QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:11 (GMT+7)
Gia nhập WTO và những vấn đề đặt ra về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Sau 11 năm đàm phán, giờ đây Việt Nam  đã chính thức được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - một tổ chức kinh tế có quy mô lớn nhất toàn cầu. Đây là một bước tiến mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới,  hứa hẹn nhiều khả năng mới, nhiều nhân tố mới cho sự phát triển đất nước; tạo điều kiện tốt hơn để chúng ta phát huy nội lực, đồng thời góp phần nâng cao khả năng biến ngoại lực thành nội lực cho sự phát triển đất nước. Gia nhập WTO  là một thời cơ lớn cho sự phát triển. Dự đoán khả năng phát triển của Việt Nam, Tập đoàn tài chính Goldman-Sachs, một trong những công ty tài chính lớn nhất thế giới, doanh số năm 2005 đạt 273 tỷ USD, đưa ra dự báo đến năm 2025, Việt Nam có thể là nền kinh tế lớn thứ 17 trên hành tinh này.

Cơ hội do điều kiện khách quan mang lại có biến thành sự phát triển hiện thực của đất nước hay không, điều đó tuỳ thuộc một cách quyết định vào việc  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có nắm bắt, khai thác, tận dụng được điều kiện khách quan thuận lợi đó hay không. Việc gia nhập WTO không chỉ mang lại thời cơ, tác động thuận lợi đối với sự phát triển đất nước, mà còn đưa đến không ít thử thách cam go không chỉ do cạnh tranh kinh tế sẽ quyết liệt hơn, mà cả cạnh tranh về thể chế chính trị, về nội dung và tính chất của nền dân chủ, cao hơn hết là cạnh tranh về điều kiện vật chất và tinh thần cho sự phát huy cao độ vai trò của nhân tố con người, vai trò của nhân dân trong việc tận dụng thời cơ thuận lợi do gia nhập WTO mang lại. “Cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt, sâu sắc hơn, trên bình diện rộng hơn giữa sản phẩm của ta với sản phẩm của các nước khác, giữa doanh nghiệp của ta với doanh nghiệp của nước ngoài. Không những thế “cạnh tranh” còn diễn ra giữa Nhà nước và Nhà nước trong việc hoạch định chính sách quản lý và chiến lược phát triển nhằm phát huy nội lực và thu hút đầu tư từ bên ngoài”1. Nhà nước ta có tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh tốt cho các thành phần kinh tế trong nước hay không, môi trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài hay không, điều đó sẽ quyết định tới sức cạnh tranh của các sản phẩm, của các doanh nghiệp trong nước, góp phần phát huy mọi nguồn lực, thế mạnh đất nước cho phát triển bền vững. Chính điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Một là, phải đồng bộ hoá hệ chuẩn pháp luật Việt Nam với hệ chuẩn pháp luật quốc tế, trước hết là hệ chuẩn pháp luật của 149 nước thành viên hiện nay của WTO, nhưng lại phải giữ vững độc lập, tự chủ ngay trên lĩnh vực luật pháp. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý, nhằm hình thành nhanh chóng và đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý của một thành viên WTO.
           
