QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:45 (GMT+7)
Đôi nét về tình hình Trung Đông: thực trạng và triển vọng

Tình hình Trung Đông hiện nay lại đang thu hút sự quan tâm, lo ngại đặc biệt của dư luận thế giới, bởi sự “nóng lạnh” của khu vực địa - chiến lược trọng yếu nằm giữa ba châu lục Á, Âu, Phi này luôn có ảnh hưởng rất lớn đến hoà bình, ổn định và sự phát triển của thế giới. Tại đây, cả ba vấn đề: vấn đề hạt nhân của I-ran, vấn đề I-rắc, vấn đề quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin hiện nay đều rất căng thẳng, diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tuy nhiên cũng có thể thấy được những điều cơ bản về thực trạng và triển vọng phát triển của tình hình ở đây.

Vấn đề hạt nhân của I-ran nổi lên hàng đầu, đang đi đến đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, như một quả bom hẹn giờ sắp bùng nổ.
Ngày 29-3-2006, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sau ba tuần đàm phán căng thẳng, đã nhất trí thông qua một tuyên bố yêu cầu I-ran trong thời hạn 30 ngày phải đình chỉ hoàn toàn và vĩnh viễn mọi hoạt động làm giàu U-ra-ni, kể cả việc nghiên cứu phát triển, đồng thời phải tuân thủ sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với chương trình hạt nhân của nước này. Phía I-ran trước sau vẫn kiên định lập trường nguyên tắc và cứng rắn, tuyên bố không bao giờ từ bỏ quyền được làm giàu U-ra-ni, phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Ngày 9-4, Tổng thống M. A-ma-đi-nê-giát tuyên bố “I-ran đã gia nhập Câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân” với thành công trong việc làm giàu U-ra-ni ở mức 3,5% và sẽ sản xuất nguyên liệu này trên quy mô lớn.  Ông còn nhấn mạnh “dân tộc và chính phủ I-ran quyết tâm sử dụng các quyền của mình về công nghệ hạt nhân và các công nghệ hạt nhân này chỉ để phục vụ mục đích hoà bình…I-ran dự định sẽ tiếp tục hoạt động hạt nhân của mình dưới sự giám sát của IAEA”. Tổng giám đốc IAEA  A. Ba-ra-đây đã tới Tê-hê-ran để thuyết phục I-ran ngừng việc làm giàu U-ra-ni, nhưng chuyến đi này đã thất bại. Đại diện năm nước thường trực HĐBA LHQ là Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức (5+1) đã nhóm họp trong hai ngày (18 và 19-4) tại Mát-xcơ-va để bàn cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân I-ran sau khi nước này bác bỏ yêu cầu của HĐBA LHQ. Tại cuộc họp này, các bên nhất trí rằng “I-ran đã vượt quá giới hạn cho phép của cộng đồng quốc tế” nhưng chưa tìm được giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng, do lập trường còn cách biệt. Đại diện Mỹ cho rằng, cần phải có một số biện pháp trừng phạt đối với I-ran. Tổng thống G.W.Bu-sơ tuyên bố, Mỹ cũng chú trọng các biện pháp ngoại giao, nhưng “mọi khả năng vẫn bỏ ngỏ nhằm ngăn chặn I-ran phát triển vũ khí hạt nhân”. Trung Quốc và Nga nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác để giải quyết vấn đề, phản đối cấm vận hoặc dùng vũ lực đối với I-ran. Ngày 22-4, đại diện I-ran lại tuyên bố chương trình làm giàu U-ra-ni của nước này là “không thể đảo ngược”, tức là tiếp tục bác bỏ yêu cầu của HĐBA LHQ trước mọi sức ép từ khuyên nhủ đến răn đe của các cường quốc.
