình công nghệ trọng điểm...), bảo đảm đủ khả năng đầu tư phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu KH-CN quân sự. Trong sử dụng nguồn ngân sách, tiếp tục thử nghiệm hình thức khoán kinh phí cho các chủ nhiệm đề tài nghiên cứu KH-CN, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu KH-CN.
Ba là, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách xã hội đối với lực lượng tham gia công tác KH-CN quân sự; đồng thời, đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống các tổ chức KH-CN. Đây là vấn đề quan trọng, thực hiện tốt sẽ là động lực to lớn để phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của lực lượng nghiên cứu KH-CN quân sự trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Để thực hiện tốt vấn đề này, trước hết, Quân đội cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành tích cực tham mưu cho Đảng, Chính phủ bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách đối với lực lượng làm công tác KH-CN nói chung và lực lượng công tác KH-CN trong lĩnh vực quân sự nói riêng; bổ sung những chính sách ưu tiên để động viên, khuyến khích các hoạt động tự đào tạo, tự hoàn thiện, tự nâng cao trình độ và khen thưởng thỏa đáng những cống hiến cho khoa học, nhất là chế độ tiền thưởng, học bổng, giải thưởng..., cho lực lượng hoạt động KH-CN quân sự. Cùng với đó, Nhà nước, BQP cần tích cực đổi mới cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng, trọng dụng, quản lý nhân lực KH-CN, nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo khoa học của đội ngũ cán bộ KH-CN; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân đối với công tác KH-CN quân sự.
Theo quy định của BQP, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu kiện toàn hệ thống các tổ chức KH-CN quân sự; trong đó, tập trung kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý KH-CN thống nhất trong toàn quân, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng lĩnh vực và giữa cơ quan quản lý KH-CN với các cơ quan khác trong quân đội; hoàn thiện hệ thống chức danh và các tiêu chuẩn về chức danh đối với đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự; sắp xếp lại các tổ chức nghiên cứu KH-CN theo hướng khoa học, hợp lý, nhằm tạo ra những cơ sở nghiên cứu và phát triển mạnh, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, giữa nghiên cứu khoa học với công nghiệp quốc phòng và đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Bốn là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế phát triển KH-CN quân sự. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế hiện nay, việc tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại quân sự nói chung, hợp tác trong lĩnh vực KH-CN quân sự nói riêng, là chủ trương chiến lược của Nhà nước, quân đội ta. Để hợp tác có hiệu quả, cần quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, trên tinh thần "Việt Nam là bạn, đồng thời là đối tác tin cậy" của các nước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác với các nước một cách phù hợp; coi trọng việc mở rộng hợp tác KH-CN quân sự với các nước ASEAN, các nước bạn truyền thống có trình độ KH-CN tiên tiến (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ...). Trong hợp tác, cần bám chắc phương châm hợp tác toàn diện, thiết thực, nhưng phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá chỉ huy và công nghiệp quốc phòng..., nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về trình độ KH-CN quân sự của ta với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, coi trọng nguyên tắc giữ vững tự độc lập, tự chủ về công nghệ, giữ gìn bí mật quân sự; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của quân đội trên trường quốc tế.
Trong điều kiện hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng công tác KH-CN quân sự là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt. Để công tác KH-CN quân sự nhanh chóng phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, chúng ta cần tích cực phát huy sức mạnh nội lực của quân đội, của đất nước, kết hợp vận dụng linh hoạt sức mạnh công tác đối ngoại, mới đem lại hiệu quả như mong muốn.
Thiếu tướng, PGS, TS. CAO TIẾN HINH
Cục trưởng cục KH-CN và MT- BQP
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011