QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:42 (GMT+7)
Đôi nét về chiến lược an ninh lương thực của một số nước Châu Á hiện nay

Thời gian gần đây, "cơn bão giá" các mặt hàng lương thực làm cho tình hình an ninh lương thực (ANLT) trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), trong vòng một năm qua, giá các loại lương thực đồng loạt tăng với tốc độ chóng mặt: lúa mì tăng 120%, đậu tương tăng 75% và ngô tăng 60%... Tình trạng giá lương thực tăng cao đã gây ra "lạm phát nông phẩm", tác động nặng nề đến tình hình sản xuất nông nghiệp và an ninh, ổn định xã hội của nhiều nước, nhất là các nước nghèo phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu của nước ngoài. FAO cũng cảnh báo, cộng đồng quốc tế phải có những biện pháp tích cực để kiềm chế "lạm phát nông phẩm", nếu không, trong giai đoạn tới, thế giới sẽ có khoảng 100 triệu người đứng trước nguy cơ chết đói; khoảng 37 quốc gia sẽ rơi vào khủng hoảng lương thực; thành tựu xóa đói, giảm nghèo mà Liên hợp quốc tốn rất nhiều công sức mới đạt được trong 5-10 năm qua cũng sẽ bị "sụp đổ". Điều nguy hại là khủng hoảng lương thực có thể là cơ nguyên gây ra xung đột, chiến tranh, đẩy thế giới vào một thời kỳ mất ổn định mới, nguy hiểm.

Giá lương thực thế giới tăng cao bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Thứ nhất, do thời tiết biến động bất thường, nhất là tình trạng bão, lụt, hạn hán nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đã gây tác hại đến sản xuất nông nghiệp và làm giảm sản lượng lương thực của nhiều quốc gia. Thêm vào đó, tình trạng sa mạc hóa gia tăng làm mất đi một diện tích không nhỏ đất gieo trồng của  nhiều nước, nhất là tại các khu vực Trung Á, Nam Á, Tây Nam Á vốn được coi là nơi cung cấp lương thực quan trọng của thế giới. Thứ hai, do sự gia tăng nhanh dân số thế giới, mà theo dự báo sẽ đạt khoảng 9 tỷ người vào giữa thế kỷ 21 đã tạo sức ép ngày càng lớn đối với vấn đề ANLT toàn cầu. Theo FAO, lượng dự trữ ngũ cốc của thế giới hiện đạt khoảng 310 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, chỉ chiếm 4,9% tổng khối lượng ngũ cốc tiêu thụ của thế giới. Thứ ba, do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa "quá nóng" làm diện tích đất nông nghiệp của nhiều nước ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng "cung" không đủ đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng cao của người dân. Hơn nữa, để đối phó với tình trạng thiếu dầu mỏ, nhiều nước công nghiệp phát triển đã chuyển sang sử dụng các loại nông sản để chế xuất nhiên liệu sinh học Ethanol, làm tiêu tốn một khối lượng lớn lương thực của thế giới. Theo một tính toán, để sản xuất 100 lít xăng sinh học, cần khoảng 200 kg lương thực để chế biến. Mỹ đã đề ra dự án năng lượng mới; theo đó, đến năm 2020, nước này sẽ sản xuất khoảng 36 tỷ ga-lông nhiên liệu sinh học được làm từ ngô, lúa mì. Các nước Tây Âu cũng đều có dự án phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần lượng dầu mỏ đang ngày càng trở nên khan hiếm. Nhiều người gọi đây là tình trạng "ô-tô của người giầu ăn hết bánh mì của người nghèo". Thứ tư, do tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá gạo để tăng lợi nhuận của các công ty xuyên quốc gia. Theo một điều tra thì doanh thu của một số công ty phương Tây chuyên buôn bán lương thực đã tăng gấp 3 đến 5 lần trong năm 2007.  

