QPTD -Thứ Hai, 22/08/2011, 00:03 (GMT+7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng dân quân, tự vệ ở Kiên Giang

Căn cứ vào Pháp lệnh, đặc điểm địa bàn và sự chỉ đạo của Quân khu, tỉnh Kiên Giang đã tập trung xây dựng và duy trì lực lượng DQTV có cơ cấu thành phần và tỷ lệ phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên công tác xây dựng lực lượng DQTV trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ năm 2007 trở về trước có nhiều khó khăn và chưa thực sự đảm bảo về chất lượng; có địa phương, đơn vị mới chỉ cố gắng bố trí đủ số lượng và đạt tỷ lệ theo yêu cầu, nên hiệu quả hoạt động của DQTV còn nhiều bất cập, hạn chế.

Trước tình hình đó, Tỉnh chủ trương đổi mới, tạo sự ổn định và hợp lý về số lượng; tổ chức, quy mô phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng DQTV. Đặc biệt, đối với tỉnh Kiên Giang, nằm ở tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc, có bờ biển dài gần 200 km, với 140 đảo lớn, nhỏ; đường biên giới trên bộ 56,8 km, có một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và nhiều đường tiểu ngạch. Địa hình Kiên Giang rất đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, biên giới, biển đảo, sân bay, bến cảng,... Toàn tỉnh có 15 huyện (thị, thành), với 145 xã (phường, thị trấn), 915 ấp (khu phố). Trong đó, có 2 huyện đảo (Phú Quốc, Kiên Hải), 5 huyện ven biển; có thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương vừa ven biển, vừa biên giới; 7 xã biên giới trên bộ và 49 xã ven biển, xã đảo. Do yêu cầu, nhiệm vụ của DQTV ở khu vực biên giới, biển đảo, đất liền và đô thị có những nét khác biệt, nên tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn điều chỉnh số lượng và quy mô tổ chức lực lượng, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của lực lượng DQTV trên địa bàn.

Quán triệt, thực hiện Chỉ thị 16-CT/TƯ, ngày 5-12-2002 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng Dự bị động viên trong tình hình mới”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra nghị quyết chuyên đề và các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương xây dựng lực lượng DQTV theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, nhưng tập trung có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng bảo đảm cả về chất lượng, số lượng, cơ cấu thành phần lực lượng phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, địa bàn. Theo chủ trương đó, quy mô tổ chức trước đây, mỗi ấp có 1-2 trung đội, mỗi xã (phường, thị trấn) có 2-3 trung đội và có dân quân đủ các binh chủng,... nay được điều chỉnh lại theo quy mô: mỗi ấp có một tiểu đội, ấp trọng điểm về quốc phòng-an ninh có 2 tiểu đội; riêng đối với các ấp thuộc vùng đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số có thêm một tiểu đội trinh sát, hoặc quân báo nhân dân. Cấp xã có một trung đội dân quân cơ động; xã trọng điểm, xã ven biển, xã biên giới có thêm trung đội dân quân binh chủng. Riêng 12 xã biên giới và địa bàn trọng điểm, ngoài việc tăng cường thêm lực lượng dân quân ở các điểm chốt, dân quân binh chủng, Tỉnh chủ động bố trí thêm một phó chỉ huy trưởng quân sự, do địa phương đảm bảo ngân sách. Đối với khu vực đô thị, Tỉnh chỉ đạo xây dựng 3 lực lượng: lực lượng cơ động, dân quân binh chủng phòng không (hoặc pháo, cối) và lực lượng trinh sát, quân báo nhân dân. Cấp huyện (thị, thành) tổ chức 1 trung đội dân quân cơ động, 1 trung đội súng máy phòng không 12,7mm hoặc 1 trung đội súng cối 82mm; riêng địa bàn trọng điểm có thêm một trung đội ĐKZ,… Tùy theo tính chất nhiệm vụ trong khu vực phòng thủ mà bố trí hợp lý các lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sẵn sàng huy động thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất trên địa bàn.

