QPTD -Thứ Năm, 27/10/2011, 22:27 (GMT+7)
Đổi mới giáo dục - đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc thế

Trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xem nhân tố con người có tầm quan trọng đặc biệt quyết định sự thành công của cách mạng. Tư tưởng xuyên suốt của Đảng là không ngừng đổi mới giáo dục - đào tạo nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc cung cấp kiến thức văn hoá, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo phải góp phần bồi dưỡng các giá trị văn hoá cho thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, cốt cách con người Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, cần tạo ra bước tiến mới trong sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo, không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cả đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục... để phát triển toàn diện con người Việt Nam. Thực hiện đường lối của Đảng, sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên cả ba mặt: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Văn kiện Đại hội X khẳng định: “Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển và được đầu tư nhiều hơn. Cơ sở vật chất được tăng cường. Quy mô đào tạo mở rộng,... Trình độ dân trí được nâng lên”.

Cùng với củng cố kết quả xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã được triển khai tích cực, đến hết năm 2005 có 30 tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Số học sinh trung cấp chuyên nghiệp tăng 15,1%/năm và dạy nghề dài hạn tăng 12%/năm, sinh viên đại học và cao đẳng tăng 8,4%/năm. Các trường sư phạm từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố và phát triển. Chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực. Bước đầu đã hình thành mạng lưới dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, người tàn tật, gắn dạy nghề với tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo.

Đổi mới giáo dục đang được triển khai từ giáo dục mầm non, phổ thông, dạy nghề đến cao đẳng, đại học. Nhiều trường dân lập, tư thục bậc đại học, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông và dạy nghề đã được thành lập. Đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng lên đáng kể. Năm 2005, chi cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 18% tổng chi ngân sách Nhà nước; đã huy động được nhiều nguồn vốn khác để phát triển giáo dục thông qua phát hành công trái giáo dục, đóng góp của dân cư, của doanh nghiệp, vốn từ nước ngoài. Cơ sở vật chất của ngành được tăng cường, đặc biệt là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, giáo dục nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập mà đáng quan tâm nhất là chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp, đặc biệt ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trong ba nhiệm vụ của giáo dục: “dạy chữ”, “dạy nghề” và “dạy người”, mới tập trung chủ yếu vào việc “dạy chữ”, chưa chú ý đầy đủ tới việc “dạy người”. Một số biểu hiện tiêu cực, thiếu kỷ cương chậm được khắc phục đang gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Văn kiện Đại hội X chỉ rõ, chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp. Quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực trong giáo dục còn yếu kém; khả năng chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên ít được bồi dưỡng, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên còn yếu. Chương trình, phương pháp dạy và học còn lạc hậu, nặng nề, chưa thật phù hợp. Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa cân đối với giáo dục trung học phổ thông. Đào tạo nghề còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Việc xã hội hoá giáo dục được thực hiện chậm, thiếu đồng bộ. Công tác giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, chất lượng thấp; chưa quan tâm đúng mức phát triển giáo dục và đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo chậm đổi mới và còn nhiều bất cập. Thanh tra giáo dục còn nhiều yếu kém; những hiện tượng tiêu cực, như bệnh thành tích, thiếu trung thực trong đánh giá kết quả giáo dục, trong học tập, tuyển sinh, thi cử, cấp bằng và tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan kéo dài, chậm được khắc phục.

Như vậy, trên con đường “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”, giáo dục - đào tạo đứng trước những yêu cầu, thử thách to lớn, cần phải được đổi mới một cách toàn diện, phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Đối với giáo dục, khi nước ta đã gia nhập WTO sẽ có những thuận lợi, giúp chúng ta nhanh chúng tiếp cận với các nguồn tri thức và thông tin khổng lồ phục vụ cho học tập, nghiên cứu. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển giáo dục trên các mặt quy mô, chất lượng, hiệu quả; tiếp cận với hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới  sẽ tạo điều kiện nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa, tạo cho mọi người có nhiều cơ hội học tập; đồng thời có thể tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng tiếp nhận các chuẩn quốc tế; sớm đưa giáo dục nước ta lên trình độ tiên tiến. Giáo dục đang có nhiều thay đổi, nhất là giáo dục đại học, sẽ là cơ hội để giáo dục của nước ta có điều kiện học tập, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực quản lý và tạo điều kiện cho mọi người hưởng thụ giáo dục.

Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế và gia nhập WTO, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là do trình độ của nền kinh tế và khoa học - kỹ thuật của ta còn thấp, nên không đủ sức cạnh tranh với sự thu hút và xâm nhập của giáo dục đại học các nước; quan trọng hơn là làm thế nào để trong quá trình hội nhập vừa tiếp thu được tinh hoa trí tuệ của loài người, nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, giữ vững bản sắc văn hoá Việt Nam, thể hiện rõ nét nền giáo dục-đào tạo Việt Nam. Phải làm sao bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, công bằng xã hội trong giáo dục; bảo vệ  quyền lợi của người học không bị xâm phạm, bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị truyền thống không bị phai nhạt... Đây là cuộc đấu tranh đầy khó khăn và phức tạp.