Châu Á là khu vực cung cấp lương thực chủ yếu của thế giới cũng bị "cơn bão giá" lương thực tác động mạnh mẽ. Tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (Thái Lan, Việt Nam), giá gạo cũng đã tăng cao (tại Thái Lan, giá gạo Hương Nhài tăng từ mức 650 USD/tấn lên mức kỷ lục là 1245 USD/ tấn). Còn tại các nước nhập khẩu gạo, như Phi-líp-pin, Băng- la-đét…, tình hình biến động rất phức tạp. Chính phủ Phi-lip-pin đã phải huy động lực lượng cảnh sát, quân đội tham gia chiến dịch cứu trợ lương thực cho các khu vực khó khăn ở các thành phố. ở Băng-la-đét và một số nước khác, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra, đe dọa đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Trước tình hình đó, các nước Châu Á đều có những điều chỉnh quan trọng để đảm bảo ANLT của đất nước. Tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mỗi nước có quan điểm và biện pháp riêng, song nổi lên một số hướng chủ yếu sau:

1- Xây dựng chiến lược đảm bảo ANLT bền vững. Nhiều nước cho rằng, ANLT là một phần trọng yếu của an ninh quốc gia, nhằm đảm bảo cung cấp đủ lượng lương thực thiết yếu cho nhân dân và đủ lượng lương thực dự trữ chiến lược của quốc gia (theo FAO thì tỷ lệ dự trữ lương thực mức an toàn phải đạt khoảng 18%). Những tác động đến đời sống xã hội do giá lương thực thế giới tăng cao vừa qua đặt ra yêu cầu cấp thiết là quốc gia phải tăng cường đầu tư xây dựng chiến lược đảm bảo ANLT có tính bền vững cao, tập trung vào một số mặt sau: 1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành và toàn dân về chiến lược đảm bảo ANLT trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tuyên truyền cần làm rõ vị trí, tầm quan trọng, những thuận lợi, khó khăn, thách thức, nguy cơ đang đặt ra đối với ANLT của quốc gia; từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mọi người. Đặc biệt là đối với đội ngũ quan chức từ chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, sự chuyển biến đó phải được thể hiện cụ thể trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách đảm bảo ANLT của Nhà nước. 2- Hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy hoạch phát triển tổng thể của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo nông nghiệp vừa là mặt trận chủ yếu của ANLT, vừa là nhân tố kích thích các ngành khác cùng phát triển. Điều đó đòi hỏi phải có chiến lược tổng thể của quốc gia, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa nông nghiệp với công nghiệp và các ngành khác; quy hoạch đủ đất gieo trồng lương thực, phân chia các khu vực, vùng chuyên canh, chuyên cư phù hợp. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ các nhà quản lý, các nhà chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao; cải tiến công tác tổ chức biên chế, công tác quản lý cho phù hợp; hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu và trình độ phát triển ngày càng cao của ngành Nông nghiệp. 3- Đề ra các chủ trương, chính sách đảm bảo vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với ANLT, nhất là chính sách đảm bảo lương thực dự trữ chiến lược của quốc gia, các giải pháp điều tiết vĩ mô nhằm giữ ổn định giá trên thị trường (đảm bảo phát triển hài hòa giữa gieo trồng, chế biến và các dịch vụ khác; chính sách thuế, xuất, nhập khẩu; chống đầu cơ, buôn lậu gây mất ổn định ANLT…). Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - vừa qua cũng đã quyết định hạn chế xuất khẩu gạo và thực hiện chặt chẽ quản lý nhà nước đối với các mặt hàng lương thực; theo đó, các địa phương, các nhà xuất khẩu gạo phải thường xuyên báo cáo lượng gạo dự trữ để Chính phủ kịp thời điều tiết. Chính phủ Trung Quốc tổ chức rà soát toàn bộ đất gieo trồng trên toàn quốc, trên cơ sở đó quy hoạch diện tích đất trồng cây lương thực cho từng vùng, từng địa phương, nghiêm cấm việc chuyển sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp; đồng thời, nghiêm trị các hành động đầu cơ, buôn lậu các mặt hàng lương thực. Trung Quốc hiện duy trì lượng dự trữ chiến lược từ 140 đến 200 triệu tấn ngũ cốc, trong đó khoảng 40 đến 50 triệu tấn gạo. Để đối phó nguy cơ thiếu lương thực, Phi-líp-pin đề ra các chính sách nhằm tiết kiệm lương thực trên toàn quốc, chống đầu cơ, tích trữ. Bên cạnh đó, nước này cũng tích cực đàm phán để nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo cho nhu cầu trước mắt và khoảng 600.000 tấn để dự trữ.

2- Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nâng cao sản lượng các loại cây lương thực. Đây là thành tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm ANLT bền vững cho đất nước. Nhiều nước cho rằng, hiện nay, khi mà tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh thì vấn đề quan trọng có tính chiến lược để phát triển nông nghiệp là phải đảm bảo đủ diện tích đất gieo trồng cây lương thực; bên cạnh diện tích đất chuyên canh tác các loại cây lương thực ở từng khu vực, vùng, miền hiện có, phải tích cực cải tạo đất phi nông nghiệp (đồi, núi, những diện tích đất đơn, lẻ) để mở rộng diện tích đất gieo trồng. Chú trọng đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nhất là áp dụng các thành tựu khoa học-công nghệ mới, như công nghệ vi sinh, công nghệ gen…, để nghiên cứu, phát triển các loại giống cây lương thực cao sản, có khả năng đề kháng và thích nghi cao, giàu chất dinh dưỡng. Phát triển máy móc, các trang thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại để vừa giảm được sức người, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Coi trọng việc áp dụng các kỹ thuật gieo trồng hiện đại để tăng vụ, tăng năng xuất cây trồng; sử dụng các công nghệ mới trong bảo quản, bảo dưỡng, chế biến các sản phẩm lương thực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội và xuất khẩu. Phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu nước cho cây trồng, nhất là trong những giai đoạn chuyển mùa, mưa bão, hạn hán… Có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thích hợp, như chính sách đầu tư vốn ban đầu, trợ giúp về giống, về kỹ thuật gieo trồng, đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp trong nước trước các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Trong quá trình đô thị hóa, phát triển các ngành công nghiệp, chú trọng các chính sách nhằm hạn chế tình trạng nông dân bỏ nông nghiệp di cư lên các thành phố, trong đó chú trọng đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân; từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Để phát triển nông nghiệp, khuyến khích nông dân, Nhật Bản thực hiện chính sách trợ giá đặc biệt cho nông dân trồng lúa; theo đó, Chính phủ mua sản phẩm của nông dân với giá cao gấp ba, bốn lần so với giá thị trường và thực hiện kiểm soát chặt chẽ lượng hàng lương thực nhập khẩu. Bên cạnh đó, Nhật Bản rất chú trọng nghiên cứu, phát triển các giống lúa mới cho sản lượng cao, trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt. Trung Quốc rất coi trọng thực hiện chính sách trợ nông để khuyến khích phát triển. Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định tăng ngân sách cho phát triển nông nghiệp lên 30%, đạt mức kỷ lục 80 tỷ USD; đồng thời, nâng trần giá thu mua đối với các mặt hàng nông nghiệp: tăng 9% đến 10% đối với thóc, tăng 4% đến 7% đối với lúa mì. Trung Quốc cũng chủ trương đẩy mạnh  "đô thị hóa" nông thôn, coi đây là một hướng chiến lược giúp người nông dân ổn định sản xuất và đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị.

3- Mở rộng hợp tác quốc tế trong đảm bảo ANLT.  Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, ANLT của quốc gia và ANLT của thế giới có quan hệ ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn. Đây là đặc điểm mới hiện nay và có tác động rất lớn đến chiến lược ANLT mà các nước đều phải tính đến. Thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các nước ASEAN coi việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là một nội dung có tầm quan trọng chiến lược và được triển khai với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Nổi lên là các Hiệp định hợp tác, liên kết khu vực, liên khu vực do ASEAN đề xướng và đóng vai trò nòng cốt nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô khu vực, vùng, tiểu vùng. Tổ chức các cuộc viếng thăm cấp cao, các diễn đàn đa phương trong khối và với các nước bên ngoài để trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý ngành nông nghiệp; nghiên cứu phát triển nông cụ, giống cây lương thực, kỹ thuật gieo trồng, bảo quản, chế biến các sản phẩm lương thực. Hợp tác trong phòng chống các loại dịch bệnh; chống đầu cơ, buôn lậu gây mất ANLT. Thành lập các trung tâm chỉ huy chung, nhằm phối hợp đối phó với khủng hoảng lương thực; cảnh báo, báo động sớm, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ các thiệt hại do thảm họa thiên tai, môi trường gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Liên doanh, liên kết thành lập các nhà máy nghiên cứu, sản xuất máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến sản phẩm lương thực công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu…Một lĩnh vực được các nước ASEAN và nhiều nước khác ở khu vực và trên thế giới hết sức chú trọng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là kiềm chế, ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất- nguyên nhân gây nhiều thảm họa thiên tai; coi đây là vấn đề toàn cầu vừa cấp thiết trước mắt vừa cơ bản lâu dài không chỉ đối với vấn đề ANLT mà còn là vấn đề sinh tồn của toàn nhân loại.

Quang Hậu

 

Ý kiến bạn đọc (0)