QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:17 (GMT+7)
Đoàn 07 tăng cường phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tổ chức, xây dựng lực lượng dự bị động viên
Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức, xây dựng quân đội trong tình hình mới, hơn 10 năm qua, từ một đơn vị đủ quân, Đoàn 07, Binh đoàn Cửu Long được giao nhiệm vụ chuyển sang là đơn vị khung thường trực thực hiện tổ chức, xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV); niêm cất, giữ gìn, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) theo qui hoạch. Trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, nhất là biến động về tổ chức, biên chế, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xác định đoàn kết, nỗ lực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể các địa phương giao nguồn đảm bảo số lượng, chất lượng DBĐV. Nhờ đó, công tác tổ chức, xây dựng lực lượng DBĐV của Đoàn ngày càng có sự chuyển biến toàn diện, từng bước đi vào nền nếp. Điều đáng quan tâm nữa là các đơn vị DBĐV của Đoàn ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị còn phối hợp chặt chẽ với dân quân, tự vệ và các lực lượng khác thực hiện công tác dân vận, tham gia bảo vệ địa bàn, phòng chống lũ lụt trong thời gian huấn luyện dã ngoại trên địa bàn.

 Xây dựng lực lượng DBĐV là một công tác lớn của quá trình tổ chức, xây dựng Quân đội nhân dân, nhằm bảo đảm cho quân đội có đủ lực lượng và sức mạnh chiến đấu cần thiết, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện công tác này hiệu quả, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị, của các ngành, các cấp, các lực lượng và toàn dân, trong đó trách nhiệm chủ yếu, quan trọng là địa phương và đơn vị quân đội. Với nhận thức như vậy, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn luôn coi trọng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể ở địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó mấu chốt là thực hiện nghiêm túc qui trình công tác DBĐV. Công tác tổ chức xây dựng lực lượng DBĐV được tiến hành thường xuyên, gồm nhiều giai đoạn, với 6 nội dung chính là: tạo nguồn, đăng ký quản lý nguồn dự bị; sắp xếp nguồn theo tổ chức, biên chế của đơn vị; quản lý đơn vị DBĐV đã được tổ chức tại cơ sở; tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị; tổ chức huấn luyện quân dự bị; dự trữ VKTBKT. Theo qui định, 4 khâu đầu do địa phương chịu trách nhiệm chính, 2 khâu cuối do đơn vị đảm trách. Sự phân nhiệm đó là cần thiết, nhằm đề cao và xác định rõ trách nhiệm chính của địa phương và đơn vị quân đội đối với nội dung cụ thể được giao theo qui trình tổ chức, xây dựng lực lượng DBĐV. Nhưng như thế không có nghĩa là địa phương và đơn vị không có trách nhiệm đối với những nội dung còn lại. Trái lại, cả địa phương và đơn vị đều có trách nhiệm ở tất cả các nội dung của qui trình, đương nhiên là với mức độ khác nhau. Bởi lẽ, đây là mặt công tác phức tạp, các nội dung trên đều liên quan mật thiết, tác động lẫn nhau, đòi hỏi địa phương giao nguồn và đơn vị nhận nguồn phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ thì công tác DBĐV mới đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, chất lượng, hiệu quả của một đơn vị DBĐV phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó việc bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, đúng về thành phần, trong đó bảo đảm tỷ lệ cao về dự bị hạng I và chuyên nghiệp quân sự (CNQS) của quân dự bị là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy, công tác tạo nguồn, đăng ký, phúc tra, quản lý nắm chắc nguồn quân DBĐV luôn được xác định là khâu then chốt.