Trước khi chúng ta gia nhập, WTO đã có hệ chuẩn pháp luật được vận hành hàng mấy chục năm nay do các nước thành viên xây dựng nên.  Những quy định pháp luật đó vừa phản ánh nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế, vừa phản ánh nhu cầu, lợi ích của các chủ thể kinh tế. Các chủ thể kinh tế khác nhau trong WTO với sức mạnh kinh tế-chính trị khác nhau sẽ có tiếng nói nặng nhẹ khác nhau; các nước có thực lực kinh tế mạnh sẽ có tiếng nói với trọng lượng lớn trong việc hoạch định, hoàn thiện và vận hành những quy định đó. Chúng ta không thổi phồng những vấn đề còn bất bình đẳng trong các quy định mà WTO đang áp dụng, nhưng nếu xem những quy định đó là hoàn toàn thoả đáng trong quan hệ giữa các nước thành viên của nó – không phân biệt giầu nghèo, mạnh yếu,… là tiêu cực, thiếu xây dựng, không thực tế. Điều rõ nhất mà chúng ta đã biết, nước nào càng gia nhập WTO muộn bao nhiêu, những quy định cho việc gia nhập của nước đó càng hà khắc bấy nhiêu.  ý thức rõ điều đó không phải để chúng ta giữ lại mọi quy định của mình, dù nó trái với quy định của WTO và các nước thành viên của WTO. Để thực sự là một thành viên hữu cơ của WTO, để quan hệ làm ăn của chúng ta với các nước thành viên  khác được tiến hành suôn sẻ, chúng ta phải chấp nhận “luật chơi” chung đã và đang được WTO vận hành. Việc nêu lên tình huống có vấn đề như trên đây cốt để thấy rõ tính khó khăn, phức tạp của quá trình đồng bộ hoá hệ chuẩn pháp luật Việt Nam với hệ chuẩn pháp luật quốc tế mà các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà làm luật Việt Nam phải tính đến.
Liên quan tới vấn đề này, một mặt, phải nâng cao năng lực nắm bắt, vận dụng thuần thục hệ chuẩn pháp luật của WTO; mặt khác, lại biết tìm ra ưu thế có lợi cho chúng ta trong việc vận dụng hệ chuẩn pháp luật đó. Cần lưu ý rằng, trong quan hệ kinh tế quốc tế hiện nay, quan niệm “ta thắng, đối tác thua” đã trở nên không thích hợp, nó đã và đang được thay bằng: “cả hai bên đều thắng”, tức là, cả hai bên đều có lợi; còn lợi tới mức nào, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào thực lực của mỗi bên. 
Hai là, đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia trên cả 4 phương diện (thể chế hành chính, bộ máy hành chính, công chức hành chính và tài chính công), Nhà nước tạo ra môi trường thuận lợi cho giao lưu kinh tế quốc tế và cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động. Trong 20 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trên vấn đề này, song bước tiến đó còn chưa ổn định, thiếu vững chắc. Bằng chứng là vừa qua, thứ bậc về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam bị rớt mấy bậc.  Có doanh nghiệp phải mất tới 7 năm mới có bộ hồ sơ với 30 con dấu để đủ điều kiện đưa vào hoạt động… Bệnh quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ trong cơ quan Nhà nước còn trầm trọng,  nặng nề. Một nền hành chính gần dân, thân dân, trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả cao, thành thạo công việc còn đang ở phía trước. Khắc phục được tình trạng thiếu hụt này, chúng ta mới có khả năng tận dụng với hiệu quả cao nhân tố thời cơ do việc gia nhập WTO mang lại.
Ba là, đổi mới bằng việc dân chủ hoá hơn nữa tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự quản lý, điều hành đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN, đồng thời thực sự là thiết chế cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân – một nhân tố chủ yếu để phát huy nguồn lực con người với tư cách nhân tố quan trọng nhất trong việc tận dụng thời cơ do hội nhập vào WTO mang lại.
Chúng ta gia nhập WTO trong tình hình còn là một nước kém phát triển với thu nhập theo đầu người chưa đầy 700 USD/năm. Để tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá,… phải phát huy nguồn lực con người với tư cách là nhân tố quan trọng nhất của nội lực. Con người là chủ thể thường xuyên của lịch sử trong mọi giai đoạn phát triển của nó. Để phát huy được nguồn lực con người, cần có môi trường dân chủ. Bởi lẽ, bản thân hoạt động của con người tự nó đã là hoạt động mang tính sáng tạo. Trong điều kiện cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn sau khi ta gia nhập WTO, sự sáng tạo trong các quyết sách kinh tế – chính trị, trong làm ăn kinh tế và giao lưu quốc tế để phát huy lợi thế dân tộc trong cạnh tranh, lại càng là đòi hỏi bức thiết. Dân chủ cần cho sáng tạo như không khí cần cho cơ thể sống vậy. Dân chủ trước hết là một hình thức tổ chức quyền lực nhà nước, nó cho phép quy tụ tối đa, phát huy hết mức sự sáng tạo của nhân dân trong quá trình phát triển xã hội. Trải qua nhiều ngàn năm tồn tại của mình trong môi trường có chính trị, nhân loại đã tìm thấy một mô hình tổ chức quyền lực nhà nước dân chủ hơn mọi mô hình khác, đó chính là nhà nước pháp quyền. Song, trong những thế kỷ qua, nhân loại mới chỉ biết có một mô hình nhà nước pháp quyền duy nhất, nó đã và đang tồn tại ở nhiều quốc gia - đó là nhà nước pháp quyền tư sản của nền chính trị đa nguyên. