QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:33 (GMT+7)
Đổi mới công tác huấn luyện - yếu tố quan trọng để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội pháo binh

Binh chủng Pháo binh được thành lập ngày 29-6-1946. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn liền với sự lớn mạnh của quân đội, bộ đội Pháo binh đã phát triển không ngừng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Do giành được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, bộ đội Pháo binh đã được Bác Hồ khen tặng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và Binh chủng được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1976). Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng tiếp tục được phát huy; nhờ vậy, Binh chủng giành được nhiều chiến công mới trên tất cả các mặt công tác. Binh chủng đã vinh dự được đón nhận Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc Lập do Nhà nước tặng; 65 tập thể, 13 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những năm gần đây, quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, bộ đội Pháo binh đã tích cực, chủ động kiện toàn tổ chức, biên chế; đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Binh chủng và các đơn vị vững mạnh toàn diện. Hai năm qua, công tác huấn luyện của bộ đội Pháo binh tiếp tục có sự chuyển biến toàn diện, có mặt mang tính đột phá. Năm 2006, Binh chủng đã chỉ đạo một lữ đoàn diễn tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); một lữ đoàn diễn tập tiếp nhận đủ quân dự bị động viên; một tiểu đoàn hành quân cơ động qua các địa hình phức tạp (riêng tổ chức vượt sông do công binh đảm nhiệm). Đặc biệt, trong năm 2007, bên cạnh việc tham gia diễn tập HN-07 và TN-07 do Bộ Quốc phòng tổ chức, Binh chủng còn tổ chức diễn tập Chỉ huy-cơ quan chiến dịch một bên hai cấp có thực binh. Tham gia cuộc diễn tập này bao gồm lực lượng của hầu hết khối cơ quan và các đơn vị trực thuộc Binh chủng; trong đó, một lữ đoàn thực binh cơ động đường dài, một lữ đoàn thực binh tiếp nhận lực lượng dự bị động viên theo đúng đặc điểm, yêu cầu thời chiến. Đây thực sự là một cuộc tổng kiểm tra quy mô lớn (những năm trước đây chưa có điều kiện tổ chức) nhằm nhiều mục đích, trước hết là để đánh giá trên thực tế năng lực, trình độ chỉ đạo, tổ chức, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp; trình độ của đội ngũ lái xe và nhân viên chuyên môn kỹ thuật; khả năng hiệp đồng bảo đảm, tác chiến của các phân đội. Mặt khác, cuộc diễn tập còn nhằm đánh giá lại chất lượng của xe, pháo, khí tài, đạn dược và khả năng bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật. Cùng với việc chăm lo xây dựng, huấn luyện, diễn tập lực lượng pháo binh dự bị, Binh chủng luôn quan tâm chỉ đạo, theo dõi công tác huấn luyện của các đơn vị pháo binh biên chế tại các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân và pháo binh của lực lượng vũ trang địa phương, góp phần làm cho chất lượng huấn luyện ở các đơn vị này từng bước đi vào chiều sâu, sát yêu cầu thực tiễn.

Cũng như các binh chủng, quân chủng bạn, việc phải sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh cục bộ sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) đang đặt ra cho bộ đội Pháo binh những yêu cầu mới rất nặng nề. Để pháo binh hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra) với vai trò là hỏa lực chủ yếu của lục quân, hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội, Binh chủng và các đơn vị pháo binh trong toàn quân phải tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện một cách toàn diện.

Trước hết, cần kết hợp giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ địch, kể cả trong điều kiện chúng sử dụng VKCNC ngay trong quá trình huấn luyện.

