QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:02 (GMT+7)
Đổi mới tư duy chính trị - màn dạo đầu cho đổi mới kinh tế ở nước ta

Để các văn kiện của Đảng thực sự quy tụ được trí tuệ của cả dân tộc, được cả dân tộc thực hiện như những quyết định của chính mình, đầu tháng 3 năm 2006, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố rộng rãi dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội X để lấy ý kiến của nhân dân ta ở trong và ngoài nước. Những đóng góp xác đáng, có giá trị của nhân dân đã được Ban Chấp hành Trung ương (Khoá IX) tiếp thu xử lý để hoàn thiện dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Bên cạnh rất nhiều đề xuất mang tính xây dựng cao, cũng lác đác có đề xuất không thuận chiều, không phù hợp đặc điểm truyền thống chính trị của dân tộc và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, làm phân tâm xã hội. Một trong số ý kiến đó cho rằng, trong 20 năm qua, chúng ta mới tập trung đổi mới kinh tế, không quan tâm đúng mức tới đổi mới chính trị; sự lạc hậu của thượng tầng chính trị đang là lực cản cơ bản của đổi mới đất nước nói chung, đổi mới mạnh mẽ hơn trên lĩnh vực kinh tế nói riêng. Để minh chứng cho nhận định đó, người ta cho rằng, chúng ta vẫn duy trì chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền, nhất nguyên về chính trị, trong khi kinh tế là đa thành phần - đa nguyên. Sự không ăn khớp đó là “đi ngược laị quan điểm duy vật mác-xít, theo đó, chính trị là sự phản ánh của kinh tế, chính trị do kinh tế quyết định”. Theo họ, để phù hợp với nền kinh tế đa nguyên đó, cần có chế độ chính trị đa nguyên.

