QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:06 (GMT+7)
\\"Diễn biến hòa bình\\" và tham nhũng - thách thức và hậu quả!

Công cuộc đổi mới 20 năm qua đã đạt  những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện: đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao; sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo thế và lực cho đất nước đi lên với triển vọng tốt đẹp. Đó cũng chính là cơ sở nền tảng mà Đại hội X của Đảng đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát của 2006 - 2010 là: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị- xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với phương pháp tư duy biện chứng, chúng ta cần nhận rõ trong quá trình phấn đấu đạt tới mục tiêu, phương hướng tổng quát đó có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức, nhất là những âm mưu, thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ và tệ nạn tham nhũng. Những thách thức đó, một thứ xuất phát từ những mưu toan của các thế lực thù địch muốn xóa bỏ CNXH trên đất nước ta; một thứ là "giặc nội xâm", mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chống lại nó "cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận". Cả hai thứ giặc nguy hiểm này, một "nội sinh", một "ngoại sinh" nhưng có quan hệ với nhau và nếu không chiến thắng được nó thì hậu quả khôn lường: đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của Đảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta.

Chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đã giành được thắng lợi là làm cho Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ; CNXH thế giới lâm vào thoái trào... Ngày nay, đối với Việt Nam, mục tiêu của nó, như nhiều chính khách phương Tây không cần úp mở đã nói, "là chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam theo kiểu Đông Âu"; là đưa Việt Nam từng bước đi vào quĩ đạo chủ nghĩa tư bản (CNTB), thực thi "dân chủ, tự do" theo quan điểm áp đặt của họ.
Để đạt được mục tiêu đó, người ta dùng đủ mọi âm mưu, thủ đoạn, sử dụng nhiều lực lượng, nhiều mũi, nhiều hướng tấn công; kết hợp chặt chẽ giữa tác động, gây sức ép bên ngoài với xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động gây ảo tưởng, mơ hồ, tự diễn biến từ bên trong. Đặc biệt, những kinh nghiệm trong quá trình chống phá CNXH thế giới được họ ráo riết áp dụng, nhưng đã được tính toán hết sức kỹ lưỡng trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Để thực hiện "tự diễn biến" ở Việt Nam, ý đồ, âm mưu của họ trước hết phải tạo ra diễn biến và sự chuyển hóa ở cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng; làm mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng. Bởi vậy, ngay trước thềm Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ tung ra hàng loạt tài liệu được phát tán nhằm mục đích vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội hòng gây chia rẽ nội bộ, tạo ra sự nghi kỵ trong nội bộ Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Họ cũng tìm đủ mọi cách, nhằm tác động đến vấn đề nhân sự, với ý đồ hy vọng làm thay đổi lập trường, quan điểm chính trị trong nội dung các văn kiện của Đại hội, để từng bước làm cho Đảng ta suy yếu, thay đổi về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng ngày càng xa rời chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng đã được xác định, từng bước đi vào CNXH dân chủ và cuối cùng là CNTB. Tuy nhiên, mục tiêu đó không đạt được, giờ đây họ đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Nghị quyết Đại hội Đảng X, chống phá quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta là mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta luôn luôn muốn là bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước để cùng nhau hợp tác phát triển. Chúng ta cũng nhận thức rằng, trong làm ăn kinh tế cũng như trong tất cả các mối quan hệ quốc tế, đa số là bạn bè tốt thực sự có thiện chí làm ăn với ta, và điều đó đã được chứng minh trong thực tiễn những năm đổi mới vừa qua. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng bên cạnh những nhà đầu tư chân chính, những người bạn tốt, vẫn có những người mang nặng đầu óc thiên kiến, thù địch, rắp tâm phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước ta. Để thực hiện sứ mệnh - theo cách nói của các nhà hoạch định chính sách phương Tây - là "đầu vào kinh tế, đầu ra chính trị" họ tìm đủ "trăm phương, nghìn kế" để phá hoại ta. Thông qua chiến lược đầu tư, việc thực hiện một số hiệp định, dự án, họ tìm cách gây dựng và phát triển các cơ sở chính trị-xã hội phục vụ cho các ý đồ thâm độc. Tìm mọi cách hạn chế, bóp nghẹt để đi tới xóa sổ kinh tế nhà nước XHCN. Điều đáng chú ý là trong đầu tư người ta rất chú ý đến các địa bàn có giá trị chiến lược về quốc phòng, an ninh. Đó là những nơi có ý nghĩa chiến lược về quân sự, thuận tiện cho hoạt động thu thập tình báo, nơi có điều kiện gây dựng cơ sở hoạt động ngầm phá hoại tình hình mọi mặt của địa phương phục vụ cho mưu đồ của họ...
