QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 00:39 (GMT+7)
Đơn vị Không quân C.10 nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự

Đơn vị Không quân C.10 là một trong hai đơn vị đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Từ ngày thành lập (03-11-1958) đến nay, Đơn vị đã huấn luyện chuyển loại, bổ túc phi công 71 khoá, với 12 kiểu loại máy bay; đào tạo hàng trăm giáo viên, chỉ huy bay và hàng ngàn phi công quân sự (PCQS) - lực lượng góp phần quan trọng trong bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Hiện nay, Đơn vị là một trong những trung tâm đào tạo thực hành bay của Trường sĩ quan Không quân, nhưng ở khâu cuối, để hoàn thiện quá trình đào tạo PCQS.

Trước đây, Đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo học viên thực hành bay năm thứ nhất của quá trình đào tạo PCQS. Ngày nay, theo chương trình đào tạo PCQS của Nhà trường, học viên sau khi học lý thuyết ở khu trung tâm, trải qua 1 đơn vị đào tạo thực hành bay, được về Đơn vị Không quân C.10 để thực hành bay ở trình độ cao hơn. Sau khi tốt nghiệp ở Đơn vị Không quân C.10, học viên được phong quân hàm sĩ quan, có bằng cử nhân quân sự, đủ điều kiện phát triển chuyển sang bay các loại máy bay chiến đấu. Là “khâu cuối” của quá trình đào tạo PCQS, chất lượng đào tạo của Đơn vị có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chung của cả quá trình đào tạo và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các phi công sau này. Bởi vậy, Đơn vị phải nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo PCQS nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng Phòng không - Không quân, thường xuyên và trực tiếp là Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường sĩ quan Không quân, những năm qua, lãnh đạo và chỉ huy Đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo PCQS, hướng trọng tâm vào một số nội dung chủ yếu sau:      

Một là, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đối tượng để hoàn thành kế hoạch huấn luyện và đảm bảo an toàn bay (ATB) một cách tuyệt đối. Đào tạo PCQS phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nổi lên là: con người, trang bị khí tài và điều kiện thời tiết; trong đó, con người có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng yêu nghề, tinh thần dũng cảm, có trình độ lý thuyết và trình độ chuyên môn giỏi, sức khoẻ tốt là nhân tố quyết định nhất. Cho nên, Đơn vị đã thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt cho học viên. Tư tưởng của học viên bị tác động bởi những yêu cầu hết sức khắt khe về tiêu chuẩn, tỉ lệ thải loại cao trong quá trình đào tạo và chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố xã hội khác, trong đó có cả những yếu tố tiêu cực từ các mối quan hệ hằng ngày của họ. Bởi vậy, việc nắm tư tưởng của học viên không phải chỉ theo tuần, theo tháng mà phải thường xuyên cập nhật từng ngày, ngay trước mỗi lần bay. Để làm được điều này, mỗi giáo viên được phân công kèm cặp, nắm bắt tư tưởng một tổ có 2 hoặc 3 học viên. Mọi mối quan hệ với người thân, bạn bè... của học viên, giáo viên đều phải nắm chắc; mọi vui, buồn của học viên, giáo viên phải theo dõi nắm rõ, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường để giải quyết. Mỗi lần huấn luyện bay (HLB) có ý nghĩa như một lần chiến đấu thực sự, đòi hỏi phải tập trung tư tưởng rất cao, mọi sự phân tán tư tưởng, dù rất nhỏ, đều có thể dẫn tới sự mất an toàn đáng tiếc, thậm chí còn phải trả giá bằng cả tính mạng.