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nền chính trị nhất nguyên còn đang trong quá trình từng bước được xây dựng. Cả về mô hình lý luận lẫn mô hình thực tiễn về nó còn chưa được xác lập vững chắc và hoàn chỉnh. Điều đó gây cho chúng ta không ít khó khăn cả về nhận thức lẫn thực tiễn hành động để xây dựng nó.  Chúng ta cũng còn có ý kiến khác nhau về sự tương dung giữa nguyên tắc trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng với việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua việc hoạch định đường lối và làm cho đường lối đó có vai trò chỉ đạo trong sự phát triển đất nước nói chung, cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền nói riêng. Một số người vẫn e ngại rằng khi đề cao pháp luật, xem pháp luật là tối thượng sẽ làm lu mờ vai trò lãnh đạo của Đảng; họ không hiểu rằng, trong xã hội ta, những quy định pháp luật cơ bản đều là sự thể chế hoá đường lối của Đảng, cho nên, đề cao pháp luật chính là đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Dân chủ hoá Nhà nước cũng đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế để nhân dân ngày càng được tham gia tích cực và tự giác, có hiệu quả vào hoạt động của Nhà nước. Liên quan tới sự tham gia của nhân dân vào công việc Nhà nước, lúc này ở nước ta đang nổi lên vấn đề nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước. Việc nâng cao hiệu quả thực hiện yêu cầu này đòi hỏi phải mở rộng tính công khai, tính minh bạch trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Sớm hình thành Chính phủ điện tử, mọi sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội đều được thực hiện qua mạng. Khi đó, người dân có thể nắm bắt được tất cả, kiểm tra tính đúng đắn của các quyết định quản lý nhà nước, tính nhất quán, tính triệt để, tính hiệu quả trong việc thực hiện các quyết định đó,… Cũng thông qua mạng, nhân dân góp ý với các cơ quan Nhà nước, các cá nhân đang thực hiện phận sự trong bộ máy Nhà nước. Bằng cách đó, khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tổ chức và hoạt động của Nhà nước sẽ không còn dừng trên giấy, mà trở thành hành động của hàng chục triệu con người.
Bốn là, để đạt thành công trong cạnh tranh khi gia nhập WTO, việc điều hành của Chính phủ phải nhanh nhạy hơn, khoa học hơn, kịp thời hơn. Sự phát triển của xã hội thông tin làm cho không gian dường như ngày càng hẹp lại, thời gian ngày càng bị dồn nén, tốc độ của những thay đổi tăng lên nhanh chóng. Sự chậm chạp trong chỉ đạo của Chính phủ sẽ làm cho doanh nghiệp mất thời cơ, thậm chí gây ra những tổn thất nặng nề.  Chính phủ phải làm tốt chức năng dịch vụ thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Những thông tin đó phải có độ chính xác cao, kịp thời. Hiện đại hoá hoạt động của Chính phủ, giảm những khâu trung gian không cần thiết, khắc phục tình trạng quan liêu của bộ máy Nhà nước,… trở thành điều kiện không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu đó.
Năm là, chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ Nhà nước để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của việc gia nhập WTO. Lịch sử để lại cho chúng ta một đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước đông đảo, nhưng mới chỉ một bộ phận được đào tạo về quản lý nhà nước. Sự am hiểu luật pháp trong nước, nhất là luật pháp quốc tế của đội ngũ cán bộ Nhà nước còn rất hạn chế; nghiệp vụ hành chính mang nặng bệnh kinh nghiệm. Quản lý nhà nước là một nghề, thậm chí là một nghề rất khó khăn, phức tạp. Trong những năm đổi mới vừa qua, mặc dù chúng ta đã rất coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, nhưng do cả khó khăn khách quan lẫn chủ quan, số lượng được đào tạo chưa nhiều, chất lượng đào tạo còn bị hạn chế, việc sử dụng số cán bộ được đào tạo đó cũng còn không ít lãng phí. Một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước còn hoạt động dưới dạng nghiệp dư. Trong khi đó, hầu hết đối tác của chúng ta trong WTO đã vượt qua giai đoạn này. Hầu hết cán bộ của họ nắm được trình độ hiện đại của khoa học quản lý nhà nước và biết vận dụng thuần thục khoa học đó vào tác nghiệp hằng ngày. Đồng bộ hoá trình độ quản lý của cán bộ nhà nước ta với cán bộ nhà nước của các thành viên WTO là môt điều kiện bảo đảm hiệu quả của hội nhập.
  Như vậy, để đáp ứng nhu cầu hội nhập vào WTO, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia theo những chuẩn mực quốc tế: khoa học hoá, hiện đại hoá, công khai, minh bạch. Đó là một công việc rất không đơn giản. Nhưng cuộc sống bắt buộc chúng phải thực hiện cho bằng được, nếu không, những thời cơ, thuận lợi do gia nhập WTO mang lại sẽ tuột khỏi tầm tay; những khó khăn, thử thách sẽ tăng gấp bội. Với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng, những yêu cầu đó sẽ thực hiện được.
 
GS, TS. Phạm Ngọc Quang
 
1- Nguyễn Tấn Dũng: Gia nhập tổ chức thương mại thế giới: cơ hội, thách thức và hành động của chúng ta.Báo Nhân dân, ngày 7-11-2006

 

Ý kiến bạn đọc (0)