Liên quan tới ý kiến vừa nêu, trước hết về mặt lý luận, cần khẳng định rằng, chính trị không phải là sự phản ánh của kinh tế một cách giản đơn,  mà là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Chúng tôi nhấn mạnh chữ “tập trung” nhằm lưu ý rằng, chính trị không phải là gương soi đời sống kinh tế, mà là sự phản ánh khái quát, làm nổi bật nhân tố chủ đạo trong đời sống kinh tế. Chính nhân tố chủ đạo đó quy định nội dung căn bản của chính trị thuộc giai cấp cầm quyền. ở nước ta hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Sự nhất nguyên về chính trị, một Đảng duy nhất cầm quyền - Đảng Cộng sản Việt Nam- chính là  “sự biểu hiện tập trung” của nền kinh tế đó.
Ngoài ra, lịch sử chính trị thế giới chứng minh rằng, hình thức tổ chức quyền lực chính trị còn bị quy định bởi truyền thống chính trị của đất nước, bởi bối cảnh lịch sử – cụ thể của mỗi quốc gia, bởi mối tương quan lực lượng trên chính trường… Xét từ tất cả các nhân tố đó, sự lựa chọn chế độ chính trị nhất nguyên, một Đảng duy nhất cầm quyền là một tất yếu lịch sử, phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước ta, đáp ứng đúng đòi hỏi của tuyệt đại đa số nhân dân và đã được thực tiễn kiểm chứng. Trong những năm qua, sự ổn định của thể chế chính trị nhất nguyên đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và mọi mặt khác của xã hội. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực to lớn của toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Hơn nữa, cả về lý luận lẫn thực tiễn, 20 năm qua chúng ta không chỉ đổi mới kinh tế, mà đã từng bước đổi mới về chính trị; thậm chí, chính những đổi mới về chính trị còn đóng vai trò là màn dạo đầu cho đổi mới kinh tế. Nền kinh tế nhiều thành phần sẽ không thể ra đời, nếu không có tư duy chính trị mới về tính biện chứng đầy mâu thuẫn của quá trình đi lên CNXH, nếu vẫn giữ mãi quan niệm cũ kỹ cho rằng, để có CNXH, phải nhanh chóng loại bỏ sở hữu tư nhân dưới mọi hình thức, vẫn xem cải tạo XHCN để nhanh chóng xác lập một cách phổ biến chế độ sở hữu XHCN đơn nhất dưới hình thức toàn dân và tập thể là công việc phải làm càng nhanh bao nhiêu càng tốt, nhờ vậy mà xoá bỏ được tình trạng người bóc lột người – mục tiêu cao nhất của CNXH. Nền kinh tế cũng không thể phát triển mạnh mẽ như đã thấy, nếu chúng ta vẫn giữ tư duy chính trị cũ về công nghiệp hoá bằng việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, vẫn cho rằng phải công nghiệp hoá rồi mới đi vào hiện đại hoá, trong công nghiệp hoá thì lấy công nghiệp hoá để thay thế nhập khẩu làm nhiệm vụ trọng tâm. Kinh tế cũng không thể phát triển, nếu vẫn giữ quan niệm độc lập tự chủ theo nghĩa bảo đảm tự cung tự cấp mọi sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, vẫn “tự lực cánh sinh” trong sự đối lập với hội nhập quốc tế…Kinh tế chắc chắn không thể phát triển được, nếu trong tư tưởng chính trị vẫn xem mọi hình thức bóc lột đều là tiêu cực, cản trở sự phát triển, mọi người giàu trước (dù do tài năng làm ăn của mình một cách chính đáng) cũng bị lên án, vẫn duy trì mãi một quan niệm đã lỗi thời: “Mọi người phải dàn hàng ngang mà tiến”, “xấu đều hơn tốt lỏi”, v.v. Những tư duy chính trị cũ kỹ đó đã là lực cản lớn đối với việc giải phóng con người, kìm hãm phát triển kinh tế.
Mọi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi nhận thức nhất định. Xét trên quy mô xã hội và vì sự tiến bộ của chế độ chính trị – xã hội trong giai đoạn hiện nay của thời đại – khi các vấn đề chính trị đang thâm nhập ngày càng sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, thì nhận thức chính trị, ý thức chính trị có vai trò chi phối cực kỳ to lớn. Nhận thức chính trị của chủ thể cầm quyền có tác động sâu sắc tới sự vận động, phát triển của mọi lĩnh vực khác trong xã hội, trong dó có lĩnh vực kinh tế. ở Việt Nam, sự phát triển tiến bộ của xã hội ta từ khi có Đảng đến nay đã hình thành tính tất yếu lịch sử về vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư duy chính trị của Đảng in đậm nét lên lịch sử phát triển đất nước hơn 75 năm qua, càng đậm nét hơn khi nói về 20 năm đổi mới.
Tư duy chính trị của Đảng được thể hiện tập trung trong các văn kiện quan trọng của Đảng (văn kiện các Đại hội, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương...). Do vậy, đổi mới tư duy chính trị của Đảng cũng biểu hiện tập trung nhất ở các văn kiện này.
Xét từ giác độ đó, đổi mới tư duy chính trị về kinh tế không phải đến Đại hội VI (năm 1986) mới bộc lộ ra, mà ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (Khoá IV), tháng 8-1979, Đảng ta đã thấy cần có những chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. Muốn vậy, phải tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển, bằng mọi cách làm cho sản xuất "bung ra"... Trung ương đưa ra chủ trương: ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm, phần dôi ra được bán cho Nhà nước hoặc lưu thông tự do; sửa lại thuế lương thực nhằm khuyến khích thâm canh tăng vụ; sửa lại giá lương thực để khuyến khích sản xuất; sửa lại chế độ phân phối trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp, bỏ lối phân phối theo định xuất, định lượng, thay vào đó là hình thức phân phối theo lao động, xem đó là hình thức phân phối hợp lý và chủ yếu... Đến đây, kế hoạch hoá không còn được xem là hình thức duy nhất để phát triển kinh tế; khẳng định sự cần thiết phải kết hợp kế hoạch với thị trường, kết hợp thị trường có kế hoạch với thị trường không có kế hoạch; có sự nhìn nhận tích cực hơn với kinh tế tư nhân; sửa chính sách kinh tế nhằm làm cho sản xuất "bung ra"; xem tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá tính đúng sai của chính sách kinh tế là có làm cho năng suất lao động ngày một nâng cao hay không, có làm cho sản xuất  phát triển và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện hay không?
Ngày nay nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV), tháng 8-1979, đánh dấu bước đột phá đầu tiên trên con đường đổi mới tư duy chính trị trên lĩnh vực kinh tế của Đảng ta.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (Khoá V), tháng 6-1985, chủ trương dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế một giá; xoá bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp; chuyển mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN; chuyển công tác ngân hàng sang nguyên tắc kinh doanh. Điểm đặc sắc là, Hội nghị này đã thừa nhận sản xuất hàng hoá và những quy luật của sản xuất hàng hoá. Có thể xem đây là bước đột phá thứ hai trong quá trình đổi mới tư duy chính trị về kinh tế của Đảng.
Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, Bộ Chính trị có cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 25-8-1986 đến ngày 1-9-1986, bàn về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế . Bộ Chính trị đã xem xét kỹ ba vấn đề lớn: cơ cấu và thành phần kinh tế; cơ cấu ngành và cơ cấu đầu tư; cơ chế quản lý kinh tế.
Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị kết luận về ba quan điểm kinh tế trong tình hình mới: Một là, trong bố trí cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, phải lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; ra sức phát triển công nghiệp nhẹ; công nghiệp nặng được phát triển có chọn lọc. Hai là, trong cải tạo XHCN, phải xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Ba là, trong quản lý kinh tế, lấy kế hoạch làm trung tâm, nhưng đồng thời phải sử dụng đúng quan hệ hàng hoá-tiền tệ, dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chính sách giá phải vận dụng quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá. Có thể xem đây là bước đột phá thứ ba, có ý nghĩa lớn trong đổi mới tư duy chính trị về kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, định hướng cho việc soạn thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng.
Đại hội VI (tháng 12 – 1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước- từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị, tư tưởng, văn hoá. Trong đổi mới toàn diện, Đảng ta dành cho đổi mới tư duy lý luận về CNXH một vị trí đặc biệt. Nói tới đổi mới tư duy lý luận về CNXH, không gì khác hơn là nói tới đổi mới tư duy chính trị về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, trong đó có đổi mới tư duy về con đường phát triển kinh tế.
Hội nghị Trung ương 6 (Khóa VI ), tháng 3-1989, nêu ra 6 nguyên tắc đổi mới. Việc khẳng định các nguyên tắc này đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả khuynh hướng đổi mới cực đoan, muốn phát triển kinh tế với bất kỳ giá nào, không cần quan tâm tới định hướng chính trị của sự phát triển đó.
Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định phát triển "nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước"1.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), xác định mục tiêu tổng quát của quá trình đổi mới nói riêng, của quá trình xây dựng CNXH ở nước ta nói chung là phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh; lần đầu tiên, Đảng xác định việc xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; làm rõ những nguy cơ có thật mà công cuộc đổi mới đất nước phải vượt qua; khẳng định rằng nhờ những thành tựu đạt được sau 10 năm đổi mới, đất nước đang có những tiền đề để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy tới một bước CNH, HĐH đất nước. Từ đó, Hội nghị  nêu ra một số quan điểm lớn về vấn đề này. Xét về đổi mới trên lĩnh vực chính trị, điểm đặc sắc của Hội nghị này là khẳng định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
           
1- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII,  Nxb Sự thật, H. 1991, tr. 21.
Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) tiếp tục làm rõ hơn quan niệm về chặng đường đầu tiên và chặng đường tiếp theo đã được nêu ra tại Đại hội VI. Trên cơ sở nhìn nhận đúng đắn những thành tựu đã đạt được sau 10 năm đổi mới, Đại hội khẳng định: Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới - đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; làm rõ nội dung cơ bản của chặng đường mới này, đích mà nó cần đạt tới: phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001), trên cơ sở nhìn lại bối cảnh thế giới và trong nước trong thế kỷ XX và dự báo diễn biến những thập niên đầu của thế kỷ  XXI, đã làm sáng tỏ hơn nữa quan niệm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đại hội một lần nữa nhấn mạnh: xây dựng CNXH, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội có tính chất quá độ. Lần đầu tiên trong quá trình đổi mới, Đại hội này đưa ra khái niệm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, coi đây là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta1.
           
1- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,  Nxb CTQG, H. 2001, tr. 86.
2- Đảng Cộng sản Việt Nam. Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2001-2004. Nxb CTQG, H. 2004, tr.59.
Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) đã ra hẳn một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý và tâm lý xã hội để doanh nghiệp của tư nhân phát triển rộng rãi trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động… Một vấn đề gây chú ý nhiều nhất trong Nghị quyết này là khẳng định rằng: “Những đảng viên đang làm chủ doanh nghiệp tư nhân chấp hành tốt Điều lệ Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước thì vẫn là đảng viên của Đảng”2. Phát triển hơn nữa tư duy chính trị về kinh tế, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế về quy mô, phải gương mẫu chấp hành những nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tuân thủ một số quy định của Ban Chấp hành Trung ương. 
Những đổi mới tư duy chính trị về kinh tế nói trên là tiền đề cho đổi mới hệ chuẩn pháp luật kinh tế, hệ chuẩn quan niệm đạo đức xã hội… Sự đổi mới đó vừa góp phần định hướng, vừa  tạo ra một không gian rộng rãi cho mọi thành phần kinh tế, mọi tài năng kinh tế đua tranh phát triển mà những thành tựu đạt được mỗi người chúng ta đều có thể cảm nhận rõ rệt ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Đổi mới trên lĩnh vực chính trị còn thể hiện trên nhiều phương diện: đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đổi mới Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội cùng mối quan hệ qua lại giữa các thiết chế đó. Điều đó nói lên rằng, vấn đề về đổi mới tư duy chính trị và tác động mở đường của nó tới đổi mới kinh tế đã bác bỏ quan điểm cho rằng trong 20 năm qua, chúng ta mới đổi mới kinh tế mà chưa (hoặc rất ít) đổi mới về chính trị. Không thể quy đổi mới về chính trị về độc một cách làm đã từng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng ở nhiều quốc gia vốn là XHCN trong quá trình cải tổ: Chuyển từ chế độ một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền sang chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên về chính trị. Nếu ai cho rằng đổi mới về chính trị là phải làm như vậy, thì chúng ta dứt khoát khẳng định rằng, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay, chúng ta không đổi mới chính trị theo kiểu đó.
 
GS, TS. Phạm Ngọc Quang
Hội đồng Lý luận Trung ương
 

Ý kiến bạn đọc (0)