Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:43 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nhìn bề ngoài, "cuộc chiến tranh 5 ngày” (từ 8 đến 12- 8-2008) giữa Nga và Gru-di-a là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Gru-di-a và vùng đất ly khai Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a; nhưng thực chất, đây là cuộc tranh giành địa- chính trị có ý nghĩa chiến lược sâu xa giữa các nước lớn trong quá trình hình thành trật tự thế giới (TTTG) hậu “chiến tranh lạnh”. Vì thế, cuộc chiến tranh này dù chỉ ở cường độ thấp, quy mô hạn chế, nhưng có tác động sâu sắc, toàn diện và lâu dài tới cục diện chính trị- quân sự trong khu vực và thế giới, là dấu hiệu chứng tỏ TTTG đơn cực đang sụp đổ và đang hình thành TTTG mới trong thế kỷ 21.
TTTG đơn cực không có cơ sở để tồn tại.
Báo "The Guardian" của Anh, ngày 28-8-2008, đã nhận định rằng, cuộc chiến tranh giữa Nga và Gru-di-a là “mồ chôn TTTG đơn cực”. Chính khách, chuyên gia phân tích chính trị-quân sự của nhiều nước cũng cho rằng, TTTG đơn cực do một quốc gia “lãnh đạo” là “đầy bất ổn” và “không có cơ sở để tồn tại”.
Sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, TTTG đơn cực được hình thành, do Mỹ giữ vai trò chỉ đạo. Đã có không ít ý kiến tán đồng TTTG đó, thậm chí có người có ý tưởng xây dựng mô hình “nhà nước thế giới” do một Ban lãnh đạo chung. Nhưng, thực tiễn thế giới trong gần hai thập niên vừa qua chứng tỏ, TTTG đơn cực mà trong đó chỉ có một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định, đã làm phương hại tới nền an ninh của tất cả các chủ thể nằm trong khuôn khổ của hệ thống đơn cực đó. Tại Hội nghị An ninh quốc tế ở Mu-ních, Đức (5-2007), Tổng thống Nga lúc bấy giờ, ông V.Pu-tin đã đưa ra nhận xét rằng, trong thế giới hiện đại, mô hình đơn cực không chỉ không thể chấp nhận được, mà nói chung là không có lý do và cơ sở pháp lý để tồn tại; bởi, quốc gia đứng đầu thế giới đơn cực trong thế giới hiện đại không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị- quân sự và kinh tế cũng như uy tín để thực hiện vai trò đó. Điều quan trọng hơn là mô hình này không thể vận hành được vì trong nền tảng của nó không có và không thể có đủ cơ sở cho nền văn minh hiện đại. Các hành động đơn phương đi ngược lại pháp lý quốc tế không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong hàng loạt vấn đề chung, bức xúc của toàn nhân loại và là nguồn gốc phát sinh những thảm hoạ mới đối với con người và gây nên tình hình căng thẳng. Đúng như nhận xét trên, trong TTTG đơn cực, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ liên tiếp xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến hiện tượng một quốc gia tự cho mình quyền sử dụng sức mạnh không bị kiềm chế trong các công việc quốc tế, đẩy thế giới vào tình trạng bất ổn định. Rút cuộc, chính quốc gia đó cũng không đủ lực lượng để giải quyết, dù chỉ là một cuộc xung đột, do chính họ gây nên. Các giải pháp chính trị cũng tỏ ra bất lực, bởi họ cố tình làm cái điều mà không nước nào chấp nhận được là: áp đặt các giá trị kinh tế, chính trị, dân chủ, nhân quyền của họ cho nước khác và thế giới, bất chấp các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đương đại.
Trong vị thế “lãnh đạo” TTTG đơn cực, Mỹ không chỉ đơn phương hành động trong các công việc quốc tế, mà còn thực hiện chiến lược "kiềm chế, ngăn chặn", nhằm làm suy yếu, không để cho Nga có cơ hội hồi sinh thành một cực trong trật tự an ninh thế giới mới. Vì thế, mặc dù khối Vác-xa-va không còn tồn tại, nhưng Mỹ vẫn chủ trương không ngừng mở rộng NATO sang phía Đông, vào không gian "hậu Xô viết", tiến đến “sát nách” của Nga. Do bị rơi vào khủng hoảng kinh tế và chính trị- xã hội sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga buộc phải chấp nhận để NATO tiến sát vào ngõ nhà mình. Cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a là bước đi quan trọng tiếp theo trong chiến lược của Mỹ, nhằm kiềm chế và thu hẹp "không gian sinh tồn" của Nga. Cuộc chiến đó cũng là bước đi chiến lược của Tổng thống Gru-di-a Sa-a-ca-svi-li, với kịch bản là dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, Gru-di-a tiến hành chiến dịch quân sự tiến công chớp nhoáng đánh chiếm Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a, đặt Nga và quốc tế vào tình thế đã rồi. Tiếp đó, các nước phương Tây sẽ nhanh chóng công nhận "hiện trạng" và kết nạp Gru-di-a vào NATO. Sau cuộc chiến tranh này nếu Gru-di-a giành thắng lợi, Mỹ sẽ “vẽ lại” bản đồ thế giới và định đoạt ảnh hưởng của mình ở khu vực Cáp-ca-dơ có ý nghĩa chiến lược quan trọng trên bàn cờ địa-chính trị của thế giới trong thế kỷ 21.
