QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:18 (GMT+7)
\\"Điện Biên Phủ trên không\\" - đỉnh cao của phòng không nhân dân Việt Nam
Phòng không nhân dân ( PKND) là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương. PKND được hình thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và phát triển từng bước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ (từ năm 1964 đến năm 1972) trên miền Bắc nước ta, nói riêng. Đỉnh cao của PKND là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, diễn ra vào cuối tháng 12 năm 1972, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận của quân và dân ta.

Nội dung cơ bản nhất của PKND là tổ chức phòng tránh và đánh trả không quân địch. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để tiến công ta, với tham vọng “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Biện pháp và thủ đoạn phổ biến của chúng trong cuộc chiến tranh phá hoại này là đi đôi với các cuộc đánh phá ác liệt bằng không quân, chúng còn cho hải quân thả mìn phong tỏa các cảng biển; từ leo thang từng bước đến tiến công ồ ạt các thành phố, thị xã lớn, các huyết mạch giao thông thủy, bộ, các cơ sở kinh tế, văn hóa, các vùng đông dân, hệ thống đê điều, đập nước... hòng lấy kỹ thuật và chiến thuật cứu vãn sự bị động về chiến lược trên chiến trường miền Nam.

Nhận thức, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, từ Trung ương đến các địa phương, nhất là các thành phố lớn (Hà Nội, Hải phòng) đều có sự chuẩn bị chủ động về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức PKND. Các hoạt động sẵn sàng chiến đấu phòng không, sơ tán, bảo đảm giao thông, vận tải, y tế, phòng thủ dân sự... được triển khai nhanh chóng. Các hoạt động xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội... cũng được chuyển hướng cho phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở một cuộc chiến tranh nhân dân, PKND đã nhanh chóng hình thành với đầy đủ yêu cầu và nội dung của một cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của địch. Đấy là, toàn dân vừa đánh không quân, vừa làm công tác phòng tránh; toàn dân làm công tác giao thông vận tải trên bộ, trên sông và trên biển; toàn dân vừa chiến đấu vừa sản xuất; toàn dân vừa bảo vệ hậu phương vừa phục vụ tiền tuyến.
Công tác phòng tránh có vai trò hết sức quan trọng nhằm bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân và Nhà nước, giảm tổn thất xuống mức thấp nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến đấu, bảo đảm giữ gìn lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng phòng không duy trì sức mạnh và khả năng chiến đấu liên tục, lâu dài; đồng thời có tác dụng củng cố, nâng cao quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, ổn định cuộc sống, sản xuất, học tập trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Đây là một cuộc vận động rộng lớn để chuyển hướng mọi hoạt động xã hội trên miền Bắc, tập trung ở các thành phố lớn, cho phù hợp với điều kiện chiến tranh ác liệt. Nó thể hiện tính khoa học và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực tiễn, được tiến hành  bằng phương án, kế hoạch chu đáo, đầy đủ, trên cơ sở quyết tâm, ý thức cảnh giác của nhân dân; tinh thần trách nhiệm chính trị cao, năng lực động viên, tổ chức tài giỏi và quan điểm quần chúng sâu sắc của cán bộ các cấp trong việc bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của địch, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Chính phủ, sự đôn đốc, hướng dẫn tích cực của các đảng bộ, chính quyền, các tổ chức quần chúng mà chúng ta đã đưa được trên 80% số người cần sơ tán ra khỏi những nơi nguy hiểm. Riêng Hà Nội đã huy động 182 xe ca, 54 xe tải liên tục vận chuyển (miễn phí) nhân dân ra khỏi thành phố; cùng với các phương tiện do nhân dân tự túc, đã đưa được 50 vạn trên tổng số 60 vạn người dân Thủ đô về nơi sơ tán. Trước đó, thành phố Hà nội còn tổ chức 400 trại sơ tán cho trẻ em dưới 6 tuổi, hàng trăm trường học sơ tán cho học sinh phổ thông từ cấp I đến cấp III. Nhiều trường học được tổ chức với phương thức: “Học trường làng, ở nhà dân, ăn tập thể”, được thành phố trợ cấp từ 3 đến 5 VN đồng (tương đương 8-12kg gạo, thời điểm lúc ấy). Những người ở lại đều có trung bình 3 hầm trú ẩn: ở nhà, ở cơ quan, trên đường đi. Hệ thống hầm, hố cá nhân ở dọc các hè phố và các hầm tập thể ở các vườn hoa cũng được bố trí một cách thuận tiện, hợp lý. Hệ thống thông báo, báo động vận hành tốt, nhân dân được thông báo kịp thời từ khi máy bay địch cách xa 100 km.  Các lực lượng cứu thương, cứu hộ ... luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất.
