QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:59 (GMT+7)
Đôi nét về quan hệ Trung - Mỹ: thực trạng và triển vọng
Mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ chẳng những được hai nước này hết sức coi trọng mà dư luận thế giới cũng đặc biệt quan tâm. Bởi đây là hai nước lớn, một nước là “siêu cường” muốn đóng vai trò “lãnh đạo thế giới”, một nước đông dân nhất thế giới đang “trỗi dậy hoà bình” một cách mạnh mẽ, cũng muốn có vị thế xứng đáng của mình trên trường quốc tế. Đường lối, chiến lược và mối quan hệ của hai nước tốt hay xấu, có lành mạnh, tích cực hay không, đều có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến hoà bình, ổn định và phát triển của thế giới. Bởi vậy, thực trạng và triển vọng của quan hệ Trung - Mỹ là một trong những vấn đề dư luận thường xuyên quan tâm. Nhìn nhận vấn đề này như thế nào cũng thật không dễ, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau ở Mỹ, ở Trung Quốc cũng như trên thế giới. Với một cách nhìn khách quan, có thể thấy rằng quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ đặc biệt phức tạp, tuy không “khăng khít, mặn mà” nhưng đã và đang có chuyển biến mang tính tích cực - hiểu theo nghĩa là nó mang lại lợi ích cho cả hai nước cũng như cho hoà bình, ổn định và phát triển của thế giới. Trong lịch sử đã từng có những mối quan hệ giữa hai hoặc ba cường quốc rất khăng khít, nhưng không hề mang tính tích cực, lành mạnh, mà đó là những “liên minh ma quỷ” để thực hiện những mục tiêu đen tối, phân chia quyền lực thống trị thế giới, hoặc thông đồng, thoả hiệp với nhau trên lưng các quốc gia, dân tộc khác.

Có thể nói, cuộc thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 4-2006 đáp lễ cuộc thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ hồi tháng 11-2005 là thêm một cột mốc đánh dấu sự phát triển quan hệ hai nước, đồng thời cũng cho thấy rõ hơn thực trạng và triển vọng của quan hệ song phương quan trọng bậc nhất thế giới này. Tổng thống G.W.Bu-sơ sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngày 20-4-2006 tại Oa-sinh-tơn có đánh giá thực trạng quan hệ Trung - Mỹ hiện nay bằng một câu ngắn gọn, đáng chú ý, đó là “tích cực nhưng phức tạp”. Vậy nên hiểu tính chất “tích cực nhưng phức tạp” đó như thế nào ?

Qua các thời kỳ trước đây, đặc biệt thời kỳ “chiến tranh lạnh”, hai nước đã từng có quan hệ thù địch, mâu thuẫn gay gắt, chống đối nhau kịch liệt trên mọi lĩnh vực, hai nước như đứng “bên miệng hố chiến tranh”. Quan hệ căng thẳng giữa hai nước làm cho tình hình thế giới cũng rất căng thẳng. Người ta hiểu rằng thế giới không thể có hoà bình, ổn định và phát triển bình thường nếu quan hệ giữa hai quốc gia “khổng lồ” đó căng thẳng hoặc xung đột vũ trang. Mối quan hệ thù địch, căng thẳng không những không mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào, mà còn là mối đe doạ cho hoà bình, an ninh thế giới. Thấu hiểu điều đó, và do những biến chuyển của thời cuộc, năm 1979, hai nước bình thường hoá, thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau “chiến tranh lạnh” (1991), quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện thêm, đi vào quỹ đạo hoà dịu, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Chính quyền Mỹ thời Bin Clin-tơn coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược”. Tổng thống G.W.Bu-sơ phát biểu ngày 18-4-2006, coi “ Trung Quốc là người bạn có tầm chiến lược quan trọng trên nhiều phương diện, và trên nhiều lĩnh vực họ là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”. Ông G.W. Bu-sơ cũng định vị cho quan hệ Mỹ - Trung là “bên tương quan lợi ích”. Đặc điểm của kiểu quan hệ này là trong hợp tác song phương, không những phải duy trì lợi ích của chính mình mà cũng cần phải tính tới lợi ích của đối phương. Còn phía Trung Quốc thì chủ trương “thúc đẩy toàn diện mối quan hệ hợp tác xây dựng Trung - Mỹ trong thế kỷ 21”. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, hai nước đã có 5 lần gặp gỡ ở cấp thượng đỉnh và họ “ngày càng quen thuộc với kiểu giao lưu thẳng thắn”. Rõ ràng đó là bước tiến mang tính tích cực hơn nhiều  so với quan hệ thù địch, đối đầu trước kia.
Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn có chế độ chính trị, ý thức hệ khác nhau, đường lối, mục tiêu chiến lược quốc tế khác nhau. Mỹ chủ trương áp đặt quan niệm giá trị “tự do, dân chủ”, "nhân quyền" của mình lên toàn thế giới, kể cả với Trung Quốc, thiết lập trật tự thế giới đơn cực do Mỹ “lãnh đạo”; Trung Quốc chủ trương một thế giới đa cực, trong đó Trung Quốc là một “cực”. Qua đó thấy rằng, mâu thuẫn, đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau giữa hai nước là điều tất yếu, thậm chí là mặt chính yếu của mối quan hệ này. Thế nhưng, trong thời đại toàn cầu hoá, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, các nhà lãnh đạo Trung - Mỹ cũng đã “điều chỉnh tư duy”, chọn con đường hợp tác, đối thoại thay cho đối đầu. Trên thực tế, hai nước cũng đã và đang hợp tác một cách toàn diện, cả về kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh, văn hoá, khoa học, kỹ thuật; lĩnh vực và phạm vi hợp tác ngày càng rộng mở, đã mang lại lợi ích to lớn cho cả đôi bên và góp phần quan trọng vào xu thế hợp tác, phát triển của thế giới. Trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 4 vừa rồi, các nhà lãnh đạo hai nước đều nhất trí với “quan hệ hợp tác có tính xây dựng”, nỗ lực tạo lập khung ổn định lâu dài cho quan hệ Trung - Mỹ. Lãnh đạo hai nước cũng đã đề cập trực tiếp vào những mâu thuẫn, bất đồng, thẳng thắn trao đổi, biểu thị rõ lập trường, quan điểm của mỗi bên. Như trong các vấn đề mất cân bằng thương mại (năm 2005, Mỹ thâm hụt hơn 200 tỷ USD buôn bán với Trung Quốc); vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ quá thấp so với đồng Đô-la; vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ; vấn đề Đài Loan; vấn đề dân chủ, nhân quyền; vấn đề hạt nhân ở I-ran và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên,v.v. Tuy còn những mâu thuẫn, bất đồng chưa được giải quyết, chưa có bước đột phá nào, chưa đạt được bất kỳ thoả thuận quan trọng nào giữa hai nước, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh đánh giá chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào “đã đạt được các mục đích tăng cường đối thoại, mở rộng nhận thức chung, tăng thêm tin cậy lẫn nhau, đi sâu hợp tác, thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác Trung - Mỹ có tính xây dựng trong thế kỷ 21…”. Đó cũng là biểu hiện tính tích cực trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, xem xét quan hệ Trung - Mỹ không thể đơn giản, xuôi chiều, không thể chỉ căn cứ vào các văn bản, lời nói, vào hiện tượng bên ngoài, mà còn phải xem xét chính sách, hành động, việc làm cụ thể, đi sâu vào bản chất vấn đề. Do tính chất phức tạp đặc biệt của quan hệ Trung - Mỹ xuất phát từ bản chất chế độ chính trị, đường lối, mục tiêu chiến lược khác nhau, dù hai bên đều nhấn mạnh “quan hệ hợp tác có tính xây dựng trong thế kỷ 21”, dù Tổng thống G.W. Bu-sơ có nói “mong muốn được thấy sự trỗi dậy của một nước Trung Hoa hoà bình, phồn vinh”, dù Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có nói “Trung - Mỹ hữu nghị vạn cổ trường thanh”, thì mâu thuẫn, bất đồng, tính chất hai mặt, tình trạng nghi kỵ, lo lắng, phòng ngừa, lợi dụng, kiềm chế, ngăn chặn