Do đặc thù của địa bàn có biển, đảo, nên Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn coi trọng xây dựng lực lượng DQTV biển. Năm 2007, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Kiên Giang đã xây dựng điểm một trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, theo mô hình lấy tàu, thuyền của các nhóm hộ cùng hoạt động trên một ngư trường để tổ chức. Theo đó, cấp trung đội có 8-10 tàu và biên chế 22-38 đồng chí; cấp tiểu đội có 2-3 tàu, biên chế 7-9 chiến sĩ. Từ hiệu quả đạt được của đơn vị DQTV biển, Tỉnh đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh. Đến nay, lực lượng dân quân biển chiếm tỷ lệ gần 25% so với tổng số lực lượng DQTV của Tỉnh.  

Đối với lực lượng tự vệ, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nông trường tổ chức duy trì ở mức 15-20% so với tổng số cán bộ, công nhân viên. Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, huyện biên chế đủ 3 cán bộ. Đặc biệt, trong lực lượng tự vệ đã tổ chức đến cấp đại đội pháo phòng không 37mm. Riêng các đơn vị tự vệ ở cơ quan hành chính, sự nghiệp, Tỉnh chỉ đạo tổ chức với quy mô phổ biến là cấp trung đội. Đến nay, toàn Tỉnh đã tổ chức được 19 đơn vị tự vệ cơ quan cấp tỉnh và 50 đơn vị tự vệ cấp huyện (thị, thành).  

Như vậy, có thể thấy, với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, nòng cốt là cơ quan quân sự, đến nay lực lượng DQTV của Tỉnh được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, có quy mô tổ chức, biên chế, cơ cấu các thành phần phù hợp với tổ chức hành chính (khóm, ấp, xã, phường, thị trấn) trên từng địa bàn dân cư và các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, đạt tỷ lệ 1,14%; trong đó có lực lượng bộ binh, binh chủng, có lực lượng thường trực, lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ. Quan trọng là, gắn liền với việc điều chỉnh, với quy mô tổ chức biên chế, các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc quản lý, giáo dục, huấn luyện, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng DQTV. Trên nền tảng ổn định về chất lượng, sau năm 2010, Tỉnh sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng, phát triển lực lượng DQTV theo hướng tăng dần tỷ lệ nhằm mục tiêu đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở trong tình hình mới. 

Cùng với việc đổi mới về tổ chức, Tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng chính trị của lực lượng DQTV. Những công dân được tuyển chọn vào lực lượng DQTV phải đảm bảo tiêu chí lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, có văn hóa, sức khỏe, đủ độ tin cậy về chính trị và nếu là đảng viên, đoàn viên ưu tú thì càng tốt. Hằng năm, vào Ngày truyền thống của lực lượng DQTV (28-3), Tỉnh chỉ đạo các xã (phường, thị trấn) đồng loạt tổ chức lễ kết nạp mới và cho giải ngạch số chiến sĩ DQTV đã hoàn thành nghĩa vụ theo Pháp lệnh. Trong xây dựng lực lượng DQTV, Kiên Giang luôn thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu và tổ chức thực hiện. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự thực hiện nghiêm túc các quy định trong tạo nguồn DQTV, nhất là quy trình giải ngạch và kết nạp mới, đảm bảo đúng chế độ luân phiên theo phương châm “dân bàn, dân cử”. Đồng thời, phát huy dân chủ cơ sở, dựa vào dân để phát hiện, kịp thời và kiên quyết đưa ra khỏi DQTV những người không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo độ tin cậy về chính trị. Cụ thể, quy trình tổ chức kết nạp DQTV ở Kiên Giang gồm bốn bước. Bước 1: Lập phiếu đăng ký công dân trong độ tuổi DQTV đến từng hộ gia đình; bước 2: Xét duyệt tiêu chuẩn chính trị và phân tích chất lượng; bước 3: Tổ chức hội nghị “dân bàn, dân cử”, thông qua Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã (phường, thị trấn) xét duyệt, sắp xếp vào biên chế những người có đủ điều kiện tham gia vào DQTV; bước 4: Tổ chức lễ kết nạp và tiếp đó là tiến hành giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự.