Lập trường cứng rắn của I-ran đã đẩy cuộc đối đầu giữa nước này với Mỹ lên một đỉnh cao mới. Mỹ cho rằng “chương trình hạt nhân của I-ran đã trở thành mối đe doạ thực sự đối với an ninh thế giới”, rằng tuyên bố của Tê-hê-ran “là một sự thách thức nữa đối với cộng đồng quốc tế”. Các quan chức ở Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã nhiều lần nói đến khả năng và kế hoạch tiến công quân sự, kể cả việc dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật để phá hủy các cơ sở hạt nhân nằm sâu trong lòng đất của I-ran. Trước ý đồ nguy hiểm này, 13 nhà vật lý nổi tiếng nhất nước Mỹ, trong đó có năm người được giải Nô-ben và nhiều nhà lãnh đạo các cơ quan và Hội Vật lý có uy tín quốc tế lớn của Mỹ đã gửi thư lên Tổng thống G.W.Bu-sơ cực lực phản đối mưu toan sử dụng vũ khí hạt nhân chống I-ran. Bức thư khẳng định, chỉ riêng việc có ý đồ như vậy cũng là cực kỳ vô trách nhiệm, cũng đáng báo động nghiêm trọng đối với chính quyền Mỹ. Việc Mỹ lại sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi đã sử dụng vũ khí này năm 1945 giết hại hơn 100 ngàn người Nhật Bản sẽ thúc đẩy các nước có vũ khí hạt nhân khác cũng hành động và như vậy, cuộc xung đột khu vực nhỏ cũng có thể bùng lên thành cuộc chiến tranh hạt nhân huỷ diệt nền văn minh. Bức thư cũng kêu gọi nhân dân Mỹ sát cánh cùng các nhà khoa học đòi chính quyền Mỹ từ bỏ ý đồ tội lỗi sử dụng vũ khí hạt nhân chống một nước không có vũ khí hạt nhân như I-ran.
           
Trước ý đồ tiến công quân sự của Mỹ, I-ran không hề nao núng và sẵn sàng “nghênh chiến” bằng các hành động phô trương sức mạnh, như diễn tập quân sự, duyệt binh, diễu binh và thử nghiệm các loại vũ khí mới. Trong một tuần lễ diễn tập quân sự quy mô lớn tại Vịnh Péc-xích1, trong đó có loại tên lửa có thể tránh được ra-đa và bắn tới nhiều mục tiêu, sử dụng cùng lúc nhiều đầu đạn; các loại ngư lôi siêu tốc, được mô tả là “một hiểm hoạ thực sự” đối với các loại tàu chiến, có thể tiến công tiêu diệt tàu ngầm ở độ sâu dưới nước. Các loại vũ khí mới này đều do I-ran nghiên cứu chế tạo và có thể sản xuất hàng loạt. Người phát ngôn của I-ran nói thẳng ra rằng, các hoạt động đó nhằm “chứng tỏ khả năng của mình”, và cảnh báo “kẻ thù cần biết rằng họ không nên đùa với lửa !”.
Ngày 28-4-2006 là hạn chót của HĐBA LHQ yêu cầu I-ran phải đình chỉ hoàn toàn và vĩnh viễn chương trình làm giàu U-ra-ni. Những khả năng nào sẽ xảy ra sau thời điểm đó? Nếu I-ran tuân thủ yêu cầu của LHQ thì thế giới sẽ “thở phào nhẹ nhõm” như bước đầu tháo được ngòi của quả bom nổ chậm. Nhưng xem ra khả năng này là hiếm hoi, vì I-ran luôn nhất quán lập trường nguyên tắc và rất cứng rắn, coi việc làm giàu U-ra-ni, phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình là quyền thiêng liêng và lợi ích quốc gia chính đáng, không thể bị tước bỏ bởi bất cứ thế lực nào. Khả năng có nhiều hơn là I-ran vẫn làm giàu U-ra-ni và HĐBA LHQ buộc phải có những biện pháp trừng phạt về kinh tế, chính trị ở mức độ nhất định. Và do đó điều cần lưu ý có thể xảy ra là Mỹ coi đây là cái cớ hợp pháp để tiến công quân sự I-ran. Dư luận mong rằng, cả Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran cần phải có cái đầu “lạnh”, tỉnh táo “biết mình biết người”, bớt đi những cuộc khẩu chiến,”diễu võ giương oai”, thách thức, chọc tức lẫn nhau để sao cho một cuộc chiến tranh vùng Vịnh nữa không xảy ra. Vì đó sẽ là cơn ác mộng không chỉ đối với hai đương sự Mỹ, I-ran mà với cả thế giới.
