QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:39 (GMT+7)
Đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ hậu cần quân đội trong tình hình mới

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới tư duy nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), quân đội ta đã kịp thời đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần (BĐHC) từ kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp bằng hiện vật, sang bảo đảm phần lớn bằng tiền theo cơ chế thị trường định hướng XHCN..., vừa phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu hậu cần cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ QS,QP, BVTQ và tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình đổi mới trên bao gồm nhiều khâu, trong đó công tác đào tạo cán bộ hậu cần giữ vai trò rất quan trọng, với ý nghĩa “Cán bộ là cái gốc của mọi công  việc”.

Học viện Hậu cần là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) hậu cần quân sự toàn quân đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối QS,QP và giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của Đảng, trực tiếp là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 93/ĐUQSTW ngày 01-6-1994 của ĐUQSTƯ “về tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy” để triển khai thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT sát với chức năng, nhiệm vụ của một học viện chuyên ngành hậu cần. Công tác GD-ĐT của Học viện trong thời gian qua đạt kết quả toàn diện cả về quy mô, đối tượng, hình thức và chất lượng. Quy trình đào tạo từng bước được hoàn thiện; hệ thống chương trình, nội dung GD- ĐT được xây dựng tương đối đồng bộ, bảo đảm sự kế thừa, liên thông giữa các cấp học, bậc học, ngành học, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước và phương thức BĐHC mới; tích cực đổi mới tổ chức, phương pháp dạy- học; đẩy mạnh công tác NCKH; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo có số lượng hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu đào tạo, NCKH. Chất lượng đào tạo của Học viện từng bước được nâng lên; học viên ra trường phát huy tốt kiến thức, trách nhiệm, thực sự là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ BĐHC ở các cấp..., góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần ở các cấp trong toàn quân.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, Học viện còn những mặt hạn chế. Đó là: quy trình, chương trình đào tạo giữa các bậc học còn có sự trùng lặp; một số nội dung đào tạo chưa sát với thực tiễn hiện nay; việc đổi mới phương pháp dạy- học còn chậm; chất lượng một số đề tài NCKH còn hạn chế, tính khả thi chưa cao; đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện thời đang đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy, NCKH, nhưng một số đã đến tuổi nghỉ hưu, nhất là số cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị cao; cơ sở vật chất huấn luyện, đào tạo còn hạn chế; tổ chức, biên chế đang trong quá trình tinh giản...

Nhiệm vụ QS,QP, BVTQ trong tình hình mới và việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta đang đặt ra cho công tác hậu cần nói chung, đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần nói riêng những yêu cầu mới ngày càng cao. Theo đó, công tác BĐHC quân đội đang từng bước thực hiện “xã hội hóa” để phù hợp với tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động của quân đội trong thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của nhiều quốc gia trên thế giới.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BĐHC cho quân đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, BVTQ trong tình hình mới và tham gia phát triển kinh tế- xã hội khi nước ta đã là thành viên WTO, Học viện Hậu cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH ngang tầm đòi hỏi; trong đó, tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau.  

Trước hết, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã được xác định trong Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29-3-2007 của ĐUQSTƯ “về công tác GD-ĐT trong tình hình mới”. Đây là cơ sở vững chắc để Học viện xác định quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo và là căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy-học. Theo đó, mục tiêu đào tạo của Học viện vừa phải đáp ứng được yêu cầu cán bộ hậu cần, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ BĐHC cho quân đội trong thời bình, vừa phải sẵn sàng cho thời chiến, kể cả khi địch sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao; thực hiện tốt việc đào tạo cán bộ hậu cần theo chức danh có trình độ học vấn bậc đại học, phù hợp với yêu cầu phát triển của quân đội, gắn với sự phát triển của ngành Hậu cần trong thời kỳ mới.

Hai là, tập trung đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng phát triển của giáo dục hiện đại, bám sát sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật quân sự và sự phát triển của ngành Hậu cần Quân đội. Kế thừa và phát triển những kết quả, kinh nghiệm GD-ĐT những năm qua, tiếp thu tinh hoa của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận xu thế phát triển, kinh nghiệm đào tạo cán bộ hậu cần của các nước tiên tiến và bám sát Chỉ thị số 68/CT-BQP, ngày 30/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “về việc xây dựng đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội”, Học viện đang triển khai thực hiện “Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần trong tình hình mới”. Rà soát, đổi mới chương trình theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, sát với thực tiễn quân đội, phù hợp với sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị của quân đội. Chuẩn hoá chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục, đặc thù quân sự và của ngành Hậu cần. Trong đó, lấy xây dựng chương trình cho đối tượng đào tạo chính quy, cơ bản làm trung tâm để xây dựng chương trình cho các đối tượng khác; từng bước hoàn thiện chương trình đối tượng đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ hậu cần các cấp. Thực hiện tốt việc đào tạo cán bộ hậu cần theo chức vụ, có học vấn tương ứng, rút ngắn thời gian một cách hợp lý, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính liên thông giữa các bậc học. 

