QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:15 (GMT+7)
Đẩy mạnh xây dựng chính quy Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, dù trong chiến tranh gian khổ, ác liệt hay trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác xây dựng chính quy Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; coi đó là một trong những nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt, nhằm tăng cường sức mạnh của quân đội.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn mới, ngày 14 tháng 4 năm 1993, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Chỉ thị số 37/CT-ĐUQSTW “Về đẩy mạnh xây dựng chính quy Quân đội nhân dân Việt Nam lên một bước mới”. Chỉ thị nêu rõ: xây dựng chính quy quân đội có nội dung rộng lớn, được thực hiện trong tất cả các ngành, các cấp, các mặt công tác và ở mọi lúc, mọi nơi; được tiến hành với bước đi phù hợp theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào bốn nội dung cơ bản là: nâng cao trình độ thống nhất và chất lượng về trang phục; nâng cao trình độ về lễ tiết tác phong quân nhân; nâng cao trình độ tổ chức thực hiện chức trách, nền nếp, chế độ quy định và nâng cao trình độ quản lý bộ đội, quản lý trang bị.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị trên, những năm qua, các đơn vị trong toàn quân đã tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp trong việc xây dựng chính quy. Tổ chức của quân đội được xây dựng theo hướng “gọn, mạnh”; bảo đảm thống nhất, chính quy, cân đối giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên, giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, giữa các quân chủng, binh chủng. Hệ thống nhà trường quân đội được xây dựng ngày càng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục-đào tạo cán bộ quân đội trong tình hình mới. Nhiệm vụ huấn luyện được đổi mới theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; chương trình, nội dung, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức phương pháp và công tác bảo đảm huấn luyện ngày càng đi vào nền nếp chính quy, thống nhất, góp phần nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của quân đội. Việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo Chỉ thị 917/1999/CT-QP, ngày 22 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến vững chắc trong công tác quản lý bộ đội và duy trì kỷ luật. Hiện nay trong toàn quân, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,3%, trong đó nhiều đơn vị dưới 0,1%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay có 5 đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng không để xảy ra vi phạm kỷ luật, tai nạn trong huấn luyện và khi tham gia giao thông, là: Tổng cục Chính trị, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bệnh viện 175, Viện Y học dân tộc Quân đội; có 29/47 đầu mối đơn vị (chiếm 61,70%) giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật so với 9 tháng đầu năm 2007.

Công tác bảo đảm trang phục của bộ đội tiếp tục được cải tiến, thử nghiệm, đảm bảo chất lượng, kiểu mẫu, màu sắc, chủng loại, tính chính quy. Xây dựng chính quy trong ngành Hậu cần, kỹ thuật được chú trọng, góp phần xây dựng nền nếp, chế độ công tác hậu cần, kỹ thuật theo hướng thống nhất, khoa học, đáp ứng yêu cầu SSCĐ và chiến đấu của quân đội. 

Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về xây dựng chính quy quân đội còn đơn giản, chưa đầy đủ, chưa thấy hết mục đích, yêu cầu, nội dung rộng lớn của công tác này. Việc tổ chức quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chưa thường xuyên. ở một số đơn vị, nhất là các doanh nghiệp quốc phòng, việc thực hiện chế độ, nền nếp quy định chưa thực sự nghiêm túc, chuyển biến chưa vững chắc.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, xây dựng chính quy là một nội dung thường xuyên, quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 37/CT-ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương; Chỉ thị 85/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quy Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tới”; tập trung nâng cao nhận thức cho bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp về vị trí, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ của công tác xây dựng chính quy, làm cho mỗi quân nhân đều thấy rõ xây dựng chính quy là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đơn vị. Xây dựng chính quy quân đội có nội dung rộng lớn, được thực hiện trên mọi mặt hoạt động, ở tất cả các cấp, các ngành, ở mọi nơi, mọi lúc. Đó là sự thống nhất cao về bản chất cách mạng, mục tiêu, ý chí chiến đấu; về quan điểm, tư tưởng, nghệ thuật quân sự, hành động, tác phong chiến đấu; về nguyên tắc tổ chức, biên chế quân đội và tổ chức, phương pháp huấn luyện, giáo dục; về duy trì chế độ, nền nếp công tác, ý thức chấp hành điều lệnh, kỷ luật quân đội, thực hiện cương vị, chức trách quân nhân. Mỗi cán bộ cần nhận thức rõ: xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,  từng bước hiện đại” là một thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp của quân đội. Vì vậy, xây dựng chính quy quân đội đòi hỏi phải vận dụng tổng hợp nhiều biện pháp, được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong mọi hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ; phải tạo chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, xây dựng được tính tự giác, tính tổ chức, kỷ luật và tính thống nhất cao. Trong công tác tổ chức quản lý, chỉ huy đơn vị, từng cơ quan, đơn vị phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận và cá nhân; trên cơ sở đó, xây dựng trách nhiệm cao trong việc thực hiện chức trách quân nhân, chức trách, cương vị đảm nhiệm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo hiệu quả cao, thông suốt trong chỉ huy, quản lý đơn vị; kiên quyết tinh giản hoặc giải thể những tổ chức, bộ phận không cần thiết.

