Thứ Năm, 24/04/2025, 12:03 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Học sinh trung học phổ thông (THPT) là lực lượng đông đảo, chiếm tỷ lệ khoảng 3% dân số. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, với giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là “quốc sách hàng đầu”. Giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) cho học sinh THPT là một mặt của quá trình hình thành nhân cách, là một khâu quan trọng của giáo dục toàn diện, nằm trong chiến lược đào tạo con người mới của Đảng và Nhà nước ta. Môn học GDQP-AN cho học sinh THPT được thực hiện từ năm 1961 và hiện nay trở thành môn học chính khóa theo Nghị định 15/2001/NĐ-CP, ngày 01-5-2001 của Chính phủ. Những năm qua, GDQP-AN cho học sinh THPT đã có bước phát triển mới, đạt kết quả quan trọng. Ngoài việc trang bị kiến thức cần thiết về QP-AN, môn học đã góp phần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và hướng nghiệp; xây dựng cho các em ý thức tổ chức kỷ luật, nền nếp, kỷ cương trong nhà trường, nếp sống tập thể, mình vì mọi người, chống thói ích kỷ, cá nhân, cùng với các hoạt động khác đẩy lùi các hành vi tiêu cực và tệ nạn xã hội thâm nhập vào học đường.
Với chức năng là cơ quan chủ quản về GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã ban hành các quy chế, quy định và hướng dẫn cụ thể của môn học GDQP-AN; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan trong việc chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện GDQP-AN. Nội dung, chương trình GDQP-AN từng bước được đổi mới, phù hợp với lứa tuổi học sinh (là cấp học đầu tiên của môn GDQP-AN trong hệ thống nhà trường) và yêu cầu cải cách giáo dục; khối lượng kiến thức và kỹ năng quân sự được sắp xếp tương đối hợp lý với nhận thức của học sinh. Nhiều địa phương đã chú trọng đổi mới tổ chức, phương pháp giảng dạy theo phân phối chương trình, đạt kết quả tốt. Hiện nay, toàn quốc có 2.513 trường THPT, với lưu lượng hằng năm khoảng gần 3 triệu học sinh; trong đó, 99,8% học sinh được học môn GDQP-AN. Riêng năm học 2007-2008, đã có 7 tỉnh là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Thuận, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long tổ chức dạy và học rải 100%; các địa phương còn lại tổ chức đan xen theo hai hình thức học rải và tập trung. Sau khi các nhà trường chủ động được đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chuyên trách, việc thực hiện chương trình môn học đã được chuyển dần từ hình thức tập trung sang hình thức học rải như các môn học khác. Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên GDQP-AN; tổ chức đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn dài hạn chính quy tại các trường đại học có mã ngành thứ nhất là sư phạm thể dục, giáo dục công dân hoặc lịch sử. Đến nay, Ngành đã từng bước tự chủ được đội ngũ giáo viên. Đây là sự cố gắng rất lớn của các địa phương, các cơ sở giáo dục và là điều kiện tiên quyết cho việc tổ chức dạy học theo phân phối chương trình. Ngoài việc đảm bảo nội dung, chương trình, các địa phương, nhà trường đã chú trọng đổi mới tổ chức, phương pháp GDQP-AN; đồng thời, quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: tham quan, hội trại, hội thao, hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”,… nhằm làm thay đổi cách tiếp cận với môn học, củng cố kiến thức cho học sinh…
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, GDQP-AN cho học sinh THPT cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành liên quan chưa đầy đủ, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của môn học; vẫn còn không ít cán bộ, giáo viên coi đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ huấn luyện quân sự, là trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật triển khai ở một số địa phương còn thiếu sự thống nhất, nhất là trong tổ chức thực hiện chương trình, biên chế giáo viên, cách đánh giá kết quả và chưa bám sát các yêu cầu về cải cách chương trình, đổi mới sách giáo khoa, tài liệu. Chương trình còn nặng về huấn luyện kỹ năng quân sự, chưa chú trọng giáo dục lý thuyết. Mặc dù đã là môn học chính khóa nhưng lại không có đội ngũ giáo viên chuyên trách (chủ yếu do cơ quan quân sự địa phương, các đơn vị, nhà trường quân đội phối hợp với ngành GD-ĐT thực hiện giảng dạy và đánh giá kết quả học tập). Cá biệt, vẫn có trường THPT không coi trọng đúng mức môn GDQP-AN nên trong thực hiện còn mang tính hình thức, theo kiểu thanh toán chương trình; thậm chí có nơi còn biến môn học thành hoạt động ngoại khóa, cắt xén chương trình, không bảo đảm chất lượng môn học. Đó là chưa kể nhiều địa phương chưa kiểm soát được việc GDQP-AN ở các trường dân lập.
