Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:28 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong một thế giới đầy biến động, các mâu thuẫn chồng chéo, đan xen, vận động, diễn biến vô cùng phức tạp, nhìn nhận, đánh giá sao cho đúng, cho sát, thấy được thực trạng và chiều hướng vận động, phát triển của thế giới, của thời đại là công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi công phu, trí tuệ của nhiều người. Theo quan điểm, cách nhìn của mình, chúng tôi chỉ xin nêu đôi nét cơ bản về tình hình quân sự - chính trị của thế giới năm 2006.
Những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ mang tính truyền thống và phi truyền thống tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhưng hoà bình và phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, liên kết khu vực, hợp tác và đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng, tốt đẹp, cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội vẫn là dòng chính của thời đại và có những bước tiến mới trong năm 2006.
Chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ phi truyền thống nguy hiểm nhất, là hiểm hoạ mang tính toàn cầu. Rất nhiều quốc gia coi chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ, thách thức hàng đầu đối với an ninh của họ. Năm 2006, quy mô và cường độ hoạt động khủng bố có giảm hơn các năm trước, nhưng nếu thống kê hết được thì số vụ khủng bố cũng phải kể đến hàng nghìn, diễn ra ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, tập trung nhất là khu vực Trung Đông, Nam á, Đông Nam á. Về quy mô các vụ khủng bố nhìn chung là nhỏ lẻ, không có vụ nào có quy mô lớn như các vụ khủng bố ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Nga, In-đô-nê-xi-a trong những năm trước. Có ý kiến cho rằng đó là do kết quả cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây. Nhưng những phân tích gần đây đều thừa nhận, để đối phó với phương Tây, các tổ chức khủng bố đang tiến hành điều chỉnh chiến thuật khủng bố. Chúng chuyển từ tổ chức các vụ khủng bố quy mô lớn sang các hoạt động khủng bố nhỏ, lẻ, thành phần tham gia khủng bố ngày càng đa dạng hơn, tổ chức thành các nhóm nhỏ, lẻ; phương thức, thủ đoạn khủng bố ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Các tổ chức khủng bố đang tích cực củng cố về mặt tổ chức, bổ sung lực lượng và tìm kiếm, phát triển các phương tiện khủng bố kỹ thuật cao. Cơ quan tình báo một số nước phương Tây còn cho biết, điều đáng lo ngại nữa hiện nay là tổ chức khủng bố quốc tế lớn nhất Al Qaeda tuy bị đánh tan tác một thời và tổn thất ít nhiều qua các cuộc chiến tranh áp-ga-ni-xtan và I-rắc, nhưng thủ lĩnh Bin La-đen, trùm khủng bố quốc tế lớn nhất, nguy hiểm nhất vẫn chưa bị tiêu diệt. Al Qaeda và Bin La-đen đã trở thành hình tượng đại diện của một trào lưu cho nhiều thanh niên Hồi giáo mới lớn lên ở Tây Âu bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, lấy “thánh chiến” làm tôn chỉ chống phương Tây. Bởi vậy, chống khủng bố thực sự là cuộc chiến đầy gay go, lâu dài, vô cùng khó khăn, phức tạp. Việc chống khủng bố một cách phiến diện, nặng về các biện pháp quân sự, thậm chí phát động chiến tranh như đã từng diễn ra ở áp-ga-ni-xtan và I-rắc là sai lầm, không có hiệu quả. Bởi vì bạo lực khủng bố cho đến nay vẫn là phổ biến, lan tràn ở hai nước này.
Chống khủng bố quốc tế là cuộc đấu tranh lâu dài, cần có nhận thức đầy đủ, thống nhất về khủng bố và chống khủng bố, cần triển khai hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đồng bộ với sự chủ đạo của Liên hợp quốc (LHQ). Ngoài việc tổ chức, xây dựng lực lượng, xây dựng luật pháp chống khủng bố, các quốc gia cần phải thông qua các chương trình phát triển kinh tế, thiết lập sự công bằng xã hội, xoá bỏ dần áp bức, đói nghèo, bất công, bất bình đẳng dân tộc, tôn giáo, nâng cao trình độ dân trí… để dần dần loại bỏ tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Cần nhấn mạnh thêm, chống khủng bố phải đi đôi với chống lợi dụng “chống khủng bố” để thực thi chủ nghĩa bá quyền, mượn cớ “chống khủng bố” để can thiệp công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền, gây mất ổn định xã hội ở đó để thực hiện mưu đồ của mình.