Đào tạo PCQS trong điều kiện trang bị đã cũ, phải tăng hạn, sửa chữa nhiều lần, dễ phát sinh hỏng hóc, là nhân tố tác động không nhỏ đến tư tưởng, trạng thái tâm lý của học viên. Đó cũng là vấn đề mà Đơn vị phải tập trung giải quyết tốt để học viên có cơ sở tin tưởng vào tình trạng kỹ thuật của máy bay và đảm bảo ATB tuyệt đối. Do vậy, làm tốt công tác chuẩn bị bay từ mặt đất là khâu được Đơn vị đặc biệt chú ý. Đơn vị phải chuẩn bị đủ các yếu tố để người học hiểu và làm chủ được máy bay, làm chủ được trang bị khí tài, củng cố lòng tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và thực hiện đúng yếu lĩnh động tác, nội dung bài tập quy định và nâng cao hiểu biết về kỹ thuật hàng không, giúp cho giáo viên, học viên tin tưởng vào tình trạng kỹ thuật của máy bay khi thực hành bay. Đối với những máy bay “có vấn đề” về kỹ thuật do giáo viên và học viên phản ánh, phải được kiểm tra, khắc phục kịp thời, sau đó phi công có kỹ năng, kỹ xảo, có bản lĩnh và kinh nghiệm tiến hành bay kiểm tra, rồi mới đưa vào huấn luyện... nhằm tạo niềm tin về kỹ thuật hàng không cho học viên trong HLB.

Hai là, chấp hành nghiêm kế hoạch huấn luyện; đồng thời, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch. Do làm nhiệm vụ huấn luyện ở địa bàn nhiều nắng, gió và mưa, không thuận lợi cho HLB và ảnh hưởng đến ATB, nên nhiều năm trước, Đơn vị thường không hoàn thành kế hoạch huấn luyện. Nhằm khắc phục tình hình đó, Đơn vị chủ trương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể mà vận dụng sáng tạo và linh hoạt các hình thức huấn luyện cho phù hợp, đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy hằng năm, Đơn vị đã hoàn thành kế hoạch HLB với tất cả các khoa mục huấn luyện trước đây (bay xem địa hình, bay kiểm tra, bay kỹ thuật giản đơn, bay phức tạp, bay xuyên mây...) vừa bảo đảm tiến độ, vừa bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối. Đơn vị luôn chấp hành nghiêm các quy định trong Điều lệ bay, Điều lệ chuyên ngành trong HLB; các biểu hiện làm bừa, làm ẩu, thiếu trách nhiệm đã cơ bản được chấm dứt.

Đối với HLB, thời gian phải được xác định từ sớm, vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố. Trong lúc đó, thời điểm cất cánh được lại do kinh nghiệm của người chỉ huy quyết định. Do vậy, thời gian HLB không thể cố định theo giờ hành chính; nó đòi hỏi người chỉ huy phải nắm chắc tình hình thời tiết, đồng thời có khả năng và kinh nghiệm để quyết định thời điểm HLB một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Khó khăn hiện nay là, phương tiện giúp cho người chỉ huy quan sát, theo dõi, đánh giá tình hình thời tiết còn ít, cho nên thông tin để người chỉ huy ra quyết định có khi không đầy đủ, thiếu tính chính xác. Vì vậy, kinh nghiệm và bản lĩnh của người chỉ huy có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch huấn luyện. Quyết định thời điểm cất cánh huấn luyện đúng, không chỉ hoàn thành kế hoạch huấn luyện, mà còn bảo đảm ATB và là cơ sở để học viên tin tưởng, yên tâm trong quá trình huấn luyện. Điều đó đòi hỏi người chỉ huy phải có bản lĩnh vững vàng, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên về những quyết định của mình trong quá trình huấn luyện.

Trong HLB, mỗi giáo viên chỉ huấn luyện 1 khoa mục và đảm nhiệm không quá 3 học viên. Sau mỗi lần bay đều tổ chức bình giảng trực tiếp rút kinh nghiệm, đi sâu vào tìm nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm, sai sót trong huấn luyện; đồng thời, sử dụng phương tiện kiểm tra khách quan trong giảng bình bay. Học hết khoa mục nào, kiểm tra đánh giá kết quả khoa mục đó; khi kiểm tra phải qua 3 lần với 3 giáo viên có kinh nghiệm để có nhận xét, đánh giá chính xác kết quả đào tạo. Sau đó, mới để học viên bay đơn khoa mục đó, nhằm bảo đảm ATB. Do vậy, chất lượng đào tạo của Đơn vị ngày một nâng cao hơn.

