Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:24 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
In-đô-nê-xi-a là quốc gia quần đảo với trên 17.000 hòn đảo lớn nhỏ trải dài từ tây sang đông và chiếm phần lớn phía nam khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lý như vậy, cùng với những đặc điểm về lịch sử, chính trị, chiến lược quốc phòng (CLQP) của In-đô-nê-xi-a được coi là chiến lược an ninh quốc gia mang tính tổng hợp. Đó là chiến lược phản ánh nhu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội trên đất nước In-đô-nê-xi-a.
Những nhân tố tác động chủ yếu đến việc xây dựng CLQP của In-đô-nê-xi-a.
Tình hình chiến lược địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực, tác động rất lớn đến việc xây dựng CLQP của In-đô-nê-xi-a. In-đô-nê-xi-a nằm ở tuyến đường biển chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, án ngữ eo biển Ma-lắc-ca. Do eo biển Ma-lắc-ca có giá trị chiến lược quan trọng (được coi là yết hầu của tuyến đường biển này) nên khu vực xung quanh eo biển trở thành tiêu điểm chiến lược của các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí của nhiều cường quốc ngoài khu vực. Lợi ích và chiến lược của các nước lớn đó đều ảnh hưởng đến CLQP của In-đô-nê-xi-a. Mặc dù đã đứng trong hàng ngũ G.20 (nhóm các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi) nhưng In-đô-nê-xi-a vẫn còn là nước đang phát triển nên trong CLQP, In-đô-nê-xi-a phải xử lý tốt môi trường an ninh bên ngoài nói trên.
Tình hình trong nước, đặc biệt là hoạt động ly khai, khủng bố là nhân tố tác động không nhỏ đến CLQP của In-đô-nê-xi-a. Là quốc gia đa sắc tộc với hàng trăm dân tộc khác nhau, trước năm 1945, đất nước này từng bị chia nhỏ thành nhiều nước cộng hoà thuộc Liên bang In-đô-nê-xi-a, đặt dưới quyền thống trị của thực dân Hà Lan. Mặt khác, do đặc điểm lãnh thổ quần đảo, diện tích rộng, các vùng biển bị chia cắt nên In-đô-nê-xi-a dễ nảy sinh tình trạng cát cứ, ly khai phức tạp. Phong trào A-chê tự do (GAM), tổ chức ly khai Mặt trận đòi độc lập cho Ma-lu-ku (FKM) và Phong trào Pa-pua tự do (OPM) là những nhân tố điển hình làm cho tình hình an ninh chính trị ở In-đô-nê-xi-a bất ổn trong nhiều thập kỷ. Cùng với hoạt động ly khai, sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ, hoạt động khủng bố ở In-đô-nê-xi-a cũng diễn biến nguy hiểm, điển hình là các vụ đánh bom ở Ba-li trong những năm gần đây, khiến cho mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo trở nên gay gắt trong xã hội. Vì vậy, CLQP của In-đô-nê-xi-a đặc biệt quan tâm đến mục tiêu hòa bình, ổn định, đảm bảo cho các bang, các dân tộc thực hiện được mục tiêu an ninh rộng khắp cũng là điều dễ hiểu.
Những nội dung chủ yếu trong CLQP của In-đô-nê-xi-a.
Theo Hiến pháp In-đô-nê-xi-a, Tổng thống thống soái lực lượng vũ trang (LLVT), thực hiện thể chế vũ trang kết hợp thống nhất giữa quốc phòng và bảo vệ an ninh trong nước. Bộ Quốc phòng - An ninh phụ trách xây dựng chính sách quốc phòng. Bộ Tư lệnh LLVT phụ trách chỉ huy tác chiến. LLVT gồm lực lượng chính quy và lực lượng bán quân sự. Lực lượng chính quy gồm ba quân chủng: Hải quân, Lục quân và Không quân. Tổng thống lãnh đạo và chỉ huy LLVT cả nước thông qua Bộ Quốc phòng - An ninh và Bộ Tư lệnh LLVT. Hiện nay, In-đô-nê-xi-a có 461.000 quân thường trực (trong đó bao gồm cả 177.000 cảnh sát vũ trang) và 400.000 quân dự bị.
