QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:02 (GMT+7)
Đoàn B.27 thực hiện có hiệu quả dự án khu kinh tế-quốc phòng trên địa bàn biên giới Đông Bắc

Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu 3, năm 1999, Đoàn B.27 chuyển thành Đoàn kinh tế-quốc phòng (KT-QP) B.27 và cơ động ra hướng Đông Bắc thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP Bình Liêu-Quảng Hà-Móng Cái. Năm 2002, Quân khu sáp nhập Đoàn 42 (thực hiện Dự án khu KT-QP Bắc Hải Sơn) vào Đoàn KT-QP B.27. Từ đó, Đoàn B.27 thực hiện 2 dự án khu KT-QP là Bình Liêu-Quảng Hà-Móng Cái và Bắc Hải Sơn.

Các dự án khu KT-QP mà Đoàn đảm nhận chạy dọc chiều dài 118,8 km tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh với 64.639 ha đất tự nhiên thuộc địa bàn 10 xã và 78 thôn, bản; địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao, thung lũng, sông suối, dễ bị chia cắt về mùa mưa, lũ; đất đai nhiều nơi vẫn còn chông, mìn; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) kém phát triển, đường sá đi lại rất khó khăn; kinh tế chậm phát triển; mật độ dân cư thấp, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, phân bố không đều; trình độ dân trí thấp; còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu; tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (31,2%); hệ thống chính trị ở các xã, phường phát triển không đều; lĩnh vực quốc phòng - an ninh (QP-AN) chưa được củng cố; an ninh,trật tự xã hội còn  phức tạp...

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bước khởi đầu của một đơn vị vừa di chuyển vị trí đóng quân đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vừa thực hiện nhiệm vụ mới, Đoàn nhanh chóng ổn định, củng cố nơi ăn, ở, làm việc, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời, tích cực triển khai thực hiện dự án xây dựng khu KT-QP.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của dự án, Đoàn đã chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án khu KT-QP của Quân khu và các ngành, địa phương tỉnh Quảng Ninh tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN trong vùng dự án và phân kỳ kế hoạch thực hiện; lồng ghép các chương trình đầu tư của Nhà nước, tỉnh, huyện (327, 135, 120...) vào vùng dự án, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch cũng như đầu tư nguồn lực. Theo đó, Đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chương trình dự án: xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất; quy hoạch và ổn định dân cư; giúp dân xóa đói, giảm nghèo; vận động quần chúng, đưa văn hóa, y tế về thôn bản, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong vùng dự án vững mạnh.

Xây dựng cơ sở hạ tầng được Đoàn ưu tiên trước một bước để phục vụ phát triển sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, bố trí lại dân cư, gắn với bảo đảm QP-AN. Tuy kế hoạch thực hiện đầu tư còn thấp và phải tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng Đoàn đã hoàn thành xây dựng trụ sở cho 5 lâm trường, gồm: nhà ở, nhà làm việc, trạm xá, nhà văn hóa với tổng diện tích 7.194 m2 và các công trình cấp điện, nước; xây dựng tuyến đường liên xã phía Tây sông Bình Liêu dài 18 km, công trình thủy lợi Nà Làng-Phạ Chè-Cọ Hón (thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) với 8 km kênh mương, 4 đập ngăn nước dài 200m; xây dựng 9 tuyến kênh thủy lợi với tổng chiều dài 16,4 km và 5 trạm bơm, 2 trường học là Lục Phủ và Pò Hèn, 5 nhà văn hóa; phối hợp với địa phương xây dựng và đưa vào sử dụng 3 trạm thu phát truyền hình, 7 nhà văn hóa, 17 nhà trẻ, nhà mẫu giáo và trường học...

Về phát triển sản xuất, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án khuyến nông-khuyến lâm; dự án ổn định và phát triển sản xuất; dự án trồng rừng phòng hộ. Bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh, các huyện trong vùng dự án, Đoàn đã khai thác triệt để tiềm năng đất đai còn hoang hoá trong vùng dự án để trồng rừng, trồng cây nguyên liệu, cây có giá trị kinh tế cao; mạnh dạn xây dựng các mô hình trang trại bằng sức của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước để từng bước tạo yếu tố hàng hoá, dịch vụ hai đầu cho vùng kinh tế mới trên biên giới. Đến nay, Đoàn đã trồng được gần 4 nghìn ha rừng phòng hộ; xây dựng 5 vườn ươm đủ cây giống các loại phục vụ trồng rừng hằng năm; trồng hơn 24 nghìn cây xanh ven đường biên giới và trồng thử nghiệm thành công 10 ha chè cao sản giống mới, mở ra triển vọng khai thác khoảng 300 ha đất đồi trồng chè tạo môi trường thuận lợi cho việc di dân đến sinh sống,... góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi sinh, môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và xây dựng kinh tế rừng trên vành đai biên giới. Ngoài ra,

Đoàn còn xây dựng được 2 trại chăn nuôi bò với trên 200 con phát triển tốt; xây dựng 200 ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản, hải sản, đã cho thu hoạch, đưa lại hiệu quả kinh tế khá...

