QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:35 (GMT+7)
Đơn vị Thông tin 80 Quân khu 4 đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhiệm vụ chủ yếu của Đơn vị thông tin 80, Quân khu Bốn là đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy của Quân khu đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị và các mặt công tác khác. Phạm vi hoạt động của Đơn vị trải rộng khắp các địa bàn thành phố, đồng bằng và miền núi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế. Phần lớn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thường xuyên làm nhiệm vụ xa đơn vị, phân tán nhỏ lẻ ở nhiều đài, trạm, tổng trạm và vận hành thông tin quân bưu... Có những đài, trạm lẻ ở trung tâm thành phố hoặc gần các bến tàu, bến xe, là những nơi có nhiều tiêu cực, tệ nạn xã hội dễ tác động đến ý thức chấp hành kỷ luật của bộ đội; có đài, trạm ở vùng sâu, vùng xa, trên các đỉnh núi cao như miền Tây Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình..., giao thông, ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Trong hoàn cảnh ấy, việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí của Đơn vị gặp nhiều khó khăn, bộ đội dễ “vượt rào”, “trượt chân”, vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nhận rõ điều đó, lãnh đạo, chỉ huy Đơn vị đặc biệt coi trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho mọi thành viên trong đơn vị.

Vấn đề quan trọng hàng đầu là Đơn vị thường xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quân đội, của Bộ Tư lệnh Quân khu  4 về PBGDPL đến mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị. Đơn vị đã tập trung quán triệt, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cấp ủy, chỉ huy các cấp, làm nòng cốt trong việc giáo dục, hướng dẫn bộ đội chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, tạo cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL có nền nếp, hiệu quả. Hằng năm, Đơn vị có nghị quyết chuyên đề về công tác PBGDPL, trong đó xác định rõ: xây dựng đơn vị an toàn, không có vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội phải xử lí là một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân và từng phân đội. Trên cơ sở nghị quyết chuyên đề của Đơn vị, các phân đội xây dựng nghị quyết chuyên đề cấp mình, trong đó tập trung lãnh đạo vào những nội dung trọng tâm, các dịp lễ, tết, ngoài giờ làm việc, giữa hai giai đoạn huấn luyện, quân nhân sắp ra quân... vì đây là những thời điểm bộ đội dễ vi phạm pháp luật, kỷ luật; đồng thời chú trọng cụ thể hóa nội dung, yêu cầu của các chỉ thị, quyết định về PBGDPL vào điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng giáo dục cụ thể.
Để đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, Đơn vị đã chú ý phân tích kỹ những nguyên nhân vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của một số trường hợp, khẳng định sự chủ quan, thiếu biện pháp phòng ngừa vẫn là nguyên nhân chủ yếu và trách nhiệm này trước hết thuộc về cấp ủy và người chỉ huy các cấp. Cũng qua đó, Đơn vị kịp thời uốn nắn những nhận thức không đúng, coi PBGDPL là của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, hoặc mới chỉ đơn thuần chú ý đến việc phổ biến các văn bản qui phạm pháp luật, chưa có biện pháp cụ thể xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho bộ đội. Do thường xuyên làm tốt những nội dung nói trên, ý thức chấp hành và hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Đơn vị đã được nâng lên rõ rệt.
