QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 23:54 (GMT+7)
Để khu kinh tế-quốc phòng Binh đoàn 16 phát triển ổn định, vững chắc

Dự án khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) Binh đoàn 16 được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, dọc chiều dài 500 km trên tuyến biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia; đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giai đoạn đầu. Để bảo đảm cho khu KT-QP phát triển ổn định, vững chắc, Binh đoàn đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN) vùng dự án.

Trên cơ sở Dự án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Binh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu KT-QP trong vùng dự án, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng đầu tư; đồng thời, thực hiện lồng ghép các mục tiêu của khu KT-QP với các chương trình, dự án phát triển của địa phương (nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo, di dân, định canh, định cư, văn hóa, giáo dục, y tế...), tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình phát triển của vùng dự án.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Dự án, Binh đoàn xác định: lấy phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm và được gắn kết chặt chẽ với tăng cường tiềm lực và thế trận QP-AN trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay, Binh đoàn đã xây dựng được 9 khu KT-QP với 68 đội sản xuất (gắn với 68 bản làng, buôn, sóc) thuộc địa bàn 27 xã (có 17 xã biên giới), 9 huyện của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, Binh đoàn ưu tiên triển khai trước một bước,  gắn với bố trí các điểm dân cư, tạo cơ sở cho phát triển KT-XH và củng cố QP-AN. Binh đoàn đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ; trong đó, đã xây dựng mới và cải tạo 426,9 km đường giao thông, hình thành các tuyến đường chạy dọc, ngang thông thương giữa các vùng sản xuất và nối thông với đường Tuần tra biên giới; xây dựng 164 km đường điện, 77 công trình thủy lợi, 125.000 m2 nhà ở các loại; xây dựng 40 trường học, 62 nhà trẻ, 1 bệnh viện, 6 bệnh xá, hệ thống phát thanh, truyền hình, nhà văn hóa, khu vực thương mại... phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa điện về thắp sáng từng hộ dân, đưa y tế, giáo dục, văn hóa về tới các buôn, sóc, làng, bản, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới.

Công tác quy hoạch, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, di dân và ổn định dân cư được Binh đoàn đặc biệt quan tâm; đã quy hoạch, bố trí được 68 cụm, điểm dân cư trong vùng dự án, hình thành các buôn, thôn, làng, xã (thành lập 3 xã mới), chạy dọc tuyến biên giới với tổng số 5.326 hộ dân, 22.357 nhân khẩu (trong đó có hơn 11.000 lao động). Đáng quan tâm là, ngoài 1.208 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên trong biên chế của Binh đoàn và 1.505 hộ dân cư của 2 tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa, số hộ còn lại (2.513 hộ) là đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc và tại chỗ được tiếp nhận, bố trí ổn định trong vùng dự án (trong đó có 1.342 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ). Cùng với việc củng cố, xây dựng cơ sở chính trị và để ổn định đời sống nhân dân, Binh đoàn đã phối hợp với các địa phương cấp đủ đất canh tác cho các hộ dân theo quy định (bình quân đất ở 1.000 m2/hộ, đất canh tác 1 ha/hộ); tổ chức giao, nhận khoán vườn cây công nghiệp cho 3.235 hộ dân với 3.235 ha đất sản xuất; tổ chức hướng dẫn, tập huấn về quy trình kỹ thuật, hướng dẫn trồng xen cây ngắn ngày khi cây công nghiệp chưa khép tán; tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp, chủ yếu là phân bón, cây và con giống; chế biến và tiêu thụ sản phẩm, làm dịch vụ “hai đầu” cho dân... Với cách làm đó, các hộ dân tham gia Dự án và người lao động trong Binh đoàn yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên; nhiều hộ đã biết làm giàu, có nguồn thu nhập cao (cá biệt có hộ thu nhập 240 triệu đồng/năm); 86% các hộ dân tham gia nhận khoán đã sắm được ti vi, xe máy và các đồ dùng đắt tiền khác.

Phát triển sản xuất là nhiệm vụ trung tâm, được Binh đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả trên nhiều mặt. Binh đoàn quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ đất được giao (47.650 ha đất tự nhiên), đã chuyển đổi mục đích sử dụng 19.332 ha, số còn lại được khoanh nuôi, bảo vệ rừng; tổ chức khai hoang và trồng được hơn 11.000 ha các loại cây công nghiệp, gồm: cao su, cà phê, điều cao sản, hồ tiêu đã cho thu hoạch; đã hợp tác đầu tư với Tập đoàn giấy Tân Mai chuyển đổi cây trồng, đầu tư trồng mới trên 5.000 ha cây nguyên liệu giấy; gieo trồng trên 6.500 cây lương thực, thực phẩm và cây ăn quả các loại; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với hàng vạn con; giải quyết việc làm cho hơn 11 nghìn lao động và 23 nghìn nhân khẩu...

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, những năm gần đây, Binh đoàn phải chịu sự tác động, chi phối của nhiều yếu tố (cả khách quan và chủ quan). Do quá trình điều tra, khảo sát vùng dự án ban đầu chưa kỹ, chọn đất thâm canh một số loại cây công nghiệp không phù hợp và do áp lực phải giải quyết đời sống, việc làm cho số lượng lớn hộ dân các tỉnh đến vùng dự án... nên việc triển khai nóng vội, dẫn đến chất lượng một số vườn cây thấp, không có khả năng đưa vào khai thác kinh doanh. Việc thiếu hụt nguồn vốn (do lãi suất cao, nợ đọng vốn kéo dài,...) đã gây khó khăn cho hoạt động SXKD và bảo đảm đời sống người lao động. Đó là chưa kể ở một số địa điểm sản xuất, còn có sự tranh chấp về đất trong vùng dự án, chưa được giải quyết triệt để; hậu quả của trận lũ lụt lớn năm 2007 gây thiệt hại nặng nề cả về nhà ở, tài sản và điều kiện sản xuất...

