Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:33 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Những thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ quân sự, khoa học nghệ thuật quân sự; nhất là việc ứng dụng các loại vũ khí có trình độ công nghệ cao để phát triển các phương thức, thủ đoạn tác chiến, tiến hành chiến tranh hiện đại, quân đội các nước rất chú trọng nghiên cứu, phát triển "thực lực mềm quân sự", coi đây là một mặt quan trọng để nâng cao khả năng, sức chiến đấu của quân đội.
Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước, thực lực quân sự của quân đội gồm hai thành phần chủ yếu là "thực lực cứng quân sự" và "thực lực mềm quân sự". "Thực lực cứng quân sự" là nguồn vật chất và nhân lực của lực lượng vũ trang, là thực lực trực tiếp hình thành nên khả năng uy hiếp và sức chiến đấu của quân đội. "Thực lực mềm quân sự" là khả năng chuyển hóa nguồn vật chất và nhân lực thành sức chiến đấu có hiệu quả, là thực lực gián tiếp hình thành khả năng uy hiếp và sức chiến đấu của quân đội. Hai thành tố này có vị trí, vai trò riêng, nhưng tương hỗ với nhau và đều là những thành tố không thể thiếu để cấu thành thực lực quân sự. Trong xây dựng quân đội và thực hành tác chiến, hiệu quả kết hợp hai thành tố này sẽ quyết định đến mức độ, chất lượng chuyển hóa thực lực quân sự thành khả năng uy hiếp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Thực tiễn quân sự đã cho thấy, những yếu tố "thực lực cứng quân sự", như: kinh phí quân sự, vũ khí, trang bị và quy mô quân đội..., là những tiêu chí cần có để đánh giá sự phát triển thực lực quân sự của một quân đội. Nhưng để phản ánh chất lượng của nguồn lực quân sự, cũng như phản ánh một cách toàn diện, hệ thống thực lực quân sự thì cùng với đó, cần phải tính tới yếu tố cấu thành là "thực lực mềm quân sự". Bởi, những yếu tố "thực lực mềm quân sự", như nền tảng lý luận quân sự tiên tiến, sự chỉ đạo chiến lược, chính sách quân sự đúng đắn, nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý..., cũng có vai trò rất lớn, thậm chí mang tính quyết định cho việc hình thành và phát triển của thực lực quân sự. Trong lịch sử quân sự thế giới, nhiều đội quân dù được trang bị tối tân, hiện đại, có tiềm lực chiến tranh lớn, nhưng do không có được "thực lực mềm quân sự" mạnh để biến thực lực quân sự thành sức mạnh chiến đấu tổng hợp, nên vẫn bị thất bại trước những đội quân có trang bị kém hiện đại hơn, tiềm lực chiến tranh yếu hơn, nhưng lại biết kết hợp tốt với "thực lực mềm quân sự" để biến thực lực quân sự thành sức mạnh chiến đấu hiệu quả.
"Thực lực mềm quân sự" là một lĩnh vực thuộc khoa học nghệ thuật quân sự; việc xây dựng nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đó là các yếu tố "định tính" luôn vận động, phát triển, phù hợp với sự thay đổi của tình hình chính trị-quân sự thế giới, khu vực và trong nước, đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ chính trị-quân sự của quân đội; nhưng có thể khái quát một số mặt cơ bản mà quân đội nhiều nước coi trọng trong xây dựng "thực lực mềm quân sự":
1- Khả năng tạo sự thống nhất. Đây là khả năng kết tụ các yếu tố bên trong của quân đội thành lực hướng tâm. Với chức năng là công cụ bạo lực vũ trang, là thủ đoạn cưỡng chế cuối cùng của chính quyền nhà nước, quân đội là một tập thể tập trung thống nhất cao độ. Do vậy, không có sự thống nhất, quân đội không thể tạo được sức chiến đấu cần thiết. Sự thống nhất của quân đội dựa trên "kỷ luật thép", bám vào mục tiêu chung, quán triệt ý chí thống nhất, thực hành chức trách một cách triệt để, chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh của lãnh đạo, chỉ huy, "quân lệnh như sơn" là những yêu cầu cơ bản. Sự thống nhất của quân đội phải được thể hiện trong chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến đấu, trong phương pháp biên chế tổ chức quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang; thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn quân, ở mọi cấp, mọi bộ phận, mọi cá nhân trong việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Để tăng cường sự thống nhất trong quân đội, nhiều nước chú trọng phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong xây dựng chiến lược quân sự, học thuyết quân sự, các chương trình, kế hoạch quốc gia về phát triển khoa học công nghệ quân sự, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự; hoàn thiện hệ thống luật pháp về quốc phòng, quân sự, điều lệnh, điều lệ của quân đội nhằm điều chỉnh các hành vi của quân nhân, bảo đảm sự thống nhất trong chỉ huy, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự. Đồng thời, chú trọng xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến, nhất là trên các hướng phòng thủ chủ yếu, các địa bàn trọng điểm chiến lược; tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện chiến đấu, chuẩn bị mọi mặt công tác bảo đảm hậu cần-kỹ thuật, công tác sẵn sàng động viên chuyển đất nước sang thời chiến; tổ chức công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, không để đất nước bị động, bị bất ngờ về chiến lược...Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ngày càng đa dạng, nguy hiểm (cả từ bên trong và bên ngoài, cả truyền thống và phi truyền thống), quân đội nhiều nước châu Á hết sức chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đặt công tác này lên hàng chiến lược, nhằm giúp đội ngũ sĩ quan, binh sĩ có nhận thức đúng yêu cầu quân sự của đất nước, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, nhiệm vụ, chức trách được giao, những thách thức, nguy cơ (truyền thống và phi truyền thống); qua đó, nêu cao ý thức cảnh giác, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
2- Khả năng thu nạp là khả năng thu nhận sự ủng hộ về vật chất, kỹ thuật và tinh thần từ trong và ngoài nước. Để nâng cao khả năng thu nạp của quân đội, nhiều nước chú trọng thực hiện chiến lược kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường quốc phòng, quân sự. Các nước này chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; đề cao vai trò, vị thế của quân đội trong đời sống xã hội; pháp quy hóa các nhiệm vụ phục vụ mục đích quốc phòng, quân sự cho các bộ, ngành kinh tế dân sự, nhất là việc gắn kết lợi ích kinh tế với lợi ích quốc phòng, quân sự trong xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, trong quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở, kế hoạch động viên quốc phòng khi có chiến tranh; xây dựng chiến lược chuyển giao công nghệ, phát triển các công nghệ, các sản phẩm lưỡng dụng cho quân sự và dân sự; đề ra chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dân sự tham gia thị trường quân sự... Đồng thời, chú trọng cải cách để ngành công nghiệp quân sự tham gia vào thị trường dân sự, góp phần xây dựng Ngành và phát triển kinh tế quốc dân. Nhiều nước cũng chăm lo cải tiến các chính sách hậu phương quân đội, cải thiện nâng cao đời sống quân nhân; đề ra các chính sách, chế độ ưu tiên để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quân đội. Trong thời đại thông tin hóa, toàn cầu hóa, sự tùy thuộc, phụ thuộc lẫn nhau về quốc phòng-an ninh ngày càng lớn. Tranh thủ những điều kiện thuận lợi, các nước rất chú trọng mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng, quân sự, theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, nhằm tranh thủ sự ủng hộ về tinh thần, nguồn vốn, khoa học công nghệ, vũ khí, trang bị...; hợp tác đối phó với những vấn đề an ninh toàn cầu, như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, ngăn chặn các loại dịch bệnh, các thảm họa thiên tai, môi trường, cứu hộ, cứu nạn... Mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng, quân sự đã trở thành một kênh quan trọng trong xây dựng và nâng cao khả năng, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Để nâng cao hiệu quả đối ngoại quân sự, các nước xây dựng chiến lược, đề ra lộ trình, bước đi thích hợp, phù hợp với mục tiêu quốc phòng, thực lực kinh tế, trình độ khoa học công nghệ của đất nước, phù hợp với đối tác; cùng với mở rộng, nâng tầm quan hệ hợp tác, cũng chú trọng giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, thực hiện các biện pháp không để phụ thuộc, lệ thuộc về khoa học công nghệ, bởi điều đó trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia.