Qua một số cuộc chiến tranh sử dụng VKCNC gần đây, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cán bộ, chiến sĩ pháo binh chưa thật tin tưởng vào vũ khí, trang bị hiện có, do đó, chưa có niềm tin trong huấn luyện. Thực tế cho thấy, dù huấn luyện đúng, đủ nội dung, song nếu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không được coi trọng đúng mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả huấn luyện, SSCĐ. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần và phải là nội dung gắn liền với huấn luyện, xuyên suốt trong quá trình huấn luyện. Bên cạnh việc tổ chức giáo dục theo nội dung chương trình đã xác định, phải tiến hành giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên ngay trong từng khoa mục huấn luyện; làm cho bộ đội hiểu rõ ý nghĩa chính trị của các hành động chiến đấu, qua đó mà nâng cao quyết tâm huấn luyện thành thục các khoa mục đặt ra. Hiện nay, do đòi hỏi của thực tiễn, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không đơn giản là động viên bộ đội; nó cần bắt đầu từ việc nâng cao sự hiểu biết về các tri thức quân sự mới cho bộ đội, làm cho bộ đội thấy được VKCNC có nhiều tính năng vượt trội, nhưng không phải là “bất khả chiến bại” như những nhà lý luận quân sự do ảnh hưởng của “thuyết vũ khí luận” truyền bá. VKCNC đã từng được kẻ địch sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng rốt cuộc, con người vẫn là yếu tố quyết định. Trong chiến tranh tương lai, luận điểm đó vẫn không hề thay đổi. Nếu bộ đội Pháo binh tập trung huấn luyện, thực sự làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nắm vững và vận dụng sáng tạo cách đánh trên nền tảng nghệ thuật quân sự Việt Nam và phát huy truyền thống “bám chắc-luồn tài”, “luồn sâu-đánh hiểm”, “lên cao-vào gần”... thì chắc chắn sẽ làm cho VKCNC của địch không thể phát huy hết tác dụng. Đó là nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng có sức thuyết phục cao, từ đó giải quyết được những băn khoăn về tư tưởng, từng bước xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ niềm tin vào vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế và khi được tăng cường, có tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao trong huấn luyện, thực hiện khẩu hiệu “Quyết tâm huấn luyện như quyết tâm chiến đấu”.

Huấn luyện pháo binh liên quan đến xe, pháo, khí tài, đạn dược và gắn liền với thao trường, bãi tập. Mỗi một nội dung huấn luyện đòi hỏi nhiều công sức bảo đảm, chuẩn bị. Trong điều kiện như vậy, nếu không được chuẩn bị tư tưởng tốt, bộ đội rất dễ nảy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ. Do đó phải chú ý giáo dục chính trị, tư tưởng, nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện và tổ chức nhiều hoạt động thi đua trong huấn luyện, làm cho khẩu hiệu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” tiếp tục đồng hành với nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ.

Từ khi nhận lệnh đến khi đưa quả đạn pháo, tên lửa tới đích là công sức của cả một tập thể. Vì vậy, việc giáo dục chính trị, tư tưởng còn phải chú ý xây dựng đức tính trung thực, tinh thần đoàn kết hiệp đồng, tương trợ giúp đỡ nhau; tránh biểu hiện ganh đua, cục bộ, chỉ biết nhiệm vụ, lợi ích của đơn vị mình, xem nhẹ hoặc thiếu sự quan tâm đến nhiệm vụ của đơn vị khác, kể cả đơn vị binh chủng hợp thành.

Như vậy, giáo dục chính trị, tư tưởng trong huấn luyện không tách rời giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên. Dưới góc độ huấn luyện, mặt công tác này vừa là sự định hướng, vừa là quá trình cải tạo tư tưởng, như Bác Hồ từng dạy: Huấn luyện phải chú trọng cải tạo tư tưởng. Mỗi cán bộ khi huấn luyện, không phân biệt quân sự hay chính trị, đều phải kết hợp chặt chẽ giữa truyền thụ tri thức quân sự với giáo dục tư tưởng, làm cho bộ đội thấy được: huấn luyện để làm gì, vì sao phải huấn luyện, pháo binh không tuân thủ chặt chẽ việc huấn luyện cơ bản thì sẽ dẫn đến hậu quả gì, v.v. Làm được điều đó là bộ đội Pháo binh góp phần đưa cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng, huấn luyện và SSCĐ.