Về nguyên tắc chiến lược: In-đô-nê-xi-a tuyên bố CLQP của mình trước hết tuân thủ nguyên tắc an ninh toàn cầu. Với tiền đề đó, In-đô-nê-xi-a không những tích cực tham gia cơ chế an ninh khu vực mà còn đưa các vấn đề đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, luật pháp và cả chính sách nhân quyền vào CLQP. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ bài học của các vụ khủng bố, CLQP của In-đô-nê-xi-a coi trọng phân tích nguồn gốc của an ninh phi truyền thống để xây dựng cơ chế cảnh báo an ninh khu vực, gắn với sự phát triển của đất nước.
Về nội dung cơ bản của chiến lược: do mối đe doạ an ninh bên trong, bên ngoài đối với đất nước ngày càng phức tạp, nội dung CLQP của In-đô-nê-xi-a ngày càng đa dạng. Để đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống, nhiệm vụ quốc phòng của In-đô-nê-xi-a không chỉ bao gồm việc chống lại kẻ thù xâm lược từ bên ngoài, mà còn ngăn chặn sự phân hoá trong nội bộ quân đội, chống các âm mưu bạo loạn lật đổ và chống mọi hoạt động can thiệp chính trị dưới danh nghĩa hoạt động nhân đạo.
Về chiến lược quân sự: In-đô-nê-xi-a thực hiện phương châm "phòng thủ đảo có chiều sâu", mở rộng không gian phòng thủ, lấy đảo lớn làm trung tâm, lấy quần đảo làm căn cứ, xây dựng hệ thống phòng thủ kết hợp vòng trong, vòng ngoài, kết hợp phòng thủ độc lập với cơ động tác chiến, có thể độc lập bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và trật tự trị an từng hòn đảo. Gần đây, do nhận định mối đe dọa sẽ đến từ biển, nên In-đô-nê-xi-a vừa quan tâm đến bảo vệ an ninh trong nước, vừa xác định trọng điểm phòng thủ là các tuyến đường giao thông trên biển và các vùng đặc quyền kinh tế. Cũng vì vậy, In-đô-nê-xi-a chú trọng xây dựng hải quân, tăng cường lực lượng phòng thủ gần eo biển Ma-lắc-ca, khu vực Biển Đông và các vùng biển xa có liên quan khác, từ đó, hình thành thế bố trí chiến lược bao quát cả phía đông và phía tây đất nước, lấy đảo Gia-va làm trung tâm.
LLVT In-đô-nê-xi-a có hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là phòng thủ bên ngoài và bảo vệ bên trong. Đối với bên ngoài, LLVT có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới và tham gia giữ gìn hoà bình thế giới. Đối với trong nước, LLVT có nhiệm vụ duy trì trật tự, chống các hoạt động ly khai, bạo loạn vũ trang, khủng bố, đảm bảo an ninh cho các mục tiêu chính trị trọng yếu; đồng thời, tham gia phòng chống thiên tai. Quân đội In-đô-nê-xi-a có vị thế rất cao trên chính trường nước này. Để xây dựng một đội quân tinh nhuệ, cơ cấu hợp lý, có tính cơ động và khả năng răn đe cao, In-đô-nê-xi-a không ngừng tăng ngân sách quân sự để mua sắm vũ khí trang bị tiên tiến, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, tăng cường huấn luyện và sắp xếp, điều chỉnh lực lượng chỉ huy các cấp theo phương châm "trẻ hóa, trí thức hóa và chuyên nghiệp hóa". Ngoài ra, In-đô-nê-xi-a chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với nhiều nước để nâng cao sức chiến đấu của quân đội.
