QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 01:16 (GMT+7)
Đẩy mạnh việc kết hợp đánh bắt hải sản xa bờ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài và các vùng biển rộng thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của biển, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm phát triển kinh tế biển; gắn phát triển kinh tế biển với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vừa qua, Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khoá X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển đến năm 2020. Đây là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của biển, vùng ven biển và hải đảo, góp phần tạo thêm thế và lực mới để phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển; là cơ sở, điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghề đánh bắt hải sản phát triển, làm ăn có hiệu quả, trước hết là trực tiếp phát triển kinh tế biển; đồng thời, qua đó tạo cơ sở quan trọng nâng cao sức mạnh và tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) trên biển. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lưu ý là, do điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn, cơ sở vật chất và hệ thống hạ tầng  bảo đảm cho các hoạt động kinh tế trên biển còn nhiều hạn chế,... nên nghề đánh bắt hải sản của nước ta hiện nay cũng chỉ phát triển mạnh ở vùng ven bờ, chưa vươn ra được khơi xa. Điều này tác động lớn đến tiến trình phát triển kinh tế biển và sự nghiệp xây dựng, củng cố thế trận QPTD trên biển.
Thế trận QPTD nói chung và trên biển nói riêng là một nội dung quan trọng của nền quốc phòng, được xây dựng theo hướng toàn dân, toàn diện, vững chắc, ngày càng hiện đại. Việc xây dựng thế trận QPTD trên biển là do toàn dân thực hiện, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt, theo phương châm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh. Thực chất của việc xây dựng thế trận QPTD trên biển là tổ chức, triển khai bố trí có hiệu quả các lực lượng hoạt động trên biển, tạo thế có lợi và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để xử lý các tình huống trên biển trong thời bình cũng như thời chiến. Như vậy, yêu cầu đặt ra là, bên cạnh việc xây dựng và phát triển đủ mạnh, ngày một hiện đại các lực lượng tác chiến chuyên trách, làm nòng cốt trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biển, phải tăng cường được tiềm lực, sức mạnh của toàn dân trên các vùng bờ-biển, mà cụ thể là phải tổ chức cho ngư dân bám biển, khai thác hải sản trên khắp các vùng biển, đảo, nhất là nơi biển xa của đất nước. Vì thế, đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng thế trận QPTD trên biển. Sự có mặt thường xuyên, đông đảo của các đội tàu, của ngư dân trên các vùng biển xa, không chỉ nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên biển, mà còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển. Sự phát triển lớn mạnh của các đội tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta nghiên cứu, xây dựng lực lượng dân quân biển, cả về tổ chức, số lượng và chất lượng. Khi lực lượng lao động trên các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ có nhận thức chính trị tốt, được tổ chức, quản lý một cách chặt chẽ, được đào tạo, huấn luyện đầy đủ theo quy định,... họ sẽ kết hợp có hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; vừa tiến hành các hoạt động sản xuất trên biển, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện, xua đuổi và ngăn chặn sự xâm nhập trái phép của tàu thuyền nước ngoài vào khai thác hải sản trên các vùng biển của ta. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, họ sẽ là một lực lượng đông đảo hỗ trợ, phối hợp, hiệp đồng tác chiến cùng lực lượng chuyên trách chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển.
Chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa to lớn chỉ khi nào chúng ta kết hợp được giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; kết hợp có hiệu quả giữa tổ chức lực lượng đánh bắt hải sản xa bờ với xây dựng thế trận QPTD trên biển.
Để việc kết hợp đánh bắt hải sản xa bờ với xây dựng thế trận QPTD trên biển có hiệu quả, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là phải tăng cường hơn nữa việc quán triệt, giáo dục, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh đánh bắt hải sản xa bờ để các bộ, ngành liên quan, các tỉnh ven biển, các doanh nghiệp thuỷ sản, nhân dân, ngư dân hiểu sâu sắc ý nghĩa quan trọng của việc phát triển kinh tế biển gắn với công tác quốc phòng, an ninh; gắn việc khai thác hải sản xa bờ với xây dựng thế trận QPTD trên biển.
Thời gian qua, do tính đồng bộ về chủ trương ở tầm vĩ mô và tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế nên kết quả việc đánh bắt hải sản xa bờ đạt được chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Thời gian tới, đồng thời với việc đẩy mạnh công tác truyên truyền, cần sớm rút kinh nghiệm để từ đó nghiên cứu đề xuất các biện pháp sát với thực tế của từng địa phương ven biển, các ngành, các doanh nghiệp thuỷ sản; kiên trì và quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đẩy mạnh được tiến trình đánh bắt hải sản xa bờ đã đề ra với xây dựng thế trận QPTD trên biển.  