Ba là, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ trình độ để làm công tác huấn luyện, đào tạo phi công. Đội ngũ giáo viên không chỉ quyết định đến chất lượng đào tạo của Đơn vị trước mắt, mà còn lâu dài. Do đặc điểm đào tạo, đội ngũ giáo viên của Đơn vị là những người đã tốt nghiệp ở ngay Đơn vị mình mà không có nguồn nào khác. Cho nên, sau mỗi khoá đào tạo, những học viên tốt nghiệp loại giỏi, có phương pháp sư phạm, được Nhà trường giữ lại tiếp tục bồi dưỡng về sư phạm, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo thực hành nói kết hợp với hành động để làm giáo viên. Hằng năm, Đơn vị có đề cương huấn luyện bổ sung cho từng giáo viên. Sau khoảng 4 năm, giáo viên mới có khả năng đào tạo khép kín tất cả các khoa mục trong quy trình huấn luyện. Trong quá trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Đơn vị chú ý cả phẩm chất, năng lực, phong cách, đạo đức, lối sống, tâm huyết với nghề; đồng thời, chú trọng trình độ kỹ thuật bay, hiểu biết về dẫn đường, khí tượng, kỹ thuật hàng không và khả năng xử lý bất trắc trong bay, bay phương pháp, bay đề cao, v.v. Vì vậy, đội ngũ giáo viên đều đáp ứng được yêu cầu đào tạo của Đơn vị, nhiều đồng chí có trình độ tốt, đạt giáo viên dạy giỏi của Nhà trường.

Bốn là, có chế độ, chính sách phù hợp với giáo viên, học viên và các đối tượng phục vụ khác. Trong đào tạo phi công, sức khỏe luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chăm lo và bảo đảm sức khỏe cho học viên và giáo viên là một trong những vấn đề quan trọng quyết định đến chất lượng huấn luyện. Do tính chất đặc thù của công tác đào tạo phi công, nên tiêu chuẩn ăn của học viên và phi công (giáo viên) không quy định mức tiền ăn cụ thể, mà chủ yếu phải đảm bảo năng lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đơn vị có y sĩ dinh dưỡng xác định dinh dưỡng của từng loại thực phẩm để đảm bảo đủ yêu cầu hằng ngày cho học viên và giáo viên. Trong điều kiện vấn đề an toàn thực phẩm trên thị trường còn nhiều bất cập, Đơn vị đã lựa chọn nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn để ký hợp đồng mua lương thực, thực phẩm, rau xanh, đảm bảo chất lượng và an toàn về vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, lãnh đạo và chỉ huy các cấp cũng hết sức quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Đơn vị. Hằng tuần, Đơn vị tổ chức xe đưa, đón cán bộ, nhân viên về gia đình; quan tâm các phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ... trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; xây dựng cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”; tổ chức các hoạt động giao lưu với địa phương, đơn vị bạn, nhằm tạo ra đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh cho cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ và công nhân viên Nhà trường... Vì vậy, dù xa gia đình, cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn gắn bó với Đơn vị, yên tâm công tác, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của Đơn vị.

Những việc làm trên đã dẫn đến chất lượng đào tạo PCQS của Đơn vị ngày một nâng lên. Sau khi tốt nghiệp tại Đơn vị Không quân C.10, các phi công về đơn vị chiến đấu và làm nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Quân chủng đều đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và có khả năng phát triển tốt.

Với những thành tích xuất sắc trong đào tạo và xây dựng, ngày 12-12-2000, Đơn vị Không quân C.10 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Đơn vị đang cố gắng công tác tốt, phục vụ tốt, kỷ luật nghiêm, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để mãi mãi xứng đáng với truyền thống: “Trung thành, dũng cảm, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, dạy tốt, học tốt”.

Thượng tá, ThS. Vũ Đức Quý

Chỉ huy trưởng Đơn vị

 

Ý kiến bạn đọc (0)