QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 00:17 (GMT+7)
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông

Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được biết đến như một con đường huyền thoại, một “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nối liền và chuyển vận toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương ra tiền tuyến. Băng qua bao núi cao, sông sâu, vượt qua bao sự đánh phá ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù, suốt 16 năm, kể từ ngày mở lối cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh trọng đại của mình, tạc vào lịch sử hiện đại Việt Nam như một biểu tượng ngời sáng về ý chí độc lập, tự do và thống nhất non sông của toàn dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Độc lập, tự do, thống nhất đất nước, từ ngàn xưa đã là khát vọng tiềm tàng và cháy bỏng trong các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Đó là một đảm bảo để dân tộc ta không vong thân qua hơn nghìn năm Bắc thuộc, qua 20 năm đô hộ của nhà Minh và 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Đó cũng là động lực để quy tụ lòng người, đoàn kết muôn dân, tạo ra và nhân lên sức mạnh đánh bại ngoại xâm, phục hưng đất nước. Chính bằng sức mạnh đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8- 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp đó, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954) trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất non sông của toàn dân tộc bước vào thời kỳ mới – thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Đây là thời kỳ kéo dài 21 năm, kẻ thù của nhân dân ta là đế quốc Mỹ - một cường quốc hàng đầu của thế kỉ XX, có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần. Để đương đầu và đánh thắng một kẻ thù như thế, nhất thiết dân tộc ta phải có một nội lực mạnh.

Trong cuộc đối đầu lịch sử này, điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là Đảng ta phải đề ra được đường lối chính trị-quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ. Đại hội III của Đảng (năm 1960) đã xác định: nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn này là tăng cường sự đoàn kết toàn dân, kiên  quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc; đồng thời, đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe XHCN và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới... Trên cơ sở đó, Đảng ta khẳng định: nhiệm vụ cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta. Còn, cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng; có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sức mạnh để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trên cả hai miền Nam, Bắc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, phải động viên sức mạnh của toàn dân tộc, của hai miền Nam, Bắc để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng ta vạch ra đã đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của những người Việt Nam yêu nước, nên có sức hiệu triệu mạnh mẽ tinh thần và lực lượng toàn dân tộc. Về phương diện đó, có thể nói rằng, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là một biểu tượng ngời sáng của ý chí và quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối của toàn dân tộc Việt Nam.

Trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh có nhiệm vụ nối liền miền Bắc với miền Nam; chuyển vận toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn của hậu phương ra tiền tuyến. Trải qua 16 năm, kể từ ngày đầu xoi đường, mở lối, cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ của kẻ thù. Nơi đây, suốt 16 năm đã diễn ra cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn giữa cỗ máy quân sự khổng lồ của đế quốc Mỹ với quân và dân ta. Nhiều tác giả Mỹ và phương Tây, ngay từ ngày đó và cho đến sau này, có những nhận xét khá xác đáng về nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam, ở đường mòn Hồ Chí Minh. ấy là, họ đều thừa nhận: “Mỹ bại trận vì không cắt đứt được con đường Trường Sơn; và Mỹ không thể nào cắt đứt được con đường vì “con đường mòn này không phải chỉ là một con đường được vạch ra mà nó là cả một luồng tư tưởng”…Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay, là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt, vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc chứ không phải vì những đoạn đường cụ thể, vì những dốc đèo thẳng đứng hay vì rừng núi rậm rạp hoặc những vùng đồng bằng mà nó đã băng qua”1.

Trên thực tế, qua 16 năm, từ  lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, vách núi; với phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành mạng đường chiến lược-chiến dịch, với hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn xa tới các chiến trường, vươn sâu vào các mặt trận, các hướng chiến dịch của chiến trường miền Nam, chiến trường Trung – Hạ Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia. Đến trước ngày mở chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyến vận tải chiến lược đã có chiều dài lên tới gần 20.000km, gồm các hệ thống trục dọc: 6.180km, 13 hệ trục ngang: 4.920km, 5 hệ thống đường vượt khẩu: 700 km, 1 hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm: 4.700km, 1 hệ thống đường ống dẫn xăng dầu: 1.400km và tuyến vận tải đường sông vào tới Stung Treng. Trên mọi nẻo đường, hơn 120.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến và các văn nghệ sĩ suốt một thời tuổi trẻ đã gắn bó máu xương với núi rừng Trường Sơn; trong số đó, 20.000 người đã anh dũng hy sinh, hơn 30.000 người bị thương và biết bao người bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin.

Vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc  máu xương, vì sự sống của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược vẫn không ngừng phát triển, đáp ứng sự chi viện to lớn, toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những tháng năm rầm trời bom đạn ấy, miền Bắc dã dốc toàn bộ sức mạnh của cả chế độ cho miền Nam, với tinh thần “Tất cả cho tiến tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lớp lớp thanh niên rời ruộng đồng, xưởng máy, trường học, theo tiếng gọi của non sông đất nước, lên đường đánh giặc với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Công việc hậu phương dồn xuống đôi vai của người ở lại…21 năm chiến tranh, 70% số gia đình miền Bắc có người thân chiến đấu ngoài mặt trận, nhiều gia đình mấy cha con cùng chiến đấu ở miền Nam; trên ruộng đồng, 63% lao động là nữ. Đằng đẵng những năm tháng chiến tranh, bao người mẹ, người vợ, người chị, người em cắn răng chịu đựng thiếu thốn, vất vả, gian lao, “ba đảm đang” cho người thân yên lòng ra trận.

Trong 16 năm, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển một khối lượng lớn vật chất từ hậu phương miền Bắc, giao cho các chiến trường: 1.500.000 tấn hàng hóa, vũ khí, 5.500.000 mét khối xăng, dầu; đưa đón, vận chuyển, đảm bảo hành quân trên 2 triệu lượt người. Những năm quân và dân miền Nam mở các cuộc tiến công chiến lược, miền Bắc tăng sức chi viện cho chiến trường, tuyến vận tải chiến lược đảm bảo chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến một khối lượng vật chất và quân số gấp 4 đến 5 lần những năm trước đó. Do vậy, sự thông suốt và năng lực đảm bảo hành quân, vận tải chi viện của đường Trường Sơn đóng vai trò to lớn trong việc tập kết lực lượng và vật chất, tạo nguồn dự trữ chiến lược, cùng quân và dân cả nước nói chung, quân và dân miền Nam nói riêng, thực hành thắng lợi các đòn chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến trường, đưa đến đại thắng mùa Xuân 1975.

Đến đây, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại của nó trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là con đường giải phóng, “Con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường Nam-Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương”- như lưu bút của cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng thành công đường Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Có thể nói, điều đó một mặt khẳng định tầm vóc lịch sử của con đường Trường Sơn huyền thoại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; mặt khác, cho thấy ý nghĩa chiến lược của nó đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Xét đến cùng, nó tiếp nối một cách tự nhiên, tất yếu quá trình cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc, quá trình xây dựng CNXH của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo, từ năm 1930 cho đến nay.

Đại tá, PGS, TS. HỒ KHANG

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự VN

____________

1- Trích trong cuốn “Đường mòn Hồ Chí Minh” của Van Gein, Nxb Editions Speciale, Pa-ri, 1971. Dẫn trong “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, Tổng cục Xây dựng kinh tế, 1979, tr. 25-26.

 

Ý kiến bạn đọc (0)