Nghệ thuật tác chiến PKND đánh trả không quân địch. Qua tám năm đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, chúng ta đã xây dựng, tổ chức được lực lượng và thế trận PKND rộng khắp với khẩu hiệu “ Toàn dân bắn  máy bay Mỹ”, “Toàn dân tham gia bắt sống giặc lái”, già trẻ, trai gái bằng súng bộ binh đều tham gia bắn máy bay Mỹ, mỗi người dân là một chiến sĩ. Nét phát triển sáng tạo của nghệ thuật tổ chức lực lượng tác chiến của PKND chống không quân hiện đại của Mỹ là cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên mặt trận đất đối không. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng bắn máy bay của dân quân, tự vệ đã triển khai 356 đơn vị. Các đơn vị dân quân, tự vệ đã sử dụng pháo cao xạ từ 14,5 ly đến 30 ly, 57 ly... cùng súng bộ binh giăng lưới lửa tầm thấp và tầm trung đánh máy bay địch tới từ nhiều hướng. Có những trận đánh xuất sắc, như cụm súng máy 14 ly 5 của tự vệ Hà Nội bố trí ở Phà Đen bắn 21 viên đạn hạ tại chỗ một máy bay F-111; dân quân Hòa Bình bắn rơi máy bay lên thẳng HH-53, khi đến cứu giặc lái; dân quân xã Xuân Sơn, huyện An Thụy, Hải Phòng phối hợp với pháo cao xạ của bộ đội bắn rơi tại chỗ một máy bay A-6. Dân quân, tự vệ cùng nhân dân các địa phương trong 12 ngày đêm chiến đấu đã phối hợp với các lực lượng, tổ chức bắt nhiều giặc lái và bắn rơi máy bay đến cứu giặc lái. Ngoài ra, PKND còn phối hợp, hiệp đồng, tạo điều kiện cho Phòng không Quốc gia (PKQG) phát huy sức mạnh và hỏa lực đánh địch đạt hiệu suất cao nhất. Với sự mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, các lực lượng phòng không đã vận dụng, kết hợp những hình thức tác chiến phòng không, thực hiện đánh không quân địch bằng cả lối đánh phân tán và tập trung, đánh với mọi quy mô, đánh địch từ xa đến gần, đánh bằng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, ở tầm thấp, tầm cao và mọi hướng, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất để giành thắng lợi trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Sau 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972) dũng cảm chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 B-52 và 5 F-111 (bằng một nửa số B-52 và gần một nửa số F-111 bị bắn rơi trên miền Bắc trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại). Số máy bay địch bị lực lượng PKND bắn rơi chiếm 13,6% tổng số máy bay địch bị quân và dân ta bắn rơi (22 chiếc, trong đó có 4 F-111; pháo 100 ly của Quân khu Việt Bắc được công nhận bắn rơi 1 B-52).
Trong tương lai, nếu kẻ địch liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược  nước ta, thì với ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế, quân sự và khoa học-công nghệ, nhất là kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, chúng sẽ sử dụng đòn tiến công đường không (TCĐK) như một phương thức tác chiến chủ yếu, quyết định kết cục của chiến tranh. Địch sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện và vũ khí, nhất là vũ khí công nghệ cao (tên lửa hành trình, máy bay tàng hình, bom đạn có điều khiển...) có sức công phá, sát thương lớn, độ chính xác cao, đánh phá ác liệt ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh, với nhiều thủ đoạn: đánh từ xa kết hợp đột nhập tiếp cận gần; bay thấp, đánh đêm, đánh nhanh, thoát ly nhanh; đánh trong mọi điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm, nhằm phá hủy các mục tiêu chiến lược trọng yếu về chính trị, kinh tế và quân sự, đánh quỵ khả năng chống trả của ta, chia cắt, cô lập “làm mềm” chiến trường, tạo điều kiện cho lực lượng tiến công trên bộ của chúng đánh chiếm các mục tiêu chiến lược trọng yếu, nhanh chóng giành thắng lợi trong chiến tranh. Vì thế, phương thức phòng tránh và đánh trả của PKND trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phải được xác định là biện pháp tác chiến, là đòi hỏi khách quan vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài, vừa phải kế thừa những kinh nghiệm quý báu trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, vừa phải nâng cao, phát triển hơn nữa trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Tổ chức phòng tránh và đánh trả phải là hoạt động của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước theo một kế hoạch thống nhất.