nhau vẫn diễn ra phổ biến, ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi vấn đề, mọi lĩnh vực. Chẳng hạn như vấn đề Đài Loan - then chốt nhất của quan hệ Trung - Mỹ, trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa rồi, Tổng thống G.W.Bu-sơ nêu lại chính sách “một Trung Quốc”, lập trường cơ bản không ủng hộ Đài Loan độc lập, thực chất là để thực hiện mục tiêu chính sách eo biển Đài Loan của Mỹ hiện nay là duy trì hiện trạng do Mỹ định ra, bảo đảm chắc chắn lợi ích của Mỹ ở khu vực này, đồng thời duy trì sự tồn tại lâu dài của Đài Loan với tư cách là quân cờ chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Mỹ lo ngại sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế, tranh giành thị trường, nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, thách thức địa vị của Mỹ. Về an ninh, Mỹ lo ngại Trung Quốc phá vỡ cân bằng sức mạnh ở khu vực châu á - Thái Bình Dương, làm lung lay địa vị bá chủ của Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ xem Trung Quốc là nước không thân thiện, có một nhóm nhỏ coi Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm. Thuyết về “mối đe doạ của Trung Quốc” được phổ biến trong dư luận Mỹ. Báo cáo Quốc phòng của Mỹ công bố ngày 3- 2-2006, trong đó có tới 15 lần nhắc tới Trung Quốc, đặc biệt coi Trung Quốc là mối đe doạ an ninh lớn nhất của Mỹ. Trong 92 trang của bản Báo cáo, có tới 3 trang nói về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và cách ứng phó của Mỹ. Báo cáo viết: “Với tư cách là nước lớn chủ yếu và mới trỗi dậy, Trung Quốc rất có tiềm lực tiến hành chạy đua quân sự với Mỹ. Nếu Mỹ không có biện pháp chống lại, Trung Quốc rất có khả năng phát triển kỹ thuật quân sự mang tính phá hoại, từ đó phá vỡ ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí truyền thống”. Báo cáo cho rằng “tốc độ và phạm vi mở rộng của lực lượng quân sự Trung Quốc đã làm cho lực lượng quân sự khu vực đứng trước nguy cơ mất cân bằng”. Báo cáo còn chỉ trích Trung Quốc có “thái độ không minh bạch đối với các vấn đề an ninh, làm cho bên ngoài hiểu biết rất ít đối với động cơ và trình tự quyết sách của nước này”. Mỹ khó có thể chấp nhận một nước Trung Quốc không chịu tiếp nhận giá trị tự do, dân chủ "nhân quyền" của Mỹ, lại đang trỗi dậy nhanh chóng, bởi vậy Mỹ đã và đang tiến hành bao vây, ngăn chặn Trung Quốc cả về ngoại giao và quân sự.
Về ngoại giao, tại Nam á, Mỹ tăng cường quan hệ, lôi kéo ấn Độ với mục đích hình thành liên minh “đối trọng” với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tại Đông á, Mỹ tăng cường liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, duy trì hàng chục vạn quân ở hai nước này để bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Tại Trung á, Mỹ “xuất khẩu dân chủ”, kích động “cách mạng màu sắc” ở một số nước mà Trung Quốc và Nga có ảnh hưởng, với hy vọng xuất hiện “hiệu ứng Đô-mi-nô” ở Trung Quốc và Nga. Tại Tây á, sau khi chiếm lĩnh được áp-ga-ni-xtan, Mỹ định dùng vũ lực thôn tính I-ran, tạo thành vành đai khống chế quân sự  của Mỹ tại Trung Đông và Tây á. Vành đai này không chỉ chèn ép không gian chiến lược của Nga từ phía Nam, mà còn hình thành áp lực rất lớn ở phía Tây Trung Quốc.