Hằng năm, căn cứ vào chỉ tiêu nhận nguồn, Đoàn lập kế hoạch và thông báo cho địa phương để địa phương có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm, sau đó Đoàn phối hợp với cơ quan quân sự địa phương thâm nhập cơ sở nắm nguồn động viên. Việc nắm nguồn được thực hiện theo phân cấp, bảo đảm phương châm “phúc tra đến đâu, nắm chắc đến đó” và “đại đội nắm quân đại đội, tiểu đoàn nắm quân tiểu đoàn”, đảm bảo “biết người, biết nhà, biết hoàn cảnh, biết khả năng và biết nghề nghiệp”. Trên cơ sở đó thực hiện tốt 5 nội dung: đăng ký lần đầu; bổ sung; di chuyển; chuyển ngạch và đăng ký giải ngạch, phối hợp trong điều chỉnh nguồn cho phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay các địa phương thuộc địa bàn động viên của Đoàn đều thực hiện kết hợp tổ chức sinh hoạt với cấp phát phụ cấp cho quân DBĐV theo định kỳ. Trong các đợt này, địa phương đều thông báo để đơn vị cử cán bộ đến dự và nắm tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ khung B, tình hình biến động quân số, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quân dự bị và nếu có vấn đề gì bức xúc thì cùng địa phương phối hợp giải quyết. Trong sắp xếp, bổ nhiệm chức danh theo biên chế, Đoàn thống nhất với địa phương chú trọng trước hết bảo đảm chất lượng chính trị, CNQS, độ tuổi... Bằng các biện pháp tích cực đó, kết hợp với trách nhiệm cao nên mặc dù địa bàn động viên rộng, giao thông còn nhiều khó khăn, lực lượng dự bị phân tán lại thực hiện trong điều kiện cơ chế thị trường nên không ít phức tạp... nhưng các đơn vị trực thuộc của Đoàn đều nắm chắc được từng quân nhân dự bị, hiểu rõ từng hoàn cảnh, chuẩn bị chu đáo các phương án dự phòng, thay thế. Qua kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu ở 3 tỉnh (Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương) đều đạt bình quân 98,6%, trong đó các đơn vị binh chủng (ĐKZ, súng máy cao xạ 12,7mm, cối 120mm... đạt 96,5%), tập trung huấn luyện đạt 96%... Phúc tra hằng năm bổ sung lực lượng tăng 1,5-2%, đạt tỷ lệ đúng CNQS gần 60%; đảng viên đạt 5,2%, đoàn viên đạt 34%; có 62% đảng bộ cơ sở, hơn 81% chi bộ được thành lập và có thể bước vào hoạt động được ngay.
Hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị DBĐV của Đoàn theo phương châm thu gọn địa bàn rất thuận tiện trong việc nắm và quản lý nguồn, nhưng mới chỉ phù hợp với các đơn vị bộ binh. Riêng các đơn vị binh chủng kỹ thuật, việc thu gọn địa bàn đang còn bất cập, vì số quân dự bị có CNQS thường sống phân tán, rải rác, nhất là những vùng canh tác thuần nông, nhiều người di dời đến làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... Chính vì thế, qua các lần động viên lực lượng huấn luyện, kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, tỷ lệ đúng CNQS của các đơn vị binh chủng đạt tỷ lệ còn thấp.
Để chủ động tạo nguồn, sắp xếp quân dự bị đúng CNQS cho các đơn vị binh chủng kỹ thuật, chúng tôi đang tổ chức thí điểm và đề nghị nên  mở rộng địa bàn ở phạm vi huyện, liên huyện mới có đủ nguồn biên chế quân dự bị đúng CNQS vào các tiểu đoàn binh chủng và các đại đội vận tải, đại đội bảo dưỡng, sửa chữa tổng hợp, đại đội quân y... Hiện tại, Đoàn mới chỉ thực hiện thu gọn địa bàn ở một số địa phương như, các thị trấn, thị xã, vùng phụ cận khu công nghiệp, nông trường- nơi có nhiều công nhân kỹ thuật các ngành cơ khí, vận tải, dịch vụ cơ khí và có bệnh viện, trạm điều dưỡng... Cùng với đó, cần kết hợp biện pháp huấn luyện bổ sung và chuyển loại CNQS cho quân dự bị ở địa bàn này nhằm tăng số lượng nguồn dự bị binh chủng; như vậy mới đáp ứng yêu cầu biên chế của các đơn vị binh chủng kỹ thuật. Những năm gần đây, Đoàn cũng đã thực hiện biện pháp này, lựa chọn từ nguồn dự bị hạng I, hạng II để huấn luyện chuyển loại binh chủng tại Đoàn. Riêng số chuyên môn kỹ thuật quân sự, Đoàn không đủ khả năng huấn luyện chuyển loại, đề nghị trên huấn luyện chuyển loại cho lái xe, thợ bảo dưỡng, sửa chữa... Lực lượng chuyển loại CNQS được huấn luyện nắm chắc nội dung cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật và chuyên ngành, từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, làm cơ sở hợp luyện phân đội. Nhờ đó, khắc phục dần tình trạng thiếu quân dự bị có CNQS. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, giải pháp cơ bản phải là, gắn kết chặt chẽ giữa công tác tuyển quân với khoanh vùng động viên theo qui trình tuyển quân - động viên.
Nằm trong đội hình chiến đấu của một binh đoàn chủ lực, đứng chân ở địa bàn chiến lược phía Nam của Tổ quốc, nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao và yêu cầu phối hợp với địa phương tổ chức tác chiến có hiệu quả trong khu vực phòng thủ đòi hỏi Đoàn phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện quân dự bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đây là một nội dung trọng tâm, trọng điểm của công tác DBĐV mà Đoàn đặc trách, nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng DBĐV, bảo đảm sẵn sàng động viên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu khi có tình huống. Hằng năm, Đoàn triển khai công tác huấn luyện quân DBĐV đúng theo chỉ lệnh của Binh đoàn và qui định của Bộ. Với quỹ thời gian ngắn, trình độ cán bộ, chiến sĩ quân dự bị không đồng đều, kinh phí hạn hẹp..., Đoàn thực hiện phương châm “huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng huấn luyện thực hành, kết hợp huấn luyện với hội thao, diễn tập, kiểm tra đánh giá kết quả”. Trong quá trình huấn luyện, Đoàn coi trọng huấn luyện cả cán bộ khung và huấn luyện đơn vị, cả đơn vị bộ binh và đơn vị binh chủng. Trước hết, tập trung huấn luyện nâng cao cho đội ngũ cán bộ các cấp khung B, coi đó là biện pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện DBĐV.