Chiến tranh và xung đột vũ trang là mối đe dọa, thách thức mang tính truyền thống, là bạn đồng hành của xã hội còn có các mâu thuẫn đối kháng giai cấp, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Năm 2006, khu vực Trung Đông vẫn là nơi tập trung nhiều loại mâu thuẫn gay gắt và nóng bỏng nhất thế giới, biểu hiện bằng cả chiến tranh, xung đột vũ trang, bạo lực khủng bố, khủng hoảng hạt nhân, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng nhân đạo… Đây thực sự là mảng tối nhất trong bức tranh toàn cầu năm 2006.
“Điểm tối” nhất trong mảng tối nhất đó có lẽ vẫn là I-rắc. Gần bốn năm sau cuộc chiến tranh cục bộ công nghệ cao do Mỹ và đồng minh tiến hành, I-rắc vẫn không có một ngày im tiếng súng và ngừng đổ máu. Từ chiến tranh cục bộ do Mỹ và đồng minh tiến hành đang chuyển dần thành nội chiến giữa những người anh em Hồi giáo dòng Si-ai và dòng Săn-ni. Đất nước này đang là một lò lửa chiến tranh và bạo lực khủng bố hàng đầu thế giới ngày nay. Theo tài liệu của nhóm nghiên cứu I-rắc gồm những nhân vật nổi tiếng ở Mỹ cho biết: trong một ngày hồi tháng 7-2006 có tới 1100 hành động bạo lực và khủng bố chứ không phải chỉ có 93 vụ như nhà cầm quyền Mỹ thông báo trong ngày đó. Nguyên Tổng thư ký LHQ Cô-phi An-nan phải thốt lên: “Tình hình I-rắc còn tồi tệ hơn cả nội chiến”. Nhà cầm quyền Mỹ đã phải thừa nhận sai lầm trong cuộc chiến tranh “chống khủng bố” ở I-rắc. Cái giá phải trả cho sai lầm đó thật là đắt: khoảng 400 tỷ USD tốn phí, gần 3000 binh lính Mỹ tử vong, gần 140000 quân chiếm đóng Mỹ đang bị sa lầy, tiến thoái lưỡng nan; uy tín Tổng thống G.W.Bu-sơ xuống thấp mức kỷ lục, Bộ trưởng Quốc phòng Đô-nan Răm-xphen phải từ chức; đảng Cộng hoà của các ông này trở thành thiểu số, mất quyền kiểm soát trong cả Thượng viện lẫn Hạ nghị viện Hoa Kỳ...Trước sức ép của dư luận Mỹ đòi phải có sự thay đổi chiến lược và Tổng thống G.W.Bu-sơ tuyên bố sẽ công bố chiến lược mới về I-rắc vào đầu năm 2007.
Sau I-rắc là “điểm tối” Li-băng nổi lên từ tháng 7-2006 với việc nhóm dân quân Héc-bô-la ở miền Nam Li-băng ngày 12-7 xâm nhập lãnh thổ I-xra-en, giết chết 8 binh sĩ I-xra-en, bắt đi 2 binh sĩ khác. Thủ tướng I-xra-en E-hut On-mớt tuyên bố đó là “hành động chiến tranh” và quyết định trả đũa “thật đau đớn” bằng chiến tranh. Ngày 13-7, I-xra-en mở cuộc tấn công dữ dội bằng không quân, pháo binh, biến Li-băng thành một “vùng thảm hoạ”. Chỉ tính trong mười ngày đầu cuộc chiến đã có hơn 400 người Li-băng thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, hàng chục vạn người tỵ nạn, các cơ sở hạ tầng kinh tế, kể cả ở ngoại ô thủ đô Bây-rút bị tàn phá nặng nề. Sau cuộc chiến, Li-băng lại đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị bằng nhiều vụ khủng bố, ám sát nhằm vào các quan chức chính phủ, các nhà hoạt động xã hội và giới báo chí. Nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các phe phái ở Li-băng ngày càng gia tăng.
