QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:10 (GMT+7)
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng- an ninh cấp tỉnh, cấp huyện
Thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân trước tình hình mới và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01-5-2001 của Chính phủ về GDQP, ngày 04-11-2003 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 224/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện với chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác GDQP toàn dân ở địa phương.

Chấp hành Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP Trung ương, 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và 679 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) đã thành lập Hội đồng GDQP cùng cấp. Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên được kiện toàn đủ về số lượng, đúng cơ cấu, thành phần và từng bước đi vào hoạt động; đã ban hành Quy chế, kế hoạch công tác, duy trì chế độ hoạt động thành nền nếp. Hằng năm, Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành các văn chỉ đạo và hướng dẫn cho các ban, ngành, địa phương, cơ sở triển khai thực hiện công tác GDQP cho toàn dân, nhất là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh (BDKTQP-AN) cho các đối tượng 3,4,5 và chức sắc, chức việc các tôn giáo; GDQP cho toàn dân và học sinh, sinh viên đạt kết quả tốt. Hội đồng GDQP nhiều địa phương còn chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền mở rộng đối tượng BDKTQP-AN cho các chủ hộ ở vùng biên giới, làng chài trên biển, cán bộ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo và phóng viên các đài, báo ở địa phương, thanh niên đường phố… Qua theo dõi của cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP Trung ương, Hội đồng GDQP của các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ là những địa phương hoạt động đều, có chiều sâu và hiệu quả khá tốt, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Qua 4 năm hoạt động, Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khẳng định vị trí, vai trò của mình, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý thức, nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân đối với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hội đồng GDQP các tỉnh, huyện luôn tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và các cơ quan, tổ chức đảng đứng chân trên địa bàn. Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện luôn nắm chắc số lượng cán bộ cần BDKTQP-AN, đề ra những biện pháp sát, đúng, phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của địa phương. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2007, Hội đồng GDQP các tỉnh, huyện trong cả nước đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền mở được 3.121 lớp BDKTQP-AN cho 235.531 cán bộ, đảng viên (đối tượng 3 đến đối tượng 5). Từ năm 2003 đến 2007, các địa phương đã mở được 231 lớp BDKTQP-AN cho 18.688 chức sắc, chức việc các tôn giáo; GDQP cho học sinh trung học phổ thông đạt tỷ lệ 99,39%, sinh viên các trường đại học, cao đẳng đạt 98,8% (riêng năm 2007 có 37 tỉnh mở được 169 lớp BDKTQP-AN cho 11.911 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo; thành phố Cần Thơ BDKTQP-AN cho 500 người là văn nghệ sĩ, phóng viên báo, đài, 582 nhà khoa học, giảng viên trường đại học Cần Thơ, đại học Tây Đô và Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của một số Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện còn có những hạn chế. Một số địa phương chậm củng cố, kiện toàn thành phần của Hội đồng, nhất là Hội đồng GDQP cấp huyện. Hội đồng GDQP một số tỉnh, huyện hoạt động chưa thành nền nếp, thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác GDQP toàn dân. Có nơi chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, còn lúng túng khi ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, trong quá trình hoạt động không bám sát quy chế đã ban hành, dẫn đến tình trạng hiệu quả tham mưu thấp. Năng lực tham mưu của một số ủy viên trong một số Hội đồng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong quá trình hoạt động; việc chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ xuống cơ sở còn chậm, thiếu chủ động, nhạy bén. Công tác thanh tra, kiểm tra của một số Hội đồng chưa thực sự là đòn bẩy thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác GDQP ở các địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN) trong tình hình mới, thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.
