Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:57 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua là chính sách dựa trên quyền lực. Bất cứ người nào trở thành ông chủ Nhà Trắng cũng hiểu điều đó. Vị Tổng thống thứ bốn mươi tư của nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, rường cột của chính sách có thể không thay đổi, song “kỹ thuật, chiến thuật, kỹ xảo” thực thi chính sách thì khác.
Nhìn tổng thể, có thể thấy chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ từ khi ông B.Ô-ba-ma lên cầm quyền là một kiểu chính sách linh hoạt và thực dụng. Nói một cách khác, chính sách mà Mỹ áp dụng trong thời gian qua phần nào bớt tham vọng hơn, hòa nhịp hơn với tình hình hiện nay.
Về an ninh, nếu chính quyền G.W.Bu-sơ lấy chống khủng bố làm trọng tâm, coi hành động đơn phương làm nền tảng, thì chính quyền B.Ô-ba-ma tìm cách đề cao hợp tác và thúc đẩy các nước cùng gánh vác trách nhiệm quốc tế. Điều này được thể hiện ở một loạt hành động của ông B.Ô-ba-ma và chính quyền của ông. Đó là sự lên tiếng tôn trọng Thế giới Hồi giáo, xác lập lại mối quan hệ với Nga theo hướng tích cực, tuyên bố đóng cửa nhà tù ở Vịnh Goan-ta-na-mô, thúc đẩy tiến trình hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin, tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong việc chống khủng bố và ít nhiều có những biểu hiện tôn trọng, thương lượng với I-ran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên v.v. Nếu chính quyền G.W.Bu-sơ cùng một lúc sa vào mấy cuộc chiến tranh hao tốn tiền của, thì chính quyền B.Ô-ba-ma chủ yếu đặt trọng tâm vào cuộc chiến chống Ta-li-ban. Việc rút quân khỏi I-rắc, trao quyền kiểm soát đất nước I-rắc cho người dân nước này được coi là một thành công của Tổng thống B.Ô-ba-ma. Nói đến chính sách an ninh của Mỹ, người ta còn thấy ông B.Ô-ba-ma tuyên bố tạm ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu để đổi lại việc Nga đồng ý để Mỹ quá cảnh hàng hóa, binh sĩ và vũ khí qua lãnh thổ Nga sang chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Tháng 12-2009, mặc dù tuyên bố tăng 30.000 quân cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, một tháng sau đó, Mỹ lại phát đi thông điệp đàm phán với lực lượng Ta-li-ban. Điều này khiến giới phân tích cho đó là chiến thuật “vừa đánh vừa đàm”; nhưng dù sao đi nữa, đàm phán để tránh đi đến chỗ "nồi da xáo thịt" vẫn là phương cách tốt hơn nhiều so với việc nói với nhau bằng súng đạn. Và điều đó, một lần nữa bổ sung cho giới phân tích thấy sự linh hoạt và tính thực dụng về chính sách của Oa-sinh-tơn.
Đề cập đến chính sách của chính quyền Oa-sinh-tơn trong hơn một năm qua cũng không thể không nhắc đến thái độ của Oa-sinh-tơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Mặc dù kết quả Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về BĐKH tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch, tháng 12-2009) còn nghèo nàn, song thái độ “xây dựng” của Mỹ được coi là yếu tố quan trọng để cứu Hội nghị này khỏi bị đổ vỡ. Bên cạnh đó, cũng phải thấy, Mỹ đang là một trong những quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, kinh tế xanh để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như chú ý đến những vấn đề mang tính chiến lược để đối phó với sự bất ổn về an ninh có nguyên nhân từ BĐKH. Rõ ràng so với trước, chính quyền B.Ô-ba-ma đã phần nào xóa đi được hình ảnh về một tinh thần thiếu hợp tác, thậm chí là thái độ tảng lờ của Oa-sinh-tơn đối với Nghị định thư Ky-ô-tô. Tuy nhiên, người ta vẫn còn thấy thái độ dè dặt và những toan tính của Oa-sinh-tơn xung quanh vấn đề này. Cộng đồng quốc tế muốn Mỹ phải có những cam kết mạnh mẽ hơn, hành động cụ thể hơn trong việc ngăn chặn sự BĐKH trước khi quá muộn.