Bao trùm lên mảng tối Trung Đông vẫn là cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Có thể nói, tất cả các điểm nóng, các cuộc xung đột ở Trung Đông đều có liên quan mật thiết, hoặc bắt nguồn từ mối quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin nói riêng, I-xra-en với thế giới A-rập Hồi giáo nói chung. Một vòng xoáy bạo lực mới lại nổi lên giữa hai phía kình địch này từ ngày 25-6 với việc lực lượng Ha-mát thuộc Pa-le-xtin xâm nhập lãnh thổ I-xra-en, giết chết 2 binh sĩ I-xra-en, bắt đi 1 lính khác để đòi phía I-xra-en phải thả hơn 1000 tù nhân Pa-le-xtin. Phía I-xra-en bác bỏ yêu sách này và mở cuộc tấn công bằng xe tăng, đại bác và máy bay phản lực vào Dải Ga-da, nơi một năm trước đây I-xra-en đã rút quân, trả lại cho Pa-le-xtin cai quản. Đáng buồn hơn là trong nội bộ Pa-le-xtin cũng lại có một vòng xoáy bạo lực bắn giết lẫn nhau giữa hai phái Ha-mát và Pha-ta có quan điểm, đường lối khác nhau. Phái Pha-ta ôn hoà, chủ trương công nhận nhà nước I-xra-en, giải quyết vấn đề theo “tiến trình hoà bình” do nhóm “Bộ Tứ” (gồm LHQ, EU, Mỹ, Nga) đưa ra. Phái Ha-mát đang nắm chính quyền chủ trương đấu tranh vũ trang và không công nhận nhà nước I-xra-en. Bị phương Tây cắt viện trợ, Chính quyền Ha-mát không có tiền trả lương cho bộ máy và người dân, Pa-le-xtin có nguy cơ lâm vào “khủng hoảng nhân đạo”.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở I-ran với nghị quyết trừng phạt bằng cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ, việc Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát tuyên bố xoá I-xra-en khỏi bản đồ thế giới, việc Thủ tướng I-xra-en On-mớt mới đây công khai thừa nhận I-xra-en có vũ khí hạt nhân… làm cho “thùng thuốc súng” Trung Đông càng trở nên nguy hiểm, rất dễ bùng nổ.
Ngoài khu vực Trung Đông còn có hàng chục “điểm nóng” rải rác khắp nơi trên thế giới. Đó là nội chiến hay xung đột vũ trang tiếp diễn ở Xri-lan-ca, Nê-pan, miền nam Thái Lan; khủng hoảng nhân đạo ở Đa-phơ (Xu-đăng); việc Ê-ti-ô-pi tiến công Xô-ma-li; khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với vòng đàm phán sáu bên mới được nối lại đã bế tắc, ngừng trệ; khủng hoảng và bất ổn chính trị do hậu quả của “cách mạng màu sắc”, “dân chủ hoá” kiểu phương Tây tiếp diễn ở một số nước Cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây, như ở U-crai-na, Gru-di-a, v.v. Ngoài ra, nguy cơ phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ phá huỷ môi trường sống của con người và sự trừng phạt của thiên nhiên; các loại tai nạn, tệ nạn xã hội; dịch bệnh SIDA, dịch viêm đường hô hấp cấp và dịch cúm gia cầm; tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tình trạng bất công, tham nhũng, đói nghèo và phân hoá giàu nghèo cao độ… Tất cả đều tạo nên những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định và sự phát triển của thế giới. Đó có thể coi như phần tối, xám của bức tranh toàn cầu năm 2006.