Nước Cộng hoà Hồi giáo I-ran rộng lớn, đông dân (69 triệu người), có lực lượng vũ trang và vũ khí, trang bị hiện đại, lớn mạnh hơn nhiều so với I-rắc, lại là một trong những nước dầu mỏ lớn nhất thế giới, trấn giữ eo Hoóc-mút cửa ngõ ra vào vùng Vịnh, nếu Mỹ tiến công I-ran thì chắc chắn hậu quả đối với Mỹ, với I-ran cũng như với thế giới còn nặng nề gấp bội. Chính vì vậy, thế giới sẽ kịch liệt phản đối hành động quân sự chống I-ran. Ngay cả những đồng minh thân cận như Anh, Pháp cũng công khai tỏ thái độ không ủng hộ phương án tiến công quân sự của Mỹ đối với I-ran. Còn trừng phạt bằng cấm vận kinh tế, I-ran sẽ sử dụng đến thứ “vũ khí dầu mỏ” lợi hại, thế giới sẽ thiếu đi một nguồn dầu mỏ khổng lồ, Mỹ và châu Âu là những đối tượng hứng chịu hậu quả đầu tiên, thiệt hại kinh tế còn lớn hơn cả I-ran, các nơi khác cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, thiệt hại. Do tác động của tình hình căng thẳng trong vấn đề hạt nhân của I-ran, giá dầu mỏ ở Mỹ, Anh đã lên mức kỷ lục chưa từng có, tới 75 USD/ thùng, dự đoán có thể tới 80 USD/thùng hoặc hơn nữa trong năm nay nếu như vấn đề hạt nhân của I-ran không lắng dịu. Vì thế, nếu Mỹ cố tình dùng vũ lực hay “cấm vận” thì cũng chỉ tự chuốc hoạ vào thân. Còn I-ran nếu đi theo con đường cực đoan thì cũng là ngõ cụt. Dư luận cho rằng, đồng thời với việc tranh thủ lợi dụng quyền lợi hạt nhân thực sự vì mục đích hoà bình, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ là thành viên của “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” (NPT), hợp tác đầy đủ với IAEA, từ đó có được niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Đó là con đường thực tế, phù hợp với lợi ích của I-ran và lợi ích của hoà bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới hiện nay.
Tình hình I-rắc vẫn rối ren, bất ổn định, nguy cơ nội chiến gia tăng, trong khi Mỹ vẫn ngày càng lún sâu trong bãi lầy, tiến thoái lưỡng nan.
Mục tiêu của Mỹ sau khi tiến hành cuộc chiến tranh I-rắc, lật đổ chế độ, bắt sống Tổng thống Sát-đam Hút-xen là phải bình định được tình hình, thành lập được một chính quyền thân Mỹ, biến I-rắc thành hình mẫu cho chiến lược “Dân chủ hoá” của “Đại Trung Đông” và rút quân viễn chinh càng sớm càng tốt. Nhưng đã hơn ba năm rồi, mục tiêu đó của Mỹ vẫn xa vời.