Việc xây dựng chính quy trong huấn luyện phải tiếp tục được triển khai nghiêm túc, đồng bộ trên tất cả các mặt công tác từ chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện đến bảo đảm cơ sở vật chất, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả huấn luyện. Trước hết, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ lệnh, mệnh lệnh, kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện; bởi đó là văn bản mang tính pháp lý, không chỉ nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện mà còn bảo đảm sự thống nhất, chính quy trong triển khai, thực hiện của toàn quân. Cần chú trọng thực hiện chế độ phân cấp trong huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo đúng chức trách, cương vị được giao. Nâng cao tính chính quy trong chỉ đạo, quản lý huấn luyện, diễn tập ở tất cả các cấp, nhất là duy trì chế độ thời gian, kỷ luật thao trường, các quy định về lễ tiết tác phong quân nhân trong huấn luyện. Trong công tác bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện, tính chính quy phải thể hiện từ khâu dự trù, lập kế hoạch, xây dựng định mức, xây dựng thao trường, bãi tập đến công tác quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí huấn luyện...

Cần thấy rõ mục đích của xây dựng chính quy quân đội là tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động của mọi quân nhân “triệu người như một”; làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ và chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, xây dựng chính quy trong công tác SSCĐ phải tạo được sự thống nhất cao về tư tưởng, hành động, tính chính xác trong hiệp đồng, tổ chức kỷ luật nghiêm minh trong mọi hoàn cảnh. Mọi đơn vị, cá nhân phải chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, trực SSCĐ.

Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và phát huy kết quả “Năm Điều lệnh - 2007”, trong thời gian tới, cấp uỷ, người chỉ huy các cấp, các ngành cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau: Một là, nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện điều lệnh; chấp hành nghiêm quy định về chương trình, nội dung huấn luyện điều lệnh đối với từng đối tượng, gắn huấn luyện với chấp hành điều lệnh, rèn luyện kỷ luật. Hai là, thực hiện đúng chức trách, nền nếp, chế độ quy định; nâng cao hiệu quả công tác quản lý bộ đội, thực hiện “Làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh”; phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giải quyết công việc, tạo ra cơ chế điều hành thông suốt, có hiệu quả cao trong mọi hoạt động; duy trì nghiêm túc các chế độ trong ngày, trong tuần. Ba là, tập trung tạo chuyển biến vững chắc về lễ tiết tác phong quân nhân, thực hiện nếp sống chính quy, văn minh quân sự. Nâng cao trình độ thống nhất và chất lượng các trang phục: dự lễ, thường dùng, dã chiến và trang phục nghiệp vụ; bảo đảm mang mặc đúng chế độ, trường hợp sử dụng, đúng cấp hiệu, phù hiệu, đúng màu sắc quân chủng, binh chủng. Bốn là, thực hiện thống nhất, đúng quy định khi tổ chức các nghi lễ quân đội.

Việc xây dựng chính quy trong công tác hậu cần, kỹ thuật cần chú trọng ngay từ khâu xây dựng, củng cố hệ thống doanh trại, kho tàng, bảo đảm sự thống nhất, khoa học; xây dựng cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”. Thực hiện chính quy chế độ, nền nếp quy định trong bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa vũ khí, trang bị hiện có; đồng thời, từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu SSCĐ và xây dựng quân đội chính quy, hiện đại trong tình hình mới.

Để thực hiện nội dung trên, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cần xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đơn vị, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Triển khai toàn diện, nhưng phải xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, từng thời điểm, với biện pháp đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của từng đơn vị, từng quân nhân. Chỉ huy đơn vị phải trực tiếp chủ trì việc chỉ đạo xây dựng chính quy; đội ngũ cán bộ phải là những tấm gương mẫu mực về thực hiện nền nếp chính quy. Quá trình thực hiện cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, do cơ quan tham mưu làm trung tâm điều hành, lập kế hoạch, hướng dẫn xây dựng chính quy. Các học viện, nhà trường, nhất là trường đào tạo sĩ quan phải đi đầu trong rèn luyện chính quy để các học viên khi ra trường thực hiện tốt công tác xây dựng chính quy ở các đơn vị, góp phần xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thiếu tướng Tô Đình Phùng

Cục trưởng Cục Quân huấn

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)