QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:29 (GMT+7)
Đoàn B.5 - Quân khu 7 thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, địa bàn an toàn

Đoàn B.5, Quân khu 7 được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo xây dựng điểm về vững mạnh toàn diện theo 5 tiêu chuẩn trong Chỉ thị 917/CT-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn coi đây là niềm vinh dự, là điều kiện thuận lợi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng Đoàn thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Cùng với việc xác định rõ những nội dung, chỉ tiêu, biện pháp, những khâu đột phá chủ yếu để thực hiện 5 tiêu chuẩn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Đoàn rất chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giúp cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch công tác PBGDPL của Quân khu, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Đoàn chủ động tham mưu cho Đảng uỷ, Chỉ huy Đoàn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo phân cấp. Đồng thời, tổ chức cho bộ đội học tập, quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân khu. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến tích cực, ngày càng tiến bộ, không còn tình trạng vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nền nếp chính quy được duy trì thường xuyên trong học tập, sinh hoạt cũng như khi hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng địa bàn an toàn.

Để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, Đoàn luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho cấp ủy, cán bộ chỉ huy đơn vị và đội ngũ giáo viên, báo cáo viên. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác PBGDPL ở từng đơn vị. Bởi, cấp ủy, cán bộ chỉ huy các cấp là người trực tiếp giáo dục, quản lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh kỷ luật quân đội cho bộ đội. Do vậy, cấp ủy, người chỉ huy và đội ngũ giáo viên, báo cáo viên phải có năng lực, có kiến thức về pháp luật, làm gương sáng cho chiến sĩ noi theo.
Đảng uỷ, Chỉ huy Đoàn thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, người chỉ huy các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác PBGDPL để nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật cho đội ngũ cán bộ các cấp. Trong đó, tập trung bồi dưỡng các nội dung về Điều lệnh quản lý bộ đội, Chỉ thị 82/CT-BQP của Bộ trưởng Quốc phòng về sửa đổi một số điều trong Quyết định 2530, Chỉ thị 25/CT-TM ngày 25/5/2003 của Tổng Tham mưu trưởng “Về quản lý, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trong quân đội”, nội dung cơ bản về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Giao thông đường bộ; Chỉ thị 245/CT-TL của Tư lệnh Quân khu về cuộc vận động “7 không” (không uống rượu, bia; không đào ngũ, vắng mặt trái phép; không vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; không để xảy ra tai nạn giao thông; không để xảy ra mất an toàn trong đơn vị; không có cán bộ quân phiệt với cấp dưới và chiến sĩ; không hút thuốc lá…). Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch công tác, Đoàn chỉ đạo các cấp ủy ra nghị quyết chuyên đề về PBGDPL, đánh giá một cách cụ thể, đầy đủ tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của đơn vị và đề ra những giải pháp khả thi. Gắn kết chặt chẽ công tác PBGDPL với việc thực hiện Chỉ thị 235 của Thường vụ Đảng ủy Quân khu về xây dựng chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 tốt, xây dựng chi bộ các đại đội và những tiêu chuẩn xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... Thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL và hoàn thiện Quy chế hoạt động của Hội đồng để nâng cao năng lực làm tham mưu giúp cấp ủy, người chỉ huy các cấp triển khai cụ thể kế hoạch công tác PBGDPL. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị lựa chọn những cán bộ có năng lực, có khả năng nghiên cứu gửi đi bồi dưỡng, học tập nâng cao nghiệp vụ sư phạm và kiến thức pháp luật để làm giáo viên, báo cáo viên về công tác PBGDPL. Bồi dưỡng phương pháp soạn giáo án, phương pháp sư phạm, tổ chức giảng thử cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên trước khi tổ chức cho đơn vị học tập. Nhờ đó, công tác PBGDPL ở các đơn vị được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù hoạt động thực tiễn của đơn vị. Cấp ủy, người chỉ huy các cấp đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, triển khai công tác PBGDPL; nhạy bén trong phân tích, đánh giá và kịp thời đưa ra những biện pháp ngăn ngừa và xử lý khi có hành vi vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, tình trạng đào ngũ, bỏ ngũ được chấm dứt, quân nhân vắng mặt trái phép chỉ còn 0,33%, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm hẳn;…cán bộ, chiến sĩ đều xác định rõ nhiệm vụ, có ý thức phấn đấu cao.
Thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục cho phù hợp từng đối tượng, từng đơn vị, đảm bảo việc triển khai công tác PBGDPL ở cơ quan, đơn vị có chiều sâu và hiệu quả. Đoàn B.5 là đơn vị chủ lực cơ động, có nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên một hướng phòng thủ chiến lược của Quân khu 7. Các đơn vị của Đoàn đứng chân trên địa bàn rộng, phức tạp, nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa, dân cư đa dạng, nhiều tôn giáo. Bên cạnh nhiệm vụ giáo dục, huấn luyện chiến sĩ năm thứ nhất, năm thứ hai theo chương trình quy định của trên, Đoàn còn thường xuyên tiếp nhận chiến sĩ mới từ các tỉnh thuộc Quân khu 7. Tuy chất lượng chiến sĩ mới đã nâng lên, nhưng do sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc, mặt bằng dân trí các vùng, địa bàn không đều, nên có sự chênh lệch đáng kể về trình độ nhận thức. Trong khi đó, công tác giáo dục pháp luật tiếp cận những kiến thức có nội dung thường khô cứng, trừu tượng, thậm chí còn khó hiểu, khó nhớ… ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL ở đơn vị.