Theo tiến trình chính trị ở I-rắc do Mỹ đạo diễn, sắp đặt, sau cuộc bầu cử Quốc hội I-rắc ngày 15-12-2005 thành lập chính phủ lâm thời, sau đó lựa chọn thủ tướng để đứng ra thành lập chính phủ mới ở I-rắc. Nhưng sau hơn bốn tháng, việc thành lập chính phủ mới vẫn bị bế tắc do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt giữa ba phe phái chủ chốt trong Quốc hội I-rắc đại diện cho người Hồi giáo dòng Si-ai, dòng Xăn-ni và người Cuốc. Mặc dù giành được số ghế nhiều hơn trong Quốc hội I-rắc (130 trong tổng số 275 ghế), Liên minh thống nhất I-rắc (UIA) gồm bảy chính đảng của người Hồi giáo dòng Si-ai vẫn cần liên minh với người Hồi giáo dòng Xăn-ni và người Cuốc để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Cuối tháng 2-2006, UIA đề cử ông I.Gia-pha-ri, Thủ tướng lâm thời làm ứng cử viên thủ tướng của chính phủ mới. Thế nhưng, Liên minh người Hồi giáo dòng Xăn-ni và Liên minh người Cuốc đã kiên quyết bác bỏ việc đề cử này, vì cho rằng thời gian làm Thủ tướng lâm thời, ông I.Gia-pha-ri không đủ năng lực lãnh đạo đất nước thoát khỏi tình trạng bạo lực, rối ren, không ngăn chặn được tình trạng chia rẽ trong chính phủ. Việc UIA lựa chọn ông I.Gia-pha-ri làm ứng cử viên Thủ tướng của chính phủ mới là trở ngại lớn nhất đối với việc thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc ở I-rắc. Trong nội bộ UIA cũng bất đồng, chia rẽ, bốn trong bảy chính đảng của UIA đã công khai đòi ông I-Gia-pha-ri từ chức. Cả Mỹ và Anh cũng gây sức ép yêu cầu Thủ tướng lâm thời I-rắc từ chức. Trước tình thế đó, ông I-Gia-pha-ri đã buộc phải tuyên bố từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Bởi vì tình trạng bế tắc kéo dài trong việc thành lập chính phủ mới ở I-rắc tạo ra khoảng trống quyền lực là mảnh đất tốt cho các lực lượng nổi dậy ở nước này hoạt động khiến bạo lực giữa các phe phái gia tăng.Tiêu biểu là vụ đánh bom Đền Vàng thiêng liêng của người Hồi giáo dòng Si-ai ở thành phố Xa-ma-ra hồi tháng hai năm nay làm hàng trăm người chết và bị thương. Người Si-ai trên khắp nước này đã đốt cháy nhiều đền thờ, bắn chết nhiều giáo sĩ, uy hiếp, bắt cóc các gia đình người Hồi giáo dòng Xăn-ni. Trước nguy cơ nội chiến giáo phái ngày càng tăng, nhiêù người I-rắc đã phải chạy ra nước ngoài, hơn 60 ngàn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhiều người tự sắm vũ khí phòng thân. Ngày 7-4 vừa rồi, lại xảy ra vụ đánh bom liều chết vào thánh đường Bu-ra-tha của người Si-ai ở phía bắc thủ đô Bát-đa làm 79 người chết, 160 người bị thương. Đây có thể coi là vụ tàn sát đẫm máu nhất ở I-rắc từ đầu năm đến nay. Những vụ bạo lực nhỏ lẻ khác vẫn xảy ra hàng ngày. Thứ trưởng Bộ Nội vụ I-rắc H.A.Ca-man cảnh báo rằng, I-rắc thật sự lâm vào một cuộc nội chiến “không tuyên bố”. Ông nêu rõ: “Hằng ngày, nhiều người Hồi giáo dòng Si-ai, dòng Xăn-ni, người Cuốc và người Cơ đốc bị sát hại và điều duy nhất mà người ta chưa chính thức tuyên bố rằng đây là một cuộc nội chiến với sự tham gia của tất cả các phe phái”.