Một là, Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện cần được củng cố, kiện toàn tổ chức, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, hoàn thiện quy chế hoạt động, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ GDQP-AN trong thời kỳ mới. Đây là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng đối với cấp tỉnh có thể là từ 9-13, cấp huyện từ 9-11, nhưng thực tế cho thấy, đa số Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện đều nhiều hơn quy định, thành phần chưa hợp lý. Vừa qua, một số tỉnh đã linh hoạt mở rộng cơ cấu số thành viên của Hội đồng cấp tỉnh đối với các đồng chí Giám đốc đài phát thanh- truyền hình, Tổng biên tập báo của tỉnh, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… Các thành viên trong Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện đều kiêm nhiệm nên việc biến động về nhân sự (thuyên chuyển, thay đổi vị trí công tác, nghỉ chế độ…) là điều khó tránh khỏi, nhất là sau mỗi lần đại hội đảng bộ, hoặc sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Ngày 03-5-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới; ngày 10-7-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2007/NĐ-CP về GDQP-AN; theo đó, tên gọi của Hội đồng cũng sẽ thay đổi là Hội đồng GDQP-AN tỉnh, huyện. Cơ cấu của Hội đồng do đó cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện phải thường xuyên quan tâm kiện toàn, bổ sung kịp thời số lượng và đúng cơ cấu các thành phần Hội đồng theo quy định. Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện quy chế, chương trình, kế hoạch, nhằm phát huy trí tuệ tập thể của Hội đồng trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP-AN phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cơ quan thường trực của Hội đồng phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, xây dựng chương trình, kế hoạch GDQP-AN sát với nhiệm vụ của địa phương trong từng giai đoạn, trên cơ sở bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành chức năng để thống nhất trong việc triển khai và tổ chức thực hiện.
Hai là, nâng cao năng lực, phát huy trách nhiệm của từng thành viên và của Hội đồng đối với công tác GDQP-AN ở địa phương. Hội đồng GDQP-AN là tổ chức liên ngành, các thành viên đều là những đồng chí giữ trọng trách ở các ban, ngành, đoàn thể địa phương như Quân sự, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Tuyên giáo, Nội vụ, Tài chính… Để Hội đồng GDQP-AN hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò tham mưu, tư vấn giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN, vấn đề quan trọng trước tiên là mỗi thành viên trong Hội đồng phải đề cao tinh thần trách nhiệm, đồng thời sắp xếp, bố trí công tác chuyên môn hợp lý để tham gia vào hoạt động của Hội đồng. Thêm nữa, mỗi thành viên phải có kiến thức tổng hợp về mọi mặt, nhất là kiến thức về QP-AN, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ… Ngoài việc được tập huấn theo quy định, mỗi thành viên phải chủ động học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác GDQP-AN trong tình hình mới.
Ba là, Hội đồng GDQP-AN thực hiện nghiêm chế độ thanh tra, kiểm tra công tác GDQP-AN. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng GDQP-AN cấp tỉnh, cấp huyện, nhằm đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm, xác định đúng nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó, có chủ trương, biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, đưa công tác GDQP-AN ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN trong thời kỳ mới.
Hội đồng GDQP-AN cấp trên cần phải trực tiếp đôn đốc và kiểm tra Hội đồng GDQP-AN cấp dưới một cách toàn diện. Hội đồng GDQP-AN các địa phương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, bảo đảm tính khoa học, hợp lý. Việc giao nhiệm vụ, nội dung kiểm tra phải cụ thể, tỷ mỷ, đảm bảo mọi thành viên đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong thanh tra, kiểm tra; thông qua đó, rút kinh nghiệm, đề xuất được các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN tốt hơn. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác GDQP-AN; đồng thời, chủ động đề xuất giải pháp khả thi để tháo gỡ, khắc phục những khâu yếu, mặt yếu. Thực hiện tốt công tác kiểm tra vừa giúp cấp trên nắm được tình hình để có biện pháp chỉ đạo, đồng thời cũng thúc đẩy cấp dưới tự kiểm tra mình, tạo động lực trong thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN
Những năm tới, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ QP-AN nói chung, công tác GDQP-AN nói riêng, việc đẩy mạnh GDQP-AN nhằm góp phần xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN cấp tỉnh, cấp huyện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường công tác GDQP-AN trước tình hình mới.
Đại tá Trần Đình Đích
Trưởng phòng GDQP-Cục Dân quân tự vệ
 

Ý kiến bạn đọc (0)