Nắm vững tình hình đó, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đổi mới nội dung, phương pháp truyền đạt phù hợp đối tượng giáo dục; chuẩn bị đề cương bài giảng chu đáo, có trọng tâm, trọng điểm, có liên hệ sâu sắc với tình hình chấp hành pháp luật và kỷ luật ở đơn vị. Phối hợp với Tòa án Quân sự khu vực 1- Quân khu 7 tổ chức PBGDPL theo chương trình, kế hoạch đã được Quân khu phê chuẩn gồm: Chương 23 Bộ Luật hình sự “Qui định về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân”; công tác phòng chống ma túy trong quân đội; Luật Giao thông đường bộ và biện pháp phòng chống tai nạn giao thông trong quân đội; Luật sửa đổi một số điều Luật Nghĩa vụ quân sự... Không những thế, Đoàn còn đề xuất với Quân khu đưa một số vụ án vi phạm pháp luật Nhà nước, như tội phạm hình sự, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm kỷ luật quân đội, tội đào ngũ, bỏ ngũ, thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng trong quản lý tài sản, vũ khí, trang bị kỹ thuật về xử tại đơn vị, giúp cán bộ, chiến sĩ có thêm kiến thức về pháp luật từ thực tiễn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với quản lý chặt chẽ bộ đội, nhất là ngày nghỉ cuối tuần; duy trì quân số ra ngoài doanh trại theo qui định và cử người phụ trách; tổ chức bộ phận kiểm soát quân sự kiểm tra lễ tiết, tác phong quân nhân, nếu phát hiện quân nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh. Đối với những quân nhân được nghỉ phép, thưởng phép, Đoàn chuẩn bị ô tô đưa anh em về địa phương và tổ chức quán triệt, giáo dục cho bộ đội ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và các quy định khác của Quân khu… nhằm hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm của bộ đội. Trước mỗi đợt hành quân dã ngoại, các đơn vị chủ động cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lâm thời “Ban chỉ đạo công tác dân vận” để phối hợp hoạt động. Một số huyện như Trảng Bàng, Tân Châu, Tân Biên (Tây Ninh), Phú Giáo (Bình Dương)... tổ chức các đoàn cán bộ, các cựu chiến binh tiêu biểu về thăm và động viên bộ đội, ôn lại truyền thống cách mạng của Quân khu, của đơn vị và địa phương; kể chuyện về những kỷ niệm sâu sắc trong việc thực hiện pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội… Những nhân chứng sống đó đã góp phần làm sinh động trong việc giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, điều lệnh kỷ luật và xây dựng tình đoàn kết quân dân cá nước, thực hiện quân với dân một ý chí. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã có sự chuyển biến tích cực, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “điểm” của Quân khu và Bộ Quốc phòng.
Chăm lo chu đáo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của bộ đội, xây dựng cảnh quan, môi trường trong doanh trại  “xanh- sạch- đẹp ” cũng là một giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ở Đoàn B.5. Ngoài việc đảm bảo đúng các chế độ, tiêu chuẩn theo quy định của Quân đội, Đoàn chỉ đạo các đơn vị, phân đội tận dụng tiềm năng đất đai trong khu vực đóng quân đẩy mạnh và duy trì có nền nếp phong trào tăng gia sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo tự túc rau xanh và thịt cá, thực hiện tốt Chỉ thị số 10 của Tư lệnh Quân khu về “7 không mua” trong ngành Hậu cần. Vì vậy, nhiều năm liền các chỉ tiêu định lượng cho bộ đội đều vượt tiêu chuẩn (thịt 210gr/165gr, cá 121gr/100gr/người; nhiệt lượng bình quân vượt 162Kcal/ người), quân số đảm bảo cho huấn luyện, công tác đạt bình quân 98,8%. Trên cơ sở kết quả sản xuất kinh tế có tích lũy, các đơn vị trích tiền mua sắm dụng cụ, phân bón, cây cảnh; tận dụng thời gian rảnh rỗi (các giờ nghỉ, ngày nghỉ cuối tuần) để làm vườn hoa, tạo không gian, cảnh quan môi trường trong doanh trại xanh-sạch-đẹp… hình thành những “công viên” nhỏ để bộ đội có chỗ vui chơi, nghỉ ngơi và thư giãn sau thời gian học tập, huấn luyện. Về quản lý doanh trại xanh- sạch- đẹp, Đơn vị H.71 đoạt giải xuất sắc, trở thành phong trào sâu rộng của Đoàn, được nhân rộng ra Quân khu 7 và các đơn vị bạn tham quan, học tập. 
Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chính trị các cấp và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật vào “Cuộc vận động 50”, phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”… Kết hợp các hoạt động báo tường, tọa đàm, hái hoa dân chủ… để tuyên truyền, tìm hiểu kiến thức pháp luật, tổ chức kể chuyện những gương tốt về chấp hành pháp luật, phê phán hành vi vi phạm để giáo dục bộ đội. Cơ quan chính trị của Đoàn thường xuyên thông báo những vụ việc vi phạm của quân nhân trong đơn vị và các địa phương trên địa bàn đóng quân, từ đó định hướng tư tưởng cho bộ đội. Thư viện, phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc, nhà sinh hoạt chính trị đại đội cũng được sử dụng để tuyên truyền PBGDPL; thường xuyên bổ sung đầu sách văn hóa và pháp luật, tạo điều kiện cho bộ đội tự học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức về pháp luật… Đoàn còn chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên địa bàn đóng quân kết nghĩa để hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục - thể thao... Trên cơ sở đó, phối hợp với địa phương xây dựng xã, ấp văn hóa, xây dựng “địa bàn an toàn, vành đai an toàn, đơn vị an toàn”, nhằm ngăn chặn từ xa và đẩy lùi tệ nạn xã hội, không để xâm nhập vào đơn vị.
Đại tá Lê Tấn Hùng
Chính ủy
 

Ý kiến bạn đọc (0)