Hai là, xây dựng nội dung, chương trình và đội ngũ báo cáo viên PBGDPL phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị. Trên cơ sở nội dung, chương trình PBGDPL  của Bộ và Quân khu, Đơn vị hướng trọng tâm, trọng điểm vào những văn bản pháp luật của Nhà nước, các qui định của Bộ Quốc phòng có liên quan nhiều đến hoạt động của đơn vị, như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Dân sự, Luật Phòng chống tội phạm ma túy, Pháp lệnh Phòng chống cháy, nổ...; các chỉ thị, qui định về: bảo vệ bí mật Nhà nước, xử lí kỉ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, quản lí, sử dụng mô tô, xe gắn máy trong quân đội, cấm uống rượu, bia say, cấm vận chuyển hàng ngoài nhiệm vụ... để giáo dục cho các đối tượng. Đơn vị rất quan tâm gắn chặt việc học tập các nội dung, chương trình PBGDPL với tổ chức thực hiện chúng, đặc biệt là trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, từng đơn vị, cá nhân đăng ký thi đua bảo đảm an toàn giao thông, nhất là những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ vận hành thông tin quân bưu, lái xe. Trước khi đi công tác, lãnh đạo, chỉ huy giao nhiệm vụ, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, từng lái xe ký vào sổ công tác. Mọi quân nhân dùng xe máy ra khỏi doanh trại đều được kiểm tra điều kiện kỹ thuật khi tham gia giao thông, trong đó bắt buộc phải có bằng lái xe, phải đội mũ bảo hiểm... Nhờ vậy, những năm qua Đơn vị cơ bản đảm bảo an toàn về người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Để có đội ngũ báo cáo viên đủ trình độ nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, Đơn vị lựa chọn từ những cán bộ chính trị và một số cán bộ chuyên ngành trong các cơ quan, đơn vị đã được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có khả năng sư phạm, nhất là tâm huyết với công tác PBGDPL. Đồng thời, gắn vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các phân đội, đại đội, cán bộ phụ trách các đài, trạm, tổng trạm, kết hợp việc duy trì điều lệnh, điều lệ, qui định với công tác PBGDPL theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, Đơn vị vừa phát huy được vai trò chuyên sâu của đội ngũ báo cáo viên, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, vừa ưu tiên cán bộ cho nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc mà vẫn bảo đảm được nội dung, chương trình và hiệu quả công tác PBGDPL. Trong điều kiện kinh phí, tài liệu Quân khu đảm bảo còn hạn hẹp, Đơn vị đã trích một phần quỹ vốn đơn vị hỗ trợ cho công tác PBGDPL, mua thêm tài liệu, duy trì và nâng cấp chất lượng phương tiện truyền thanh, bồi dưỡng báo cáo viên.
Ba là, Đơn vị đã kết hợp nhiều hình thức, biện pháp PBGDPL linh hoạt, thiết thực, phù hợp từng đối tượng, từng phân đội. Trong điều kiện phần lớn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thường xuyên đi công tác, hoạt động phân tán, nội dung giáo dục pháp luật thường khô cứng, khó tiếp thu, Đơn vị đã kết hợp nhiều hình thức, biện pháp trong PBGDPL, nhằm tạo ra nhiều “kênh”, tác động từ nhiều “chiều” đến việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật của bộ đội.
Một mặt, Đơn vị luôn coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của chỉ huy, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, nhất là trong việc tham mưu xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, thời gian thực hiện phù hợp với tính chất đặc thù của một đơn vị thông tin; phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đối với công tác PBGDPL. Mặt khác, Đơn vị thực hiện có nền nếp việc tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân, đề ra phương hướng, nhiệm vụ PBGDPL cho thời gian tiếp theo; tăng cường công tác kiểm tra cả thường xuyên và đột xuất đối với các phân đội làm nhiệm vụ độc lập, xa đơn vị như các đài, trạm, tổng trạm.
Để chủ động ngăn ngừa, phòng tránh từ xa sự “lây nhiễm” những tệ nạn xã hội vào đơn vị, nhất là ở các đài, trạm lẻ ở trung tâm các thành phố, gần các bến tàu, bến xe, ngoài việc thường xuyên quản lý chặt chẽ bộ đội theo chế độ qui định, Đơn vị tăng cường công tác dân vận, chỉ đạo các phân đội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trong công tác PBGDPL; thu thập những nguồn tin và có kế hoạch, biện pháp quản lí, giáo dục, ngăn chặn, xử lí kịp thời những dấu hiệu vi phạm pháp luật, kỉ luật, bảo đảm an toàn về người, trang bị, khí tài, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân dân. Chỉ đạo các phân đội tổ chức cho bộ đội tự nghiên cứu, học tập, nắm những qui định trong quan hệ với nhân dân và phong tục, tập quán của nhân dân địa phương. Quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ và những yếu tố có liên quan, Đơn vị kịp thời bổ sung những nội dung cần thiết về PBGDPL cho các đối tượng.