Ngoài việc thực hiện nghiêm quy trình tổ chức kết nạp DQTV, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thị xã đưa cán bộ tăng cường về cơ sở, chủ động phối hợp cùng cơ quan, đoàn thể và Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường, thị trấn) nắm chất lượng chính trị, nhất là tỷ lệ đảng viên trong DQTV để tham mưu, đề xuất những giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở tạo nguồn phát triển đảng trong lực lượng DQTV. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ quân sự, chi bộ an ninh-quốc phòng, lãnh đạo nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng DQTV. Nhờ đó, chất lượng chính trị của DQTV được nâng lên, tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 11,33%, đoàn viên đạt 35,73%; có 132/145 xã (phường, thị trấn) thành lập chi bộ quân sự, số địa phương còn lại có 6 tổ đảng quân sự và 7 chi bộ quân sự-an ninh. Đội ngũ cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn) được kiện toàn, sắp xếp đúng quy định theo Pháp lệnh; hầu hết các chỉ huy trưởng đều đủ điều kiện tham gia cấp uỷ, uỷ viên Uỷ ban nhân dân cùng cấp (hiện có 131/145 chỉ huy trưởng quân sự là ủy viên đảng ủy). Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng chính trị, tạo sự chuyển biến toàn diện trong xây dựng lực lượng DQTV. Tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2011, 100% cơ quan quân sự xã (phường, thị trấn) có chi bộ quân sự; khóm, ấp đội trưởng, trung đội, đại đội trưởng dân quân đều là đảng viên.

Công tác giáo dục, huấn luyện DQTV được thực hiện nghiêm túc theo nội dung, chương trình của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị quy định cho từng đối tượng. Tỉnh chỉ đạo huấn luyện DQTV theo hướng tập trung, thống nhất: trước hết, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở. Chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) và cán bộ trung đội, đại đội dân quân cơ động, đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách quân sự và một số cán bộ quản lý lực lượng DQTV và binh chủng… được bồi dưỡng tập trung tại Trường Quân sự Tỉnh và Trung tâm chính trị của các huyện (thị xã, thành phố). Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức quân sự, chính trị, tổ chức phương pháp huấn luyện, Tỉnh chỉ đạo các lớp tập huấn chú trọng nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy và vai trò làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

Trong huấn luyện, Tỉnh chỉ đạo thực hiện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng” phù hợp với nhiệm vụ tác chiến và bảo vệ an ninh ở cơ sở; tích cực đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện cho phân đội và chiến sĩ DQTV. Đặc biệt, coi trọng công tác huấn luyện đối với chiến sĩ DQTV năm thứ nhất và DQTV binh chủng. Chỉ đạo dân quân các xã biên giới, ven biển và xã đảo phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Vùng 5 Cảnh sát biển và Hải quân huấn luyện một số nội dung tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh chống xâm canh, xâm cư, chống buôn lậu qua biên giới, buôn lậu trên biển. Sau mỗi giai đoạn huấn luyện và kết thúc năm huấn luyện, tổ chức kiểm tra, hội thao, hội thi để đánh giá kết quả và kịp thời bổ sung vào chương trình huấn luyện những nội dung mới phù hợp với đặc thù của một tỉnh biên giới, ven biển và vùng đồng bằng sông nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV trên địa bàn.

Năm 2009, công tác  giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và diễn tập cho lực lượng DQTV được thực hiện đúng kế hoạch; huấn luyện cho dân quân cơ động, dân quân thường trực đạt 100% kế hoạch; dân quân tại chỗ và dân quân binh chủng đạt trên 70% quân số... Do được tổ chức huấn luyện chu đáo, các lực lượng DQTV của Tỉnh đã và đang phát huy tốt kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là trong bảo vệ trật tự trị an. Đặc biệt, lực lượng DQTV trên biển đã kết hợp đánh bắt hải sản với nắm bắt tình hình xâm nhập vùng biển của các tàu, thuyền lạ, cùng các lực lượng khác giữ gìn an ninh trật tự trên biển, trong ngư trường hoạt động.

Đại tá  NGUYỄN OANH LIỆT

Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)