Đối với công tác phòng tránh, cần quán triệt phương châm tích cực, chủ động, được triển khai ngay từ thời bình với nhiều giải pháp đồng bộ, có sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân theo một kế hoạch thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhằm khai thác và phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần lực lượng trên các địa bàn và cả nước. Quá trình triển khai, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn TCĐK của địch; về vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng tránh, từ đó có thái độ đúng đắn, đề cao trách nhiệm, chủ động cả về tư tưởng và hành động ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó khi chiến tranh xảy ra. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế ngay từ khi lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương và cả nước, nhất là kết hợp trong xây dựng các công trình phòng thủ, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu sơ tán nhân dân trong các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân tán, sơ tán, cất giấu tại chỗ và cơ động di chuyển tới khu vực lân cận. Coi trọng công tác ngụy trang, nghi binh, giữ bí mật bằng nhiều biện pháp mang tính tổng hợp: kết hợp ngụy trang với nghi trang, nghi binh; giữa kỹ thuật và chiến thuật; kết hợp giữa các biện pháp và phương tiện ngụy trang thô sơ với các biện pháp và phương tiện ngụy trang hiện đại; đồng thời, thực hiện triệt để các quy định về phòng gian, giữ bí mật... hạn chế khả năng phát hiện mục tiêu của các phương tiện trinh sát, giảm độ chính xác vũ khí công nghệ cao của địch.
Đối với hoạt động đánh trả, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo: bí mật, bất ngờ, chủ động, linh hoạt, táo bạo, rộng khắp; lấy tiêu diệt địch, bảo vệ lực lượng, bảo vệ an toàn mục tiêu làm mục tiêu cao nhất. Để làm được điều đó, ngay từ thời bình cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân trong  xây dựng thế trận PKND rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc, có chiều sâu và cơ động linh hoạt; bảo đảm cho các lực lượng vũ trang và nhân dân có thể đánh máy bay, tên lửa hành trình của địch  bằng tất cả các loại vũ khí, từ thô sơ đến hiện đại, đánh địch rộng khắp, cả tầm cao, tầm trung và tầm thấp, từ xa đến gần, từ nhiều hướng tới. Trong đánh trả, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không, tổ chức đánh địch ở nhiều quy mô thích hợp; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, phục kích, đón lõng trên nhiều hướng, nhiều đường bay tới của tên lửa hành trình, máy bay chiến thuật... của địch, hình thành lưới lửa dày đặc, rộng khắp, nhiều tầng, lớp, để tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện TCĐK của chúng. Lực lượng PKND phối hợp chặt chẽ với lực lượng PKQG, phòng không của các quân chủng, binh chủng và các lực lượng khác bảo vệ vững chắc các trung tâm chiến lược, bảo đảm giao thông, vận tải, phục vụ chiến đấu, chống biệt kích, tập kích... của địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần chăm lo xây dựng lực lượng PKND vững mạnh toàn diện, nhất là xây dựng lực lượng phòng không của dân quân, tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế, biết sử dụng các loại vũ khí, khí tài hiện đại; thường xuyên được luyện tập, diễn tập theo các phương án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vấn đề mấu chốt để đánh trả có hiệu quả là phải phát hiện được mục tiêu từ xa . Do đó, PKND cần tổ chức mạng lưới quan sát, trinh sát rộng khắp, có chiều sâu, trên nhiều hướng, kết hợp quan sát bằng các phương tiện, khí tài hiện đại và bằng mắt thường nhằm nhanh chóng phát hiện các loại mục tiêu, thông báo, báo động tổ chức đánh trả kịp thời.
Đại tá Nguyễn Thế Vỵ
Thượng tá, ThS. Tạ Quang Chuyên
 

Ý kiến bạn đọc (0)