Nhằm bổ trợ kiến thức về pháp luật, Đơn vị tổ chức nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú như: thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, tuyên truyền pháp luật giữa các phân đội, đại đội, tọa đàm thanh niên (hỏi - đáp về pháp luật, về hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả của nó, xử lí các tình huống trong tham gia giao thông đường bộ, xử lí các vi phạm kỉ luật thông tin...). Nội dung PBGDPL được gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, như “Xây dựng đơn vị an toàn, không có người vi phạm kỉ luật”, “Mô hình chi đoàn tiêu biểu”, “Đơn vị mẫu mực về xây dựng chính qui”... Các hình thức, phương pháp tổ chức được chuẩn bị kĩ về nội dung, phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Nhiều qui định của pháp luật được “chuyển thể” thành những tiểu phẩm ngắn, thông qua hình thức “sân khấu hóa” đã có tác dụng tốt trong tuyên truyền, giáo dục bộ đội. Các hoạt động PBGDPL ngoại khóa đó được tiến hành có nền nếp, có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thu hút được đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia. Nhờ vậy, ngoài việc nâng cao sự hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỉ luật quân đội, qui định của đơn vị, các hoạt động này còn là “sân chơi” tinh thần của bộ đội sau những giờ huấn luyện, công tác; đồng thời cũng là biện pháp tích cực để quản lí bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Đối với những bộ phận đi công tác, ở các đài, trạm, tổng trạm, Đơn vị yêu cầu các phân đội nghiên cứu kế hoạch hợp lí, tổ chức luân phiên để bảo đảm quân số, thời gian và nội dung, chương trình PBGDPL. Trường hợp không thể sắp xếp được như các đài, trạm ở vùng sâu, vùng xa, Đơn vị tổ chức phân công báo cáo viên, cán bộ phụ trách các đoàn công tác đến tận nơi thực hiện chương trình PBGDPL.
Ngoài ra, công tác PBGDPL của Đơn vị còn được thực hiện thông qua hệ thống truyền thanh của từng phân đội. Bản tin nội bộ của đơn vị thường cập nhật những nội dung mới về pháp luật và kịp thời thông báo kết quả việc chấp hành pháp luật, kỉ luật của các cơ quan, đơn vị trong toàn Đơn vị đến các đối tượng. Riêng chế độ đọc, nghe báo trước đây chủ yếu là các tin thời sự, nay có cả các tin pháp luật có liên quan, không chỉ ở trên báo, mà cả trên các tạp chí. Trong điều kiện cho phép, Đơn vị mời báo cáo viên pháp luật của Quân khu nói chuyện chuyên đề về pháp luật. Hiện nay “tủ sách pháp luật” ở các phân đội thường xuyên được bổ sung các đầu sách và là một kênh quan trọng để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tìm hiểu thêm về pháp luật. 
Đi đôi với PBGDPL, Đơn vị đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội, kết hợp với việc tăng cường quản lý theo phân cấp nhằm nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Với phương châm “quản lý trong sự giáo dục”, lãnh đạo, chỉ huy Đơn vị yêu cầu cán bộ các cấp phải luôn gương mẫu, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân viên, chiến sĩ và thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên, chiến sĩ; qua đó làm cho nhân viên, chiến sĩ thấy được điều lệnh, điều lệ quân đội là một phần của pháp luật Nhà nước mà mọi quân nhân đều phải tự giác chấp hành. Để kết hợp tốt công tác PBGDPL với thi đua - khen thưởng, Đơn vị đã đưa nội dung và các chỉ tiêu cụ thể về chấp hành pháp luật Nhà nước, rèn luyện kỷ luật quân đội, ý thức chấp hành mệnh lệnh thành tiêu chí phấn đấu của mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong phong trào Thi đua quyết thắng; biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Với những chủ trương, biện pháp nói trên, công tác PBGDPL của Đơn vị đã có sự chuyển biến tốt. Từ năm 1996 đến nay, Đơn vị không có quân nhân đào bỏ ngũ; không có quân nhân vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, đơn vị an toàn tuyệt đối, môi trường văn hóa lành mạnh, không có các tệ nạn và tiêu cực xã hội xâm nhập vào đơn vị. Có thể nói, hiệu quả công tác PBGDPL đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đơn vị, làm cho Đơn vị thực sự xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới mà Nhà nước đã phong tặng.
 
Thượng tá Nguyễn Xuân Điều
Chính ủy Đơn vị

 

Ý kiến bạn đọc (0)