Về quân sự, Mỹ tiến hành điều chỉnh, tăng cường lực lượng ở khu vực châu á -Thái Bình Dương với danh nghĩa là để “bảo vệ hoà bình" ở khu vực này, nhưng Trung Quốc hiểu rằng, đó là nhằm bao vây, ngăn chặn đối với họ. Tờ “Thời báo Oa-sinh-tơn” ngày 21-4 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang tích cực xây dựng lực lượng quân sự ở châu á “trong một chiến lược bí mật nhằm tăng cường sức mạnh và vị thế của Mỹ và đồng minh nhằm răn đe và đánh bại Trung Quốc”. Kế hoạch xây dựng lực lượng này đã được Tổng thống G.W.Bu-sơ và Bộ trưởng Quốc phòng Đ.Răm-xphen phê chuẩn, sẽ được thực hiện từ 3 -5 năm tới, bao gồm việc triển khai các nhóm tàu sân bay, kết hợp hoạt động của các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân với các phi đoàn máy bay ném bom thông thường tới các vùng gần với các mục tiêu ở Trung Quốc. Các hành động “bao vây” Trung Quốc còn gồm các cuộc tập trận trên quy mô lớn, tăng cường liên minh, huấn luyện quân đội các nước đồng minh ở châu á, đưa lực lượng biệt kích, đặc nhiệm đến châu á và dạy tiếng Trung Quốc cho nhiều nhân viên quân sự. Hiện nay, số tàu ngầm của Mỹ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương ngang bằng nhau, nhưng Mỹ có kế hoạch điều chỉnh, số tàu ngầm ở Thái Bình Dương sẽ chiếm 60%, số tàu ngầm ở Đại Tây Dương sẽ giảm còn 40%. Các căn cứ trọng điểm của Mỹ ở Ha-oai, đảo Guam khá gần với Trung Quốc đã trở thành “tiền tiêu chiến lược” ngày càng quan trọng. Hiện có 3 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ở Guam, dự định sẽ nâng lên 10 chiếc ở đây. Hải quân Mỹ dự định trong năm nay sẽ có 3 cuộc tập trận ở Thái Bình Dương với mục tiêu giả định là “bao vây Trung Quốc”.
Về phần mình, dù đang “trỗi dậy hoà bình” một cách mạnh mẽ, Trung Quốc vẫn coi mình là nước đang phát triển, thực lực tổng hợp còn kém xa Mỹ. Trung Quốc không thể không lo lắng trước những ý đồ của Mỹ. Trung Quốc phản đối chính sách bá quyền và chủ nghĩa cường quyền, dùng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp nội bộ Trung Quốc. Trung Quốc tố cáo Mỹ “chưa từ bỏ tư duy quân sự Chiến tranh lạnh theo kiểu đối kháng”. Mặc dù đã có ưu thế tuyệt đối về quân sự sau khi mất đi đối thủ thực sự là Liên Xô, nhưng Mỹ vẫn cảm thấy không an toàn, lo sợ sẽ có một ngày bị nước khác qua mặt. Trong tình hình không có đối thủ đích thực, Mỹ đã chuyển tầm nhìn sang cái gọi là “đối thủ tiềm tàng”, coi sự “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc là cái cớ để họ khuếch trương lực lượng quân sự. Đứng trước thực trạng như vậy, Trung Quốc kiên trì phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời”. Trong hoạt động chính trị và chính sách ngoại giao, Trung Quốc đã tỏ ra rất linh hoạt, lấy nhu thắng cương, từng bước làm thay đổi chính sách kiềm chế ngoại giao và bao vây quân sự của Mỹ. Mặt khác, ra sức tăng cường thực lực tổng hợp của đất nước, xây dựng nền quốc phòng hiện đại, xây dựng quân đội hiện đại, có chất lượng tổng hợp cao, sẵn sàng đối phó với Mỹ. Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ với Nga thông qua các hợp đồng mua vũ khí và dầu mỏ của Nga, diễn tập quân sự chung hai nước, cùng Nga nỗ lực tăng cường Tổ chức hợp tác Thượng Hải để ngăn chặn sự thâm nhập của Mỹ và NATO và khu vực Trung á. Trung Quốc tiếp tục nỗ lực duy trì hình ảnh là một quốc gia hoà bình, có trách nhiệm, theo đuổi một lập trường ôn hoà trong các vấn đề quốc tế; tăng cường các mối quan hệ song phương, đa phương với các tổ chức khu vực như  EU, ASEAN, mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh và các khu vực khác để đối phó với sự bao vây, kiềm chế của Mỹ.