Vấn đề cốt lõi trong thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo mà Đoàn xác định là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi  nếp nghĩ, cách làm, thói quen lao động sản xuất đến việc hướng dẫn cho đồng bào cách chăn nuôi, trồng trọt đúng kỹ thuật; cử cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng dân tộc thiểu số và có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia cùng địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH miền núi. Cùng với đó, Đoàn chỉ đạo các lâm trường phối hợp với xã trên địa bàn ký kết các chương trình phối hợp hoạt động về xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, tham gia xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đưa thông tin về cơ sở để nâng cao dân trí; tham gia thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở cơ sở; giúp dân khai hoang, phục hoá trên 1.100 ha (đã đưa vào sản xuất nông nghiệp 270 ha, nuôi trồng thuỷ sản 380 ha); cấp 72 vạn cây giống để trồng rừng; cấp phân bón và nhiều giống cây trồng, vật nuôi khác để nhân dân phát triển sản xuất.

Để giúp dân thoát nghèo vững chắc, Đoàn đã thực hiện tốt chương trình khuyến công quốc gia, mở hàng chục lớp đào tạo nghề mây tre đan, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sửa chữa cơ khí, chế tác đá hoa cương và chăn nuôi; trồng các loại giống phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn; đồng thời, cử các tổ (đội) công tác phối hợp với lực lượng trí thức trẻ tình nguyện xuống các thôn bản tuyên truyền, giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình, cải tạo nơi ăn, ở, quy hoạch vườn tạp, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng... Không những thế, Đoàn còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lượt người dân tham gia thực hiện các chương trình dự án với mức thu nhập trung bình từ 50.000- 60.000 đồng/người/ngày.

Việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư được Đoàn xác định: phục hồi lại các thôn bản cũ và hình thành các điểm dân cư mới ở khu vực có ý nghĩa quan trọng về QP-AN biên giới. Theo đó, Đoàn phối hợp chặt chẽ với địa phương từ khâu khảo sát, quy hoạch mặt bằng các khu vực đất đai có khả năng di dân ở các lâm trường; tổ chức rà phá mìn, vật nổ để mở rộng trên 1.200 ha đất phục vụ di dân, giãn dân; đồng thời, giao đất, giao rừng để đưa vào sản xuất, ổn định cuộc sống nơi ở mới. Nhờ vậy, Đoàn đã tổ chức di dân, giãn dân được 895 hộ với 3.332 nhân khẩu, vận động tách 521 hộ với 2.145 nhân khẩu, hình thành các làng, bản, cụm dân cư, vừa làm ăn, sinh sống, vừa tham gia giữ gìn an ninh biên giới.

Công tác vận động quần chúng, sinh hoạt văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng thế trận QP-AN được Đoàn triển khai thực hiện đạt kết quả thiết thực. Để làm tốt công tác này cả trước mắt và lâu dài, Đoàn đã và đang tổ chức các lớp học tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ, để bảo đảm giao tiếp thuận lợi với đồng bào. Các lâm trường, đơn vị thường xuyên bám địa bàn cơ sở, bám dân làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tặng các hộ giáp biên giới cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ để treo trong mỗi gia đình; phối hợp với chính quyền địa phương và các đồn biên phòng nắm chắc tình hình địa bàn, giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra. Cùng với đó, Đoàn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương; làm tham mưu cho địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức quần chúng (kiện toàn 15 tổ chức đảng, 15 tổ chức chính quyền, đoàn thể); đặc biệt, tại Bắc Hải Sơn, trước đây có 3 xã bị "trắng dân", đến nay đã khôi phục được 2 xã. Ngoài ra Đoàn còn tổ chức được 7 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, phổ biến Luật Biên giới cho 882 lượt chủ hộ tiêu biểu trên khu vực biên giới; phối hợp cùng với địa phương mở 6 lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ quản lý địa bàn và quản lý nhà nước cho 315 lượt cán bộ xã, ban, ngành địa phương; tham gia huấn luyện lực lượng Dân quân, tự vệ cho 581 lượt người... góp phần tăng cường sức mạnh QP-AN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm chỗ dựa tin cậy cho chính quyền địa phương trong vùng dự án.

Đoàn cũng đã triển khai thực hiện tốt chương trình kết hợp quân-dân y; xây dựng 5 bệnh xá kết hợp quân-dân y, bổ sung một số dụng cụ, trang bị mới; tiến hành khám, chữa bệnh cho hơn 33.600 lượt người, trong đó có 14.500 lượt người thuộc dân tộc thiểu số, trên 3.100 lượt người là đối tượng chính sách. Đoàn cũng đã chủ động phối hợp với địa phương mở 26 lớp tập huấn cho 350 lượt y tá thôn, bản. Quân y các cấp cùng các tổ (đội) công tác xuống các thôn bản tuyên truyền, vận động nhân dân bằng các chương trình phòng, chống dịch bệnh, ăn uống hợp vệ sinh; tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tẩm màn chống muỗi, vệ sinh môi trường giúp dân... Thông qua những việc làm thiết thực, Đoàn không những chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân, mà còn tạo được lòng tin, sự yêu mến của đồng bào dân tộc thiểu số; giúp họ từ bỏ hủ tục lạc hậu, tự giác đến bệnh xá quân đội nhờ y, bác sĩ cứu chữa khi có bệnh.

Những kết quả quan trọng giành được trong 10 năm qua đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng dự án, tạo cơ sở vững chắc để Đoàn KT-QP B.27 tiếp tục phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tạo cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được cấp trên giao; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, chương trình dự án, góp phần xây dựng địa bàn chiến lược biên giới Đông Bắc phát triển mạnh về KT-XH, vững về QP-AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Đại tá LƯƠNG VĂN MẠNH

Đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)