Trước thực trạng đó, Binh đoàn đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, tồn đọng, bảo đảm sự phát triển ổn định của Dự án. Trước hết, Binh đoàn tổ chức kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ diện tích và chất lượng vườn cây, nhất là cây điều, cà phê (trọng tâm là dự án Điều cao sản ở EASup trên diện tích 13.670 ha) để có kết luận chính xác về thực trạng từng lô, thửa vườn cây. Trên cơ sở đó, Binh đoàn báo cáo, đề nghị và được Bộ Quốc phòng, Chính phủ đồng ý cho xử lý các loại vườn cây cả về phương án chuyển đổi cây trồng và xử lý về mặt tài chính (xóa, khoanh, giãn nợ). Binh đoàn đã chủ động tìm đối tác (Công ty cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai) chuyển đổi cây trồng nguyên liệu giấy trên diện tích 5.509 ha với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng (đã trồng 5.000 ha, cây phát triển tốt); tiếp đó, đàm phán chuyển đổi 5.550 ha cây điều (đã đầu tư ban đầu 57 tỷ đồng) không có khả năng thu hồi vốn sang trồng cây nguyên liệu giấy (đối tác chấp nhận trả khoản nợ đầu tư ban đầu và đầu tư trồng mới). Với phương án này, Binh đoàn đã giải quyết được khó khăn, bức xúc của dự án Điều cao sản ở EASup, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và ổn định đời sống nhân dân.

Việc giải quyết nguồn vốn cho hoạt động SXKD cũng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp. Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với khu KT-QP, Binh đoàn đã có nhiều hình thức huy động các nguồn vốn khác (vay vốn bổ sung cho sản xuất, vốn điều lệ, vốn hỗ trợ di dân...), đàm phán, huy động vốn từ Công ty cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai và một số doanh nghiệp khác, với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng... Nhờ vậy, Binh đoàn đã bảo đảm được nhu cầu vốn cho SXKD, đời sống người lao động, đầu tư xây dựng 2 xưởng chế biến cà phê đi vào hoạt động có hiệu quả và các hoạt động khác. 

Để nâng cao hiệu quả SXKD, Binh đoàn tích cực đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, mở rộng quyền chủ động SXKD cho các nông trường, xí nghiệp và người lao động; xây dựng quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật phù hợp cho từng loại cây trồng trên từng vùng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; vì vậy, các vườn cây được phục hồi, phát triển tốt, năng suất năm sau tăng hơn năm trước, nhất là cà phê, cao su. Bên cạnh đó, Binh đoàn tăng cường chuyển đổi phương thức khoán công đoạn sang khoán sản phẩm để người lao động yên tâm, chủ động đầu tư, chăm sóc bảo vệ vườn cây (đã khoán kinh tế hộ gia đình được 4.362 ha).

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về tổ chức, kinh tế, tài chính, kỹ thuật, Binh đoàn đã tháo gỡ được khó khăn, từng bước đưa khu KT-QP đi vào phát triển ổn định, vững chắc. Năm 2009, mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và các yếu tố bất lợi khác,  nhưng hoạt động SXKD của Binh đoàn đạt kết quả khá, giá trị sản xuất đạt 123% kế hoạch Bộ giao; thu nhập bình quân người lao động tăng 15% so với năm 2008; bước đầu làm kinh tế ở nơi khó khăn khu vực biên giới đã có lãi; hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch SXKD của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Binh đoàn lần thứ 2 trước thời gian 1 năm.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển KT-XH, Binh đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Binh đoàn thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng chống cháy rừng, thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, phù hợp với thực tế địa bàn và nhiệm vụ của khu KT-QP. Cùng với việc quan tâm xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh toàn diện, Binh đoàn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng tự vệ (gồm 6 đơn vị tự vệ ở các nông trường, xí nghiệp); xây dựng Sư đoàn 16 Dự bị động viên theo đúng quy định của Pháp lệnh Dự bị động viên và quy định của Bộ Quốc phòng. Từ cơ quan Binh đoàn đến các đơn vị sản xuất (nhất là tuyến biên giới) thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn và chính quyền địa phương theo dõi nắm chắc tình hình, phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng xâm nhập và vượt biên trái phép; đấu tranh, ngăn chặn một số phần tử xấu lôi kéo, kích động, tập trung đông người, lấn chiếm tranh chấp đất đai, thu hái, trộm cắp sản phẩm của đơn vị; xử lý có hiệu quả một số tình huống về thiên tai, thảm họa theo phương châm 4 tại chỗ; điển hình là trận lũ lụt lớn ở huyện EASúp (năm 2007), đã huy động lực lượng tại chỗ sơ tán hàng trăm hộ dân và nhiều tài sản đến nơi an toàn...

Những kết quả quan trọng mà khu KT-QP Binh đoàn 16 đạt được gần 12 năm qua đã từng bước phát triển vùng dự án thành một vùng kinh tế trọng điểm, góp phần ổn định dân cư và tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng dự án; tiềm lực và thế trận QP-AN được tăng cường, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới Tổ quốc. Tại Đại hội Đảng bộ Binh đoàn lần thứ 3 (2010-2015), cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắc đã ghi nhận và đánh giá cao thành tích và hiệu quả cả về KT-XH và QP-AN trong thực hiện Dự án của Binh đoàn.

Thiếu tướng NGUYỄN DOÃN NÃO

Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)