Có nhà phân tích coi trạng thái mâu thuẫn, đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế, ngăn chặn nhau trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay là điển hình của cạnh tranh thế và lực, có thể gọi là “xung đột mềm”.
Trong thời đại toàn cầu hoá kinh tế, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, sự hỗ trợ và mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ tới trình độ mà “không ai dám bỏ ai”. Tiền vốn, kỹ thuật và thị trường Mỹ đã và đang là điều kiện quan trọng để nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, thị trường rộng lớn với 1,3 tỷ người, giá nhân công thấp, hàng hoá giá rẻ và đẹp của Trung Quốc cũng đã trở thành “nguồn tài nguyên” không thể thiếu được, giúp Mỹ duy trì ổn định nền kinh tế và tiền tệ, tranh thủ kiếm được nhiều lợi nhuận. Có nhà phân tích cho rằng, về kinh tế, hai nước Trung Quốc và Mỹ đã trở thành  một kết cấu “cộng sinh” ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi và cùng nhau đối phó với thách thức. Bởi vậy, triển vọng mối quan hệ phức tạp vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế, ngăn chặn nhau theo kiểu “xung đột mềm” trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay sẽ còn tiếp diễn lâu dài. Đó còn là một tất yếu, ít nhiều mang tính tích cực, có lợi cho cả hai bên, và thế giới có thể chấp nhận được. Nếu như  các nhà lãnh đạo Trung - Mỹ đều có quyết tâm biến sự nhất trí “thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác Trung - Mỹ mang tính xây dựng trong thế kỷ 21” thành chính sách, hành động cụ thể trong quan hệ đôi bên cũng như trong các vấn đề quốc tế thì đó thật sự là điều tốt lành cho nhân dân hai nước và nhân dân thế giới.
Có điều đáng lưu ý, trong chính giới Mỹ hiện nay vẫn tồn tại hai trường phái mang hai loại quan điểm khác nhau trước sự “trỗi dậy hoà bình” một cách mạnh mẽ của Trung Quốc. Trường phái thứ nhất cho rằng Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đang là một thực tế mà Mỹ cần phải thích nghi, cần tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc. Trường phái thứ hai cho rằng Trung Quốc trỗi dậy là mối đe doạ đối với địa vị và lợi ích của Mỹ, cần phải ngăn chặn Trung Quốc. Bởi vậy trong tương lai, trạng thái vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh thế và lực trong quan hệ Trung - Mỹ còn tồn tại lâu dài, nhưng nếu trường phái thứ nhất lên nắm quyền ở Mỹ trong các cuộc bầu cử sắp tới thì mặt hợp tác trong quan hệ Trung - Mỹ sẽ nổi trội hơn. Trái lại, nếu trường phái thứ hai lên nắm quyền thì họ sẽ tăng cường chính sách bao vây, ngăn chặn Trung Quốc, quan hệ hai nước có lúc trở nên căng thẳng. Nhưng dù thế nào thì họ cũng không thể vượt quá giới hạn, không thể gây ra “xung đột cứng” (xung đột vũ trang) với Trung Quốc. Vì đó sẽ là thảm hoạ cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như hoà bình, an ninh thế giới.
  
Nguyễn Trung

 

Ý kiến bạn đọc (0)