Dù sao, phần tươi sáng của bức tranh thế giới năm 2006 vẫn chiếm phần lớn hơn, và là chủ đạo, là dòng chính của thời đại. Đó là xu thế hội nhập kinh tế thế giới, hợp tác song phương, đa phương, hợp tác quốc tế, liên kết khu vực, đấu tranh cho hoà bình và phát triển, cho một trật tự thế giới công bằng, tốt đẹp, cho mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
LHQ là tổ chức quốc tế lớn nhất, bao gồm hơn 190 quốc gia thành viên, có nhiệm vụ cao cả là bảo đảm hoà bình, an ninh và thúc đẩy sự phát triển của thế giới. Đây là diễn đàn mang tính toàn cầu, tiêu biểu cho xu thế toàn cầu hoá, hợp tác và đấu tranh trên phạm vi toàn cầu. Đại hội đồng LHQ khoá 61 tiếp tục thảo luận và quyết định những vấn đề liên quan đến hoà bình, ổn định và sự phát triển của thế giới. Trong vấn đề này, xu thế hợp tác và đấu tranh diễn ra sôi nổi, diễn biến phức tạp. Đa số các thành viên đòi cải tổ LHQ nói chung, Hội đồng Bảo an (HĐBA) nói riêng theo hướng dân chủ hoá, tăng cường tính đại diện cho các châu lục, mở rộng các thành viên thường trực và không thường trực của HĐBA, tăng cường vai trò, sức mạnh, quyền uy và hiệu quả của LHQ để tổ chức quốc tế lớn nhất này thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình, góp phần quyết định vào việc bảo đảm hoà bình, ổn định và phát triển của thế giới. Việt Nam đã được đề cử là ứng cử viên duy nhất của châu á làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008- 2009. Năm 2006, Việt Nam cũng đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một tổ chức kinh tế mang tính toàn cầu, tiêu biểu cho xu thế hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế. Với hai sự kiện đó, Việt Nam chứng tỏ được vị thế của mình trên trường quốc tế và tích cực hội nhập vào trào lưu lớn của thời đại.
Cùng với xu thế toàn cầu hoá kinh tế, hợp tác và đấu tranh thông qua các tổ chức toàn cầu như LHQ, WTO… thì xu thế nhất thể hoá, liên kết trong từng khu vực, liên kết giữa các khu vực cũng tiếp tục phát triển. Năm 2006, hầu hết các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, vùng, tiểu vùng đều hoạt động sôi nổi, hoặc mở rộng quy mô, hoặc củng cố tăng cường tổ chức hiện có, tăng cường hiệu quả hợp tác, liên kết toàn diện hay từng mặt về kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng an ninh, văn hoá, khoa học - công nghệ.
Tại hội nghị cuối năm 2006 của Liên minh châu Âu (EU), Bun-ga-ri và Ru-ma-ni đã được kết nạp, nâng số nước thành viên EU lên 27. EU cùng Trung Quốc quyết định nâng quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược”.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 quốc gia thành viên đã có “Tuần lễ Hội nghị cấp cao” diễn ra tại Hà Nội (từ 12 đến 19-11) mà đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 14 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tập trung thảo luận chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng” và quyết định phương hướng cải cách APEC với những biện pháp cụ thể nhằm làm cho tổ chức này ngày càng có sức sống mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Hội nghị còn ra “Tuyên bố Hà Nội” với ba nội dung chính: Thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư; Xây dựng các xã hội vững mạnh hơn và một cộng đồng hành động hài hoà hơn; Tăng cường hợp tác an ninh trong APEC. Với tư cách là nước chủ nhà, tổ chức thành công mỹ mãn Tuần lễ cấp cao APEC 2006, chẳng những đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào xu thế hội nhập kinh tế thế giới, nhất thể hoá khu vực.
Các tổ chức khu vực khác ở châu Phi, châu Mỹ cũng đều diễn ra các hội nghị cấp cao và triển khai các hoạt động phong phú, đa dạng theo xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh cho hoà bình và phát triển.
Quan hệ giữa các nước lớn (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ) luôn là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến hoà bình, ổn định và sự phát triển của thế giới. Mối quan hệ đó luôn bao hàm hai mặt hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh nhau, xoay quanh việc thiết lập trật tự thế giới đơn cực hay đa cực. Năm 2006, mặt hợp tác, hoà dịu trong quan hệ giữa các nước lớn nổi trội hơn, góp phần làm cho tình hình thế giới cũng hoà dịu hơn các năm trước. Trong khi các nước lớn hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh nhau để thiết lập trật tự thế giới đơn cực hay đa cực, thì tuyệt đại đa số các quốc gia, dân tộc trên thế giới vẫn kiên trì hợp tác và đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng, tốt đẹp, cho mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhìn chung, thế giới năm 2006 hoà bình vẫn là xu thế chủ đạo và do đó hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới ngày nay. Thế giới vẫn phát triển hơn các năm trước về mọi mặt. Riêng về kinh tế, theo con số của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra mới đây thì mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2006 là 5,1% (năm 2005 là 4%). Với mức tăng trưởng GDP năm 2006 là 8,2%, Việt Nam cũng góp phần tích cực vào xu thế phát triển của thế giới. LHQ đánh giá Việt Nam là điển hình trong trong việc thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.
Nguyễn Trung
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011