QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:51 (GMT+7)
Đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

Đại đa số đồng bào tôn giáo nước ta đều là nhân dân lao động, yêu nước, luôn đoàn kết, gắn bó và có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Sự đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo hiện nay ở Việt Nam là minh chứng hùng hồn bác bỏ những luận điệu sai trái, bịa đặt, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở nước ta của các thế lực thù địch.

 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bởi truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc. Bởi vậy, họ không chỉ có đức tin và sự cố kết với tôn giáo của mình, mà luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Hiện nay, nước ta có 12 tôn giáo với 32 tổ chức đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân; hoạt động hợp pháp dưới sự bảo hộ của pháp luật (có 6 tôn giáo ngoại nhập và 6 tôn giáo nội sinh). Thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc (trong đó có đoàn kết tôn giáo) là việc làm có ý nghĩa quyết định để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là bài học quý báu mà ông cha ta đã tổng kết được trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ, thời nào các bậc minh quân khéo biết dùng chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc thì đất nước thái bình, thế nước vững như “Âu vàng”. Ngay khi bắt tay vào xây dựng nền độc lập cho quốc gia Đại Việt, vua Đinh Tiên Hoàng đã biết phát huy Phật giáo ở cả khía cạnh trí tuệ và cố kết nhân tâm, để đoàn kết, phò Vua, chống giặc, giúp nước. Vua đã phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, chức đứng đầu các sư cả nước; sau lại phong là Khuông Việt Đại sư, nghĩa là bậc Đại sư khuông phò nước Việt nhằm tôn vinh, khích lệ sự cống hiến của ông đối với đất nước. Thời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc đạo và đã có công lớn trong việc cố kết nhân tâm và vun bồi trí đức; nhờ đó mà dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, đánh tan những đội quân xâm lược mạnh nhất đương thời. Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc đã trở thành tư tưởng xuyên suốt, một chiến lược cách mạng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm trên thực tế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đoàn kết tôn giáo; hoà hợp dân tộc. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Người đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đã là người Việt Nam, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, dù theo tôn giáo nào thì đều chung một dân tộc, đều là con cháu của dòng dõi Lạc-Hồng, vì vậy, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề tất yếu, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Tư tưởng đoàn kết của Người không chỉ xuất phát từ thực tế của đất nước, mà từ kinh nghiệm xương máu trong truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, từ tinh hoa văn hoá của nhân loại, từ lý luận học thuyết Mác - Lê-nin. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” là sức mạnh chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ; là sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Trong mối quan hệ giữa dân tộc và nhân dân, Bác Hồ đã dạy: đất nước có độc lập thì nhân dân mới được tự do. Đối với tôn giáo, Người cũng đã chỉ rõ: “…hơn ai hết, đồng bào công giáo càng mong cho Tổ quốc được độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do…”2.

Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này được thể hiện rõ trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tại Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”3. Nghị quyết 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX), xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Hiến pháp nước ta qua các thời kì đã ghi rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 70, Hiến pháp 1992 đã ghi: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo đều được pháp luật bảo hộ”. Đặc biệt, Pháp lệnh về Tín ngưỡng, tôn giáo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá IX) thông qua ngày 18-6-2004 và được Chủ tịch Nước ký lệnh công bố ngày 29-6-2004 tiếp tục khẳng định: tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta. Sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo; tạo sự phấn khởi trong đại đa số đồng bào tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta. Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã làm cho “lòng dân, ý Đảng” hoà quyện, tạo nên sức mạnh vô địch trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Những năm qua, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, xu hướng chủ đạo trong đời sống hoạt động của các tôn giáo là gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng nên đường hướng hành đạo tiến bộ, như: “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin lành Việt Nam; “Nước vinh, đạo sáng” của Cao Đài… vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại. Trên thực tế, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển; các cơ sở thờ tự tôn giáo không ngừng được sửa chữa khang trang; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo được tạo mọi điều kiện sinh hoạt, học tập, hoạt động tôn giáo theo tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và quy định của pháp luật; đồng bào là tín đồ các tôn giáo ngày càng yên tâm, tin tưởng, hăng hái thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc, nhất là các hoạt động xã hội, từ thiện. Qua đó, các tôn giáo đã góp phần cùng chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh; nhất là, chăm lo cho người nghèo, những người có công với nước, người già cô đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, xây dựng Nhà Tình thương, Nhà Đại đoàn kết; chăm lo giúp đỡ người bị bệnh phong, nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cứu trợ thiên tai, tai nạn… Các hoạt động bình thường vừa “tốt đời”, vừa “đẹp đạo” của các tôn giáo thời gian qua đã minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam theo mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng là lời phản bác mạnh mẽ đối với những luận điệu cho rằng: “ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, “Việt Nam vi phạm quyền tự do, tôn giáo”…

Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế với những thời cơ, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” hòng phá hoại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng ra sức sử dụng chiêu bài “tự do tôn giáo” để kích động mâu thuẫn tôn giáo; lợi dụng một số thiếu sót của đội ngũ cán bộ các cấp trong ứng xử với tín đồ tôn giáo… để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của nhân dân ta.

Đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược cách mạng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, tạo điều kiện để mọi chức sắc, tín đồ các tôn giáo một lòng cùng toàn dân xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, trước hết, cấp uỷ, chính quyền các cấp phải quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng, phương châm, phương pháp về xây dựng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải luôn coi các tín đồ tôn giáo đều là đồng bào, là công dân của nước Việt Nam XHCN. Trong ứng xử và giải quyết các vấn đề về tôn giáo, các cấp phải coi trọng việc lấy tình đồng bào, anh em, bạn bè để làm cơ sở; phải tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên các địa bàn; thực hiện tốt các phương hướng, nguyên tắc, phương châm, phương pháp, hình thức công tác tôn giáo của Đảng, trong đó cốt lõi là công tác vận động quần chúng; thường xuyên quan tâm giúp đỡ, động viên, khuyến khích các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho đồng bào các tôn giáo thấy rõ sự ưu việt của chế độ XHCN, sự đúng đắn của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nói chung, về tôn giáo, công tác tôn giáo nói riêng; từ đó, nâng cao nhận thức của các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo về những vấn đề xã hội, về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để hòng gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu thế và lực của đất nước...

Ba là, các cấp, các ngành cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác tôn giáo nói riêng “vừa hồng, vừa chuyên”. Đạo đức cách mạng trong sáng, sự gương mẫu, tận tuỵ của người cán bộ sẽ làm cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thêm tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và sự thắng lợi của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, cần hết sức tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật; luôn tôn trọng, đoàn kết các tôn giáo, không có sự phân biệt đối xử.

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận quần chúng nhân dân, còn tồn tại lâu dài cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đoàn kết tôn giáo là quan điểm, chủ trương xuyên suốt, là một chiến lược cách mạng của Đảng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy và phát huy những giá trị tích cực của mỗi tôn giáo để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

BÙI HỮU DƯỢC

Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

____________

1 - Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 4, tr. 9

2 - Sđd, tập 5, tr. 44

3 - ĐCSVN- Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 284

 

Ý kiến bạn đọc (0)