QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:22 (GMT+7)
Để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay

Sau hơn 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, kể từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), nền kinh tế nước ta tăng trưởng liên tục ở mức khá. Thành tựu đó là do đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước với sự nỗ lực phấn đấu, sáng tạo của toàn thể nhân dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân. Đổi mới của đất nước ta là đổi mới có nguyên tắc, trong đó nguyên tắc cơ bản hàng đầu là giữ vững mục tiêu, lý tưởng là xây dựng CNXH. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể mới của đất nước, qua các Đại hội VI, VII, VIII, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần và tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là mô hình tổng quát mà nước ta lựa chọn trong thời kỳ đổi mới. Đảng ta khẳng định nhất quán KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước (KTNN) đóng vai trò chủ đạo. Điều đó xuất phát từ lợi ích của đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, là “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng XHCN trong tiến trình phát triển kinh tế. Bởi lẽ, KTNN càng phát huy vai trò chủ đạo bao nhiêu thì kinh tế-xã hội sẽ phát triển nhanh, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nhanh và vững chắc bấy nhiêu.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, hiện nay, trong thành phần KTNN, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí cơ bản và rất to lớn, nhưng không ít đơn vị chưa xứng đáng với vai trò mà nó đang nắm giữ. Vẫn còn những DNNN luôn làm ăn thua lỗ, mặc dù đã được Nhà nước cứu trợ cho tồn tại bằng cách “khoanh nợ”, “giãn nợ” hoặc trợ cấp vốn từ ngân sách, nhưng đang bên bờ vực phá sản... Xét từ góc độ lợi ích của xã hội mà Nhà nước là người đại diện, những DNNN kiểu này thật sự đang là gánh nặng, cần giải quyết càng sớm càng tốt. Cho nên một số người, vin vào đó để nói rằng, trong nền KTTT, không nên đặt vấn đề có một thành phần nào đó đóng vai trò chủ đạo mà mọi thành phần kinh tế (TPKT) đều bình đẳng. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi vì, ngoài những doanh nghiệp thuộc loại đó, nhiều DNNN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhất là những DNNN hoạt động trong lĩnh vực công ích đang góp phần thể hiện rõ vai trò chủ đạo của nền kinh tế đất nước. Đó là những “người lính đi đầu” trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước, trong cuộc chiến chống đói, nghèo và tụt hậu; là chỗ dựa để Nhà nước điều tiết nền KTTT đúng định hướng XHCN. Ngay những người phản đối gay gắt nhất về vai trò chủ đạo của KTNN cũng không thể phủ nhận được thực tế đó.
Trong xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, chúng ta khuyến khích các TPKT cùng phát triển, nhưng không thể kỳ vọng nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư phát triển các ngành kinh tế như kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cung ứng những hàng hoá và dịch vụ quan trọng, không thể trông chờ vào đó để giải quyết các vấn đề xã hội.