Nhưng cục diện thế giới năm 2008 đã thay đổi cơ bản so với cách đây một thập niên. Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền và điều hành đất nước của Tổng thống V.Pu-tin, nước Nga đã không còn là quốc gia “ốm yếu” của đầu những năm 90, thế kỷ XX. Trong khi Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến "chống khủng bố" ở I-rắc, ở Áp-ga-ni-xtan và nhiều vấn đề quốc tế khác, thì nước Nga đã phục hồi vị thế là một cường quốc kinh tế và quân sự. Nước Nga đã được xếp vào nhóm 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, với nguồn dự trữ liên bang khoảng 600 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới. Nước Nga đang kiểm soát nhiều lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế thế giới, trước hết là năng lượng. Nga đang gia tăng sức mạnh quân sự và lấy lại vị thế siêu cường quân sự thế giới. Với chương trình hiện đại hoá quân sự đến năm 2020, nước Nga sẽ có lực lượng vũ trang hiện đại, tinh nhuệ, đủ sức đáp trả mọi thách thức và nguy cơ an ninh từ bên ngoài. Về chính trị, vị thế của Nga ngày càng cao trên trường quốc tế, Nga là thành viên không thể thiếu trong việc giải quyết các công việc quốc tế quan trọng. Ngoài Nga, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, đã trải qua giai đoạn “chờ thời”, chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ về nhiều phương diện trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Nền kinh tế của nước này đã vươn lên vị trí thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Với sức mạnh kinh tế hiện có, Trung Quốc đang hiện đại hoá quân đội để đối phó với các nguy cơ xung đột và chiến tranh. Từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng từ 10% đến 20% / năm, hiện đạt khoảng gần 45 tỉ USD, chiếm 7,5% ngân sách nhà nước, trở thành cường quốc quân sự. Trung Quốc cũng đang nổi lên như một cường quốc chính trị tham gia giải quyết nhiều vấn đề của thế giới. Mỹ vẫn phải dựa vào Trung Quốc và Nga để giải quyết nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, như cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, vấn đề hạt nhân của I-ran v.v. Ngoài Nga và Trung Quốc, trong TTTG đó, Mỹ còn phải đương đầu với thách thức từ EU và Nhật Bản. Với mục tiêu xây dựng một châu Âu không chia cắt, ổn định và vững mạnh, EU đang tìm cách thoát khỏi vòng cương toả của Mỹ, trở thành một cực "bình đẳng" với Mỹ. Cựu ngoại trưởng Pháp Vin-lơ-panh đã nêu rõ, cần phải có một thế giới đa cực, bởi một siêu cường duy nhất sẽ không bảo đảm được TTTG. Cũng như EU, Nhật Bản đang hiện đại hóa quân sự để thoát khỏi "cái ô" an ninh của Mỹ, tích cực xây dựng hình ảnh nước lớn về chính trị trên trường quốc tế. Trong tình cảnh đó, do "lực bất tòng tâm”, nên trong cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a, trước thất bại của đồng minh Gru-di-a, Mỹ và phương Tây đã không thể can thiệp quân sự, mà chỉ dừng lại ở các tuyên bố đe dọa Nga mang tính tượng trưng. Tổng thống Gru-dia Sa-a-ca-svi-li đã phải than thở rằng ông đã “bị phản bội”.
Cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a là "bức thông điệp" của Nga đối với Mỹ và phương Tây rằng, đã đến lúc Nga không chỉ dừng lại ở lời nói suông phản đối sự mở rộng của NATO mà là bằng hành động để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia ở các khu vực mà Nga có quan hệ truyền thống và trên thế giới. Vừa qua, Mát-xcơ-va đã bóng gió rằng, Nga cần hiện diện quân sự ở khu vực biển Ca-ri-bê, nơi vốn là "sân sau" của Mỹ, mà theo nhiều nhà phân tích thì đây là "nước cờ" đối trọng với kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) của Mỹ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, hai nước láng giềng của Nga. Họ cũng cho rằng, cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a chỉ là màn "mở đầu" của cuộc cạnh tranh địa-chính trị, địa-kinh tế hết sức gay gắt, quyết liệt giữa Mỹ, phương Tây và Nga ở Cáp-ca-dơ và trên thế giới. Nhưng nó cũng đặt "dấu chấm hết" cho TTTG đơn cực của Mỹ.
Trật tự thế giới mới đang hình thành.
