Thứ Sáu, 25/04/2025, 01:18 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Với nhận thức: để tăng cường tiềm lực QP-AN địa phương ngày càng vững mạnh, thì trước hết phải làm tốt công tác giáo dục QP-AN, nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, trực tiếp là tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ QP-AN. Theo đó, những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng Giáo dục QP-AN Quân khu 3, tích cực triển khai công tác giáo dục QP-AN, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, cơ sở. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN (BDKTQP-AN) cho các đối tượng có sự đổi mới mạnh mẽ, theo hướng “toàn diện, cơ bản, thống nhất”, với mục tiêu lấy chất lượng làm chính, kết hợp với chú trọng mở rộng đối tượng bồi dưỡng. Quá trình đổi mới công tác này của tỉnh diễn ra liên tục từ năm 2001 đến nay; có thể chia thành hai giai đoạn: từ năm 2001- 2005 và từ năm 2005 đến nay. Trong giai đoạn 2001- 2005, Tỉnh tập trung BDKTQP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành (theo phân cấp); từ năm 2005 đến nay, Tỉnh chú trọng mở rộng đối tượng bồi dưỡng, kết hợp với tiếp tục bồi dưỡng cho số cán bộ chủ chốt còn lại. Trong ba năm (2005- 2008), Tỉnh đã tổ chức 271 lớp BDKTQP-AN cho 20.066 lượt người; trong đó, cán bộ thuộc đối tượng 2, 3, 4, 5 là 247 lớp, gồm 17.961 người; chuyên viên cấp huyện: 2 lớp, 243 người; cán bộ phòng, chuyên viên, phóng viên cơ quan báo, đài của Tỉnh: 3 lớp, 175 người; già làng, trưởng bản: 5 lớp, 410 người; chủ hộ gia đình các xã biên giới, biển đảo: 12 lớp, 1.119 người; chức sắc, chức việc tôn giáo: 2 lớp, 95 người; bí thư (phó bí thư), giám đốc (phó giám đốc) các công ty ngành than: 46 người; tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho giáo viên môn giáo dục quốc phòng các trường trung học phổ thông: 3 lớp, 113 người. Đến nay, Tỉnh đã tổ chức 4 khóa đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) cho 296 đồng chí; 3 khóa đào tạo sĩ quan dự bị chính trị cho 180 đồng chí. Hiện nay, Tỉnh đang tổ chức lớp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp quân sự cho 70 đồng chí (thực hiện Nghị định 104/2008/ NĐ-CP của Chính phủ). Những kết quả đạt được nêu trên phản ánh sự nỗ lực của tỉnh trong công tác giáo dục, BDKTQP-AN. Năm 2008, Quảng Ninh được Quân khu đánh giá là một trong số các địa phương tiêu biểu của Quân khu về thực hiện công tác này.
Có thể khái quát sự đổi mới trong công tác BDKTQP-AN của Tỉnh thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
1-Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục QP-AN, trọng tâm là BDKTQP-AN cho các đối tượng. Thực tiễn ở Quảng Ninh và một số tỉnh của Quân khu 3 cho thấy, đây là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng công tác BDKTQP-AN. Trước đây, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác BDKTQP-AN vẫn được thực hiện, nhưng chưa thật thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả; nhìn chung việc tổ chức thực hiện vẫn do sự chủ động của cơ quan quân sự là chính. Nhưng từ khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về công tác giáo dục QP-AN (năm 2001), tình hình đó đã được khắc phục và có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong những năm gần đây, quán triệt và thực hiện Chỉ thị 12- CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 116/ 2007/NĐ-CP của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhờ đó đã tạo bước phát triển mới trong công tác BDKTQP-AN. Chấp hành Chỉ thị 06-CT/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, cấp