Trên cơ sở tổ chức có hiệu quả việc đánh bắt hải sản xa bờ, đẩy mạnh việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận QPTD vững chắc trên vùng biển xa. Đây là một mục tiêu quan trọng. Vì nếu không kết hợp có hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh thì thành công trong việc đánh bắt hải sản xa bờ chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế. Việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ có nhiều nội dung cần triển khai, trong đó cần tập trung vào một số nội dung quan trọng, cấp thiết sau:
Trước hết, cần tiếp tục tăng cường chất lượng hệ thống thông tin liên lạc trên biển. Hệ thống thông tin này cần được đầu tư từ nhiều nguồn vốn để trang bị đủ cho các đội tàu, thậm chí đến từng tàu đánh bắt hải sản xa bờ, với trang thiết bị ngày một hiện đại, tiên tiến; được quy hoạch trong một mạng lưới thống nhất trên cả nước, từ Trung ương đến địa phương và các bến cảng, đảo, đội tàu, giữa các lực lượng dân sự và quân sự có liên quan; có độ ổn định cao, cự ly hoạt động xa, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết... Việc này, tại nhiều tỉnh ven biển, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã làm được. Trong việc phòng, chống bão ở các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua, nhờ hệ thống thông tin trên các tàu cá mà nhiều tỉnh ven biển, các doanh nghiệp thuỷ sản đã theo dõi được ngư trường, số lượng các đội tàu hoạt động, khi có bão đã liên lạc, kêu gọi được các tàu thuyền tránh bão. Song qua đó cũng đã bộc lộ những điểm yếu là hệ thống thông tin còn thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, chỉ liên lạc được trong cự ly nhất định và đặc biệt là chưa thống nhất giữa dân sự với quân sự, giữa các tỉnh với nhau, giữa Trung ương với địa phương; vì thế chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất. Gần đây, Bộ Thuỷ sản đã phê duyệt dự án đầu tư 92,4 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Quản lý tàu cá hiện đại. Theo đó, sẽ nâng công suất phát sóng cho 18 đài thuộc hệ thống thông tin hàng hải, lắp đặt 1000 máy thu phát vô tuyến điện, 1500 phao xác định tàu cá bị nạn, 1500 thiết bị định vị vệ tinh tại các trạm kiểm soát tàu thuyền địa phương ở các khu vực cửa sông, cảng cá, bến cá hiện có. Đến tháng 2 năm 2007, Thành phố Đà Nẵng đã trang bị 40 máy Icom cho 40 tổ (đội) đánh bắt cá xa bờ... Đó là những tín hiệu vui, là động thái mới tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển đánh bắt hải sản xa bờ mà ta đang từng bước rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Mặt khác, cần xây dựng và phát triển đồng bộ công tác bảo đảm cho hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ. Trong đó, cần nhanh chóng đưa vào vận hành cùng với việc xây dựng mới các cảng cá, đặc biệt là những cảng trên các tuyến đảo có vai trò quan trọng cho các vùng trọng điểm về khai thác hải sản xa bờ và quốc phòng, an ninh. Xây dựng, nâng cấp và cải tạo các cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và trên các tuyến đảo theo hướng lưỡng dụng, có sự liên kết chặt chẽ trong một hệ thống thống nhất, để vừa bảo đảm phục vụ cho nhu cầu dân sinh, vừa sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết. Các cơ sở này vừa thực hiện các hoạt động dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm trên biển, nơi neo đậu trú bão... phục vụ cho các đội tàu có thể hoạt động dài ngày trên biển xa; đồng thời, cũng sẽ là các cơ sở hậu cần bảo đảm tác chiến trong thế liên hoàn bờ-đảo-tàu của thế trận QPTD.
Xuất phát từ đặc thù hoạt động trên biển xa, tiềm lực, lực lượng trong thế trận QPTD trên biển xa cũng chính là lực lượng ngư dân trên các đội tàu thuyền. Vì vậy, trên cơ sở phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tổ chức lực lượng dân quân biển phù hợp với điều kiện hoạt động của các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Xây dựng các phương án tác chiến, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất trên biển với bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của các lực lượng hoạt động trên biển xa.
Đặc điểm của việc đánh  bắt hải sản xa bờ là các đội tàu đều có sự quản lý, chỉ huy chặt chẽ, mỗi tàu đều có những ngư dân khoẻ mạnh, có kinh nghiệm đi biển, chịu đựng bền bỉ và dẻo dai trước những khó khăn của biển cả và công việc. Trong thời gian không xa, những ngư dân đó được đào tạo tốt, có kiến thức cao. Đó là những điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng dân quân biển mạnh. ở Hải Phòng và một số tỉnh ven biển khác đã có một số hợp tác xã nghề cá tổ chức mỗi tàu là tiểu đội dân quân, mỗi đội tàu là một trung đội dân quân, tham gia rất hiệu quả việc bảo đảm an ninh trên biển cần được nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế mà còn là một trong những biện pháp quan trọng góp phần xây dựng thế trận QPTD trên biển, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Với kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, kết hợp tốt giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, tin rằng chủ trương trên sẽ tiếp tục được thực hiện ngày một hiệu quả hơn, nền kinh tế biển sẽ phát triển, thế trận QPTD trên biển tiếp tục được tăng cường.
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Văn Dung
 
Ý kiến bạn đọc (0)