Ba là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây là nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định chất lượng GD-ĐT của Học viện. Vì thế, Học viện thường xuyên chú trọng kiện toàn, xây dựng đội ngũ giảng viên, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu đồng bộ, cân đối, chất lượng ngày càng cao, gắn với sự phát triển của ngành Hậu cần và nghệ thuật quân sự. Từng bước chuẩn hoá đội ngũ giảng viên về học vấn, chức danh, tin học, ngoại ngữ, phương pháp sư phạm và hoạt động thực tiễn, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Trước mắt, Học viện ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường liên kết với các trường đại học trong và ngoài quân đội để mở các lớp đại học ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên; gửi cán bộ đi học ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở đào tạo trong quân đội và các trường đại học ngoài quân đội. Rà soát lại quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, với các hình thức phù hợp như: bồi dưỡng tại chức, gửi đi học ở các trường và đi thực tế chức trách ở đơn vị. Đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành; phối hợp đồng bộ giữa công tác tổ chức, chính sách, nhằm tận dụng triệt để khả năng của các giảng viên lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, các nhà khoa học có bề dày thực tiễn và có uy tín… Tiếp tục tuyển chọn một số học viên đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học vào Học viện để gửi đi đào tạo ở các trường đại học trong và ngoài nước, nhằm tạo nguồn cán bộ giảng dạy, NCKH lâu dài. Từng bước nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các sinh viên giỏi ở các trường đại học trong và ngoài quân đội, sau khi tốt nghiệp về Học viện công tác. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng cán bộ hợp lý, nhằm phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, góp phần hoàn thành tốt  nhiệm vụ được giao. Cùng với  nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo, cần tăng cường bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý các cấp, các đơn vị trong Học viện, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị phục vụ trong Học viện, để vừa tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên, vừa là mô hình sinh động cho học viên học tập và vận dụng vào thực tiễn.

Bốn là, tích cực đổi mới phương pháp dạy-học, theo hướng gắn với thực tiễn xã hội, hoạt động của quân đội và sự phát triển của khoa học-công nghệ. Ngày nay, phương pháp dạy học hiện đại tiếp cận với phương pháp NCKH, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa đào tạo với NCKH. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo, gắn nhà trường với xã hội. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo phương pháp tích cực, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa phương pháp thuyết trình với nêu vấn đề, gợi mở để phát huy tính chủ động, sáng tạo và sự hưng phấn của người học. Kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành. Coi trọng nghiên cứu, truyền thụ kinh nghiệm BĐHC trong chiến đấu của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây để vận dụng vào công tác hậu cần trong chiến tranh BVTQ. Trong quá trình giảng dạy, cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học, nhất là những phương tiện tiên tiến để tăng lượng thông tin cần thiết và cụ thể hoá các nội dung một cách sinh động. Tăng cường xê mi na và tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu, nhằm nâng cao trình độ tư duy của người học, thực hiện “biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”. Với các đối tượng sau đại học, cần sử dụng có hiệu quả hơn việc giảng dạy theo các chuyên đề và tăng cường sử dụng kỹ thuật mô phỏng, nhằm cập nhật thông tin và nghiên cứu sâu những vấn đề cốt lõi, nâng cao khả năng phân tích, tổng hợp và tư duy sáng tạo của người học, từng bước tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại. Cùng với đó, tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị dạy- học hiện đại, chủ yếu là các trang thiết bị kỹ thuật hậu cần và công nghệ thông tin; tập trung xây dựng cơ sở vật chất đào tạo, trọng tâm là các phòng thí nghiệm, labô, phòng học chuyên dùng, thư viện điện tử… Đẩy mạnh tin học hoá trong huấn luyện thường xuyên và  trong diễn tập tổng hợp, giúp người cán bộ hậu cần xử lý các tình huống kịp thời, sát với thực tiễn hoạt động, công tác trong thời bình và cả thời chiến.

 Năm là, đẩy mạnh công tác NCKH, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT và phát triển khoa học hậu cần quân sự. Trước mắt, Học viện tập trung nghiên cứu, biên soạn hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, tài liệu, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng,  phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các đối tượng theo quy định. Chủ động thực hiện các đề tài NCKH; tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng và Nhà nước chỉ đạo, điều hành công tác hậu cần quân đội, hậu cần nhân dân trong điều kiện thời bình, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và phương thức huy động hậu cần trong các tình huống, kể cả khi địch gây chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao. Bên cạnh đó, triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học, kỹ thuật các chuyên ngành: xe, máy, xăng dầu, xây dựng, kỹ thuật, quân nhu…; chủ động đề xuất các sáng kiến cải tiến kỹ thuật hậu cần phục vụ bộ đội xây dựng và chiến đấu. Từng bước thực hiện các đề tài NCKH theo hướng “đi trước, đón đầu” về nghệ thuật hậu cần-quân sự và khoa học-công nghệ hậu cần.

Sáu là, tập trung xây dựng Học viện chính quy, vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị. Thường xuyên chăm lo, củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu. Nâng cao hiệu quả của công tác đảng, công tác chính trị trong mọi hoạt động của Học viện. Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng. Lồng ghép các nội dung hoạt động của Học viện vào chỉ tiêu của phong trào thi đua Quyết thắng và các phong trào thi đua khác, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật; thực hiện nghiêm các chế độ quy định, học đi đôi với rèn, đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện...

Phát huy những thành tích đã đạt được, Học viện Hậu cần tiếp tục phấn đấu, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH, xây dựng Học viện chính quy, vững mạnh toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BĐHC cho quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó trong tình hình mới.

Trung tướng, PGS, TS. Đồng Minh Tại

Giám đốc Học viện Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)