Hơn nữa, hiện nay khi đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân, yêu cầu đặt ra là phải mở rộng giao lưu quốc tế, ngày càng tăng cường mối quan hệ quốc tế với các đối tác có trình độ phát triển cao hơn rất nhiều. Do vậy, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào năng lực tiếp thu và khả năng nội sinh hoá công nghệ nhập khẩu. Tiềm lực khoa học và công nghệ yếu kém, lẽ đương nhiên, dễ gặp phải những khó khăn, rủi ro hơn trong việc thực thi các hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng như các dự án góp vốn đầu tư hoặc nhập khẩu thiết bị toàn bộ. Trong hoàn cảnh này, các đối tác nước ngoài có thể lợi dụng ưu thế của họ để khống chế các đối tác nội địa. Chính vì vậy, nếu không có một khu vực KTNN đủ mạnh thì Nhà nước không thể hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các TPKT khác vươn lên trong cuộc hợp tác và cạnh tranh với các đối tác nước ngoài. Dù không công khai, nhưng bất cứ nước nào, kể cả các nước tư bản, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po..., dưới những hình thức khác nhau, KTNN vẫn đóng vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp vào những giai đoạn khó khăn, nhất là trong chuyển giao công nghệ, liên doanh góp vốn với nước ngoài. Những năm gần đây, khi nền kinh tế trì trệ, các chính phủ Mỹ, Nhật Bản, không chỉ một lần, xuất dự trữ nhà nước mua cổ phiếu để cứu vãn một số công ty khi chúng bị chao đảo trên thị trường chứng khoán.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn  khẳng định mạnh mẽ rằng KTNN phải giữ vị trí then chốt, phải đóng vai trò chủ đạo. Đó là định hướng XHCN quan trọng bậc nhất của sự phát triển kinh tế nước ta.
Trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn, nếu làm yếu KTNN là làm suy yếu nhà nước XHCN. Vì vậy, vấn đề là, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm sao để cho thành phần KTNN tăng cường vai trò chủ đạo. Muốn sử dụng sức mạnh tổng hợp của tất cả các TPKT thì KTNN phải luôn luôn là đội quân chủ lực trên mặt trận kinh tế. Nhờ đó mà nhà nước XHCN có lực lượng vật chất quan trọng và quyết định nhất để luôn luôn bảo đảm ổn định xã hội.
Tuy nhiên, cần có sự nhận thức mới về KTNN là TPKT thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước; ngân sách, tín dụng, ngân hàng nhà nước; các quỹ dự trữ quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các cơ sở vật chất của quốc phòng, an ninh, phần vốn của Nhà nước góp vào liên doanh trong công ty cổ phần; các nguồn lực của Nhà nước đầu tư ở trong và ngoài nước. Như vậy, KTNN rộng hơn, mạnh hơn kinh tế quốc doanh. Trước đây, chúng ta thường quan niệm TPKT quốc doanh là nói đến DNNN giữ vai trò chủ đạo.
Do có sự nhận thức mới về vai trò chủ đạo của KTNN, cho nên trước đây khi nói kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là hầu như mọi lĩnh vực đều do xí nghiệp quốc doanh chiếm lĩnh tỷ lệ tuyệt đối, trên tất cả các lĩnh vực. Còn các TPKT khác thì chỉ chiếm tỷ lệ thấp, và bị phân biệt đối xử. Ngày nay, vai trò chủ đạo của KTNN được thể hiện trên các mặt cụ thể như sau:
Một là: KTNN không bao một cách tràn lan, mà chỉ nắm giữ những vị trí, lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế. Nhờ đó có thể chi phối hoạt động của các TPKT khác và của toàn bộ nền kinh tế.
Hai là: KTNN mà nòng cốt là các DNNN phải đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Điều đó không chỉ là trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng nhanh, bền vững mà còn tạo sức mạnh cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các TPKT khác cũng phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cùng đóng góp ngày càng nhiều cho quá trình phát triển kinh tế.
Ba là: KTNN là lực lượng kinh tế to lớn, là công cụ để Nhà nước thực sự là "bàn tay hữu hình" điều tiết vĩ mô nền KTTT định hướng XHCN.
Những điều trên đã được Đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định: "KTNN phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. DNNN giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật"1.
           