Chiến lược "diễn biến hòa bình" đặc biệt quan tâm đẩy mạnh sự "xâm nhập vào lĩnh vực tư tưởng, văn hóa", "đánh vào những giá trị căn bản của nền tảng tư tưởng, văn hóa" Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ ai cũng biết rằng chính nền văn hóa Việt Nam, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm bảo vệ non sông đất nước, với tinh thần "Nam quốc sơn hà nam đế cư" và ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay. Họ muốn chiến thắng trong "cuộc chiến không tiếng súng" này thì phải chiến thắng nền tư tưởng, văn hóa; phải hạ thấp, hạn chế đến mức thấp nhất các giá trị nền tảng tư tưởng, văn hóa đó, làm cho nhân dân ta phân vân, mơ hồ, mất lòng tin, tạo ra khoảng trống trong ý thức hệ; thay vào đó tư tưởng thực dụng chủ nghĩa, lối sống hưởng lạc, chạy theo đồng tiền, các hành vi phi đạo đức, nhân tính. Đồng thời thông qua nhiều con đường khác nhau khuếch trương cái giá trị văn hóa phương Tây, gieo rắc các sản phẩm đồi trụy, độc hại, quan điểm, tư tưởng, lối sống đề cao giá trị vật chất, sùng ngoại, v.v.
Đặc biệt, họ hết sức chú ý đến việc tạo ra "tự diễn biến" nội bộ ta. Dùng mọi thủ đoạn, mọi cách thức làm phân hóa từ nội bộ Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Cùng với chiến dịch bôi nhọ CNXH, họ tập trung xuyên tạc, thổi phồng những yếu kém, bất cập, các tệ nạn xã hội, những thói hư, tật xấu nảy sinh từ mặt trái trong nền kinh tế thị trường. Cái thâm hiểm của họ là sử dụng một số vấn đề phát sinh trong các địa phương, đang gây bức xúc trong xã hội mà ta chưa xử lý một cách triệt để như tình trạng cán bộ chính quyền một số địa phương vi phạm quyền dân chủ của nhân dân; một số có chức, có quyền tham nhũng, hối lộ; các tiêu cực trong quản lý đất đai ở một số nơi v.v. để từ đó xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bằng cách đó họ dọn đường cho những kẻ bất mãn, cơ hội lớn tiếng đòi đa nguyên, đa Đảng; nhân danh đấu tranh cho "dân chủ", "nhân quyền" mưu toan thành lập các đảng phái chống đối làm mất ổn định chính trị- xã hội của đất nước. Họ cũng ra sức tập hợp những kẻ vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật, thành lập các tổ chức chống đối, hoạt động gây rối, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Tất cả các lực lượng đó được họ xem như "con ngựa thành Tơ-roa", sẵn sàng cho cuộc "Thập tự chinh" chống phá CNXH ở Việt Nam.
Cùng với "diễn biến hòa bình", hiện nay tệ tham nhũng đang thực sự gây ra những hậu quả không thể lường trước được đối với chế độ, đối với đất nước. Ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng về sự xuất hiện của nguy cơ tham nhũng này. Người khẳng định: tham nhũng "dù cố ý hay không cũng là đồng minh của thực dân, phong kiến" và "tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi việt gian, mật thám". Vì vậy, ngay từ ngày 27 tháng 7 năm 1945 Người đã ký Sắc lệnh phạt tội đưa và nhận hối lộ phải tù từ 5 đến 20 năm khổ sai; sau đó Người ký "Quốc lệnh" khép tội tham ô, trộm cắp vào tội tử hình. Luật pháp đó được thực thi hết sức nghiêm minh, bất kể người đó là ai, ở cương vị, hoàn cảnh nào, như trường hợp Người y án tử hình Trần Dụ Châu về tội tham ô, trụy lạc...
Ngày nay, trong điều kiện đất nước mở cửa hội nhập, thực hiện cơ chế thị trường, nạn tham nhũng tuy diễn ra âm thầm, lén lút nhưng hiện diện ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, làm thiệt hại một khối lượng lớn tài sản, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Để móc túi Nhà nước, trong sản xuất họ làm hàng giả, vi phạm kế toán, thống kê; trong kinh doanh thì trốn thuế, chiếm dụng vốn; trong thực hiện chính sách xã hội thì làm giấy tờ giả; trong quản lý nhà đất thì mua bán trá hình, cấp nhượng sai chính sách. Đặc biệt, trong xây dựng cơ bản và làm đường giao thông thì khai khống khối lượng, bớt xén vật tư, ép tiến độ thi công... làm cho nhiều công trình bị xuống cấp ngay sau khi khánh thành; thất thoát trong lĩnh vực này hằng năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Để kiếm chác, một số người tìm cách tạo ra các rào cản trá hình, gây khó khăn cho người dân, cho các doanh nghiệp để nhận các khoản lót tay. Họ bàng quan, vô cảm trước những người dân thiếu công ăn việc làm; công việc chung bị ngừng trệ, các doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn, gây nên sự trì trệ phát triển ở không ít nơi. Không những thế, nạn tham nhũng còn dẫn đến nguy cơ làm mục ruỗng chế độ ta. Bởi tham nhũng thường là những người có quyền lực trong cơ quan Đảng, Nhà nước nhưng đã thoái hóa, biến chất. Vì lợi ích của bản thân mình, họ bất chấp mọi nguyên tắc, Điều lệ Đảng, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, tìm mọi cách biến tài sản của Nhà nước thành của riêng. Về bản chất, những kẻ tham nhũng không quan tâm đến mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Mục tiêu của họ là làm sao để bản thân mình ngày càng giàu có; họ chỉ quan tâm đến cuộc sống vật chất riêng tư đầy đủ, bất chấp sự thiếu thốn của những người xung quanh. Lô gíc sống của họ đi ngược lại lợi ích chung của xã hội; vì những món lợi của riêng mình, họ tiếp tay cho những kẻ phá hoại tài sản Nhà nước, thậm chí sẵn sàng làm tay sai cho các thế lực chống phá chế độ. Và mới đây thôi chúng ta cũng biết rằng, kẻ tống tiền một doanh nghiệp là kẻ đã từng làm bồi bút cho các thế lực chống đối CNXH, viết bài xuyên tạc, nói xấu chế độ ta, đất nước ta.