ủy các cấp đã tổ chức nghiêm túc việc quán triệt chỉ thị; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với công tác giáo dục QP-AN, giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên và quy định thống nhất công tác kiểm tra, tổng kết, thi đua-khen thưởng...; đồng thời cũng xác định việc tham gia BDKTQP-AN là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và là một tiêu chí để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Tiếp đó, Tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Giáo dục QP-AN Tỉnh và huyện (thành phố, thị xã) kiện toàn tổ chức theo hướng bổ sung ủy viên là cán bộ chủ trì các ban, ngành, đoàn thể có liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục QP-AN; bổ sung quy chế hoạt động, chương trình 5 năm, kế hoạch công tác; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, nhất là cơ quan thường trực (cơ quan quân sự) và bộ phận giúp việc (Ban Dân quân- Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh). Để BDKTQP-AN cho cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp bảo đảm đúng đối tượng, không bị sót đối tượng, hằng năm, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy (thành ủy, thị ủy) tiến hành khảo sát, báo cáo, đề xuất với Hội đồng Giáo dục QP-AN cùng cấp; trên cơ sở đó, Hội đồng xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng. Việc ra quyết định triệu tập cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy (thành ủy, huyện ủy) trực tiếp thực hiện. Với cách làm đó, công tác BDKTQP-AN cho các đối tượng của Tỉnh được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp (trong nhiệm kỳ công tác) đã hoàn thành chương trình BDKTQP-AN theo quy định; Tỉnh hiện đang tiến hành mở rộng bồi dưỡng đến các đối tượng cán bộ khác.
2-Đổi mới phương pháp tổ chức BDKTQP-AN cho các đối tượng, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về số lượng gắn với bảo đảm chất lượng bồi dưỡng. Theo quy định của Nghị định Chính phủ về phân cấp bồi dưỡng, Tỉnh chịu trách nhiệm BDKTQP-AN cho cán bộ thuộc diện đối tượng 3, 4 và 5; với đối tượng 2 và 1 do Quân khu và Bộ Quốc phòng đảm nhiệm (tại Trường Quân sự Quân khu và Học viện Quốc phòng). Tuy nhiên, với đối tượng 2, nếu chỉ trông chờ và thực hiện một cách “máy móc” theo chỉ tiêu trên giao thì sẽ không thể đảm bảo được yêu cầu về số lượng bồi dưỡng đối với cán bộ thuộc đối tượng này; điều đó sẽ hạn chế đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN của địa phương. Vì thế, ngay từ năm 2003, Tỉnh đã chủ động khắc phục bằng cách phối hợp với Trường Quân sự Quân khu tổ chức các lớp BDKTQP-AN tại địa phương. Trong đó, Trường Quân sự Quân khu đảm nhiệm khâu giáo viên, còn Tỉnh đảm bảo các điều kiện cần thiết cho lớp học (kinh phí, vật chất, nơi ăn, ở...), tham gia giảng dạy một số chuyên đề bổ trợ và thực hành. Thực ra, cách làm này không hoàn toàn mới (vì cùng thời điểm đó, một số địa phương trong Quân khu cũng đang thực hiện), nhưng điểm mới của Quảng Ninh là ở chỗ: thứ nhất, BCHQS Tỉnh trực tiếp tổ chức lớp học (không giao cho Trường Quân sự Tỉnh như một số địa phương) và duy trì học viên học tập, sinh hoạt tập trung trong suốt khóa học; thứ hai, ngay trong khóa học, học viên được tham quan diễn tập khu vực phòng thủ, hoặc diễn tập chuyên ngành tại địa phương, nhờ đó việc gắn lý thuyết với thực hành sẽ có tác dụng thiết thực, hiệu quả; thứ ba, về chương trình, có sự bổ sung một số chuyên đề bổ trợ phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ QP-AN của địa phương, do giáo viên của Tỉnh đảm nhiệm.