Cùng với vấn đề BĐKH, ông B.Ô-ba-ma cũng có “sự chuyển biến” trong thái độ về việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân (VKHN) và giải trừ quân bị trong năm đầu cầm quyền của mình. Trên thực tế, ông B.Ô-ba-ma đã bày tỏ mong muốn về một thế giới không có VKHN và đã có những sáng kiến, biện pháp về vấn đề này. Trong bài phát biểu tại Pra-ha, Cộng hòa Séc, tháng 4-2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã đề cập về lộ trình dẫn tới một thế giới không có VKHN. Ông kêu gọi cắt giảm kho VKHN của Mỹ và Nga, thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân, đàm phán một hiệp ước “khả thi” về chấm dứt sản xuất nguyên, vật liệu cho VKHN. Tiếp đó, ngày 25-9-2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã chủ trì phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết “Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, không phổ biến và giải trừ VKHN” do Mỹ đề xuất theo tinh thần nội dung bài phát biểu của Tổng thống B.Ô-ba-ma hồi tháng 4-2009. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống Mỹ có sáng kiến đề xuất và chủ trì một hội nghị như vậy. Dư luận thế giới coi đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong việc giải trừ quân bị, tiến tới xoá bỏ VKHN trên toàn cầu. Ngoài ra, chính quyền B.Ô-ba-ma còn tỏ rõ quyết tâm tham gia trong những nỗ lực quốc tế, đảm bảo an toàn cho các nguồn nhiên liệu hạt nhân nhạy cảm ở khắp thế giới, ngăn chặn ý đồ sở hữu VKHN của lực lượng khủng bố quốc tế. Ông B.Ô-ba-ma chủ trương triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân toàn cầu, dự định họp ở Mỹ tháng 5-2010. Giới chuyên gia Mỹ đã nghiên cứu, đề xuất với chính phủ nước này 5 biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân toàn cầu và sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị này.
Về chính sách đối ngoại, cũng giống như chính sách về các vấn đề an ninh, Oa-sinh-tơn đã có những thay đổi đáng kể. Có thể nói, chính sách đối ngoại đơn phương cùng với thái độ ngạo mạn của vị tổng thống tiền nhiệm đã làm cho vị thế và uy tín của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng và làm cho hình ảnh nước Mỹ mờ nhạt, “xấu xí” trước cộng đồng quốc tế. Nhận thức được điều này, với khẩu hiệu “chúng ta cần thay đổi”, chính quyền B.Ô-ba-ma đã tiến hành một chính sách đối ngoại mang tính “cởi mở, thân thiện và đa phương”, giữ tính nguyên tắc nhưng thực tế và thực dụng, biết mình, biết người, quyết bảo vệ lợi ích của mình và của đồng minh. Chính sách ấy thực hiện mục tiêu nhất quán là giữ vai trò “lãnh đạo” thế giới bằng thứ “quyền lực thông minh”, kết hợp “sức mạnh mềm” với “sức mạnh cứng” và lợi dụng sức mạnh của đồng minh, của cộng đồng quốc tế để giải quyết những vấn đề chung. Tổng thống B.Ô-ba-ma nhấn mạnh đến sự hợp tác và tham vấn nhiều hơn với các nước, chấm dứt chính sách đơn phương của chính quyền G.W.Bu-sơ. Trong diễn văn nhậm chức, ông đã gửi một thông điệp cho nước Mỹ và thế giới: “Chúng ta sẽ hợp tác với nhau để xây dựng một tương lai chung”. Vị Tổng thống da mầu đầu tiên của Hoa Kỳ khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ giờ đây “không chỉ đơn thuần vì lợi ích quốc gia cho riêng nước Mỹ mà còn vì giá trị của tất cả các quốc gia văn minh”. Còn Ngoại trưởng H.Clin-tơn thì cho rằng, “Nước Mỹ không thể nào đơn phương giải quyết các vấn đề cấp bách, và thế giới cũng không thể giải quyết chúng mà không có nước Mỹ”. Theo bà Ngoại trưởng, với chiến lược ngoại giao này, Mỹ sẽ thực hiện “can dự có tính chất hợp tác” vào các vấn đề quốc tế; sẽ sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp và văn hoá để tiếp cận bạn bè cũng như đối thủ, vừa củng cố các liên minh cũ, vừa tìm kiếm các đồng minh mới; và chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ là sự kết hợp hài hoà giữa chủ nghĩa thực dụng và học thuyết cứng rắn.