Ngày 8-10-2008, tại Hội nghị về chính sách quốc tế ở Ơ-vi-an, Pháp, với sự tham gia của nguyên thủ nhiều nước trên thế giới, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã phát biểu đề cập tới 3 chủ đề quốc tế “nóng” là cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ lan ra toàn cầu, tình hình ở Cáp-ca-dơ và trật tự an ninh quốc tế. Theo ông, thế giới hôm nay đang trải qua thời kỳ rất quan trọng và là thời kỳ quá độ. Các sự kiện diễn ra trong tháng 8-2008 khẳng định, thế giới đơn cực đã không thể ngăn chặn được hành động xâm lược theo cách tiếp cận phân chia thế giới thành các khối. Việc Gru-di-a, một nước tương đối nhỏ, lại có khả năng gây nên tình hình bất ổn trên thế giới, đã nói lên rằng: không thể chấp nhận hệ thống an ninh dựa trên TTTG đơn cực. Trật tự đó rõ ràng là không có triển vọng tồn tại. Đã tới lúc, thế giới cần có một trật tự khác trong quan hệ quốc tế, trong đó an ninh của toàn thế giới cũng là an ninh của từng quốc gia và an ninh của mỗi quốc gia cũng là an ninh của thế giới.
Trên thực tế, xu thế hướng tới thế giới đa cực đã xuất hiện từ lâu và sự kiện 11- 9-2001 là cơ hội để xây dựng TTTG mới. Ngay sau khi nước Mỹ bị tiến công khủng bố, Nga đã sẵn sàng giúp đỡ nước Mỹ. Sự giúp đỡ đó không chỉ xuất phát từ cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa khủng bố- nguy cơ đối với toàn nhân loại- mà còn để vượt qua sự chia rẽ thế giới quá sâu sắc đã từng hình thành trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Nga. Nhưng sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ đã không cần đến sự giúp đỡ của Nga, cũng không cần đến NATO, mà đơn phương hành động trái với các chế định của Liên hợp quốc (LHQ) để gây chiến tranh ở áp-ga-ni-xtan (2001), tiếp đến là I-rắc (2003), đơn phương công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự xung quanh nước Nga, triển khai NMD ở Cộng hòa Séc và Ba Lan. Khi thông qua những quyết định đó, Mỹ đã không tham khảo ý kiến các đồng minh và cũng không tham vấn ý kiến của các đối tác trong NATO. Như vậy, tham vọng bá chủ thế giới khiến Mỹ đã đánh mất cơ hội lịch sử để xây dựng một trật tự an ninh quốc tế dựa trên nguyên tắc nỗ lực tập thể và dân chủ thực sự.
Thực tiễn gần hai thập niên qua chứng tỏ, Mỹ đang đánh mất vị thế siêu cường số 1 trong khi đang hình thành các quốc gia và tổ chức có tầm ảnh hưởng và tác động rất quan trọng trong các quan hệ quốc tế. Cùng với các cường quốc có tầm ảnh hưởng và vị thế toàn cầu, như Nga, Trung Quốc, ấn Độ, EU, Nhật Bản, không thể không kể đến các quốc gia khác có ảnh hưởng đáng kể, như Bra-xin, Ni-giê-ri-a, I-ran, A-rập Xê-út, Pa-ki-xtan, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a… Ngoài ra, thế giới có nhiều tổ chức quốc tế như LHQ, WTO, WB, IMF; các tổ chức khu vực, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Hiệp hội các nước Đông Nam á, Tổ chức các nước ở châu Mỹ; các tổ chức hoạt động chuyên ngành như Uỷ ban năng lượng nguyên tử quốc tế, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ. Thêm nữa, còn có các công ty xuyên quốc gia chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghiệp khai thác, truyền thông quốc tế, như BBC, CNN. Do đó, trên thế giới ngày nay, sức mạnh không chỉ tập trung vào một số trung tâm mà được phân tán ra nhiều chủ thể.
Trong cục diện thế giới hiện nay, nếu công nhận quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia có quyền bình đẳng thì không thể chấp nhận ưu thế áp đảo của một quốc gia nào đó so với các quốc gia khác. Cũng không thể chấp nhận một quốc gia nào đó áp đặt thể chế của họ cho một nước khác. Trong TTTG mới, cần xây dựng các tiêu chí cơ bản để kiểm soát vũ trang, tiến tới giải trừ quân bị. Hiện nay, cơ chế duy nhất để thông qua quyết định nhằm sử dụng sức mạnh quân sự, như là giải pháp cuối cùng, chỉ có thể là Hiến chương LHQ. Một khi LHQ thực sự liên kết lực lượng của cộng đồng quốc tế để có thể phản ứng có hiệu lực trước các sự kiện ở các nước khác nhau và khi các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế thì tình hình an ninh có thể sẽ thay đổi căn bản. Thay vì lao vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém, các nước sẽ dành khoản ngân sách xứng đáng để đối phó với các nguy cơ an ninh "phi truyền thống" đang đe dọa toàn nhân loại, như tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, nạn ô nhiễm môi trường, các loại dịch bệnh, hiện tượng ấm lên toàn cầu…Đó là những thách thức an ninh "phi truyền thống" có quy mô và phạm vi toàn cầu, mà để khắc phục và đối phó thành công, cần có sự nỗ lực của toàn thế giới, do LHQ là trung tâm điều hành.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Đình Chiến
Viện Chiến lược Quân sự - BQP
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011