Để tiếp tục nâng cao vai trò chủ đạo của KTNN trong nền KTTT định hướng XHCN, chúng ta phải ra sức chấn chỉnh, đổi mới, sắp xếp, củng cố theo hướng tiếp tục giữ vững và nâng cao vị thế của KTNN trong công cuộc xây dựng CNXH. Cần nhận thức đúng đắn rằng các TPKT đều bình đẳng trước pháp luật, chứ không phải cào bằng vai trò của chúng. Toàn quân và dân ta kiên quyết thực hiện nghiêm túc điều Bác Hồ dạy: Kinh tế quốc doanh là sở hữu của toàn dân, là lợi ích của toàn dân (tức là lợi ích cao nhất), nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, cho nên nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên. Như vậy, "Chúng ta tiếp tục có thái độ và chính sách nhất quán, lâu dài phát triển các TPKT đó. Với vai trò chủ đạo của KTNN, chúng ta coi tất cả các TPKT hợp thành sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân định hướng XHCN. Chúng ta thẳng thắn nói rằng trên thế giới ngày nay tồn tại cả CNXH và CNTB, rằng nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, theo đó về lĩnh vực kinh tế vừa có CNXH vừa có CNTB nhưng CNXH là chủ đạo, tiếp thu một số yếu tố kinh tế của CNTB để xây dựng CNXH. Nếu không có kinh tế tư bản tư nhân thì việc xác định vai trò chủ đạo của KTNN là vô nghĩa, nếu không kêu gọi tư bản nước ngoài đầu tư và không quan hệ với thị trường thế giới thì chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế cũng không có ý nghĩa bao nhiêu. Do đó, chúng ta không ngần ngại và không né tránh, trái lại nói rõ ràng là có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân, làm cho chính sách và thái độ của chúng ta là đàng hoàng, minh bạch, là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với từ ngữ quốc tế, nhưng là kinh tế tư bản tư nhân được phát triển theo pháp luật của Cộng hòa XHCN Việt Nam"2.
Trên cơ sở khẳng định vai trò chủ đạo của thành phần KTNN, cần tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp cụ thể cho từng bộ phận cấu thành KTNN.
 Trước hết, nói vai trò chủ đạo của KTNN thì đầu tiên phải tính đến là DNNN. Tiếp tục sắp xếp, bố trí lại các DNNN theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hơn nữa những doanh nghiệp hoạt động tốt, có hiệu quả cao nhờ đã chuyển đổi phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT định hướng XHCN. Xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các Tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các TPKT, thận trọng thí điểm, mở rộng mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
Hai là, về mặt quản lý kinh tế, Nhà nước phải phân biệt quyền của chủ sở hữu với quyền quản lý kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện chế độ quản lý công ty đối với các doanh nghiệp dưới dạng Công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ sở hữu là nhà nước và Công ty cổ phần có vốn nhà nước đủ mức khống chế, điều tiết, giao cho Hội đồng quản trị quyền đại diện trực tiếp chủ sở hữu gắn với quyền tự chủ kinh doanh; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN.
Ba là, đổi mới và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các DNNN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của DNNN ở thị trường trong và ngoài nước. Muốn vậy, phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý DNNN theo hướng xóa bỏ triệt để bao cấp. DNNN cũng phải hoạt động theo luật doanh nghiệp như các doanh nghiệp của mọi TPKT khác, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Thực hiện tốt các chế độ dân chủ trong doanh nghiệp. Có cơ chế phù hợp về kiểm tra, giám sát, thanh tra nhà nước đối với doanh nghiệp.
Bốn là, lành mạnh hóa tài chính DNNN, cải thiện tình hình quản lý tài chính và lao động trong DNNN; củng cố và hiện đại hóa một bước các Tổng công ty nhà nước.
Năm là, thực hiện tốt chủ trương cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu đối với DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Với các DNNN vừa và nhỏ thì tiến hành sáp nhập, giao, bán, khoán, cho thuê hoặc giải thể, chuyển đổi sở hữu; cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài mà không thực hiện được các biện pháp nói trên.
Đồng thời, các bộ phận khác của thành phần KTNN, ngoài DNNN, cũng cần có những giải pháp thích hợp để nâng cao vai trò chủ đạo.
Trước hết, bộ phận ngân sách, tín dụng, ngân hàng nhà nước phải có chuyển biến tích cực, xóa bỏ cơ chế bao cấp quan liêu theo kiểu "xin, cho". Các bộ phận này phải thực sự là công cụ của Nhà nước điều tiết vĩ mô, giữ định hướng có lợi nhất cho sự phát triển của nền kinh tế.
Hai là, hoạt động của dự trữ quốc gia, bảo hiểm nhà nước, cơ sở vật chất của quốc phòng, an ninh và các nguồn lợi khác của Nhà nước đưa vào vòng chu chuyển kinh tế cũng phải góp phần tích cực vai trò chủ đạo. Tất cả, tuỳ mức độ, đặc điểm của mình mà hoạt động tiết kiệm, có hiệu quả theo cơ chế thị trường một cách phù hợp. Ngay cơ sở vật chất của quốc phòng - an ninh, qua 20 năm đổi mới cũng đã có nhiều cơ sở thực hiện tiết kiệm, phát triển sản xuất phù hợp với KTTT định hướng XHCN.
Ba là, muốn nâng cao vai trò chủ đạo của thành phần KTNN, thì phải kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, làm tổn thất kinh tế, băng hoại xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta rất quan tâm. Bởi vì, chúng ta coi hành vi tham nhũng, lãng phí kinh tế là quốc nạn, là kẻ thù của công cuộc xây dựng đất nước quá độ lên CNXH.
 
PGS, TS. Nguyễn Đình Kháng
Viện trưởng Viện Kinh tế,
Học viện CTQG Hồ Chí Minh
 
1- Đảng cộng sản Việt Nam-Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.96.
2- Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, “Về định hướng XHCN trong xây dựng đất nước ta hiện nay”- Báo Nhân dân, ngày 4 tháng 11 năm 2005, tr.2- cột 5.
 

Ý kiến bạn đọc (0)