Những kẻ tham nhũng luôn say mê quyền lực, bởi lẽ đối với họ, càng có quyền lực càng có điều kiện thao túng mọi tổ chức, mọi con người trong cơ quan để vụ lợi. Từ thực tế vụ tham nhũng điển hình ở PMU18 (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy: các tổ chức Đảng ở đó đã bị vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo; công tác đề bạt cán bộ có nhiều thiếu sót nghiêm trọng, một số cán bộ không đủ tư cách đạo đức nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm... Bởi vì họ coi quyền lực như một thứ trục lợi để kinh doanh, họ tìm mọi thủ đoạn để tiến thân nên bất chấp mọi tổ chức, mọi quy trình, quy chế trong tuyển chọn và đề bạt. Họ tìm cách đưa người thân vào nắm giữ các vị trí quan trọng, "gia đình hóa" cơ quan, đơn vị, biến nó thành "sân sau", tạo nên "ê kíp" trung thành, khép kín, hợp thức hóa mọi mánh khoé rút ruột Nhà nước, hình thành một cơ chế ngầm, thông đồng tham nhũng, khó mà phát hiện được. Nếu những người này chui sâu, leo cao, ở vào những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, họ sẽ nâng đỡ những cán bộ trong "ê kíp" tiếp tục làm ăn; thiết lập những mối quan hệ mới, tạo ra những thế lực ngầm tác động, chi phối đến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Và điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với đất nước, chế độ.
Tham nhũng sẽ để lại hậu quả về mặt chính trị- xã hội hết sức nặng nề. Nó làm thay đổi, thậm chí làm đảo lộn các giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội, làm vẩn đục mối quan hệ giữa con người với con người, làm xói mòn tư tưởng, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên. Vì quyền lực, vì trục lợi, những kẻ tham nhũng bất chấp mọi tình cảm, đạo lý, tìm mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, nịnh nọt cấp trên, hách dịch với cấp dưới, trù dập những người không cùng cánh hẩu. Kẻ tham nhũng, khi đã chiếm đoạt được một lượng tài sản lớn, sẽ dẫn tới ăn chơi trác táng, sa đọa; tham gia vào các hoạt động tội phạm xã hội; để trốn tránh luật pháp, họ tìm cách tạo ra "vỏ bọc an toàn", như làm quen, mua chuộc, lôi kéo cán bộ cấp trên, cán bộ bảo vệ pháp luật, để được che chở. Thậm chí, vì quyền lợi ích kỷ, họ sẵn sàng trốn tránh luật pháp trong nước, tìm cách chạy ra nước ngoài, phụ họa, tiếp tay cho những kẻ nói xấu đất nước, nói xấu chế độ, phục vụ đắc lực cho chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Do đó, nếu chúng ta không kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; tham nhũng không được ngăn chặn, đẩy lùi, thì nhân dân sẽ mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên; các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng chống phá. Một mặt, chúng sẽ tìm mọi cách để "biến" các hiện tượng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã thoái hóa biến chất thành thuộc tính bản chất của Đảng ta; từ đó chúng sẽ lớn tiếng tuyên bố Đảng đã thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách lãnh đạo đất nước. Mặt khác, do bản chất phản động của chiến lược "diễn biến hòa bình" là chống phá CNXH, phá hoại sự nghiệp cách mạng, làm biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, do đó nhất định họ sẽ tìm mọi cách sử dụng vấn đề tham nhũng và những người tham nhũng phục vụ cho mục đích chính trị của họ...
Đảng ta nhận thức rất rõ "diễn biến hòa bình" và tham nhũng đang là những thách thức đe dọa sự ổn định, phát triển và sự tồn vong của chế độ; bởi vậy, trong các văn kiện, nhất là văn kiện Đại hội Đảng X và văn kiện Hội nghị Trung ương 3 (khóa X), Đảng xác định, đó là những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua. Trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định phải "Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. Coi trọng nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị. Về chống tham nhũng, Đảng yêu cầu "Toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí". Thể hiện quyết tâm chính trị đó, Hội nghị Trung ương 3, khóa X đã ra Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Cùng với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, song song và thường xuyên gắn với cuộc đấu tranh đó là đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. Chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, không mơ hồ, ảo tưởng, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí. Đồng thời làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, thực hiện thắng lợi mục tiêu phương hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra.
 
TS. Nguyễn Viết Hiển
 

Ý kiến bạn đọc (0)