Với đối tượng 3 (đối tượng do Tỉnh trực tiếp bồi dưỡng theo phân cấp), Tỉnh cũng tổ chức các lớp BDKTQP-AN theo cách thức tương tự; tức là tổ chức tại các huyện (thành phố, thị xã), mỗi địa phương một lớp. Sau khi đã hoàn thành cơ bản về số lượng cán bộ bồi dưỡng, gần đây Tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng tập trung tại Trường Quân sự Tỉnh cho số cán bộ còn lại của các địa phương. Điểm cần đề cập trong công tác BDKTQP-AN cho đối tượng này là Tỉnh hết sức coi trọng việc xây dựng và nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ giáo viên. Căn cứ vào giáo trình của Bộ (gồm 8 chuyên đề), ngoài chuyên đề về an ninh do Công an đảm nhiệm, để thực hiện các chuyên đề về quốc phòng, quân sự, BCHQS Tỉnh đã nghiên cứu, lựa chọn tổ chức các tổ giáo viên (nòng cốt là cán bộ, giáo viên Trường Quân sự và phòng Chính trị-BCHQS Tỉnh), mỗi tổ (có 2-3 giáo viên) phụ trách một chuyên đề. BCHQS Tỉnh duy trì nghiêm túc chế độ thông qua đề cương, bài giảng, giảng thử và tham dự các buổi lên lớp của giáo viên để qua đó kịp thời rút kinh nghiệm đối với giáo viên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng BDKTQP-AN cho đối tượng 3 luôn được đảm bảo; đặc biệt, chương trình, nội dung bảo đảm được tính “cơ bản, thống nhất và chuyên sâu”.
3-Tích cực mở rộng đối tượng BDKTQP-AN phù hợp đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ QP-AN của địa phương.
Sau khi đã hoàn thành cơ bản việc BDKTQP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, từ năm 2005, Tỉnh chủ trương mở rộng bồi dưỡng tới các đối tượng khác. Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, với tinh thần: tích cực, nhưng không mở rộng một cách tràn lan, việc xác định đối tượng bồi dưỡng phải căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ QP-AN của mỗi địa phương. Quảng Ninh là tỉnh biên giới, ven biển, tình hình QP-AN ở khu vực này thường xuyên có diễn biến phức tạp, vì thế Tỉnh đã chỉ đạo các huyện biên giới, ven biển và đảo tập trung BDKTQP-AN cho các đối tượng: già làng, trưởng bản; chủ hộ gia đình các xã biên giới, biển đảo; chủ các phương tiện (tàu, thuyền) hoạt động sản xuất kinh doanh và du lịch trên biển. Quảng Ninh cũng là tỉnh thực hiện BDKTQP-AN cho đối tượng này sớm nhất của Quân khu 3. Đối với các huyện trong nội địa có đông đồng bào tôn giáo, Tỉnh chỉ đạo tập trung BDKTQP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo và chủ hộ gia đình có đạo. Cùng với đó, các đối tượng khác, như: chuyên viên, cán bộ phòng cấp huyện, tỉnh; cán bộ ngành than và các doanh nghiệp, công ty có 100% vốn nước ngoài (Quảng Ninh là đơn vị điểm của Quân khu về xây dựng lực lượng tự vệ trong khối doanh nghiệp này), phóng viên cơ quan báo, đài của Tỉnh…, được chú trọng BDKTQP-AN. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009, Tỉnh và các địa phương trong Tỉnh đã tổ chức được 13 lớp BDKTQP-AN cho 858 người, kết quả đạt khá; trong đó đối tượng 3: 4 lớp,161 người; đối tượng 4: 2 lớp, 85 người; đối tượng 5: 2 lớp, 111 người; chủ hộ gia đình các xã biên giới, biển đảo: 4 lớp, 450 người; chủ hộ gia đình Công giáo: 1 lớp, 51 người.
Cùng với việc đẩy mạnh đổi mới BDKTQP-AN, mở rộng đối tượng bồi dưỡng, công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên và toàn dân của Tỉnh được triển khai tích cực, hiệu quả; trong đó có sự đổi mới về công tác chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện và hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục QP-AN. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Tỉnh.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, sáng tạo, công tác giáo dục QP-AN nói chung, BDKTQP-AN của Tỉnh nói riêng đã ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ QP-AN, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở địa phương trong tình hình mới.
Đại tá NGUYỄN VIỆT DĨNH
Chính ủy BCHQS Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011