Hơn một năm qua, Oa-sinh-tơn đã triển khai một khối lượng lớn các hoạt động đối ngoại trên phạm vi toàn cầu theo những đường hướng trên. Tổng thống B.Ô-ba ma đã công du tới hơn 20 nước. Ngoại trưởng H. Clin-tơn cũng lui tới hàng chục nước khác. Cả hai vị liên tục gặp gỡ trực tiếp, hay điện đàm với nguyên thủ các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, cũng như các đồng minh, các đối tác chiến lược khác. Trong các hoạt động đó, người ta thấy nổi lên một số điểm đáng chú ý, như: Mỹ quan tâm, chú trọng hơn đến khu vực châu Á (đặc biệt là Đông Nam Á) và châu Phi bằng nhiều cuộc thăm viếng và đi liền với đó là những chính sách, biện pháp cụ thể; Mỹ thừa nhận sự thất bại trong chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với khu vực Mỹ La-tinh; bắt tay và tỏ ra thân thiện với các chính quyền cánh tả; dỡ bỏ lệnh hạn chế gửi tiền và thăm thân của người Mỹ gốc Cu-ba, cũng như mở các cuộc đối thoại không chính thức với La Ha-ba-na.
Những thay đổi trong chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ trên đây, nhìn chung đã tác động có phần tích cực đến phần còn lại của thế giới. Vấn đề Trung Đông tuy không có bước tiến bộ lớn song tình hình không đến nỗi xấu đi. Vấn đề hạt nhân của I-ran và của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tuy không có tiến triển mang tính đột phá, song sức nóng và sự căng thẳng cũng có phần giảm. Tình hình I-rắc có chiều hướng bình ổn. Quan hệ giữa Mỹ với một số quốc gia vốn gay gắt, đã phần nào được cải thiện. Dư luận cho rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền B.Ô-ba-ma là khôn ngoan, “nói những điều người khác muốn nghe, làm những điều thực dụng”. Giới phân tích còn cho rằng chính sách an ninh-đối ngoại của chính quyền B.Ô-ba-ma thu được nhiều kết quả hơn là đối nội. Điều đó đã khiến cho hình ảnh nước Mỹ được cải thiện trước con mắt của cộng đồng quốc tế và tâm lý chống Mỹ vốn gia tăng mạnh trên thế giới trong thời gian cầm quyền của người tiền nhiệm, giờ đây đã giảm đáng kể. Tình hình thế giới hơn một năm nay cũng hoà dịu, đỡ căng thẳng hơn so với thời kỳ của chính quyền tiền nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề của thế giới còn liên quan đến chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ. Đó là việc Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START-2) giữa Mỹ và Nga chưa được ký kết như dự kiến. Một trong những nguyên nhân cản trở việc này là Mỹ đã tuyên bố tái khởi động giai đoạn mới cho việc triển khai các thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa, không những tại Séc và Ba Lan mà còn ở cả Ru-ma-ni. Chưa hết, gần đây việc Mỹ bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá lên tới 6,4 tỉ đô-la không chỉ làm cho quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng mà còn tác động tiêu cực đến vấn đề an ninh khu vực và trên thế giới. Những hành động đó của Oa-sinh-tơn khiến cộng đồng quốc tế quan ngại, thậm chí không ít người còn cho rằng đó là những yếu tố có phần mâu thuẫn với những ý tưởng mà ông B.Ô-ba-ma đưa ra ban đầu. Cùng với những vấn đề đó, lệnh cấm vận phi lý chống Cu-ba gần nửa thế kỷ nay vẫn chưa được bãi bỏ; cam kết đóng cửa nhà tù ở Vịnh Goan-ta-na-mô vẫn chưa được thực hiện; sự trở lại của lực lượng Ta-li-ban..., đang là hàng loạt vấn đề mà việc giải quyết chúng đòi hỏi Mỹ phải có sự đột phá hơn nữa về chính sách an ninh-đối ngoại của mình. Bên cạnh đó, ông B.Ô-ba-ma còn phải đối mặt với cả một núi khó khăn, như: thâm hụt ngân sách, nạn thất nghiệp, vị thế giảm đi của Đảng Dân chủ v.v. Điều này không chỉ tác động đến các vấn đề đối nội mà còn chi phối đến các chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ, ít nhất là trong khoảng thời gian trên dưới 1.000 ngày còn tại nhiệm của Ông. Cộng đồng quốc tế hy vọng vào sự tiếp tục thay đổi về chính sách an ninh-đối ngoại theo hướng: bớt tham vọng, vì lợi ích của Mỹ, đồng thời cũng vì lợi ích toàn cầu; không chỉ trên lời tuyên bố, mà còn phải bằng những hành động thực tế. Chỉ có như vậy, khẩu hiệu thay đổi của Tổng thống B.Ô-ba-ma mới trở thành hiện thực và mới đảm bảo cho Mỹ tránh được “gót chân A-sin”.
NGUYỄN TRUNG - ĐỨC LÊ
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011