Để nâng cao chất lượng GDQP-AN cho học sinh THPT, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, QP-AN trong tình hình mới, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu sau.
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành chức năng đối với công tác GDQP-AN cho học sinh theo Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị và Nghị định 116/2007/ NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ. Bộ GD-ĐT cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời, phát huy sự chủ động của cấp uỷ, chính quyền cùng các sở, ban, ngành địa phương, mà trực tiếp là của các nhà trường THPT. Điều quan trọng là, Sở GD-ĐT các địa phương cần chủ động triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình môn học; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với cơ quan quân sự ở các địa phương. Cần có sự thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của môn học đối với học sinh, từ đó đề cao trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để có biện pháp điều chỉnh, xử lý, nâng cao chất lượng môn học trong nhà trường.
2. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung theo hướng tăng kiến thức về QP-AN, giảm kỹ năng quân sự. Đổi mới cơ chế quản lý đối với môn học; rà soát, phát hiện, khắc phục sự chồng chéo về nội dung với môn học khác trong hệ thống giáo dục phổ thông, từ chương trình chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, tổ chức biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên đến việc tổ chức tập huấn, giảng thử, rút kinh nghiệm. Tới đây, sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn giáo viên GDQP-AN và triển khai sách giáo khoa cho môn học, từng địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể, chủ động tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ năm học. Trong quá trình giảng dạy, cần loại bỏ việc tổ chức bắn đạn thật cho học sinh THPT (trừ nội dung hội thao), thay thế bắn đạn thật bằng máy bắn tập điện tử, la de; đồng thời, chú ý cập nhật các nội dung mới về bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đặc biệt, việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tập huấn GDQP-AN phục vụ năm học 2008-2009 cần tiến hành khẩn trương và lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Ngành.
3. Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Phát triển đội ngũ giáo viên GDQP-AN là một yêu cầu tất yếu, khách quan, là yếu tố cơ bản trong hoạt động dạy-học, quyết định đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chương trình môn học. Từ nay đến năm 2010, mỗi trường THPT phải có ít nhất một giáo viên chuyên trách và đến năm 2015 có đủ giáo viên được đào tạo đạt chuẩn về GDQP-AN. Để thực hiện mục tiêu này, đối với các địa phương chưa tổ chức đào tạo hoặc chưa đủ giáo viên, có thể tạo nguồn bằng việc gửi đi đào tạo hoặc liên kết đào tạo với các trường quân sự; tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp đào tạo dài hạn ghép môn; tiếp tục mời sĩ quan đang giảng dạy tại trường. Đối với các địa phương đã đủ giáo viên, cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng để chuẩn hóa trình độ cho họ, tiếp tục lựa chọn những giáo viên có đủ điều kiện để đào tạo văn bằng 2. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chính sách ưu đãi giáo viên GDQP-AN; nghiên cứu, cải tiến hệ thống thang, bảng lương, nhằm thu hút đội ngũ giáo viên; tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng nâng cao trình độ để đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy môn GDQP-AN. Hoàn thiện đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN, trình Chính phủ để sớm đưa vào thực hiện trong những năm học tới.
4. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ công tác giảng dạy và học tập của học sinh. Đối với môn học GDQP-AN, do tính chất đặc thù nên cần có nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và các địa phương để phát triển đội ngũ giáo viên, gắn với việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, đảm bảo kinh phí cho việc biên soạn, ban hành sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tham khảo và mô hình, học cụ phục vụ công tác giảng dạy. Cùng với đó, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ vào giảng dạy, trợ giá cho thiết bị dạy học môn GDQP-AN, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy để tăng tính hấp dẫn của môn học đối với học sinh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng mẫu trang phục đồng bộ, thống nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi học môn GDQP-AN.
ThS. Hoàng Văn Tòng
Chuyên viên cao cấp - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011