Phát triển công nghiệp quốc phòng là một nội dung quan trọng trong CLQP của In-đô-nê-xi-a. Hiện nay, In-đô-nê-xi-a có Cục Nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành (ARAT), Trung tâm Nghiên cứu hàng không và vũ trụ (NAOI), Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử quốc gia (NAEA). Về công nghệ sản xuất vũ khí trang bị quốc phòng, In-đô-nê-xi-a đang phát triển nhanh các ngành thiết giáp, đạn dược, tên lửa và máy bay.
Do các mối đe dọa từ các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tăng, trong CLQP, In-đô-nê-xi-a quan tâm nhiều hơn đến việc chống khủng bố, ly khai, chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, phòng ngừa và ngăn chặn xung đột sắc tộc, cũng như tăng cường chống cướp biển, buôn lậu, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên trái phép trên biển và chống di dân bất hợp pháp.
Để giải quyết vấn đề ly khai, thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã chủ động tiếp xúc với thủ lĩnh các tổ chức ly khai, đặc biệt là dành một số ghế trong chính quyền cho thủ lĩnh GAM và OPM; đồng thời, có chính sách ưu tiên về kinh tế cho hai khu vực (nơi đứng chân của GAM và OPM). Vì vậy đến nay, nhà nước đã cơ bản kiểm soát được tình hình tại hai khu vực này.
Để đối phó với các hoạt động khủng bố, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã có những giải pháp toàn diện cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Nhà nước đã ban hành Luật Chống khủng bố, Luật An ninh hàng hải, hàng không nhằm ngăn ngừa mọi hoạt động khủng bố trên bộ, trên biển, trên không. Quân đội In-đô-nê-xi-a chú trọng xây dựng cả lực lượng đặc nhiệm, chuyên trách chống khủng bố, cả lực lượng chống khủng bố của ba quân chủng. Bên cạnh đó, nước này còn hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, Mỹ, Ô-xtrây-li-a trong công tác tình báo, huấn luyện, trang bị và trong hành động phối hợp chống khủng bố. Tuy nhiên, sự hợp tác quốc tế được In-đô-nê-xi-a tính toán thận trọng để tránh kích động các phần tử và tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc phòng là một bộ phận quan trọng trong CLQP của In-đô-nê-xi-a. Tại khu vực, In-đô-nê-xi-a tham gia tích cực Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Về quan hệ song phương, In-đô-nê-xi-a nhấn mạnh quan điểm cân bằng lợi ích và lấy đó là mục tiêu của quan hệ song phương. In-đô-nê-xi-a mong muốn thông qua các diễn đàn an ninh đa phương như ARF để thúc đẩy phát triển "Cơ chế xây dựng lòng tin" (CBM), "Cơ chế ngoại giao phòng ngừa" (PD), "Cơ chế dàn xếp xung đột" (CR).
Là một trong những thành viên sáng lập và có vai trò quan trọng trong ASEAN, trong quá trình phát triển CLQP, In-đô-nê-xi-a hết sức coi trọng vai trò của ASEAN, coi đây là nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề địa chính trị. Nguyên tắc đối ngoại quốc phòng của In-đô-nê-xi-a đối với ASEAN được đưa ra trên cơ sở "Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ASEAN" và "Tuyên bố chung về phối hợp nhất trí của ASEAN" được ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất năm 1976, cũng như chủ trương xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực trung lập. Từ đó, cũng như các nước ASEAN, In-đô-nê-xi-a chấp nhận nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đảm bảo mỗi quốc gia đều có quyền lãnh đạo, quản lý cuộc sống của dân tộc mình, không can thiệp, gây sức ép chính trị, lật đổ từ bên ngoài; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và xây dựng cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa các nước thành viên. Đồng thời với phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng trong khu vực, In-đô-nê-xi-a luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, Ô-xtrây-li-a nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng cho mình.
In-đô-nê-xi-a là nước láng giềng gần gũi với Việt Nam; có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong việc bảo vệ những lợi ích của quốc gia, dân tộc. Do vậy, hai nước đang tích cực có những hoạt động trao đổi, hợp tác vì sự nghiệp quốc phòng của mỗi nước, góp phần xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
NGUYỄN HỮU THĂNG
Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011