Đi đôi với việc kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong huấn luyện, pháo binh toàn quân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện về nội dung và công tác tổ chức huấn luyện.

Pháo binh là binh chủng kỹ thuật, chiến đấu bằng hỏa lực và hành động mang tính tập thể cao. Nhiều nội dung chiến đấu pháo binh đòi hỏi phải có sự huấn luyện công phu, dài ngày của cá nhân, phân đội. Trong khi đó, thời gian huấn luyện đối với từng khoa mục phải rút ngắn do thời gian phục vụ tại ngũ của chiến sĩ chỉ còn 18 tháng. Để giải quyết được mâu thuẫn ấy, bộ đội Pháo binh phải tích cực đổi mới công tác huấn luyện, trước hết là đổi mới về tư duy huấn luyện, chuyển từ huấn luyện hành động, sang hướng dẫn tự nghiên cứu hành động; giảm tối đa thời gian huấn luyện lý thuyết và huấn luyện ở giảng đường, tăng huấn luyện thực hành gắn với thao trường, bãi tập. Muốn thực hiện tốt những vấn đề đó, việc xây dựng nội dung, chương trình phải đi trước một bước. Yêu cầu đặt ra là, nội dung huấn luyện phải toàn diện nhưng tập trung, có trọng tâm, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ và tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại pháo, cối, tên lửa. Trong nội dung huấn luyện thời gian tới, pháo binh phải đặc biệt chú trọng đến huấn luyện cơ động (cả cơ động hỏa khí và cơ động hỏa lực), lấy cơ động, dịch chuyển cự ly ngắn là chính, thực hiện huấn luyện cơ động để đánh địch và đánh địch để cơ động; đồng thời, coi trọng huấn luyện cả kỹ thuật và chiến thuật ngụy trang, nghi binh. Với các đơn vị pháo binh đóng quân ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cần xen kẽ hợp lý giữa huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu với huấn luyện ứng dụng; nhất là huấn luyện cách tháo rời pháo, cối, hỏa tiễn... đặt trên ghe, xuồng, bè mảng để tác chiến phù hợp với địa hình kênh rạch, sông nước trên địa bàn.

Bên cạnh việc đổi mới nội dung là đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện theo hướng: giảm thời gian ở cơ quan, dành nhiều thời gian cho cơ sở; lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, chủ động cùng đơn vị tổ chức thực hiện công tác huấn luyện, nhất là tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Đổi mới công tác tổ chức huấn luyện, một mặt, tạo ra sự hài hòa giữa huấn luyện trí lực và thể lực, giữa huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật; mặt khác, bảo đảm xoay vòng huấn luyện hợp lý, tận dụng tối đa vật chất tiêu hao, nâng cao hiệu quả huấn luyện.

Cùng với những vấn đề trên, để thích ứng với điều kiện tác chiến hiện đại trong tương lai, pháo binh cần vận dụng triệt để phương pháp tiến hành đồng thời, song song các hành động của cá nhân, phân đội từ đài quan sát đến sở chỉ huy và trận địa bắn, bảo đảm rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị bắn, chỉ huy bắn, sửa bắn và nắm kết quả bắn. Muốn làm tốt điều này, ngoài việc giáo dục, quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng ý chí quyết tâm, cần có các biện pháp tác động vào tâm lý bộ đội bằng cách sử dụng đạn nổ nhiều lần, kết hợp bộc phá, lựu đạn, tạo ra không khí chiến trường sát gần với thực tế; đồng thời, tăng cường huấn luyện xử trí các tình huống, đặc biệt là khi huấn luyện chiến thuật tổng hợp, như: máy bay địch tập kích vào trận địa; pháo binh, tên lửa của địch bắn phá vào đội hình hành quân, v.v. Có như vậy, công tác huấn luyện mới đi vào chiều sâu, bám sát thực tế chiến đấu, góp phần nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, SSCĐ của bộ đội Pháo binh, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ BVTQ đang đặt ra hiện nay.

Thiếu tướng Vũ Thanh Lâm

Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

 

Ý kiến bạn đọc (0)