QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:52 (GMT+7)
Điều rút ra từ hoạt động xét xử của Ngành Tòa án Quân sự năm 2007

Năm 2007, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh; quân đội ta cũng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn nảy sinh, tồn tại không ít hạn chế, tiêu cực. Mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, làm cho tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ án hình sự do các Tòa án Quân sự thụ lý xét xử trong năm tăng hơn so với năm 2006.

Trong số gần bốn trăm vụ án mà Tòa án Quân sự xét xử sơ thẩm, có một số tội phạm phải xét xử nhiều, bao gồm: tội Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tội Cố ý gây thương tích; tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; các tội xâm phạm về tài sản, như: cướp, trộm cắp, lừa đảo; tội Chống người thi hành công vụ.

Số vụ án và các loại tội phạm nêu trên cho thấy, thời gian qua, mặc dù Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành nói chung và quân đội nói riêng đã có nhiều chủ trương, biện pháp khá đồng bộ, kiên quyết, nhằm kiềm chế, giảm bớt tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, nhất là giao thông đường bộ, song vấn đề an toàn giao thông vẫn đang là mối lo ngại lớn. Nghiên cứu các vụ án xảy ra thuộc loại tội phạm này, năm 2007 cũng như các năm trước đây, lỗi cơ bản vẫn là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ và hệ thống biển báo. Biểu hiện là các hành vi thiếu quan sát trên đường, đi không đúng phần đường, vượt xe không tuân thủ quy định, không làm chủ tốc độ; đặc biệt nghiêm trọng là lỗi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia; không ít trường hợp trong tình trạng say. Hậu quả của các vụ tai nạn, đa phần là làm chết người hoặc gây thương tích rất nặng; phương tiện, tài sản đều bị hư hỏng. Cũng cần lưu ý, các vụ việc này không chỉ xảy ra với hạ sĩ quan, chiến sĩ, mà còn có không ít cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cũng có biểu hiện không chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, các quy định của chỉ huy đơn vị về sử dụng phương tiện giao thông và tham gia giao thông, gây tai nạn đáng tiếc.

Loại tội phạm xâm hại về sức khỏe, nổi lên là tội Cố ý gây thương tích. Đây là tội có số lượng đứng thứ hai. Các vụ cố ý gây thương tích đều có tính chất nguy hiểm cao, vì được chủ thể tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và rất nhiều trường hợp đều có chung một điểm xuất phát, đó là sau khi đã nhậu nhẹt, không làm chủ được hành vi, làm cho tính chất quyết liệt của hành vi phạm tội tăng thêm. Các vụ việc xảy ra có trường hợp giữa quân nhân với nhau, có trường hợp giữa quân nhân với người ngoài quân đội, hoặc quân nhân là đồng phạm với người ngoài quân đội gây án. Về tính chất, có vụ là manh động gây án, có vụ thực hiện phạm tội với hung khí và quyết tâm hết sức nguy hiểm. Hậu quả, không chỉ gây thương tích mà còn dẫn đến chết người, mất trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, vi phạm bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội.

Đối với tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, đối tượng phạm tội phần lớn là người ngoài quân đội, có hành vi đập phá công trình quân sự, cắt phá hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông, chủ yếu để lấy kim loại đem bán. Tội này cũng đặc biệt nguy hiểm, vì gây tổn thất rất lớn cho Nhà nước, quân đội, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Các tội phạm trong lĩnh vực xâm hại tài sản cũng diễn ra khá nghiêm trọng; hành vi phạm tội thường là lừa đảo, trộm cắp tài sản của tập thể hoặc cá nhân; cá biệt, có trường hợp trấn lột, cướp tài sản, gây bức xúc trong dư luận. 

Những vụ án xảy ra đối với tội Chống người thi hành công vụ, chủ yếu là do đối tượng bên ngoài lợi dụng, lôi kéo, kích động quân nhân tham gia. Các hành vi phạm tội bao gồm: lấn chiếm đất quốc phòng, khai thác gỗ trái phép. Khi bị các lực lượng chức năng xử lý thì có hành vi kích động chống đối, thách đố cơ quan thực thi pháp luật, ăn vạ, thậm chí đập phá tài sản, đánh đập cán bộ thừa hành nhiệm vụ, gây mất trật tự, trị an khu vực đơn vị làm nhiệm vụ.

Ngoài các loại tội phạm được xét xử nhiều trên đây, cũng có một số vụ án xâm phạm vào lĩnh vực trách nhiệm, nghĩa vụ quân nhân, như: hành hung đồng đội. Tuy chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng đây là tiếng chuông cảnh báo đối với các đơn vị quân đội về việc giữ gìn bản chất, truyền thống cách mạng, tình đồng chí, đồng đội.

Nhìn chung, các loại tội phạm mà ngành Tòa án Quân sự đã thụ lý xét xử  trong năm 2007 và những năm trước đây (dù là quân nhân hay người ngoài quân đội gây ra đối với quân đội) đều xuất phát từ các nguyên nhân: nhận thức, ý thức và sự tu dưỡng, rèn luyện của các đối tượng phạm tội còn kém; công tác quản lý con người, quản lý cơ sở vật chất, quản lý địa bàn được phân công của các đơn vị còn lơi lỏng, sơ hở; công tác kiểm tra, giám sát chấp hành luật pháp Nhà nước, kỷ luật quân đội của một số cấp còn thiếu thường xuyên, triệt để; tính răn đe, phòng ngừa trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật quân đội còn hạn chế; sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng của địa phương nơi đóng quân, có nơi chưa thực sự bền chặt, tạo kẽ hở cho tội phạm xuất hiện. Những nguyên nhân trên thường không tách rời nhau; có những tội phạm là hậu quả dẫn đến từ nhiều nguyên nhân, rất phức tạp; ngược lại, có những nguyên nhân không chỉ là của một loại hành vi tội phạm.