Trong quá trình thực hiện, Đoàn chú trọng cả giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho đội ngũ cán bộ và phân đội. Về giáo dục chính trị, tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, truyền thống và nhiệm vụ của đơn vị; về chiến tranh hiện đại, sử dụng VKTBKT, về đối tượng tác chiến, phương thức, thủ đoạn tác chiến của chúng khi xâm lược nước ta (nếu xảy ra). Đặc biệt, tuyên truyền sâu về chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng DBĐV. Về quân sự, chú trọng bồi dưỡng nội dung tổ chức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, thể lực, thực hành huấn luyện cho chiến sĩ và phân đội; thứ tự các bước tổ chức chuẩn bị chiến đấu của các hình thức chiến thuật để vận dụng vào diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Ngoài ra, Đoàn còn bồi dưỡng cho quân dự bị về nội dung, phương pháp tiến hành công tác dân vận; đồng thời, ngay trong đợt tập trung huấn luyện, bố trí thời gian cho quân dự bị thực hành với hội thao, lao động sản xuất giúp địa phương và nhân dân hoặc tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với đoàn thể, tổ chức quần chúng ở cơ sở. Với sự nỗ lực, trách nhiệm cao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương nên kết quả huấn luyện, diễn tập hằng năm của Đoàn luôn đạt chỉ tiêu về quân số, thời gian và thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Năm 2006 huấn luyện đạt 100% yêu cầu, 76% đạt khá giỏi, quân số đạt 98,6%, đảm bảo an toàn về người và VKTBKT. Bên cạnh đó, Đoàn còn chú trọng thống nhất nội dung với các cơ quan quân sự địa phương, giúp cấp ủy, chính quyền trong triển khai kế hoạch huy động và thực hành tiếp nhận lực lượng DBĐV một cách nhanh gọn, đúng thời gian, tránh chồng chéo, ùn tắc trong giao nhận quân...
Tuy nhiên, công tác huấn luyện quân dự bị đối với Đoàn cũng như trong toàn quân cũng còn những bất cập. Đó là, tỷ lệ quân dự bị được huấn luyện còn thấp, chỉ khoảng 10-12% so với tổng quân số được biên chế. Như vậy, quân dự bị phải chờ khoảng 8-9 năm mới được huấn luyện lần 2 và đến khi giải ngạch cũng chỉ được huấn luyện 2-3 lần. Với thực trạng đó, công tác huấn luyện khó có thể đáp ứng ngay được yêu cầu xây dựng lực lượng DBĐV “vững mạnh, hùng hậu” và khi có lệnh động viên rất khó hoà nhập với trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng thường trực. Cho nên, chúng tôi rất mong và đề nghị Bộ cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu nâng tỷ lệ động viên huấn luyện, tăng thời gian huấn luyện cho các đối tượng, từng bước cải tiến, đổi mới nội dung huấn luyện cho phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ và đối tượng tác chiến. Đồng thời, bổ sung kinh phí cho công tác thâm nhập địa bàn, phúc tra, quản lý nguồn; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cấp doanh trại, thao trường, bãi tập... Có như vậy mới nâng cao được chất lượng huấn luyện nói riêng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng DBĐV nói chung, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Với cán bộ khung A, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chỉ huy đơn vị triển khai toàn diện các mặt công tác, trong đó tập trung vào việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, làm cho đội ngũ cán bộ các cấp thông suốt với tình hình, đặc điểm của đơn vị khung thường trực và xác định rõ trách nhiệm chính trị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ khung A. Ngoài việc cử cán bộ đi học các trường của Bộ theo chỉ tiêu, Đoàn chú trọng tổ chức tập huấn các nội dung về công tác động viên quân đội, biện pháp phối hợp công tác với địa phương và phương pháp tổ chức huấn luyện lực lượng DBĐV; đồng thời thông báo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn giao nguồn, kinh nghiệm công tác dân vận... Ngoài ra, Đoàn còn bồi dưỡng cho đội ngũ này cách sử dụng các bảng biểu đăng ký, quản lý, phúc tra nguồn, phương pháp lập biểu biên chế đơn vị DBĐV. Không những thế, Đoàn còn chủ động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ khung A, hỗ trợ “quỹ đồng đội vượt khó”, trợ cấp khó khăn cho các gia đình trong vùng bão lụt, giúp cho cán bộ, chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác.
 
Đại tá Trần Quốc Vụ
Đoàn trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)