QPTD -Thứ Hai, 08/08/2011, 23:57 (GMT+7)
Điện Biên đẩy mạnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới

Thực hiện Thông báo kết luận số 158-TB/TƯ, ngày 23-8-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 2009, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Điện Biên tổ chức kỷ niệm ba ngày lễ lớn: 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 100 năm thành lập Tỉnh và 60 năm thành lập Đảng bộ Tỉnh (Điện Biên, Lai Châu). Đây là những hoạt động lịch sử-truyền thống có ý nghĩa chính trị sâu sắc; là dịp để tôn vinh, khơi dậy niềm tự hào về vùng đất lịch sử, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của nhân dân ta. Sau 55 năm giải phóng, từ mảnh đất đầy bom đạn của một tỉnh miền núi, biên giới được xác định là "phên dậu" của Tổ quốc, đến nay Điện Biên đã có biết bao sự đổi thay.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược. Đó là cùng với xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; phải tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh (QP-AN), giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, an ninh, trật tự và khối đại đoàn kết toàn dân trong mọi tình huống. Các nhiệm vụ này quan hệ khăng khít với nhau, phải được giải quyết trong mọi khâu, mọi bước của tiến trình CNH, HĐH đất nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH sẽ tạo nguồn lực vật chất, kỹ thuật ngày càng lớn cho tăng cường tiềm lực QP-AN, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân (QPTD), gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân. Tăng cường QP-AN sẽ tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển KT-XH; góp phần củng cố nền tảng chính trị-xã hội trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Với nhận thức đó, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã kết hợp hài hòa hai nhiệm vụ chiến lược và đạt được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế bình quân đạt gần 11%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân 5%/năm; tổng sản lượng lương thực năm 2008 đạt 20,2 vạn tấn; bình quân đầu người đạt 420 kg/năm, riêng khu vực lòng chảo Mường Thanh đạt 690 kg/người/năm (trước đây có năm Điện Biên phải đề nghị Trung ương hỗ trợ 5-6 ngàn tấn lương thực). Tỉnh quy hoạch được một số vùng, điểm kinh tế; từng bước hình thành và phát triển vùng cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày, như: chè, cà phê, đậu tương, bông, cây ăn quả. Từ năm 2007 đến nay, Tỉnh đang phối hợp cùng với Tập đoàn Cao su Việt Nam để quy hoạch phát triển cây cao su (năm 2008 đã trồng được 1.000 ha cây cao su, kế hoạch đến 2015 là 2 vạn ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, tăng 29% so với năm 1995. Đàn gia súc tăng 5%/năm, hiện có trên 39 vạn con.

Công nghiệp-xây dựng có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã có một số cơ sở công nghiệp, như nhà máy gạch tuy-nel công suất 15 triệu viên/năm, nhà máy xi măng công suất 36 vạn tấn/năm, nhà máy nước, nhà máy thủy điện, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm. Hoạt động dịch vụ thương mại mở rộng về mạng lưới, tăng về quy mô và chủng loại hàng hóa, dịch vụ.

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm đạt bình quân trên 2 ngàn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng để Tỉnh tập trung đầu tư phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực QP-AN. Đến nay, toàn Tỉnh có 98% số xã, phường, trị trấn có đường ô tô tới trung tâm; 100% xã có điện thoại và có điểm bưu điện-văn hóa; 70% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, 82/106 xã có điện lưới quốc gia;  67% số hộ dân được xem truyền hình.

Các mặt văn hóa-xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới trường, lớp với số lượng học sinh tăng ở các ngành học, cấp học và bậc học; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện chính sách dân số, gia đình-trẻ em và các chương trình y tế quốc gia đạt khá; không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội được tăng cường chỉ đạo. Tỉnh đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, mục tiêu của Chính phủ và phát huy sức mạnh, trách nhiệm của toàn xã hội vào công tác xóa đói, giảm nghèo; nhờ đó, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể (năm 1995 chiếm 51%, nay còn trên 30%), bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 7 ngàn lao động. Các hoạt động văn hóa-thông tin, thể thao, phát thanh-truyền hình, báo chí, xuất bản đã và đang hướng về cơ sở; tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh, gắn với truyền thống yêu nước, truyền thống Điện Biên Phủ trong các tầng lớp nhân dân; góp phần xây dựng các thôn, bản văn hóa.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, Đảng bộ Tỉnh đặc biệt coi trọng xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân; xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng để xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện thật sự vững chắc. Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng để lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạng tổng hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự, biên phòng, công an trong tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là các nghị quyết, văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sát với đặc điểm, tình hình của Điện Biên. Nổi bật là, Tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VIII) về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết 08 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về xây dựng KVPT; Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ; Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới...

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và tổ chức diễn tập KVTP cấp tỉnh, cấp huyện. Ngày 01-6-2007, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09 "Về nhiệm vụ QP-AN đến năm 2010" - đây là một trong mười Chương trình cụ thể hóa Nghị quyết XI của Đảng bộ Tỉnh.

Đối với LLVT, Tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các cấp, các ngành liên quan để chủ động nắm chắc tình hình biên giới, nội địa, tình hình diễn biến tư tưởng trong nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra. Cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; trọng tâm là xây dựng KVPT tỉnh, huyện, xây dựng cơ sở chính trị vững chắc. Trong quá trình triển khai, Tỉnh hết sức coi trọng xây dựng tiềm lực KT-XH; gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của Tỉnh với nhiệm vụ đảm bảo QP-AN; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của KVPT tỉnh và một số địa bàn trọng điểm của các huyện, thị xã, thành phố; thành lập mới, điều chỉnh vị trí đứng chân của một số đồn, trạm biên phòng...; trong đó, ưu tiên các hướng chủ yếu, khu vực trọng điểm, địa bàn trọng yếu; đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) theo hướng: vừa hợp tác phát triển KT-XH, vừa phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn khu vực biên giới của mỗi nước.

Mặt khác, Tỉnh tăng cường công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, xây dựng "thế trận lòng dân" bảo vệ Tổ quốc; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân nêu cao trách nhiệm và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên được thực hiện nghiêm túc theo Pháp lệnh Dân quân, tự vệ và Pháp lệnh Dự bị động viên; trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nâng cao tỷ lệ đảng viên, đoàn viên, người dân tộc thiểu số trong lực lượng dân quân, tự vệ; kiện toàn các Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường), cơ quan, tổ chức; tăng cường rà soát nắm nguồn, sắp xếp lực lượng dự bị động viên theo chuyên nghiệp quân sự. Công tác đảng, công tác chính trị trong LLVT Tỉnh được đẩy mạnh; trong đó chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng đảng viên, lãnh đạo xây dựng củng cố, kiện toàn tổ chức, cơ quan và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vững mạnh toàn diện, xây dựng LLVT Tỉnh theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại". Có thể khẳng định, mỗi thành công của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong những năm qua đều thể hiện sự kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững chắc gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên xác định nhiệm vụ trọng yếu đối với Tỉnh là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; tiếp tục cụ thể hóa và đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống; quyết tâm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Tỉnh vào năm 2009 (trước một năm so với Nghị quyết đề ra). Xây dựng nền QPTD, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực QP-AN; xây dựng LLVT Tỉnh vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, khối đại đoàn kết toàn dân, an ninh, trật tự trên địa bàn Tỉnh trong bất kỳ tình huống nào. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, để mọi người hiểu rõ ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; từ đó, tạo thành khí thế và phong trào thi đua yêu nước thiết thực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng vững mạnh, mãi mãi xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

NGUYỄN THANH TÙNG

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)