Điều rút ra từ sự phân tích trên là, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong quân đội, làm cho khẩu hiệu “Sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật” ngày càng được thực hiện đúng trong từng cơ quan, đơn vị, theo chúng tôi, trong thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chú ý thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Trước hết, phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các đơn vị quân đội, trong lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên; trong đó, nâng cao hiểu biết và xây dựng ý thức chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, tự giác vẫn là khâu trọng tâm, có ý nghĩa quyết định nhất. Chúng ta đều biết, từ hiểu biết luật đến chấp hành luật luôn có một khoảng cách nhất định. Để thu hẹp khoảng cách đó, vấn đề đặt ra hiện nay là, việc trang bị cho quân nhân các kiến thức về luật không chỉ dừng ở cung cấp cho họ nội dung của luật, điều luật, mà quan trọng hơn là phải giúp cho quân nhân hiểu sâu sắc tính tất yếu của luật, điều luật, đặc biệt là hậu quả, tác hại, mức độ nghiêm trọng của những hành vi vi phạm luật, điều luật. Bên cạnh việc thực hiện các nội dung theo kế hoạch, hướng dẫn của trên, công tác PBGDPL cần tập trung tuyên truyền về những luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị, hoạt động của quân nhân; không nên dàn trải, nghiên cứu, học tập lý thuyết nhiều, mà cần tăng cường liên hệ, vận dụng, đưa từng điều luật vào cuộc sống, làm cho quân nhân nhận thức được như thế nào là đúng, là sai, là vi phạm luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, xử lý các mối quan hệ, cũng như trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Nổi lên hiện nay là, tập trung giáo dục nâng cao ý thức cho quân nhân, nhất là những đối tượng thường xuyên tham gia giao thông, về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; giáo dục để đội ngũ cán bộ, sĩ quan, đảng viên gương mẫu chấp hành Luật và các quy định của Chính phủ, quân đội và đơn vị về an toàn giao thông, nhất là việc chấp hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính và cấm uống rượu, bia say. Chú trọng giáo dục quân nhân về ý thức, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản của Nhà nước, quân đội, đơn vị,... cùng những chế tài xử phạt đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trên các lĩnh vực, theo quy định của luật.

Hai là, tăng cường công tác quản lý quân nhân gắn với duy trì nghiêm nền nếp chính quy của đơn vị ở mọi lúc, mọi nơi. Có thể nói, mục đích cao nhất của luật là nhằm điều chỉnh hành vi, đưa hành vi của công dân vào khuôn phép. Do đó, cùng với giáo dục, nâng cao giác ngộ về luật pháp, thì việc quản lý con người bằng các biện pháp hành chính có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều vụ án đau lòng xảy ra thời gian qua, có một phần trách nhiệm không nhỏ của chỉ huy các cấp, nhất là người chỉ huy trực tiếp. Đó là các biểu hiện: buông lỏng các biện pháp duy trì kỷ luật của đơn vị, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ; sơ hở trong quản lý vật tư, tài chính; thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuần tra, bảo vệ,... thiếu thường xuyên, chặt chẽ; xử lý các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường trong đơn vị thiếu kiên quyết, không dứt điểm, dẫn đến vụ việc phức tạp, nghiêm trọng hơn... Thiết nghĩ, cùng với các biện pháp giáo dục, động viên, nhằm nêu cao tính tự giác của quân nhân, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị một cách chặt chẽ, bảo đảm để đơn vị luôn an toàn, vật tư, tài chính không bị thất thoát. Quân nhân khi làm nhiệm vụ, nhất là đi công tác lẻ, đi phép hay tranh thủ,... đều cần có sự liên hệ thường xuyên và sự kiểm tra, giám sát của tổ chức. Cần tăng cường hiệu quả làm nhiệm vụ của lực lượng Kiểm soát quân sự, lực lượng Bảo vệ an ninh quân đội, thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Công an và các bộ phận làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông, an ninh nhân dân, nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn nói chung, khu vực quân sự, quốc phòng nói riêng; kịp thời nhắc nhở, uốn nắn, điều chỉnh hành vi của quân nhân khi tham gia giao thông và sinh hoạt ngoài đơn vị.

Ba là, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị thực sự trong sạch, lành mạnh, tạo ra những “sân chơi” phù hợp với tuổi trẻ trong quân đội, từ đó thu hút quân nhân vào các hoạt động bổ ích, giàu chất nhân văn; giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội cũng như những cám dỗ về vật chất tầm thường, bởi đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến động cơ, hành vi phạm tội. 

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL, quản lý, xây dựng nền nếp chính quy với đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị. Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong thời gian tới, các đơn vị cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, gắn việc thực hiện các chỉ tiêu của Cuộc vận động với thực hiện các nội dung, yêu cầu của công tác PBGDPL; xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, tác phong, lối sống thật sự trong sạch, lành mạnh; củng cố và xây đắp mối quan hệ đồng chí mẫu mực có tính truyền thống giữa cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ và mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân. Cùng với đó, tích cực đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống, nhất là thói quen tự do, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận quân nhân.

Năm là, các đơn vị và cơ quan bảo vệ pháp luật trong quân đội cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền pháp luật thông qua tổ chức xét xử các vụ án dưới hình thức lưu động hoặc xét xử điển hình tại những địa phương, đơn vị nơi xảy ra vụ việc, nhằm đề cao tính răn đe, bảo đảm kết hợp giữa giáo dục chung với phòng ngừa riêng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đó cũng là dịp để các đơn vị nhận ra những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý, xây dựng đơn vị, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Đại tá Quách Thành Vinh

Tòa án Quân sự Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)