Như vậy, khi gia nhập WTO, với cơ hội lớn và thách thức không nhỏ, có rất nhiều việc cần phải làm. Đối với giáo dục phải  thực hiện tốt đường lối của Đảng trong quá trình hội nhập kinh t? quốc tế mới có thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kết quả.

Đảng  ta đã khẳng định: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một hướng chính của đầu tư phát triển. Phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; bồi dưỡng, đào tạo những con người vừa có bản lĩnh, cốt cách, tâm hồn Việt Nam, gắn bó với CNXH, với quá trình phát triển của đất nước, vừa có kiến thức văn hoá, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp ngang tầm thời đại. Mở rộng quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, gắn học với hành, tài với đức. Giáo dục phải vừa gắn chặt với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Đó là những định hướng rất cơ bản để tiếp tục đổi mới nền giáo dục nước nhà trong những năm tới, phấn đấu đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển và vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đảng ta rất chú trọng vai trò của giáo dục và đào tạo, khẳng định giáo dục và đào tạo là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng XHCN; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chú ý phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể cạnh tranh và góp phần đào tạo nguồn nhân lực hội nhập khu vực và quốc tế.

Để thực hiện được việc đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta cần làm tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Đổi mới cơ cấu tổ chức và hoàn thiện hệ thống giáo dục và đào tạo. Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên.

Trong những năm tới, đất nước càng phát triển thì nhu cầu học tập của nhân dân ta ngày càng to lớn và phong phú. Xây dựng và phát triển hệ thống học tập suốt đời, xây dựng cả nước là một xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng, một công việc to lớn có vai trò quan trọng nhằm phát huy nguồn lực con người. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao nhận thức, đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục, làm cho giáo dục và đào tạo không đóng kín trong nhà trường mà có thể tiến hành thông qua nhiều cách thức tổ chức phong phú, linh hoạt: tổ chức đào tạo liên thông, mềm dẻo, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người cần gì học nấy, học thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống.

Đầu tư nguồn lực một cách có trọng tâm, trọng điểm để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Thực hiện nghiêm túc chương trình, sách giáo khoa mới, có giải pháp tốt để tăng thời gian học tập ở trường, khắc phục tình trạng quá tải. Thực hiện tốt chương trình phân ban và làm quen dần với các chương trình tự chọn ở  bậc trung học phổ thông. Tập trung nguồn lực cho các tỉnh khó khăn để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010.

Chú ý phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dạy nghề, nhất là các nghề cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp và trực tiếp phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hoá các loại hình dạy nghề, phát triển nhanh đào tạo nghề dài hạn theo hướng hiện đại, chú ý dạy nghề cho xuất khẩu lao động, cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần xoá đói giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương cơ sở vững mạnh.

Đổi mới hệ thống giáo dục đại học và sau đại học theo hướng gắn đào tạo với sử dụng, gắn kết có hiệu quả nghiên cứu khoa học với đào tạo giữa trường đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp. Đổi mới quy trình đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo cử nhân cao đẳng (cả số lượng và chất lượng), đào tạo cử nhân tài năng.

Tập trung sức xây dựng và hoàn thiện hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng. Đây là nội dung công việc mới của giáo dục nước ta, do đó cần đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác cho lĩnh vực này. Xây dựng các chuẩn mực và công khai hoá các chuẩn mực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nền nếp kỷ cương trong các cơ sở giáo dục.

Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước, đồng thời huy động được tốt nhất sự đóng góp vật chất và trí tuệ của xã hội, của toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, khắc phục mọi biểu hiện vụ lợi trong giáo dục, đào tạo.

2. Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục.Yêu cầu trước mắt là cần nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm hiện nay, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế giáo dục theo tinh thần cải cách hành chính, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của pháp chế XHCN trong lĩnh vực giáo dục. Từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của nhà trường đi đôi với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Phát huy dân chủ trong thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ về giáo dục; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Lấy việc quản lý chất lượng làm nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng việc kiểm soát, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Khẩn trương nghiên cứu và tiến hành đổi mới một cách đồng bộ công tác quản lý chất lượng giáo dục, tiếp cận các phương thức quản lý hiện đại, phù hợp với thực tiễn nước ta. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn quốc gia về giáo dục, làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng ở tất cả các khâu trong quá trình giáo dục và đối với tất cả các loại hình nhà trường.

3. Đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo. Đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục, phát huy tính tích cực và năng lực chủ động, sáng tạo của người học, thực hiện một cách cân đối, hợp lý việc dạy kiến thức - dạy nghề - dạy người, trên cơ sở lấy dạy người làm căn bản, nhằm đào tạo những con người có nhân cách và bản lĩnh, có đủ kiến thức cần thiết, có tay nghề vững vàng phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

PGS,TS. Nghiêm Đình  Vỹ

Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)