3- Khả năng sáng tạo là khả năng tạo ra những cái mới để thúc đẩy sự phát triển tiên tiến, hiện đại. Lĩnh vực quân sự là lĩnh vực đối kháng, cạnh tranh năng động, quyết liệt nhất, đòi hỏi phải phát huy tinh thần sáng tạo nhất. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, do phát huy tốt khả năng sáng tạo cả trong đường lối và cách thức tổ chức tiến hành chiến tranh cách mạng toàn dân, toàn diện, nghệ thuật quân sự độc đáo "lấy nhỏ thắng lớn", "lấy ít địch nhiều", "lấy thô sơ và kém hiện đại hơn để thắng hiện đại", quân và dân Việt Nam đã đánh thắng những đế quốc to, có trang bị quân sự hiện đại và tiềm lực chiến tranh lớn hơn gấp nhiều lần, để giành lại độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới, hình thái chiến tranh biến đổi mang tính cách mạng, xuất hiện nhiều khái niệm mới đáng chú ý, như chiến trường số hóa; vũ khí tự động, trí năng hóa; tác chiến liên hợp nhất thể trong không gian đa chiều: bộ, không, biển, vũ trụ, cường độ và tốc độ lớn, v.v. Để đối phó với chiến tranh công nghệ cao, chỉ huy các cấp phải có tinh thần và năng lực sáng tạo rất cao để khai thác những điểm yếu, hạn chế tối đa uy lực vũ khí trình độ công nghệ cao của địch; mặt khác, tận dụng các yếu tố thiên, thời, địa lợi, nhân hòa, phát huy cao độ những điểm mạnh, mặt mạnh của ta, tạo so sánh hơn hẳn cả về thế và lực để giành thắng lợi. Muốn vậy, ngay từ thời bình, phải chăm lo xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc ở từng khu vực và trên phạm vi cả nước; chú trọng xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án chiến đấu và tổ chức luyện tập chu đáo; nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự tiên tiến. Trong huấn luyện, chú trọng huấn luyện toàn diện cả cá nhân và phân đội, chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao năng lực, trình độ tư duy nhạy bén trong tổ chức, chỉ huy thực hành tác chiến cho đội ngũ sĩ quan các cấp. Đặc biệt, huấn luyện phải sát với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn chiến đấu, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Đây là những cơ sở để nâng cao năng lực sáng tạo về cách đánh trong điều kiện mới.
4- Khả năng bức xạ là khả năng làm cho đối phương cảm nhận được sự lớn mạnh của lực lượng quân sự và khả năng biến thực lực quân sự thành sức mạnh quân sự để chế áp các mối đe dọa, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia. Trong chiến lược quân sự, một số cường quốc phương Tây rất chú trọng hiện đại hóa quân đội, nâng cao khả năng răn đe quân sự, coi đây là giải pháp hàng đầu để thực hiện mưu đồ bá chủ khu vực và thế giới. Để nâng cao khả năng răn đe quân sự, cùng với việc triển khai lực lượng quân sự khống chế các khu vực địa-chiến lược trên toàn cầu, phát triển các loại vũ khí tiến công chiến lược, nhất là vũ khí hạt nhân, vũ khí công nghệ hiện đại, có độ chính xác cao, tầm bắn xa, uy lực sát thương lớn..., các nước này cũng nghiên cứu phát triển các phương thức, thủ đoạn tác chiến, phương thức tiến hành chiến tranh hiện đại; kết hợp giữa xung lực, hỏa lực, thông tin và cơ động; giữa tiến công "cứng" bằng vũ khí công nghệ cao với tiến công "mềm" bằng chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý, chiến tranh kinh tế, chính trị, ngoại giao và các mặt khác, để hình thành một thế trận "phi đối xứng" cả về thế và lực, nhanh chóng đánh quỵ tiềm lực chiến tranh của đối phương, giành mục tiêu chiến tranh đề ra. Một số nước còn xây dựng học thuyết quân sự "đánh đòn phủ đầu", tạo cơ sở lý luận cho việc sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn các mối đe dọa mà theo họ là "từ trong trứng nước". Điều lệnh tác chiến F.100-5 của Mỹ đã nêu rõ, chiến tranh thông tin là dạng thức chiến tranh chủ yếu của thế kỷ 21. Các chiến lược gia quân sự của Mỹ cũng đang tích cực nghiên cứu, phát triển các phương thức tiến hành chiến tranh "điều khiển học" để có thể đạt được mục tiêu "không đánh mà khuất phục được đối phương". Để phòng thủ quốc gia trong tình hình mới, cùng với việc tăng cường khả năng quốc phòng, quân sự đủ sức đối phó với các thách thức từ bên ngoài và bên trong, một số nước đang phát triển rất chú trọng các biện pháp ngoại giao, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, hình thành các "phòng tuyến an ninh" nhiều tầng, nhiều tuyến, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các mầm mống, nguy cơ có thể gây ra xung đột, chiến tranh; bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước phát triển.
Các mặt trên của "thực lực mềm quân sự" không tách rời mà đan xen, bổ sung cho nhau; và do không phải là những đại lượng "bất biến", nên việc nghiên cứu phát triển chúng phải là việc làm trọng yếu thường xuyên của mọi cấp, mọi ngành trong quân đội.
MINH ĐỨC
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011