Vậy là, người dân I-rắc là nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược, nay  lại đang trở thành nạn nhân của cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt”. Đây quả là tấn bi kịch lớn của một dân tộc có nền văn minh lâu đời ở vùng Vịnh Ba-tư. Còn nước Mỹ đã phải mất hàng trăm tỷ đô-la, hàng ngàn sinh mạng lính Mỹ, uy tín Tổng thống G.W.Bu-sơ xuống thấp mức kỷ lục, ghế Bộ trưởng Quốc phòng Đ.Răm-xphen đang lung lay, tất cả chỉ để trả giá cho những sai lầm ở I-rắc mà mới đây cả đương kim Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều thừa nhận. Bài học của Mỹ ở I-rắc quả là đắt giá !
Ngày 22-4, Quốc hội I-rắc đã triệu tập được phiên họp thứ hai, bầu ra các chức danh chủ chốt trong chính phủ và quốc hội. Ông Gia-oát An Ma-li-ki, người Si-ai được UIA đề cử được bầu làm Thủ tướng và đứng ra thành lập chính phủ mới trong vòng 30 ngày. Đây là bước khai thông bế tắc, khủng hoảng chính trị đáng khích lệ. Hy vọng ông G.A. Ma-li-ki có đủ bản lĩnh và uy tín để có thể thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc, đại diện thực sự cho ý chí và quyền lợi của nhân dân I-rắc, chấm dứt tình trạng bế tắc gây nên khoảng trống quyền lực, khủng hoảng chính trị kéo dài, đưa đất nước này dần vào thế ổn định.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, dù một chính phủ mới được thành lập thì I-rắc vẫn phải đứng trước rất nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường thiết lập trật tự, ổn định. Bởi tâm lý nghi kỵ, hận thù về phe phái, sắc tộc, tôn giáo còn ăn sâu không dễ một sớm một chiều mất đi. Thực tế cho thấy, sau khi ông G.A. Ma-li-ki được bổ nhiệm đứng ra thành lập chính phủ mới, các vụ bạo lực đẫm máu giữa các phe phái vẫn xảy ra tại I-rắc. Hơn nữa, các lực lượng nổi dậy còn tăng cường hoạt động chống lại sự có mặt của quân chiếm đóng nước ngoài. Báo “Nhân đạo” (Pháp) ngày 2-3-2006, dẫn lời nhà nghiên cứu đồng thời là chuyên gia về I-rắc và Trung Đông, ông P.J. Lu-i-dar nêu bật tính bất khả thi của công cuộc xây dựng lại I-rắc dưới sự bảo trợ của Mỹ, ông khẳng định: “ Tin chắc rằng, dưới sự chiếm đóng của Mỹ, sẽ không có ổn định cho quá trình chính trị ở I-rắc”. Hơn 130 ngàn quân chiếm đóng Mỹ đang sa lầy ở I-rắc không rút về được, và sự có mặt của họ lại là nhân tố mất ổn định ở đất nước vùng Vịnh này. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ.
Vấn đề quan hệ Pa-le-xtin - I-xra-en tiếp tục căng thẳng, tình trạng bạo lực “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên vẫn xảy ra, đồng thời cũng xuất hiện tình thế mới, diễn biến rất phức tạp trong quan hệ hai bên và trong nội bộ từng bên.
Hiện trạng tình hình Trung Đông cho thấy trong tương lai gần, khu vực địa- chiến lược này sẽ vẫn không được ổn định. Để tiến tới một Trung Đông hòa bình, ổn định lâu dài, các bên liên quan cần có thiện chí, cần có những bước đột phá trong chính sách của mình, vượt lên trên những định kiến, nghi kỵ, hận thù, hoặc chỉ vì quyền lợi ích kỷ của phe phái, quốc gia, dân tộc, sắc tộc mình mà không đếm xỉa đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, của hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
 
Nguyễn Trung
 
1- Thường gọi là vùng Vịnh, là tuyến đường biển quan trọng bậc nhất, nơi lưu thông khoảng 2/5 khối lượng dầu mỏ buôn bán trên thế giới,nơi có Hạm đội 5 của Mỹ hoạt động và đóng căn cứ tại Ba-ranh.
 

Ý kiến bạn đọc (0)